Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Chỉ huy, bạn bè tưởng nhớ những người nhái đã hy sinh

L.D N.N. PHAN ĐÌNH. LINH
LỜI NGUYỆN
viết về LD NN LÊ VĂN ĐƠN ( Tử trận tại Hoàng Sa)


Tao thật không ngờ cái ngã đầu tiên cũng là cái ngã cuối cùng của cuộc đời mầy !!! Trước khi tạm biệt Quê hương, một quê hương buồn nhiều hơn vui, tao tự hứa sẽ khóc trước mộ mày trong tình chiến hữu, nhưng tao tệ quá, không làm được như đă ấp ủ từ lâu.




Đơn à, mầy hẳn còn nhớ những ngày êm ả buồn tênh ở đồi La Salle Nha-Trang ngày xưa của chúng mình không nhỉ ? Đời Sơ-Tập-Viện. Ngày lại ngày. Rồi lên Kinh-Viện. Tháng nối tháng. Một màu đen của áo chùng thâm và rabbat trắng viền cổ , 19 tuổi đời, mày với tao. Bỏ lại hết. Bỏ lại tất cả của một thời Chủng-Sinh khờ dại. Bỏ lại đằng sau ước mơ làm một Sư-Huynh dòng La Salle chuyên về giáo dục, để vào lính, nhảy vào cuộc chiến đẫm máu huynh đệ tương tàn.

Nha-Trang đó, thành phố đă sinh ra mày và nuôi mày lớn lên theo tiếng rì rào của biển sóng, của những hàng dương xanh ngát. Xanh một màu xanh da trời nhẹ. Xanh như một màu xanh của một người tình yêu biển. Chắc hẵn một phần đời nào đó đă thôi thúc mày chọn nghiệp chướng hải hồ. Tao đă cùng mày tập tễnh trong những ngày học làm lính.Và tao cũng đă liệng cho mày một hòn đất trong nấm mồ mày đã nằm xuống. Miên viễn không bao giờ còn thấy nhau.

Đơn ạ . Mày ra đi sớm quá, bất ngờ quá, 24 tuổi đời, tuổi con cọp. Con thú hoang kiêu hùng của biển xanh đă gục ngã trong trận Hoàng-Sa ngắn ngủi và khốc liệt. Dù sao đi nửa, bây giờ mầy cũng đă yên mồ đẹp mả. Khi xưa mầy yêu biển, mày chọn binh nghiệp biển. Thì bây giờ, biển cũng lại với mầy. Mộ phần mày nằm trong Cù-Lao Ngọc- Thủy , bốn bề là biển xanh và những hàng dừa xanh ngát.

Sau khi tiễn biệt mày về nơi miên viễn, tao đã ở lại nhà mày một đêm. Trong chén rượu chia buồn nữa say nữa tỉnh. Bố mày đã vổ vai tao mà nói :

- Đơn nó đi sớm quá cháu à.. Bác cũng buồn lắm. Nhưng dù sao nó cũng làm tròn bổn phận làm trai thời chiến đó cháu.!

- Dạ thưa Bác.....

A, mà này cháu, cây tốt thì cho quả ngon, cây xấu thì cho trái xấu , đi lính dù thì mau chết. Phải vậy không cháu?

- Dạ thưa Bác , phải....Cháu không chết trận này với nó, thì trận sau sẽ đến phiên cháu, vậy thôi!!???......

Tiếng súng nó đầu tiên hẵn chưa phải là tiếng hải pháo của Chiến Hạm Hải Quân VNCH bắn vào chiến hạm xâm lăng của Trung-Cộng, mà chính là những tràng đại liên của quân xâm lăng TC rưới vào toán Người Nhái đang tràn lên đảo Quang-Hòa.

Bỗng nghe Long Sandwich thốt lên tiếng "ối" rồi lảo đảo như người say rượu bị đụng vào một vật quá rắn. Cảm giác đau nhức chạy rần rật khắp thân hình, Long Sandwich lẩm bẩm vài lời gì đó rồi gục xuống mặt nước cao hơn thắt lưng.

Diệp Lầu ở cách Long khoảng 5 thước nhào tới, cố nâng đầu của Long lên khỏi mặt nước và nói :

+ Long, ráng chịu đựng....Tao đưa mày ra tàu...

Trể rồi, 2 viên đạn vào đầu và bao nhiêu viên đạn nửa ghim vào ngục và hông đã đưa Long về bên kia thế giới.

Cùng lúc đó , bên phải Diệp Lầu, cách đó khoảng 10 thước, Trung Úy Đơn, Trưởng Toán, cũng la lên:

+ " Tao bị rồi".

rồi cũng quặp mình xuống mặt nước. Diệp Lầu phải lựa chọn thật nhanh : Lấy xác Long hay cứu Tr/úy Đơn. Sự lựa chọn đến thật nhanh :

Phải cứu người bị thương trước rồi lấy xác Long sau. Diệp Lau nhào tới Tr/úy Đơn vừa hỏi khẻ :

- Ông thầy có sao không?

- Tao bị nhiều vào ngực và đầu...

- Ông thầy yên tâm, thằng em sẽ đưa ông thầy ra tàu.... Và chẳng cần đợi lệnh của ai, Diệp Lầu ráng kéo Tr/úy Đơn ra xa bờ, bỏ lại xác Long, một hành động đau lòng, vi phạm lời nguyền của người nhái: "Thà chết không bỏ đồng đội" mà trong trường hợp khẩn cấp này, Diệp Lầu không còn cách lựa chọn nào khác.

Khi đă đặt Tr/úy Đơn vào lòng xuồng cao su đổ bộ của Người Nhái, mới biết là Tr/úy Đơn đă chết.

Trên khuôn mặt đẹp trai của Đơn toang hoác một mớ bầy nhầy của óc trộn lẫn máu bầm. Chiếc beret đen nằm lệch qua một bên, thủng một lổ nhỏ.

Đôi mắt trừng trừng nhìn vào khoảng trời xanh vút bao la. Những đám mây trắng như bông vẫn bình thản kéo nhau về vô tận.

Đền xong nợ nước, chắc hồn Đơn đang bay về với vợ con để tạ tội, không làm tròn bổn phận làm cha với đứa con trai mới chào đời.....

Tội nghiệp Long. Nó theo Đơn như hình với bóng. Ngày ra trường ở Mỹ về, đậu thủ khoa, khoa trưởng toán Hải Kích (Navy Seal Team Leader),

Đơn chịu Long Sandwich. Long là dân Bắc kỳ di cư, Công giáo, rất ngoan đạo, rất trung thŕnh, to con và ăn rấttkhỏe. Ngày Long còn được huấn luyện tại Market Time ở Cam-Ranh, mọi ngày Long tiêu thụ tới vài chục cái sandwich, bởi vậy bạn bè mới gắn cho anh cái biệt danh Sandwich.

Tội nghiệp hai thầy trò Đơn và Long, không sanh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng chổ nhưng đă hy sinh vì tổ quốc cùng lúc (Ngày 19 tháng Giêng năm 1974 tại Hải Đảo Hoŕng Sa, giống như lời thề trong Tam Quốc Chí :" Không đồng sanh nhưng thề đồng tử".

Trận chiến xãy ra nhanh quá. Trận đánh chẳng cân sức tí nào? 20 Người nhái dàn hàng ngang đổ bộ giữa ban ngày làm sao chống trả lại cả một tiểu đoàn địch bố trí sẵn sàng với công sự vững chắc.?

Nhiệm vụ Người Nhái là dọn thủy trình và dọn bãi đổ bộ, không đánh trận địa chiến, bởi vì người nhái không được tổ chức, huấn luyện để đánh trận địa chiến.

Tại sao tại chiến trận Hoàng Sa, không dùng người nhái để thám sát, thu thập tin tức tình báo hay đột kích ban đêm mà dùng 20 người nhái dàn hàng ngang đổ bộ giữa ban ngày không khác nào làm bia cho địch thực tập tác xạ !

Ai chịu trách nhiệm về việc xử dụng người nhái sai lầm và tai hại này?

Họ có biết đào tạo một người nhái tốn kém và khó khăn như thế nào không?

Cái khó nhất không phải là tốn kém, mà tìm được người có đủ khả năng hoàn tất khóa huấn luyện Người Nhái.

Ai chịu trách nhiệm xử dụng ngươì nhái như những con thiêu thân?

Còn rất nhiều câu hỏi mà không thấy câu trả lời . Có điều chắc chắn là Người Nhái, một lần nữa , đã bị xử dụng sai lầm và chết oan.....một cách vô ích.!

Tới bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu cuộc đổ bộ chết người của Người Nhái.....để làm gì ?

Với mục đích gì?

Có thật sự cần thiết không?

Nếu cần thiết tại sao hủy bỏ?

Nếu cần thiết, thì có kế hoạch yểm trợ không?

Sao không thấy thi hành?

Tôi không ngờ đánh giặc dể như vậy! Đổ bộ vŕo chổ bố trí của địch mà giống như đi cắm trại. Không cho cắm trại chổ này thể đi chổ khác, không sao cả?

Chỉ tội nghiệp cho những Người Nhái chết oan cho trò chơi vô lý này. Còn Long Sandwich. Còn Tư cô đơn và còn nữa....những người nhái vĩnh viễn nằm lại trên những hòn đảo hoang vu, xa lạ. Quang Hòa, Du Can. Hoàng Sa của nhóm Nguyệt Thiềm quanh năm, bốn mùa lộng gió và rồi vào quên lãng...

Có ai biết chăng ? Còn ai nhớ chăng? Những Người Nhái ra đi khi tuổi chưa tròn 30...Tổ quốc ơi ! Lịch sử ơi! Họ còn rất nhiều ân tình chưa trả, họ còn quá nhiều những món nợ phải đòi.

Trách nhiệm này thuộc về ai ??? Hồn tử sĩ gió ù ù thổi . Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi. Chinh phu, Tử Sĩ mấy người, Nào ai giật mặt , nào ai gọi hồn.....

Đơn thân. Lời nguyền đó đă đeo đẳng tao gần 23 năm. Nó vướng vít, nó lẫn quẫn, nó theo tao như một vết chém vô hình.....

Nắng Sài-Gòn vào tháng 5-75 không đẹp, không hanh vàng, để giai nhân mặc áo lụa Hà-Đông. Nắng chợt nhạt, bạc thếch màu cỏ úa. Màu xanh mẹt của sốt rét rừng với những bộ áo quần dài quân Cộng Sản.

Nắng Sài-Gòn vào tháng này u uất, nghẹn ngào và sùm sụp của một rừng nón cối, của những đôi dép râu, dập hằn sâu và tê tái vào dân thành phố Sài-Gòn.

Lũ chúng tao, những người bất hạnh không nhanh chân theo đồng đội di tản. Lũ chúng tao, lũ lượt , âm thầm, gục mặt , kéo nhau vào trại cải tạo. Để rồi 10 năm sau trở về , nhìn lại cuộc đời với bàn tay trắng, ê chề cho thân phận, và mỉa mai tự hỏi :

Mình đã hy-sinh cho ai?

Mình đã chiến đấu vì ai?

Lũ chúng tao, những thằng đă chết vào năm vừa tròn 25 tuổi những sẽ chọn vào năm 50 tuổi mày ơi.......

Cựu HQ/Tr/úy N.N PHAN ĐÌNH LINH
( Trích hồi ký 10 năm miên viễn) .
Nguồn: Haiquanvietnamconghoa
 ___________

Anh-Hùng BH Nguyễn Văn Vượng

Biệt Hải và Thủy thủ HQ-4 sinh-hoạt chung với nhau rất hòa nhập vui vẻ vì cùng chung tinh-thần chiến đấu diệt giặc Tàu. Toán phó kiêm tiền sát viên Biệt Hải là Nguyễn Châu đã ghi lại như sau:

...Chiếc HQ-4 được lệnh tiếp tục chạy sang hải phận của đảo Quang Hòa (Duncan). Suốt đêm đó, trên tầu đã cho mở nhiều bản nhạc hùng ca, toàn lời hay ý đẹp như để nhắc nhở bổn phận của người lính Hải Quân/QLVNCH phải hết sức giữ gìn lãnh hải và hải đảo Hoàng Sa do tiền nhân để lại, dù có phải hy sinh tánh mạng đã làm nức lòng người nghe, trong đó có toán Biệt Hải chúng tôi.
Khu-Trục-Hạm Trần-Khánh-Dư luôn luôn tưởng nhớ Nguyễn Văn Vượng, người Biệt Hải xung-phong đi tiếp đạn cho sân giữa HQ-4.
Các anh-hùng HQ-4 ra đi trong giờ phút quyết-định mà bức hình này mô tả vô cùng chính-xác.

271/274 编队集中打击4号271 (biên đội 271/274 tập trung đả kích 4 hào hạm...) Hình-ảnh những phút cận-chiến ác-liệt nhất. “Tàu radar” KTH Trần-Khánh-Dư HQ-4 và phân-đoàn Kronstadt 271/274 hải-hành hướng Đông, đang cố gắng triệt-hạ nhau trong khoảng cách không quá 400 yards. Hữu-hạm HQ-4 có K-274 và lái tàu (hướng 7 giờ) có K-271. HQ-4 lãnh tối-thiểu 300 viên đạn lớn nhỏ của kẻ thù (bản báo-cáo còn lưu), nhưng tàu địch 274 trúng thương nặng vì đạn HQ-4, tông vào đảo san-hô. Hình-ảnh được Quân-Ủy Trung-Cộng cho phép lên mạng:http://war.news.163.com/07/0803/15/3KVT172H00011232_2.html

Hồi ức từ một đồng-đội Biệt-Hải của Anh ghi nhân như sau:
Trong lúc 2 bên đang giao tranh dữ dội, quay mặt lại, tôi thoáng thấy Biệt Hải Nguyễn Văn Vượng bị thương khá nặng, đang được anh em dìu vào phía trong. Cuộc hải chiến tiếp tục mãi cho đến 30 phút sau mới chấm dứt.
Khi HQ-4 đang trên đường xuôi Nam thì Biệt Hải Nguyễn Văn Vượng từ trần. Một phần vì vết thương anh quá nặng, phần nữa vì trên tầu thiếu phương tiện và thuốc men cấp cứu nên anh đã vĩnh viễn ra đi, để lại người vợ cưới chưa được bao lâu và đứa con chưa tròn năm tuổi. Cuộc hải chiến hào hùng của các chiến sĩ Hải Quân, các toán Hải Kích Người Nhái và toán Biệt Hải thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Nha Kỹ Thuật tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974 đã nói lên ý chí và sự quyết tâm của người lính QLVNCH, quyết chiến đấu để giữ gìn lãnh hải do Tiền Nhân để lại, không bao giờ sợ hãi trước đoàn quân xâm lăng của Trung Cộng.

Bức hình biểu-tượng nổi tiếng
Trong hàng chục tấm hình vẽ về hải-chiến Hoàng-Sa, có một bức hình nổi tiếng đã trở nên “huyền-thoại”[1] như là một biểu-tượng cho tinh-thần HQVN quyết-thắng trong trận hải-chiến Hoàng-Sa[2].  Đó là hình-ảnh Khu-Trục-hạm Trần-Khánh-Dư HQ.4 đang xung-kích dũng-mãnh. Sân giữa chiến-hạm lửa cháy đỏ ngời, khói đen ngùn-ngụt, mịt mùng bao-phủ khắp nơi, tràn lan xuống cả biển xanh.  Hậu-cảnh bức tranh là tàu địch đang thả khói mù nguỵ-trang. “Phân-cảnh” này được nhiều mạng lưới Trung-Cộng diễn-tả rất chi-tiết như tâm-điểm của trận thư-hùng chính-yếu tại Hoàng-Sa. Một Sĩ Quan, HQ Thiếu-Uy Nguyễn-Phúc-Xá và một Đoàn-Viên, Hạ-Sĩ Vận-Chuyển Nguyễn-Thành-Danh[3] của Khu-Trục-hạm Trần-Khánh-Dư, với sự giúp sức của chiến-sĩ Biệt-Hải Nguyễn-Văn-Vượng; trong khi vừa tác-chiến vừa phải cứu-hoả dập tắt ngọn lửa kẻ thù, cả 3 “vị anh-hùng” đã anh-dũng hy-sinh tại chỗ này. 
 

 Một vài hình-ảnh kỷ-niệm về anh-hùng BH Nguyễn-Văn-Vượng với bạn bè mà thân nhất là anh BH Cai In.



战 场北方,敌人的进攻已基本瓦解,396接海指命令,全速南下,与271编队集中打击4号 (chiến tràng bắc phương,địch nhân đích tiến công dĩ cơ bổn ngõa giải,396 tiếp hải chỉ mệnh lệnh,toàn tốc nam hạ,dữ 271 biên đội tập trung đả kích 4 hào...)
Hình-ảnh những phút cuối cùng của trận hải-chiến. “Tàu radar” KTH Trần-Khánh-Dư HQ-4 đang một mình tả-xung hữu-kích giữa Hạm-Đội Trung-Cộng: 271/274/396 “tập-trung cận-xạ”. Bài viết trích đăng Hồi-ký của Tổng Chỉ-Huy TC Nguỵ-Minh-Sâm được Quân-Ủy Trung-Cộng cho phép lên mạng:http://war.news.163.com/07/0803/15/3KVT172H00011232_2.html.[22]
Sau những loạt trao-đổi hải-pháo cuối cùng này với HQ-4, toàn thể lực-lượng Trung-Cộng bị tê-liệt. Tìm trong tài-liệu TC không thấy hình-ảnh các chiến-hạm HQ-5 & HQ-16 khi hải-chiến.
Kronstadt phía 12 giờ của HQ-4 được "cách điệu lố lăng", thực sự thì mũi tàu đã trên san-hô, súng 85 ly tàu này hướng lên đảo không còn bắn được về phía HQ-4 nữa! Tất cả tàu bạn HQVN đã rút từ lâu, HQ-4 bơ vơ tác-chiến một mình; HT vẽ đường về Đà-Nẵng.

***

Giữa lòng chúng ta có thể có Việt-gian cho bọn Tàu, HQ-4 bị nhiều lời dèm pha, thóa mạ, phủ nhận chiến công.

Mỗi lần xem lại lá thư của HQ Đại Tá Nguyễn Viết Tân, Tư Lệnh Biệt Hải (khi bị bạo bệnh, được VC thả khỏi trại tù, đã qua đời ngay khi vừa về đến nhà), chúng tôi còn xúc động:
 Nghìn năm ghi ơn tình người chiến binh & Căm thù quân phản bội xương máu, mồ hôi, nước mắt công lao HQ-4 cùng Biệt-Hải!
 

[1] Vì một lý-do kỹ-thuật ngẫu-nhiên nào đó bức hình nguyên thuỷ bị lật lại, hữu-hạm thành tả-hạm (thực tế, hữu-hạm loại Khu-Trục-Hạm DER có cần trục và chiếc cano dùng đi bờ…). 
[2] Hình vẽ khá lớn choán gần hết hai trang báo 28 & 29 của Đặc-san Hội Cựu Quân Nhân Hải-Quân Việt-Nam Số Đặc-biệt Hoàng-Sa”, phát-hành tại Sài Gòn tháng 6-1974.
[3] Hình-ảnh HQ Thiếu-Uý Nguyễn-Phúc-Xá, trưởng khẩu và Hạ Sĩ /Vận-Chuyển Nguyễn Thành Danh, xạ-thủ đại-bác 20 ly, cùng Biệt-Hải Vượng mập mờ ẩn-hiện trong cảnh lửa khói tràn lan, dũng mãnh xông pha cứu hoả giữa làn lưới đạn kẻ thù… mãi-mãi sống trong lòng kính-phục của toàn-thể thủy-thủ-đoàn, đồng-đội HQ.4 của các anh . Vũ Hữu San

Nguồn: Luotsong

___________

Tham khảo thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét