Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Mỹ đang thách thức yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở QĐ Hoàng Sa

FB Song Phan
30-1-2016
Ngày 30/1/2016 nhiều báo (chẳng hạn như CNN: Hải quân Mỹ phái tàu chạy gần đảo tranh chấp ở Biển Đông – Xem bản dịch cuối bài) cho biết, Mỹ đã cho tàu khu trục tên lửa điều khiển lớp Arleigh Burke chạy trong vòng 12 hải lí đảo Tri Tôn. Bộ Quốc Phòng cho biết, hoạt động này của Mỹ là để thách thức các yêu sách quá đáng của các nước có yêu sách ở đây.
Theo những gì tôi biết, tới giờ thì chỉ có TQ yêu sách quá đáng (vẽ đường cơ sở cho cả quần đảo mà theo UNCLOS chỉ nước quần đảo như Philippines hay Indonesia… mới có thể làm việc này, trên cở sở đó yêu sách lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế EEZ dưa theo đường cơ sở đó) và đảo Tri Tôn có nhiều khả năng là một đảo đá (tức có thể có lãnh hải 12 hải lý, không có EEZ…). Do đó, nếu Mỹ theo đúng lập trường, không đứng bên nào về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông và tôn trọng UNCLOS thì khi chạy vào khu vực 12 hải lý của Tri Tôn, phải theo chế độ ‘đi qua vô hại’ (tắt radar, không cho trực thăng bay lên…).
Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng cho biết là không báo cho các nước liên quan biết về hoạt động này. Điều đó có nghĩa là họ cũng thách thức quy định phải ‘báo trước’ (trái với UNCLOS) của Tàu.
Để mọi người dễ theo dõi, xin post lên bản đồ khu vực quần đảo Hoàng Sa, có vẽ luôn đường cơ sở quần đảo HS (theo quy định của Tàu) và lãnh hãi 12 hải lý tính từ đường cơ sở này. Tôi cũng vẽ thêm lãnh hải của Tri Tôn.
Nếu Mĩ chơi ‘ngon’ như báo chí nói (thách thức yêu sách quá đáng của Trung Quốc) thì cho tàu chạy theo đường đỏ (như tôi vẽ trên bản đồ) đến đoan AB (thuộc lãnh hải của Tri Tôn) thì chuyển sang chế độ đi qua vô hại, hoặc chay theo một lô trình tương tự vậy. Khi đó Mỹ vừa thách thức yêu sách quá đáng của Tàu vừa thách thức quy định phải báo trước.
Lưu ý, đường đỏ chỉ là lộ trình giả định do tôi vẽ để minh hoạ thôi chứ chưa biết tàu Mỹ thực tế chạy theo đường nào.
* Tôi có chỉnh bản đồ lại một tí và xin giải thích thêm:
– Chạy trong đoạn CA hay BD là thách thức lãnh hải quá đáng (tính từ đường cơ sở không hợp lệ).
– Chạy trong đoạn AE, tức trong nội hải (phần bên trong đường cơ sở [không hợp pháp]) nên dù theo chế độ gì cũng là thách thức nội hải bất hợp pháp (nội hải có tính chất như lãnh thổ đất liền).
– Chay trong đoạn EB chỉ thách thức đòi hỏi ‘báo trước’ và phải chạy ở chế độ ‘đi qua vô hại’ nếu tôn trọng UNCLOS.

H1Ảnh: FB Song Phan
____
CNN

Hải quân Mỹ phái tàu chạy gần đảo tranh chấp ở Biển Đông

Tác giả: Barbara StarrJoshua Berlinger
Dịch giả: Song Phan
30-1-2016
© Mapbox © OpenStreetMap
© Mapbox © OpenStreetMap
Hải quân Mỹ đã phái một tàu chạy gần một hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông vào ngày thứ Bảy để thách thức “yêu sách biển quá mức làm hạn chế các quyền và sự tự do của Hoa Kỳ và những nước khác”, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với CNN.
Trung tá Bill Urban nói “Hoạt động này nhằm thách thức các nỗ lực của ba bên tranh chấp, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, hạn chế các quyền và sự tự do đi lại xung quanh các thể địa lý mà họ yêu sách qua chủ trương đòi hỏi có sự cho phép hoặc thông báo trước việc di chuyển ngang qua lãnh hải”.
“Hoạt động này chứng tỏ, như Tổng thống Obama và Ngoại trưởng [Ash] Carter đã tuyên bố, Mỹ sẽ cho tàu, máy bay di chuyển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Điều đó là đúng ở Biển Đông, cũng như ở những nơi khác trên toàn cầu”.
Chiến hạm USS Curtis Wilbur, một tàu khu trục tên lửa có điều khiển thuộc lớp Arleigh Burke, đã chạy trong vòng 12 hải lý của đảo Tri Tôn, một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa – một quần đảo mà ba bên nói trên đang tranh chấp.
Không bên nào trong các nước kể trên được thông báo về hành động này.
Urban nói “Hoạt động này thách thức các yêu sách biển quá mức, làm hạn chế các quyền và sự tự do của Hoa Kỳ và những nước khác, chứ không phải về các yêu sách chủ quyền đối với với các thể địa lý. Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong các bên có yêu sách chủ quyền đối với các thể địa lý hình thành tự nhiên ở Biển Đông. Hoa Kỳ giữ một lập trường mạnh mẽ đối với việc bảo vệ các quyền, sự tự do, và việc sử dụng hợp pháp các vùng biển và vùng trời được bảo đảm cho tất cả các nước, và rằng tất cả các yêu sách biển phải tuân theo luật pháp quốc tế”.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án các hành động này.
Bà Hoa Xuân Oánh nói “Tàu hải quân Hoa Kỳ đã vi phạm luật pháp Trung Quốc khi đi vào lãnh hải của Trung Quốc. Trung Quốc đã theo dõi sự di chuyển của tàu này và đã đưa ra các thông báo miệng theo pháp luật. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ phải tôn trọng và tuân thủ các luật lệ có liên quan của Trung Quốc, và làm nhiều hơn nữa để cải thiện sự tin tưởng lẫn nhau cũng như hòa bình và ổn định khu vực”.
Ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói với Christiane Amanpour của CNN rằng các hoạt động này là “một sự khiêu khích nghiêm trọng về chính trị và về quân sự”.
Và một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Dương Vũ Quân nói, hành động hôm thứ Bảy và những hành động tương tự như vậy là “rất thiếu chuyên nghiệp và vô trách nhiệm về mặt an toàn cho binh sĩ của cả hai bên”.
Ông Quân nói: “Nó có thể gây ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm. Dù hành động khiêu khích mà Hoa Kỳ thực hiện là gì đi nữa, quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh”.
Hoa Kỳ đã tiến hành một hoạt động tương tự hồi tháng 10. Trung Quốc nói rằng họ đã cảnh báo tàu chiến đó, tàu USS Lassen, khi nó đến gần rạn đá do Trung Quốc yêu sách trong vùng biển tranh chấp.
Phần lớn Biển Đông là đối tượng của một loạt các tranh chấp lãnh thổ giữa các nước châu Á.
Và trong quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh gọi là quần đảo Nam Sa, Trung Quốc đã xây dựng một đảo nhân tạo với đường băng mà các nhà phân tích tin rằng sẽ có thể phục vụ cho các máy bay ném bom.
Steven Jiang của CNN đóng góp cho bài báo này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét