Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

3 Hình tội Chiến tranh xâm lược của Trung quốc đối với nhân dân Việt Nam


Tuyên cáo về các Nguyên tắc Luật Quốc tế về Liên hệ Hữu nghị và Hợp tác giữa các Quốc gia theo đúng Hiến chương Liên hợp quốc (“Tuyên cáo”) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 17 tháng 10 năm 1970 quy định “Nguyên tắc rằng mọi Quốc gia, trong các liên hệ quốc tế, tự kiềm chế không dùng hăm dọa hay sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn chủ quyền hoặc độc lập chính trị của bất kỳ Quốc gia nào hoặc dưới bất kỳ hình thức nào trái ngược với các mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc.”
Bản Tuyên cáo tuyên bố:
“Chiến tranh xâm lược cấu thành hình tội chống hòa bình, do đó phải chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc tế.”
“Mỗi Quốc gia đều có nhiệm vụ tự kiềm chế không dùng hăm dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các ranh giới quốc tế đang hiện hữu của một Quốc gia khác hoặc như là một phương pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả các tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề liên hệ đến các vùng biên giới của các Quốc gia.”
Bản tuyên cáo “tuyên bố thêm rằng: Các nguyên tắc của Hiến chương bao gồm trong Tuyên cáo này cấu thành các nguyên tắc căn bản của luật quốc tế.”
(Hình tội chiến tranh xâm lược được Đại hội đồng Liên hợp quốc điều chỉnh thêm với định nghĩa “xâm lược” trong Nghị quyết 3314 ngày 14 tháng 12 năm 1974, và Tu chính án cho Đạo luật Rome của Tòa Hình sự Quốc tế ngày 11 tháng 6 năm 2010 thêm “hình tội xâm lược” vào Đạo luật Rome).
Tuy nhiên, hoàn toàn gạt bỏ hình luật quốc tế ra ngoài, Trung quốc trắng trợn vi phạm 3 hình tội chiến tranh xâm lược đối với Việt Nam năm 1974, 1979 và 1988.
 1. Hình tội xâm lược đầu tiên của Trung quốc: Chiến tranh Hoàng Sa 1974
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Hải quân của Cộng hòa Nhân dân Trung hoa (“Hải quân Trung quốc”) tấn công Hải Quân của Việt Nam Cộng hòa (“Hải quân VNCH”), lực lượng đang nắm giữ Hoàng sa cho nước Việt Nam thể theo các thỏa thuận tại Hội nghị Geneva 1954. Phần nửa của quần đảo Hoàng Sa phía tây nam dưới sự kiểm soát của Việt Nam có tên là nhóm Nguyệt Thiềm. Nửa đông bắc là nhóm An Vĩnh, trên đó Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền, nhưng bị Trung quốc chiếm đóng từ năm 1956.
Hải quân Trung quốc thắng Hải quân VNCH, giết 74 chiến sĩ VNCH và chiếm nhóm Nguyệt Thiềm, với hậu quả là Trung quốc chiếm đóng toàn quần đảo Hoàng Sa từ đó cho đến nay.
Dù cho mỗi bên có những tuyên bố chủ quyền như thế nào, sử dụng vũ lực quân sự để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, giết người và chiếm lãnh thổ của một Quốc gia khác, là hình tội xâm lược đối với hình luật quốc tế.
Bản Tuyên cáo quy định:
“Lãnh thổ của một Quốc gia không thể là đối tượng của chiếm đóng quân sự, hậu quả của sử dụng vũ lực ngược với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một Quốc gia không thể là đối tượng chiếm giữ của một Quốc gia khác, hậu quả của hăm dọa hay sử dụng vũ lực. Không việc chiếm giữ lãnh thổ nào bằng hăm dọa hay sử dụng vũ lực được thừa nhận là hợp pháp.”
Không việc chiếm giữ lãnh thổ nào, hậu quả của việc sử dụng vũ lực của Trung quốc, được thừa nhận là hợp pháp bởi bất kỳ tòa án nào của thế giới, bất kỳ tổ chức quốc tế nào của thế giới, hoặc bất kỳ Quốc gia nào của thế giới. Sẽ không bao giờ có được sự thừa nhận quốc tế nào đối với tuyên bố chủ quyền của Trung quốc trên nhóm Nguyệt Thiềm của quần đảo Hoàng Sa, nếu không là trên toàn quần đảo Hoàng Sa.

2. Hình tội Chiến tranh xâm lược thứ hai của Trung quốc: Xâm lược biên giới 1979 và các tấn công biên giới trong thập niên sau đó
Ngay sau khi quân đội Việt Nam vào Campuchia ngày 23 tháng 12 năm 1978 để giải cứu dân số đã bị tàn sát cực độ của Campuchia khỏi bàn tay của chế độ giệt chủng Khmer Đỏ, Trung quốc quyết định “dạy Việt Nam một bài học” (chỉ vì Trung quốc ủng hộ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ), bằng cách chuyển 120 nghìn quân và hàng trăm xe tăng và máy bay vượt qua biên giới phía bắc tiến vào Việt Nam. Cho đến ngày 6 tháng 3 năm 1979 khi Trung quốc rút quân khỏi Việt Nam, khoảng 10 nghìn người Việt Nam đã bị các lực lượng xâm lăng của Trung quốc giết.
Dù đã rút về, các lực lượng quân sự Trung quốc tiếp tục tấn công vào biên giới phía bắc Việt Nam trong suốt thập niên sau đó, gây ra hàng trăm cái chết mỗi năm, cho đến sau cuộc thảm sát Trường Sa năm 1988 và đến tận đầu thập niên 1990.
Năm năm trước cuộc chiến xâm lược 1979, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã điều chỉnh thêm định nghĩa của hình tội xâm lược bằng Nghị quyết 3314, ngày 14 tháng 12 năm 1974, quy định:
“Xâm lược là việc sử dụng vũ lực quân sự bởi một Quốc gia chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của một Quốc gia khác, hoặc dưới bất kỳ hình thức nào ngược lại với Hiến chương Liên hợp quốc”
“Hành vi xâm lược là việc xâm lấn hay tấn công bằng các lực lượng vũ trang của một Quốc gia đối với lãnh thổ của một Quốc gia khác, hay bất kỳ chiếm đóng quân sự nào, dù tạm thời đến đâu, mà là hậu quả của việc xâm lấn hay tấn công đó, hoặc bất kỳ việc sát nhập lãnh thổ nào của một Quốc gia khác bằng cách sử dụng vũ lực.”
Cuộc chiến xâm lược của Trung quốc năm 1979 để hỗ trợ một trong những chế độ diệt chủng hàng đầu của thế kỷ 20, và để tấn công Việt Nam trong khi Việt Nam đang làm nhiệm vụ nhân đạo quốc tế để giải cứu dân số đã bị tàn sát cực độ của Campuchia khỏi những cánh đồng giết người của Khmer Đỏ, thật là kinh hoàng cho lương tâm con người và cho ý thức về công lý và nhân phẩm của mọi công dân và mọi quốc gia của thế giới đến nỗi từ ngữ không thể diễn tả đủ. Cuộc chiến xâm lược 1979 của Trung quốc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam là một hành động hình tội vào mức độ cao nhất.
Trung quốc phải chịu trách nhiệm cho cái chết của mười nghìn người Việt trong cuộc chiến xâm lược 1979 và trong những cuộc tấn công biên giới trong thập niên sau đó.
 
3. Hình tội Chiến tranh xâm lược thứ ba của Trung quốc: Cuộc thảm sát Trường Sa 1988

Đây không là một cuộc chiến, mà là một cuộc thảm sát của một tổ chức tội phạm giết người cao cấp nhất. Một video ghi lại các sự kiện thật tại Johnson South Reaf, trong vùng Trường Sa, vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, do Hải quân Trung quốc ghi lại ngày đó, cho thấy một lực lượng lớn của Hải quân Trung quốc với hỏa lực rất mạnh đơn giản là bắn và làm chìm hai tàu vận tài không súng ống, và làm hư hại một tàu vận tải khác không súng ống, và thảm sát những chiến sĩ mang vũ khí nhẹ bảo vệ các tàu này, giết chết 64 chiến sĩ và chiếm 6 nơi đầu tiên ở Trường Sa.
Đây không phải là chiến tranh hay chiến trận. Đây đơn giản là thảm sát. Các bạn vui lòng dành vài phút xem video này để thấy sự thật tận mắt.


“Không việc chiếm giữ lãnh thổ nào bằng hăm dọa hay sử dụng vũ lực được thừa nhận là hợp pháp.”
Tất cả những nơi chiếm đóng của Trung quốc ở Trường Sa là của cướp từ hành động hình tội và không thể được thừa nhận bởi Liên hợp quốc, bất kỳ tổ chức quốc tế nào, hoặc bất kỳ Quốc gia nào.

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố: “Chiến tranh xâm lược cấu thành hình tội chống hòa bình, do đó phải chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc tế.”
Trung quốc đã thường xuyên thực hiện các hành động hình tội như thế, và ngày nay vẫn tiếp tục dùng vũ lực quân sự để giành đất ở Biển Đông, thường xuyên đặt hòa bình thế giới vào tình trạng có thể vỡ vụn.
Qua tất cả mọi chuyện này, thế giới hình như quên mất là có hình luật trong sách luật của thế giới và không ai bắt Trung quốc phải trả giá cho tác phong tội phạm của họ.
Tuy nhiên, thế giới không nên là nơi phi pháp và trật tự tốt của thế giới mà nhiều công dân và Quốc gia của thế giới đã làm việc cực khổ để xây đựng qua nhiều thập niên khó khăn không nên để bị mất theo ý muốn của một người điên kiêu căng.
Chúng tôi đang yêu cầu mọi công dân và chính phủ của thế giới bắt buộc Trung quốc phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại mà các hoạt động hình tội của họ đã tạo ra cho nhân dân Việt Nam vì 3 hình tội chiến tranh xâm lược này.
Chúng tôi cũng sẽ nói đến những hình tội xâm lược của Trung quốc đối với những dân tộc khác trên thế giới.
Chúng tôi sẽ làm chắc rằng hình luật quốc tế hoạt động để bắt Trung quốc chịu trách nhiệm, trả giá cho các hình tội của họ, và có tác phong của một công dân tuân thủ luật pháp của thế giới.
Chúng tôi tuyệt đối chắc chắn mọi công dân và chính phủ của thế giới sẽ hỗ trợ lời chúng tôi kêu gọi gìn giữ luật lệ và trật tự thế giới.

Trần Đình Hoành
Washington DC, Mỹ
Ngày 5 tháng 8 năm 2014
(Tác giả là luật sư tranh tụng tại Washington DC. Tác giả tư vấn cho một số chính phủ về các vấn đề pháp lý và chính trị quốc tế, và là người thành lập UNCLOSforum.com)

Xem thêm: Bản tiếng Anh
Nguồn: Unclosforum.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét