Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Tường thuật của Tổ khí tượng (1956-1974)

TP - Tôi gặp họ một chiều hè, bên biển Đà Nẵng, một trong sáu bãi biển đẹp nhất thế giới và nói về biển, về một mảnh đất của Việt Nam. Đó là Hoàng Sa - nơi họ gắn bó một phần đời khi còn rất trẻ.
Ông Nguyễn Giáo đang đo nhiệt độ, độ ẩm tại lều máy trạm Khí tượng Hoàng Sa
Ông Nguyễn Văn Cúc, ông Ngô Tấn Phát, Tạ Hồng Tấn, Võ Như Dân, những mái tóc như sóng bạc đầu. Họ học nhiều nơi khác nhau, công việc cũng khác nhau.
Ông Ngô Tấn Phát học khí tượng ở Tân Sơn Hòa, Sài Gòn. Ông Tạ Hồng Tấn học ở Cát Bi, Hải Phòng. Ông Võ Như Dân là công nhân chế hơi được đào tạo tại Nha Khí tượng Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Cúc là công binh kiến tạo, ra Hoàng Sa với nhiệm vụ lấy mẫu đất để nghiên cứu xây dựng sân bay. Nhiệm vụ và thời gian khác nhau nhưng Hoàng Sa in đậm trong tim họ.
Họ nhớ như in, đảo chính hình hột xoài, dài khoảng 3 km, rộng 2 km. Bốn góc đảo có bốn lô cốt, tường rất dày. Phía Bắc bãi biển cạn, có nhiều rạn san hô rất đẹp, khi triều xuống lộ ra một bãi dài, đủ màu xanh nhạt, trắng ngà, hồng.
Phía nam đảo có miếu Bà, rộng hơn 4m, chiều sâu chừng 3m có chuông mõ, sách kinh. Gần miếu có tảng đá chồm ra biển như một hàm ếch lớn. Chiều chiều cá về chầu rất nhiều, mọi người ngồi trên bờ xem chúng bơi lội.

Ngoài đảo chính, Hoàng Sa có nhiều đảo nhỏ, nằm phía đông. Dựa vào hình dáng hoặc tính chất mà có tên đảo Cây, đảo Hòn Đá, đảo Nam... còn gọi Tree Island, Pattle Island (Hoàng Sa), Phú Lâm là Ile Boiseé hoặc Woody Island (nhiều cây)...
Cá rất nhiều, đeo kính lặn xuống sâu một chút là được lượn lờ cùng chúng. Dưới nền các ngôi nhà là hầm chứa nước mưa, đủ dùng quanh năm. Tàu thuyền qua lại thường ghé xin.
Trạm khí tượng Hoàng Sa (lúc đó gọi Ty Khí tượng Hoàng Sa) ở 111,37 độ kinh độ đông, 16,33 độ vĩ độ bắc. Mã số phát báo số liệu quốc tế của trạm là 48860. Mỗi ngày đo 8 obs (kỳ quan trắc) gồm gió, mưa, mây, nắng, nhiệt độ nước biển, độ ẩm, khí áp... thả bóng thám không hai lần: 6 giờ sáng và 12 giờ trưa.
Hướng và tốc độ gió được tính trên bàn phân toán (loại bàn tròn có mặt mi-ca vẽ tọa độ phương, tâm cố định mặt bàn) rồi thảo mã điện gửi cùng obs Synop 7 giờ và 13 giờ (0 và 7 giờ Greenwych). Số liệu phát báo bằng moọc (morse) vào Nha Khí tượng Sài Gòn để dự báo thời tiết. Về sau phát báo bằng đàm thoại vô tuyến.
Nguồn cung cấp điện là máy phát chạy xăng. Với các yếu tố đo đạc, mã trạm, chế độ quan trắc và phát báo số liệu thì trạm khí tượng Hoàng Sa là trạm hạng A, phục vụ dự báo thời tiết của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).
Mỗi kỳ ở đảo ba tháng. Khi ra, họ mang gạo, đậu xanh, nếp, khoai tây đóng thành thùng. Khoai đổ xuống đất để được lâu, khi ăn chọn củ héo ăn trước. Trẻ, khỏe, chưa có gia đình nên ông Phát đi luôn hai kỳ, tháng 3 đến tháng 9 năm 1959.
Ông nói: “Mang ra hơn 40 con vịt, mỗi con hơn ký. Vài ngày làm một con. Còn băm cá, bắt ốc cho ăn, con nào con nấy ú nu. Sáng nào cũng được năm, bảy trứng. Đu đủ quả to lắm, do đất bùn và phân chim tích tụ lâu năm. Rau, bí đỏ xanh mướt, như trang trại vậy.
Cá nhiều lắm, tui không có kinh nghiệm nhưng chỉ vác câu đi một chút là được cả xâu. Đi hai kỳ nhưng tui chỉ gặp bão xa một lần. Chim vào tránh bão, đậu lên cả dây phơi, màn, chiếu. Tui vuốt ve, chúng cứ đứng yên, khô cánh mới bay.
Thuyền ngư dân vào trú bão rất nhiều. Ngày ấy chỉ có thuyền buồm chứ chưa chạy máy như bây giờ, nên có lúc hàng trăm chiếc đậu, nhấp nhô quanh đảo, đẹp lạ thường. Nhưng tôi mê nhất là nước biển Hoàng Sa. Đứng ở cầu tàu nhìn ra, nước chia từng lớp, gần bờ màu xanh dương, ra mí sóng xanh đậm rồi đậm hơn, theo tầng đáy, bốn năm lớp, đẹp lắm”.
Ông Tạ Hồng Tấn cũng là quan trắc viên, ra Hoàng Sa lần đầu năm 1963. Những năm sau ông cũng đi. Lần cuối là năm 1974 rồi bị lính Trung Quốc bắt. Ông nói Hoàng Sa đẹp lắm. Bão đến, mưa gió như muốn nhấn chìm nhưng rồi mây tan mưa tạnh đảo lại càng đẹp.
Ông Võ Như Dân làm nhiệm vụ chế hơi bơm bóng Pi-lô. Với một lượng xút, phe-rô và nước tương ứng cho vào bình từ hôm trước, hôm sau bơm thả. Xong việc, ông trồng rau, câu cá bắt ốc chế biến cho anh em.
Ông nói ốc tai tượng to như cái bát luộc trộn rất ngon nhưng ngon nhất là ốc sừng (còn gọi ốc gân). Gọi ốc sừng vì nó có cái vòi vươn ra để di chuyển, trông như cái sừng. Sau khi luộc rút sừng chấm nước mắm gừng rất ngon.
Ốc hoa to, vân màu rất đẹp, khi về ai cũng mang theo để trưng tủ chè, làm gạt tàn thuốc, chặn giấy. Từ năm 1956 cho đến năm 1969, năm nào ông cũng đi Hoàng Sa, có năm hai lần. Những lúc không làm ca các ông chơi cờ tướng, lấy đinh khắc tên và tháng ngày ra Hoàng Sa lên đá hay theo thuyền cao su của lính địa phương quân đi tuần tra các đảo nhỏ.
Các đảo này rất nhiều chim. Chúng rất dạn, người đến sát bên mới bay. Chúng đẻ trứng ngay trên đất, nhiều như sỏi. Phân chim rất nhiều. Thỉnh thoảng những người ở đồn điền của bà Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu ra lấy phân chim và san hô khô về xay bón cây.
Ông Nguyễn Nhự ở Hòa Tiến, huyện Hòa Vang ra Hoàng Sa ba lần (năm 1969, 1970, 1972) nay đã 83 tuổi. Tôi đến đúng lúc thôn Bắc An của ông đang tổ chức kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ. Trưởng thôn, chủ tịch mặt trận và hội phụ nữ đang dâng bông trái lên mặt tủ đặt giữa nhà văn hóa thôn.
Mâm cỗ đạm bạc, lọ bông trang rừng, nải chuối cau vàng ươm, đĩa thịt vịt và mì Quảng. Trong cái ly cát nhỏ, mấy điếu thuốc đang tỏa khói. Ông Nhự chủ lễ dâng hương khấn vái. Chúng tôi đứng lặng tưởng niệm hương linh những người đã vong thân vì nước.
Ông Nguyễn Giáo trước phòng làm việc của trạm Khí tượng Hoàng Sa
Trong làn khói hương trầm, ông Nhự nhỏ nhẹ: “Tui rành từng khối đá, từng góc đảo. Trên đảo có một cây mù u. Trước nhà trạm có cây phượng, mùa hè trổ bông đẹp lắm. Có hai cây mít, quả rất ngon. Có một loại cây giống đu đủ tía nhưng rất chắc, cành nhỏ bằng cổ tay con nít đeo bao gạo 50 ký vẫn không gãy. Tro loại cây này rất ít và mịn, mấy tháng mới được một mớ nhỏ, đóng cứng như gạch! Cá, ốc, cua, hải sâm nhiều lắm...”.
Đang miên man, bỗng ông Nhự chỉ trưởng thôn nói “ông già Hai Hoanh cũng đi Hoàng Sa đó”. Anh Hoanh cho biết: Có mấy bức ảnh cha anh chụp ở Hoàng Sa.
Rồi anh về lấy đưa cho tôi ba bức ảnh nói: “Tôi giữ cẩn thận lắm. Cô là người đầu tiên thấy đó. Không chỉ tôi mà ông Nhự cũng bất ngờ. Đó là bức ảnh ông Nguyễn Giáo (còn có tên Huýnh) đang đứng trước lều quan trắc khí tượng, tay cầm quyển sổ, tay cây bút.
Nắng chan hòa. Đội mũ lưỡi trai vẫn rất rõ nét mặt. Cánh cửa lều khí tượng mở rộng, thấy rõ cả máy đo. Ông Nhự giọng run run: “Đúng rồi, máy đo nhiệt độ, độ ẩm đây, phòng làm việc đây. Cây phượng đây, hoa đẹp lắm”.
Ông chỉ gốc cây bên bậc tam cấp: “Chỗ này có cái ghế, tụi tôi làm bằng bìa ghi sắt quân đội để ngồi chơi, đánh cờ”. Ông chỉ gốc cây nhỏ bên hiên nhà bảo: “Cạnh cây dương liễu này là bồn nước...”.
Ông nhìn bức ảnh ông Giáo đứng trước nhà làm việc, trên cửa có dòng chữ TY KHÍ TƯỢNG và ảnh hai người lính đứng trên bãi cát, phía sau biển mênh mông.
Ông Phát, ông Dân cũng rất xúc động khi nhìn những tấm ảnh. Trạm Khí tượng Hoàng Sa đây, bể nước đây... Lội biển về là tụi tui đứng đây dội nước ào ào. Nhiều bữa mấy anh lính cũng sang đây tắm...
Ông Cúc trầm ngâm: “Ra đảo nhiều lần, biển trời Hoàng Sa tinh khiết như chưng lọc. Tháng 1/1974 ông đi với một kỹ sư Mỹ, lấy mẫu đất về nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng sân bay. Ông lấy ba nơi, đầu, giữa và cuối đảo. Lên tàu trở về thì bị tàu Trung Quốc chặn đánh.
Là lính công binh kiến tạo, chỉ đi xây dựng cầu đường, sân bay nên trưởng tàu ra lệnh ông và viên kỹ sư người Mỹ phải trở lại đảo. 12 giờ đêm các ông xuống bo bo với chiếc máy truyền tin C25 và chỉ được tàu dọi đèn pha hướng về đảo một lần với lệnh “Đi thẳng”.
Bơi tay vào đến nơi gần 5 giờ sáng nhưng phải rất lâu hai người mới lên được đài quan sát. Đứng trên đài quan sát ông thấy tàu Trần Khánh Dư và tàu Lý Thường Kiệt đánh trả quyết liệt nhưng lực lượng mỏng quá.
Tàu Trần Khánh Dư bị trúng đạn, nghiêng một bên rồi chìm. Đến 10 giờ sáng thì đảo bị chiếm hoàn toàn. Ông nhảy ra khỏi đài quan sát, nấp vào bụi cây rồi bị bắt.
Tháng 3/1974 được trao trả qua ngả Hồng Kông, ông nhói tim khi qua Hoàng Sa. Quần đảo dưới cánh máy bay tươi đẹp vậy mà dang dở một kế hoạch xây dựng.
Chúng tôi lặng đi. Hoàng Sa, nơi những con dân nước Việt đã cống hiến sức lực và khắc ghi họ tên vẫn sâu thẳm trong mỗi trái tim. Hoàng Sa là của Việt Nam. Đó là điều không có gì thay đổi được. 

Một thời trai trẻ ở Hoàng Sa
TT - Chiều 11-12, UBND huyện đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng tổ chức một cuộc gặp gỡ cảm động với những người từng sống và làm việc trên đảo Hoàng Sa. Đó là những cựu nhân viên của Trạm quan trắc khí tượng Hoàng Sa hiện đang sống ở Đà Nẵng.
Phóng to
Hải đăng trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp trước Thế chiến thứ 2 được lưu tại phòng lưu niệm kỷ vật Hoàng Sa).
TT - Chiều 11-12, UBND huyện đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng tổ chức một cuộc gặp gỡ cảm động với những người từng sống và làm việc trên đảo Hoàng Sa. Đó là những cựu nhân viên của Trạm quan trắc khí tượng Hoàng Sa hiện đang sống ở Đà Nẵng.
Trong căn phòng bốn bề treo đầy những kỷ vật, tranh, ảnh của Hoàng Sa, ba cựu nhân viên khí tượng say sưa nói về những ngày "đo mưa đếm gió” trên đảo Hoàng Sa thân yêu.
Ba ông già ấy là Tạ Hồng Tấn, Võ Như Dân và Ngô Tấn Phát, tuổi đã ngoài 80. Trong đó, ông Tạ Hồng Tấn là một trong những người cuối cùng rời khỏi đảo vào một ngày không thể quên của năm 1974.
Ký ức
Mái tóc bạc phơ, ông Tấn chậm rãi nói: "Gặp lại anh em xưa, tôi thấy nhớ hòn đảo ấy quá chừng". Ông Tấn chỉ lên tấm bản đồ có chấm đỏ mang tên Hoàng Sa treo trên tường, bồi hồi nhớ lại.
Năm 20 tuổi, cậu thanh niên Sài Gòn Tạ Hồng Tấn được Nha Khí tượng Sài Gòn cử đi học nghiệp vụ một năm tại Cát Bi (Hải Phòng). Tốt nghiệp khóa học, ông Tấn được cử về phục vụ tại Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng. Đầu năm 1963, Nha Khí tượng Sài Gòn quyết định cử ông ra Hoàng Sa làm việc ở trạm quan trắc khí tượng.
Ông Tấn cười: "Đó là lẽ đương nhiên, không riêng gì tôi, tất cả những ai làm ở Nha Khí tượng đều ít nhất vài lần ra đảo". "Đúng 5g chiều, tại cảng Đà Nẵng, tôi cùng ba chuyên viên khí tượng, một kỹ sư vô tuyến điện và một phục vụ hậu cần lên tàu. Tàu chạy suốt đêm, đến 6g sáng hôm sau thì cập đảo Hoàng Sa".
Phóng to
Đào giếng lấy nước ngọt trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1938, hiện được lưu tại phòng lưu niệm kỷ vật Hoàng Sa)
Hoàng Sa ngày ấy là một hòn đảo vắng vẻ, chỉ dăm bụi cây cao chừng 3m. Rất ít chim và nước thì xanh trong. Trạm quan trắc khí tượng xây dựng kiên cố trên một điểm cao, ở đó có cả một tháp quan sát, đây cũng là nơi có ngọn hải đăng luôn được thắp sáng hằng đêm. Đồn lính thì nằm dưới chân đảo.
Mỗi ngày, trạm đều đặn quan trắc ba giờ một lần. Những thông số như sức gió, lượng mưa, nhiệt độ biển, áp suất, ẩm độ... lần lượt được chuyển về Sài Gòn bằng tín hiệu morse.
"Những lúc rảnh rỗi, tôi cùng các đồng nghiệp đi dạo khắp đảo. Lúc câu cá, khi thì đi tìm san hô, vỏ ốc, rong biển đem về làm quà kỷ niệm. Không một ngóc ngách nào của Hoàng Sa mà tôi chưa đặt chân đến" - ông Tấn kể.
Vào giữa năm 1964, ông cùng các cộng sự của mình đối mặt với một cơn bão biển dữ dội: "Bão gió ngút trời, như muốn nhấn chìm cả hòn đảo. Trước khi bão đổ bộ, chúng tôi đã hoàn tất bản tin báo bão từ Hoàng Sa gửi về Sài Gòn. Đến khi bão tan, dắt tay nhau lên trên mỏm núi đá cao nhất của đảo mà nhìn đất trời, thấy hạnh phúc vô cùng. Biển ở Hoàng Sa đẹp lắm" - ông Tấn nói.
Cả ông Tấn, ông Dân và ông Phát đều kể rằng có một điều mà bất kỳ người nào đặt chân lên đảo Hoàng Sa đều làm và làm một cách đầy tự hào, đó là khắc tên mình lên những hòn đá cuội lớn nằm quanh đảo.
"Ngay trưa của ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, tôi đã khắc tên mình lên vách đá”. Dòng chữ đó ông Tấn vẫn còn nhớ như in: "Tạ Hồng Tấn - chuyên viên Nha Khí tượng Sài Gòn đã đến đây - 1963".
Nhưng đấy chỉ là hàng chữ trong vô số bút tích chi chít trên những vách đá Hoàng Sa. "Đó là dấu tích kỷ niệm của những ngày trai tráng lãng mạn để lại giữa biển đảo Hoàng Sa, cái tên đã trở nên thiết tha với những ông lão này" - ông Tấn tâm sự.
Một ngày không quên
Phóng to
Các cựu chuyên viên khí tượng của Nha Khí tượng Sài Gòn (từ trái sang): Võ Như Dân, Ngô Tấn Phát và Tạ Hồng Tấn - Ảnh: Anh Kiệt
Cũng như ông Tấn, những kỷ niệm một thời ở Hoàng Sa vẫn còn nguyên với ông Ngô Tấn Phát: "Cứ ba tháng, chúng tôi lại ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ một lần. Khi đi thì gồng gánh đủ cả hàng tạ những gạo, nếp, đậu xanh, gà, vịt sống đem ra nuôi ăn dần. Tôi chưa quên được cảm giác lần đầu ra đảo. Lúc đi thì đông đủ anh em, vợ con đưa tiễn. Nhưng khi tàu rời bến xa dần đất liền mới thấy mình đơn lẻ. Chúng tôi sống trên Hoàng Sa cùng sóng gió và trạm quan trắc. Thỉnh thoảng mới thấy vài chiếc tàu hàng đi ngang qua đảo".
Ông Võ Như Dân, người từng có mặt ở Hoàng Sa từ những năm 1956, quả quyết: đặc sản của Hoàng Sa chính là ốc gân - loại ốc to bằng chiếc đĩa, ăn giòn và thơm. "Nghề của tôi là chế hơi và bơm bóng thám không phục vụ các quan trắc viên đo gió trên đảo" - ông Dân kể.
Với ông Tạ Hồng Tấn thì ngày 19-1-1974 là một ngày không thể quên. "Qua ống kính quan trắc, chúng tôi thấy từ xa lô nhô tàu chiến lớn nhỏ vây quanh Hoàng Sa. Tất cả thả neo dừng lại phía ngoài khơi. Họ chờ đến khi hoàng hôn vừa buông xuống thì nổ súng. Đạn bay vèo vèo vào đảo. Chừng 30 phút sau, những chiếc tàu hải quân Trung Quốc tiến vào đảo".
Ông Tấn nhớ lại: ông cùng năm đồng nghiệp bị bắt đưa lên tàu, chở đến đảo Hải Nam. Đến tháng 3-1974, ông và nhiều người khác được trao trả tại Hong Kong, rồi lên máy bay về lại Sài Gòn. Sau 1975, ông Tấn tiếp tục công việc ở Đài Khí tượng thủy văn miền Trung đóng tại Đà Nẵng, một thời gian ngắn thì về hưu, sống yên bình cùng con cháu.
Ông Tấn nói bây giờ mỗi ngày xem bản tin dự báo thời tiết về Hoàng Sa trên báo Tuổi Trẻ, ông lại bâng khuâng như thể đang ở trạm quan trắc Hoàng Sa để "đo gió đếm mưa". 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét