Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Những người Việt ở Hoàng Sa năm 1937-1938

QĐND - Thứ Hai, 13/08/2012, 16:39 (GMT+7)
QĐND-LTS: Đại tá Nguyễn Văn Bính, giảng viên Học viện khoa học Quân sự vừa chuyển cho chúng tôi một ghi chép đề năm 1998 của cha mình là nhà thơ Nguyễn Minh Hiệu (1924-1998), nguyên hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
“Giáá như gặp được ông bạn kiều bào nào ở Pa-ri về nước lần này, tôi thử gợi ý xem, khi trở sang bên ấy, nhờ bà con ta ở Pháp hỏi xem có biết gia đình, con cháu ông Nguyễn Kỳ, kỹ sư mỏ ở Đông Dương hồi những năm 30, hiện còn những ai? Chắc là những tư liệu riêng của ông ta trong chuyến đi ra Paracels tức đảo Hoàng Sa năm 1938 ấy vẫn còn nhiều đấy.
Mà chẳng riêng gì ông Kỳ và 4 người chúng tôi trong nhóm cán bộ kỹ thuật thuộc sở mỏ Đông Dương (Service des Mines de l’Indochine francaise) cử theo ông ta mới có mặt ở Hoàng Sa từ tháng 4 đến tháng 8-1938. Trước đó, đã có 60 người lính Việt, phần lớn quê ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, ra đóng ở đảo này, dưới quyền của một viên chỉ huy người Pháp lai - nhìn rất “Việt Nam” chỉ có cái mũi là hơi giống người Âu, mà lúc đó thường gọi tắt là ông Môn. Đơn vị quân sự này ra đảo từ năm 1937. Họ xây dựng những công sự ngầm, những kho tàng ngầm chứa lương thực, thực phẩm và cả nước ngọt, đủ dự trữ cho hai, ba năm. Nói chính xác hơn là xây loại kho tàng công sự nửa nổi nửa chìm hoặc một phần nổi hai phần chìm. Tất cả đều khéo nguỵ trang. Chúng tôi ăn chung bếp với lính, ông Nguyễn Kỳ ăn cơm với lão Môn tây lai. Nhưng nhóm kỹ thuật không được phép tò mò quan sát đến các công trình, công sự của họ. Điều đó không chỉ là nguyên tắc mà còn là một kỷ luật nghiêm ngặt lắm. Họ xây cả trụ đèn biển. Và trong số các kho ngầm còn có chứa riêng những vỏ ốc quý trên đảo. Khi chúng tôi trở về đất liền, công việc của nhóm nhà binh này vẫn còn tiếp tục”.
Bác Nguyễn Hựu, 75 tuổi (thời điểm năm 1988-SK&NC), nguyên Giám đốc mỏ Cổ Định, nay đã nghỉ hưu ở Thị xã Thanh Hóa đã kể với tôi như vậy.
Quê gốc bác Hựu cũng chính ở Nam Ngạn, phía Nam cầu Hàm Rồng. Ngày ấy ở Hoàng Sa về được ba năm gì đó, bác lại được cử về khảo sát các mỏ vùng Vĩnh Lộc, Hà Trung (Thanh Hóa). Ở đây bác được đồng chí Nguyễn Văn Huệ (nay đã 80 tuổi), tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Sau Tổng khởi nghĩa năm 1945 thành công, Nguyễn Hựu đã từng có thời gian công tác ở Tiểu ban kinh tài của Liên khu 4; họ tổ chức khai thác các mỏ phốt-pho-rít ở Vinh và Thanh Hóa. Sau này đánh Pháp, ông được giao xây dựng và quản lý nhà máy phốt phát Nam Phát Thanh Hoá, rồi mới lên nhận công tác ở Crô-mít Cổ Định.

Bác Hựu kể tiếp:
“Chuyến ra đảo năm 1938 ấy đối với chúng tôi hết sức bất ngờ về tất cả các mặt, từ kỹ thuật nghiệp vụ cũng như nếp sống sinh hoạt và tâm lý, ứng xử, giao tiếp. Một ngày vào hạ tuần tháng ba dương lịch, kỹ sư Nguyễn Kỳ đột ngột triệu tập chúng tôi tới phòng ông ta nói là có lệnh trên cho ra đảo khảo sát. Bốn người được chỉ định có anh Trịnh Đình Hướng quê ở Bắc Ninh, chuyên hóa nghiệm; anh Lê Đức Bảo quê ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, chuyên về đo đạc; anh Nguyễn Thế Trừ ở vùng cửa sông Ghép và tôi là khảo sát.
Hai giờ chiều hôm sau, chúng tôi xuôi Hải Phòng. Năm giờ sáng hôm sau nữa, cả đoàn đáp chuyến tàu chở hàng của hãng Xô-va (Sauvage), thường gọi là hãng tàu “Tây điếc”, đi Đà Nẵng. Tàu chạy bằng guồng máy. Lênh đênh trên biển mất 5 ngày mới tới nơi. Kỹ sư Nguyễn Kỳ ở khách sạn Tây, 4 chúng tôi được bố trí ở một khách sạn của người Hoa.
Ở Đà Nẵng gần một tuần thì một hôm có hai người đến gặp, đưa cho mỗi chúng tôi một tờ khai theo mẫu thống nhất, cam đoan ra đảo phải làm theo sự hướng dẫn của bộ phận quản lý ngoài đảo, còn phần chuyên môn thì do ông kỹ sư Nguyễn Kỳ phụ trách. Gần sát ngày lên đường, họ mới cho biết nơi đảo sắp đến đã có một cơ đội lính của Nam triều (chính phủ Bảo Đại) ra trước từ gần một năm rồi, các điều kiện sinh hoạt ngoài đó đến lúc này đã được chuẩn bị, không có gì thay đổi lắm so với đất liền.
Hôm sau nữa, chúng tôi được phát giấy tờ tùy thân xem như ngư dân ra đảo đánh cá làm nước mắm. “Nào chúng tôi có biết chút gì về nghề cá mú đâu!”. Họ trả lời: “Đây chỉ là hình thức bên ngoài phải làm như vậy, còn khảo sát thăm dò mỏ vẫn cứ là phần việc riêng của các anh chứ!”. Miễn là phải nhớ, bất cứ có ai hỏi đến, tất cả đều nói là được tuyển mộ ra làm nghề cá cho Nam triều.
Tiếp đó họ phát cho chúng tôi mỗi anh hai bộ quần áo bà ba nâu, hai mảnh vải làm khố, một áo tơi lá và một chiếc nón đan theo kiểu ngư dân miền biển. Chúng tôi mua thêm mỗi người một cái bếp cồn, mua thuốc lá và mấy thứ lặt vặt khác.
9 giờ ngày 2-4-1938, đoàn chúng tôi chính thức khởi hành trên chiếc tàu nhà binh Clốt Sáp (Claude Saf) của Pháp. Hôm đó gió to, sóng lớn, chiều 3-4-1938 mới tới nơi cả nhóm đều say sóng, lên đảo nằm li bì mất hai ngày mới tỉnh táo trở lại.
[​IMG]
Trụ sở hành chính của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa trước năm 1945. Căn nhà của 4 chúng tôi ở căng bằng vải bạt. Trước mặt có cột cờ. Lá cờ vàng của Nam triều bay phần phật. Cách đấy dăm chục mét là dãy nhà bạt của bộ phận ra trước đánh cá. Kỹ sư Nguyễn Kỳ ở trên nhà bạt với ông Tây lai chỉ huy (được đóng giả như một ông chủ thầu đánh cá). Chúng tôi không tò mò nhưng rồi cũng biết đó là viên quan Một, những người kia là một cơ lính khố xanh. Thời kỳ này, quân đội Nhật đã chiếm Mãn-Châu (1931), gây sự kiện Lư Cầu Kiều (7-1937), mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ra cả Trung Quốc và hải quân Nhật đã hoạt động mạnh cả ở vùng biển phía này. Chính quyền Pháp phải tổ chức phòng ngự ở Hoàng Sa, nhưng buổi đầu hãy tạm ngụy trang như đơn vị làm kinh tế của chính phủ Nam triều ở Huế
Cụm Hoàng Sa lúc bấy giờ có khoảng bốn năm chục hòn đảo, nhưng chỉ có đảo Paracel là rộng hơn cả, diện tích quy lại cũng được khoảng một ki-lô-mét vuông. Mặt đảo là bãi cát bồi bằng đá san hô phong hóa, có nhiều ụ con nổi lên cao hơn mặt nước biển ba, bốn mét. Các đảo khác cũng có cát bồi và đá san hô nham nhở, nhưng diện tích đều hẹp. Có đảo chỉ thực sự thấy được khi nước triều rút xuống. Trên hòn đảo Paracel có loại cỏ lá dài, mép lá rất sắc. Có loại cây thân như cây núc nác nhưng lá lại như kiểu tàu chuối rừng. Ngoài mép nước gần bờ có những cụm sú vẹt. Sau này, trong những ngày chúng tôi đã xong công việc, chỉ còn chờ tàu ra đón vào đất liền, mấy anh nấu bếp của cơ lính khố xanh mới thuật kể cho nghe thêm nhiều truyền thuyết và những mẩu chuyện về Hoàng Sa do các cụ vùng quê Quảng Nam, Quãng Ngãi của những ông bạn này từng kể lại. Thì ra từ đời Minh Mạng hay trước và sau đó nữa, các vua nhà Nguyễn đã sai chở nhiều giống cây từ đất liền ra trồng trên đảo làm điểm tiêu cho tàu bè từ xa đã biết có đảo san hô mà lựa tránh khỏi mắc đá ngầm. Nhưng thuyền ra nhỏ, chở được có hạn. Nhiều cây không hợp thủy thổ, lại gió lộng suốt ngày suốt tháng, cây khó trụ nổi.
Ở Hoàng Sa có nhiều loại chim hải âu, màu lông trắng có, đen có, hoặc màu đen nâu như chim két cũng có. Đêm đến hải âu về đảo trú ngụ. Sáng ra, trên bãi có hàng ngàn quả trứng. Chúng tôi đốt bếp cồn luộc lên nếm thử mới biết trứng hải âu vị chát, rất khó ăn. Mùa đồi mồi sinh sản, hàng đêm những con đồi mồi cái cũng tìm lên mép đảo đẻ trứng ấp con. Đặc biệt là ở đây rất nhiều vỏ ốc quý, có hàng trăm loại, nhiều màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Có nhiều loại chỉ bằng móng tay. Có nhiều loại to bằng quả bưởi, ánh mặt trời chiếu vào nhấp nhánh như kim cương. Có những chiếc vỏ ốc gần như trong suốt, soi lên đèn thấy ánh lên những vân màu khác nhau rất đẹp. Anh em cho biết còn có những loại vỏ trai, vỏ ốc lớn hơn nhiều, nhưng các lớp người đến trước đã thu nhặt mất.
San hô ở đây cũng nhiều màu: Ngà trắng, vàng, xanh xanh... Chung quanh các kẽ đá san hô là nơi ẩn náu của họ hàng cua bể và cá hồng. Khi có giờ rỗi, chỉ cần đem ít gạo rang hay một dúm cơm xuống là hàng đàn cá hồng kéo đến tranh nhau ăn. Chúng tôi lấy kim găm uốn thành lưỡi câu, luyện cơm dẻo làm mồi cũng có bận câu được hàng yến. Cho nên thức ăn cua cá chẳng thiếu mà chỉ thèm rau xanh. Và ở đây cũng còn một nét bất ngờ nữa là cả ngày lẫn đêm lộng gió, vùng đảo không hề có muỗi mà vẫn có đàn dơi khá đông, loại màu nâu, loại màu đen. Anh em quê Nam, Ngãi cho biết loại này cũng từ đất liền ra. Chúng ăn moi biển nên rất béo, có con to bằng con chim sáo. Lúc no mồi cần nghỉ ngơi, chúng náu mình trong các kẽ đá san hô.
[​IMG]
Dụ số 10 của Bảo Đại ký ngày 29-3-1938 khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Kỹ sư Nguyễn Kỳ chỉ huy nhóm chúng tôi khảo sát, thăm dò trữ lượng và chất lượng phân chim ở Hoàng Sa. Nhưng được phép khảo sát ở hòn đảo nào lại do bộ phận quản lý đảo quy định chứ không thể tự do như những chuyến đi thăm dò mở trên đất liền. Anh Bảo đem máy đo đạc, xác định tọa độ kinh vĩ xong là chúng tôi bắt tay vào việc đào hào thám sát. Hào đào rộng mỗi bề một mét, sâu xuống hai đến ba mét, tùy nơi, chỗ cát ào xuống thì đem gỗ chèn. Gặp đá san hô rắn thì dùng búa đục. Trữ lượng phân chim ở đây có tới vài vạn tấn, chất lượng vào loại tốt, trong đó có chất diêm tiêu làm thuốc súng, có nitrat kali đem bón ruộng càng tốt. Phân tích tụ đã từ rất lâu đời, có chỗ dày tới ba mét. Hào đào xuống vài mét đã thấy một thứ nước khoáng rỉ ra, màu hơi vàng vàng. Bộ phận hóa nghiệm cũng phải làm phân tích cả thứ nước khoáng này.

Ông Kỳ là người Việt, nhưng học ở Pháp, vào làng Tây, là một kỹ sư giỏi thực sự, do ở Pháp lâu nên có phong cách giản dị dân chủ, không quan dạng như mấy anh công chức người Việt khác. Vả lại chúng tôi cũng quen phong cách làm việc đến nơi đến chốn và thực sự tuân thủ các quy trình kỹ thuật chuyên môn. Sau khi phân tích, ghi chép đầy đủ vào bulletin d’analyse (phiếu trích yếu phân chất), kỹ sư Nguyễn Kỳ xác nhận, ký tên; cả mẫu quặng cùng hồ sơ hằng ngày đó được phong lại, gắn xi, cặp dấu, chờ gửi về Hà Nội. Mỗi tuần một chuyến tàu của nhà binh Pháp chở các nhu yếu phẩm, kể cả nước ngọt, thư từ ra đảo và nhận chuyển các thứ từ đảo về đất liền. Điều chúng tôi còn chút phân vân lại ở một điểm khác: Những kết quả khảo sát này chỉ hoàn toàn phục vụ cho sở mỏ Đông Dương hay ông Kỳ còn kết hợp cung cấp cho một công ty tư nhân nào đó đang có ý định bỏ vốn vào việc khai thác nguồn phân chim Hoàng Sa này chăng?
Theo thể lệ của chính quyền Đông Dương hồi bấy giờ một công ty tư nhân nào muốn khai thác khoáng sản trước hết phải được phủ Toàn quyền cấp cho giấy phép đi tìm mỏ (autorisation de rechercheminiere ), có giá trị trong ba năm.
Khi đã chọn được vùng đất cụ thể nào đó mới làm bản đăng ký xác định vị trí (toucher périmètre), trước khi chính thức khai thác còn phải có giấy phép, làm thủ tục xin lập khu nhượng địa (concession Périmètre) và bắt đầu nạp thuế theo diện tích rộng hẹp – tính bằng héc-ta của khu nhượng địa đó. Giữa các công ty tư bản, cùng người Pháp, cũng thường xảy ra những vụ tranh chấp với nhau khá rắc rối. Anh đăng ký sau, muốn cướp miếng béo bở của anh cắm trước, dùng mưu khoanh vùng đăng ký của mình rộng hơn, bao trùm lấy cả khoảnh đất của anh kia để hớt tay trên. Có anh chỉ xin cắm vùng đất không có quặng mỏ gì, nhưng bịt mất đường vận xuất của anh có mỏ, buộc anh này phải thuê đất của anh ta để làm đường ra vào và xây dựng các công trình cần thiết khác. Nhóm tư bản nào đó muốn bỏ vốn ra khai thác mỏ phân chim ở Paracel này mà có được một người nhận làm tay trong cho ở sở mỏ, khỏi lo gì sự bất trắc vì tranh chấp.
[​IMG]
Báo La Nature số 2916 ngày 1-11-1933. Cả ông Nguyễn Kỳ và chúng tôi đều chung một tâm lý làm công việc khảo sát này xong càng sớm càng tốt để trở về đất liền. Khi chúng tôi ra đảo là đầu mùa hè. Ngày nóng, đêm thì gió. Quần áo không mặc nổi. Anh em bên quản lý đảo cũng như chúng tôi đều cởi trần, đóng khố, đầu húi trọc để cát khỏi mắc lại ở chân tóc. Tắm rửa đều phải dùng nước biển. Buổi tối, bảy tám giờ vẫn còn vầng sáng ở bầu trời phía tây. Buổi sáng, mới hơn bốn giờ đã hừng đỏ ở chân trời phía Đông. Đặc biệt, khi mặt trời nhô lên, nhìn to hơn hẳn khi ta ngắm ở đất liền.
Trong khi khảo sát ở đảo chính, chúng tôi thấy có một bia đá, chiều cao 1,20m, rộng độ sáu mươi phân tây, trên nóc bia có chạm hai con rồng và một mặt nguyệt. Các cạnh đều có hoa văn. Lòng bia có khắc mấy chữ Hán “HOÀNG SA HẢI AN NAM QUỐC”, phía dưới ghi “Gia Long tam niên, ngũ nguyệt, sơ nhị nhật”. Gần đó có một miếu thờ xây dựng bằng loại gạch vồ, nóc cuốn vòm, lòng miếu rộng chừng tám tấc vuông, phía trong có một bát hương bằng đá, có vại nhỏ đựng nước mưa (để làm nước cúng). Bát hương, vại nước, những nén hương cháy chưa hết, và cả những mảnh gốm vỡ quanh đó đều là loại ta thường gặp ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng.
Mấy anh bên cơ lính cho biết, miếu thờ này do dân chài ở Quảng Nam xây cách đây đã khoảng một trăm năm. Mỗi lần ra khơi làm nghề, không bao giờ người ta quên việc mang theo lễ vật ra miếu cầu xin cho được bình an, đánh bắt được nhiều cá, hoặc khi sóng to thì họ neo thuyền vào đảo trú ẩn. Một vài anh còn có cụ kỵ tổ tiên xưa từng được sung vào đội Hoàng Sa, hằng năm từ tháng “trọng xuân” đến trước mùa lũ bão, quan chức phong kiến cử ra đảo để thu nhặt những của cải và các vật quý do các tàu buôn bị đắm các nơi trôi giạt vào đảo, đem về nộp cho Nhà nước những thứ đã quy định; các thứ khác là thuộc về mình. Tâm lý người được cử đi vừa tin có mệnh vua giao, vừa thương các cô hồn đắm thuyền dạt sóng, nên ra tới nơi thế nào cũng có lễ cúng các cô hồn, lại gieo ít hạt giống để mong thành cây cho người đi biển những năm sau biết mà tránh nạn hoặc dễ nhận ra nơi cần tìm đến neo thuyền tránh bão gió.
[​IMG]
Hải đăng Việt Nam trên đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu.
Trong thời gian có đơn vị quản lý và chúng tôi ra làm việc ở hòn Paracel, những người dân chài không được phép lên hòn đảo chính này, nhưng họ vẫn ghé lên một số đảo bé hơn ở trong cụm, cách chúng tôi không xa. Những ngày nắng, đánh bắt được nhiều cá, họ đem cá lên phơi. Ngày biển động họ vào đảo chờ biển lặng trở lại để đánh bắt tiếp hoặc đợi thời tiết thuận lợi, dong buồm trở về đất liền.
Khoảng cuối tháng 6-1938, công việc khảo sát của chúng tôi sắp xong, thì đột nhiên các tàu hải quân Nhật kéo đến phong tỏa ở phía ngoài. Các tàu tiếp tế theo định kỳ không ra được. Gay go nhất lúc này là nước ngọt. Trên đảo có một số giếng do dân chài qua lại đã moi lên từ hàng trăm năm trước lấy nước dùng. Bộ phận quản lý đảo nghiêm cấm mọi người, không cho một ai được phép lấy nước giếng để tắm rửa, chỉ để dự trữ dùng cho việc ăn uống. Nguồn nước ngọt chở từ đất liền ra không còn nữa thì nhu cầu về nước cho việc ăn và uống gần bảy chục con người chỉ còn trông vào mấy cái giếng bé nhỏ đó, cho nên phải trân trọng tiết kiệm đến từng giọt.
Nhóm chúng tôi còn thêm một nỗi khổ nữa là việc làm không còn. Ngồi rỗi thấy bứt rứt lạ. Nghịch cá, đuổi bắt cua mãi cũng chán. Hết kể chuyện chinh Đông, chinh Tây, Tây du, lại đến chuyện tiếu lâm, hoặc nghe các truyền thuyết về biển, về đảo, các đặc tính của cá, tôm, sinh vật biển. Có lúc ôn lại những kỷ niệm các lần đi khảo sát mỏ ở những vùng rừng núi: Hễ mệt, nóng thì ào xuống suối tắm, nghe đủ thứ tiếng chim rừng; sau đợt ở rừng về là những bát phở đủ gia vị, rau thơm, những hương vị khó quên ở những nhà hàng đã quen.
Cho đến một hôm, máy bay Nhật từ tàu chiến của họ bay vào đảo quan sát nhiều vòng. Hôm sau, họ cho ba thuyền máy dắt một số thuyền cao su đưa khoảng vài chục lính Nhật kéo nhau lên đảo gặp những người ở đây. Không rõ những sĩ quan và hải quân Phù tang này có nhận ra được những công sự ngầm hay không (trong đó, chúng tôi biết ít ra cũng có các loại súng như mút-xcơ-tông (mousqueton), một số khẩu trung liên “đầu bạc”... tất cả đều được giấu kỹ). Lính Nhật nhờ chúng tôi xúm tay kéo hộ những chiếc thuyền cao su lên bờ, biếu chúng tôi thuốc hút. Họ đi khắp đảo trong khoảng hơn một giờ, dừng lại xem những tấm lưới, đàn cá đang phơi, những dãy thùng mắm. Mấy sĩ quan và lính chừng như có biết chữ Hán, đến ngắm và đọc tấm bia “Hoàng Sa hải An Nam Quốc”. Lão Môn (tây lai) trong vai chủ thầu nghề cá mắm của Nam triều, đem rượu, bia ra mời. Nhưng bọn sĩ quan Nhật không hề dùng đến một thứ gì. Sau đó bọn họ kéo nhau ra tàu, còn tặng chúng tôi mấy gói Poupon – loại thuốc lá của quân đội Nhật.
Ý chừng thấy những người có mặt trên vùng đảo Paracels này không là sự uy hiếp hoặc có thể gây khó khăn bất ngờ gì cho hải quân Nhật ở phía này, nên mấy hôm sau các tàu chiến Nhật kéo đi nơi khác-chắc đương có yêu cầu lớn hơn. Đợt phong tỏa chấm dứt.
Chiếc tàu thủy mang tên “Khải Định” của hải quân Pháp chở đồ tiếp tế ra cho đơn vị ở đảo và đón chúng tôi về Hải Phòng. Chỉ hơn bốn tháng trời mà cả bốn chúng tôi đều đổi khác. Anh nào da dẻ cũng đen nhẻm, nhưng khỏe ra, đặc biệt là không anh nào ghẻ lở. Người ta bảo gió biển không phải có lợi cho tất cả mọi người như nhau cả đâu. Phải tùy theo lứa tuổi và sức khỏe. Gió ban sớm lợi cho lứa tuổi nào. Gió buổi chiều lợi cho lứa tuổi nào. Hồi ấy, chúng tôi còn đương tuổi thanh niên nên có lẽ cả gió sớm hay gió chiều đều có lợi. Trong chúng tôi có anh Hướng vốn mắc bệnh suyễn, nhờ chuyến khảo sát 4 tháng ở Hoàng Sa đó mà bệnh khỏi hẳn. Kể cũng đáng ngạc nhiên.
Hồi làm giám đốc ở mỏ Cổ Định, những con ốc hoa ngũ sắc mang từ Hoàng Sa về chuyến ấy, tôi đã cho bạn bè rất nhiều, cũng vẫn còn một số. Tôi thường đặt ở bàn làm việc. Trưởng đoàn Đảng Hồng Ân và các thành viên trong đoàn chuyên gia Trung Quốc đến làm việc ở Crô-mít Cổ Định trong mấy năm liền cũng thấy những chiếc vỏ ốc đặc sản này.
Những văn kiện, thư tịch về Hoàng Sa, Trường Sa từng còn liên quan đến nước Pháp, đến chính quyền thời Pháp cai trị Đông Dương, đến bà con khác trong vùng. Đó là chưa nói đến nhiều nhà hàng hải, nhiều ngư dân không chỉ Việt Nam mà còn các nước trong vùng giáp cận cũng không ít người từng đến Hoàng Sa trú chân khi gặp gió lớn và thấy được bia chủ quyền của ta như bọn chúng tôi đã từng gặp. Hồi đó, chúng tôi cứ trao đổi bàn cãi mãi: Tại sao ngày Gia Long cho dựng bia lại là “ngũ nguyệt”, “sơ nhị nhật” nhỉ? Thì ra ngày mồng Hai tháng 5 âm lịch ấy từng được coi là ngày Quốc khánh thời Gia Long chính thức lên ngôi Hoàng đế năm Nhâm Tuất, lịch Tây là năm 1802.
Minh Hiệu


Nguồn: Qdnd
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét