Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Lượt sử những diễn biến ngoại giao theo wikileaks

Lật lại các điện tín mà Wikileaks đã lưu trữ và công bố trên trang của họ [1], mình có thể liệt kê các biến cố quan trọng theo tình tự thời gian:

1) Ngày 11 tháng Một năm 1974, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) bất thình lình tuyên bố Hoàng Sa là của họ. Ngày 16 tháng Một năm 1974, tàu Lý Thường Kiệt (HQ-16) ra Hoàng Sa để kiểm sát thì phát hiện có hai "tàu cá" của Trung Quốc ở đó. Chiều ngày 16 tháng Một năm 1974, Ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc thay mặt chính phủ VNCH chính thức lên tiếng lên án thái độ phi pháp của nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc về việc tuyên bố sai sự thật và việc xâm nhập lãnh thổ Việt Nam bất hợp pháp. Ngoại trưởng Bắc liệt kê những bằng chứng chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của VNCH:

- Vua Gia Long năm 1802 đã hình thành quân đội kiểm soát quần đảo Hoàng Sa theo tài liệu của Đại Nam Nhất Thống Chí.
- Vua Minh Mạng năm 1834, trình điều Huế đã có bản đồ Hoàng Sa trong Hoàng Việt Địa Du.
- Thời Pháp thuộc đã có sắc luật 156/SC vào ngày 16 tháng Sáu năm 1932 ấn định Hoàng Sa thuộc quản lý hành chánh của tỉnh Thừa Thiên.
- Vua Bảo Đại một lần nữa ra quyết định Hoàng Sa thuộc quản lý hành chánh của Thừa Thiên vào 30 tháng Ba năm 1938.
- Toàn quyền Đông Dương một lần nữa xác định quyền quản lý Hoàng Sa thuộc chính phủ bảo hộ vào ngày 5 tháng Năm 1939.
- Dưới thời đệ nhất VNCH, sắc lệnh 174-NK vào năm 1961 quyết định quần đảo Hoàng Sa thuộc Định Hải, Hoà Vang, Quảng Nam thay vì Thừa Thiên.
- Dưới thời đệ nhị VNCH, sắc lệnh 079-BNV quyết định Định Hải sáp nhập với Hoà Long thuộc Hoà Vang.
- Phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị San Francisco năm 1951, đã tuyên bố quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam và không có bất cứ quốc gia nào trong 51 nước tham dự đã phản đối. [2]

"Đại Nam nhất thống toàn đồ” vẽ năm 1838 triều Minh Mạng, có thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa bằng chữ Hán. 
"Đại Nam nhất thống toàn đồ” vẽ năm 1838 triều Minh Mạng, có thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa bằng chữ Hán.

http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974SAIGON00752_b.html

2) Ngày 18 tháng Một năm 1974, ngoại trưởng Vương Văn Bắc với vai trò thành viên dự khuyết của nước VNCH gởi thư đến chủ tịch LHQ Gonzalo J. Facio về thông tin đã được phát thanh vào chiều 16 tháng Một năm 1974 [3].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974USUNN00175_b.html

3) Ngày 19 tháng Một năm 1974, hải quân VNCH và hải quân CHNDTH đụng độ tại Hoàng Sa. Báo Hoà Bình, một tờ báo độc lập của nam Việt Nam lên tiếng chỉ trích cộng sản Bắc Việt hoàn toàn im lặng trong khi họ rêu rao việc đấu tranh cho độc lập và trọn vẹn lãnh thổ [4].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974SAIGON00859_b.html


4) Ngày 20 tháng Một năm 1974, đại diện VNCH gởi thư cho chủ tịch LHQ thỉnh cầu triệu tập cuộc họp khẩn cấp để giàn xử việc CHNDTH cưỡng chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực và phía VNCH hiểu được tình trạng có thể thiếu sự ủng hộ của các thành viên của hội đồng bảo an LHQ [5] và bức thư này đã được ký nhận [6].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974USUNN00188_b.html
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974STATE012722_b.html

5) Ngày 21 tháng Một năm 1974, chính phủ Hoa Kỳ ghi nhận việc phía VNCH đã kêu gọi hội đồng bảo an LHQ triệu tập cuộc họp khẩn cấp [7].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974STATE012732_b.html

6) Ngày 21 tháng Một năm 1974, hội đồng bảo an LHQ cho biết đã gặp phía VNCH và đại diện VNCH nhận thấy sẽ có những khó khăn để tìm 9 phiếu ủng hộ từ hội đồng bảo an LHQ nhưng phía VNCH cho biết họ sẽ làm việc với phía Anh, Pháp, Indonesia và Úc cũng trong ngày [8].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974USUNN00190_b.html

7) Ngày 21 tháng Một năm 1974, hội đồng bảo an LHQ cũng đã chuyển thư thỉnh cầu của phía VNCH đến tổng thư ký LHQ Kurt Waldheim [9].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974USUNN00192_b.html

8) Ngày 21 tháng Một năm 1974, chủ tịch hội đồng bảo an LHQ, Facio đã gặp gỡ phía VNCH và VNCH cho biết họ xác nhận cần tiến hành cuộc họp khẩn cấp với hội đồng bảo an LHQ và cần 3 ngày để sắp xếp nhân sự có mặt ở New York. Facio cũng cho biết chiều ngày 21 tháng Một năm 1974, ông bắt đầu làm việc với từng đại diện của hội đồng bảo an LHQ, bắt đầu với Trung Quốc và sẽ cho phía VNCH biết tình hình vào sáng 22 tháng Một năm 1974 [10].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974USUNN00194_b.html

9) Chiều ngày 21 tháng Một năm 1974, chủ tịch hội đồng bảo an LHQ, Facio đã gặp gỡ phía CHNDTH và cho biết phía CHNDTH rất giận dữ và họ xác định chuyện Hoàng Sa là chuyện nội bộ của Trung Quốc và việc ông chủ tịch làm việc với các thành viên hội đồng bảo an LHQ để đưa đến cuộc họp khẩn này có thể dẫn đến việc xâm phạm chủ quyền quốc gia Trung Quốc. [11]
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974USUNN00203_b.html

10) Cũng trong chiều ngày 21 tháng Một năm 1974, theo Kissinger, đại sứ Phương (của VNCH) đã gọi cho Hummel [12] và Stearns [13]. Phương cho biết dù nhận thấy những điểm bất lợi của vụ họp khẩn này của hội đồng bảo an LHQ nhưng VNCH không có chọn lựa nào khác trong tình thế này. Hummel và Stearns cho biết họ e ngại rằng phía Trung Quốc sẽ đưa ra một phiên bản khác và lật ngược thành chuyện VNCH đã khiêu khích và xâm chiếm và sự vụ sẽ trở nên rắc rối và bất lợi cho phía VNCH. Họ cũng cho biết, trong tình trạng này, sự từ chối khiếu nại của VNCH sẽ có hại cho VNCH [14].
[12] Hummel, Arthur William, Jr. trợ lý Đông Á - Thái Bình Dương sự vụ của Hoa Kỳ.

[13] Stearns, Monteagle, phó trợ lý Đông Á - Thái Bình Dương sự vụ của Hoa Kỳ.

[14] http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974STATE013405_b.html

11) Cũng trong ngày 21 tháng Một năm 1974, Kissinger đánh giá tình thế bất lợi của VNCH do thành viên của hội đồng bảo an LHQ có những thay đổi: Iraq thay Ấn Độ, Mauritania thay Sudan, Byelorussia thay Nam Tư và hai thành viên mới là Costa Rica và Cameroon vốn chưa có quan hệ tốt với VNCH. VNCH cần 9 phiếu thuận (trong 15 phiếu) trong tình trạng gấp rút này e rất khó thành [15].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974STATE013407_b.html

12) Ngày 22 tháng Một năm 1974, Phillipines cho biết quan điểm của họ về vụ Hoàng Sa là "thái độ xâm lấn của Trung Quốc là kết quả của việc Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam". Sự vụ này cho thấy Philippines nên tiếp tục duy trì căn cứ của Hoa Kỳ tại Phillipines. Phillipines cũng nhận định sự vụ này nhắm vào phía VNCH khiến Hà Nội ắt đã vỗ tay tán thưởng. Tuy nhiên, Hà Nội có lẽ cũng đã nhận ra rằng sự mất mát Hoàng Sa là sự mất mác không thể lấy lại được [16].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974MANILA00775_b.html

13) Ngày 22 tháng Một năm 1974, Mã Lai yêu cầu cho biết thêm chi tiết về sự vụ và nghi ngờ rằng đây là một trong những bước đầu tiên Trung Quốc kiểm soát tất cả các đảo trong khu vực mà họ đã công bố chủ quyền [17].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974KUALA00310_b.html

14) Ngày 22 tháng Một năm 1974, Liên Xô cho biết nhận định của họ về sự vụ cần được giải quyết giữa các phía liên can (VNCH, CHNDTH và Phillpines). Theo Liên Xô, bắc Việt (VNDCCH) chưa bao giờ xác nhận chủ quyền của họ ở quần đảo Hoàng Sa. Theo Trifonov, sự vụ này diễn ra do VNCH muốn hợp tác với Mỹ để khai thác dầu hoả [18].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974MOSCOW01036_b.html

15) Ngày 22 tháng Một năm 1974, chủ tịch hội đồng bảo an LHQ, Facio liên lạc với phía VNCH và đánh giá tình hình. Ông cho rằng VNCH đang nằm trong thế bất lợi để có thể có đủ phiếu thuận. Theo thẩm định của ông,

Phiếu thuận: Úc, Áo, Anh, Mỹ và Costa Rica
Phiếu chống: Beylorussia, Trung Quốc, Indonesia, Iraq và Liên Xô
Phiếu trắng: Careroon, Pháp, Kenya, Maritania và Peru [19].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974USUNN00219_b.html

16) Ngày 23 tháng Một năm 1974, phía Indonesia xác nhận quan điểm của họ là Hoàng Sa thuộc Trung Quốc theo hội nghị San Francisco 1951. Tuy nhiên, đại diện Indonesia từ dối xác định vị thế của họ trước cuộc họp của hội đồng bảo an LHQ [20].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974JAKART00961_b.html

17) Ngày 23 tháng Một năm 1974, đại sứ Martin cho biết vì thiếu mối quan hệ ngoại giữa VNCH và Peru cho nên Peru sẽ chọn phiếu trắng trong cuộc họp của hội đồng bảo an LHQ [21].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974SAIGON01039_b.html

18) Ngày 23 tháng Một năm 1974, ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc kêu gọi SEATO áp dụng điều khoản 4 của hiệp định Manila và kêu gọi các quốc gia trong hiệp hội SEATO có những động thái cần thiết [22].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974BANGKO01283_b.html

19) Ngày 23 tháng Một năm 1974, theo Kissinger thì chính phủ Hoa Kỳ đã nhận được tuyên bố phía Indonesia cho rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc và được quốc tế công nhận [23].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974STATE014788_b.html

20) Ngày 23 tháng Một năm 1974, chủ tịch hội đồng bảo an LHQ đã xác nhận phổ biến bức thư của đại sứ VNCH Nguyễn Hữu Chi, đại diện VNCH như thành viên dự khuyết của hội đồng bảo an LHQ trình bày sự vụ Hoàng Sa [24].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974USUNN00233_b.html

21) Ngày 23 tháng Một năm 1974, Kissinger chuyển gởi thông tin đến phía VNCH về việc Costa Rica xác định ủng hộ VNCH. Tuy nhiên tình thế vẫn rất bất lợi cho phía VNCH vì chỉ có 5 phiếu thuận, 5 phiếu trắng và 5 phiếu chống [25].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974STATE015338_b.html

22) Ngày 24 tháng Một năm 1974, Kissinger cho biết phản ứng của SEATO với sự vụ VNCH kêu gọi ngày 23 tháng Một năm 1974 là "tiêu cực" (negative) và Hoa Kỳ rất ngờ vực khả năng của SEATO [26].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974STATE015405_b.html

23) Ngày 25 tháng Một năm 1974, ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc gởi thông điệp qua đại sứ thường trực Nguyễn Hữu Chi về việc phía VNCH rút thỉnh cầu kêu gọi cuộc họp khẩn cấp dựa theo quyết định của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhưng mong mỏi hội đồng bảo an LHQ ghi nhận trường hợp này và xử lý sao cho thích hợp [27].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974SAIGON01040_b.html

24) Ngày 25 tháng Một năm 1974, chính phủ Pháp xác nhận việc Pháp dự định bỏ phiếu trắng là không đúng sự thật. Tuy nhiên, đại diện chính phủ Pháp cho rằng sự vụ rất phức tạp và ngay lúc này họ không thể chọn ủng hộ bên nào. Pháp muốn biết quan điểm cụ thể của Hoa Kỳ như thế nào [28].
http://search.wikileaks.org/plusd/cables/1974PARIS02298_b.html
---------------------------------------

Nhận định cá nhân:

- Sự việc xảy ra nhằm lúc có những điểm bất lợi cho VNCH vì hội đồng bảo an LHQ vừa thay đổi thành viên thường trực. Trong đó, Iraq thay Ấn Độ, Mauritania thay Sudan, Byelorussia thay Nam Tư và hai thành viên mới là Costa Rica và Cameroon vốn chưa có quan hệ mật thiết với VNCH. Byelorussia thuộc USSR thì việc ủng hộ VNCH là việc không thể.

- Chính phủ VNCH đã cố gắng hết sức để vận động cả hội đồng bảo an LHQ lẫn tổ chức SEATO nhưng SEATO không mang lại kết quả nào tích cực.

- Liên Xô dù đang va chạm với Trung Quốc nhưng không muốn ủng hộ VNCH và cũng không muốn ra mặt đối chọi với Trung Quốc trong việc ra phiếu thuận cho VNCH.

- Indonesia và China bắt đầu quan hệ ngoại giao từ năm 1950 nhưng bị ngưng vào năm 1967 vì biến cố Gestok năm 1965 tại Indonesia. Tuy nhiên, Indonesia luôn luôn xác định Hoàng Sa là của Trung Quốc và cho đến phút chót, vị trí bỏ phiếu chống VNCH của Indonesia vẫn không thay đổi mặc dù theo dư luận chung của quốc tế, quần đảo Hoàng Sa thời điểm này vẫn thuộc dạng "dispute" (tranh chấp). Indonesia đã tạo thêm bất lợi cho VNCH.

- Pháp có thái độ mập mờ về việc ủng hộ VNCH với chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa mặc dù trong thời Pháp thuộc, Pháp đã nhiều lần xác định cơ quan hành chánh cho Hoàng Sa. Sự quyết định chậm trễ và mập mờ của Pháp đã góp phần vào việc VNCH phải huỷ bỏ cuộc họp khẩn cấp về sự vụ Hoàng Sa.

- Nếu Ấn Độ và Sudan vẫn còn là thành viên thường trực của hội đồng bảo an LHQ và Indonesia và Pháp có động thái tích cực và chính xác hơn thì có lẽ VNCH đã có thể chiếm 9 phiếu thuận trên 15 phiếu và sự vụ đã được khép lại.

- Hội đồng bảo an LHQ và phía Hoa Kỳ đã làm việc rốt ráo và có những đóng góp ý kiến có giá trị vì nếu VNCH không nắm tình hình mà lao vào cuộc biểu quyết và bị phủ quyết thì sự vụ sẽ vĩnh viễn khép lại và Việt Nam sẽ vĩnh viễn mất Hoàng Sa.

- Phía VNCH và tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định rút đơn thỉnh cầu và đó là một quyết định đúng đắn vì nếu VNCH bị phủ quyết thì sự vụ sẽ vĩnh viễn khép lại và Việt Nam sẽ vĩnh viễn mất Hoàng Sa.

- Sau 1975, chính phủ VNDCCH chưa bao giờ đưa sự vụ Hoàng Sa ra LHQ. Cho đến ngày nay, Hoàng Sa đã trở thành căn cứ và thuộc đơn vị hành chánh "Tam Sa" nhưng chính phủ CHXHCNVN chưa bao bao giờ có bất cứ động thái rốt ráo và quyết liệt nào cả.

Theo: FB Hoàng NGọc Diêu


Bàn cờ Hoàng Sa 1974 - 39 năm nhìn lại.
16 Tháng 1 2013 lúc 21:05
Ai đánh cờ và ai là con cờ?

Hoa Kỳ:

Trong tài liệu "US World and News", số ngày 25 tháng 3 năm 1974 có một cuộc phỏng vấn Đô đốc Noel Gayler, người nắm tư lệnh quân đội Hoa Kỳ từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương, từ Alaska đến Antartica. Ông ta đưa một số điểm trọng yếu về vai trò của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương trong bài phỏng vấn dài năm trang và những điểm trọng yếu ấy là những quan tâm chẳng phải Việt Nam, chẳng phải Trung Quốc mà chính là Liên Xô.

Khi được hỏi:
"Sức mạnh của sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và ở Ấn Độ Dương hiện giờ như thế nào khi yếu tố Việt Nam đã xong?"

Đô đốc Noel Gayler đáp:
"Tôi chính là một trong những người tin rằng Thái Bình Dương là khu vực của tương lai. Đó là nơi cường độ thay đổi xảy ra mạnh mẽ nhất."

và ông tiếp tục:
"..... đó là nơi ảnh hưởng của quân đội Nga rất nặng nề. Người Nga đã hai lần chính thức đề nghị sắp xếp khu vực này dưới trướng của họ. Họ không chiếm được quá nhiều hỗ trợ chính trị. Nhưng sẽ gay go nếu như Nga được xem là lực lượng quân sự bao trùm ở vùng này, tình hình chính trị sẽ thay đổi lớn lao." [1]

Đô đốc Gayler còn công khai quan ngại về sự phát triển toàn diện của quân đội Liên Xô về bộ binh, không quân, hải quân và cả vũ khí nguyên tử [2].

Khi đề cập đến Paracel (Hoàng Sa):
Q: Áng chừng chúng ta có bị lôi vào chiến trận do chính những thoả hiệp của chúng ta không?

Ông ta cho biết:
A: Chắc chắn chúng ta rút tay ra khỏi trận Paracel, và điều này đã được thông báo trước. [3] 

Ông trả lời tiếp:
"Dầu hoả là trọng tâm của vấn đề. Chẳng ai quan tâm đến mấy hòn đảo ấy trong quá khứ bởi vì họ chưa bao giờ nghĩ rằng chúng có giá trị. Thế rồi mọi người để ý rằng chúng toạ lạc trên một vị trí địa lý lý thú ở vùng nước cạn, và dưới những dự luật quốc tế, chủ quyền chạy hàng nhiều dặm ra từ các mảnh đất nhỏ bé ấy. Vài hòn đảo đã được đến bốn quốc gia tranh giành hàng mấy trăm năm. Và mỗi quốc gia đều có thể tạo một câu chuyện thuyết phục để" hình thành chủ quyền. Tôi nghĩ điều quan trọng đối với U.S. là làm mọi thứ có thể để khuyến khích những giải pháp hoà bình." [4]

Điều này cho thấy quan điểm chính thức của Hoa Kỳ về Paracel - Hoàng Sa ở thời điểm ấy đã quá rõ. Họ không quan tâm đến Hoàng Sa, họ cũng chẳng muốn bị níu kéo vào cuộc chiến sau khi tìm mọi cách để rút ra khỏi Việt Nam mặc dù năm 1973, chính quyền Sài Gòn đã chính thức ký giao kèo với 5 hãng xăng dầu hàng đầu của Mỹ, Anh Nhật và Canada để thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Cần nhắc lại, trong những cuộc tranh biện giữa Kennedy và Nixon trong cuộc tranh cử năm 1960, hai ông đã tranh luận nảy lửa về trường hợp hai đảo Quemoy-Matsu ở Đông Nam Á, giữa Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa và Đài Loan Trung Hoa Dân Quốc. Trong những cuộc tranh biện này, dù khác biệt quan điểm trong việc liên can đến những tranh chấp lãnh thổ ở Đông Nam Á, hai ông cùng lặp đi lặp lại quan điểm "chống cộng sản, an ninh quốc gia và bảo vệ Hoa Kỳ" nhưng hoàn toàn trái ngược ý kiến về việc Hoa Kỳ có nên tham chiến chỉ vì hai hòn đảo bé nhỏ ở Đông Nam Á. Những cuộc tranh biện ấy rốt cuộc đi đến chỗ: Hoa Kỳ không nên liên can đến những tranh chấp như thế. Điều này một lần nữa đã khẳng định thái độ của Hoa Kỳ trong vụ đụng độ giữa Trung Cộng và Việt Nam Cộng Hoà năm 1974. [5]

Trước khi cuộc phỏng vấn với Đô đốc Gayler xảy ra, ngày 23 tháng Một năm 1974, tờ Philadelphia Inquirer có đăng một bài với tựa đề "The U.S. must not stray into a new trap in Vietnam". Bài báo này xuất hiện ngay sau khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông James R. Schlesinger ra hiệu rằng chính phủ Nixon có thể sẽ hỗ trợ không lực trực tiếp nếu Việt Nam Cộng Hoà bị lâm vào thế bị đe doạ quân sự trầm trọng. [6] Tuy vậy, trước đó một ngày, 22 tháng Một năm 1974, tờ The Irish Times có đăng một bài với tựa đề "Saigon protests to U.N. over Chinese violations" về sự vụ Hoàng Sa, trong đó có đoạn cho biết chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã hai lần yêu cầu hạm đội 7 giúp đỡ tìm kiếm các hải quân bị mất tích và một số máy bay trinh thám của Hoa Kỳ đã rà trên khu vực các hòn đảo Hoàng Sa theo yêu của của VNCH. [7] Có lẽ đây là những phản ứng cấp thời từ phía Hoa Kỳ nhằm giúp đỡ đồng minh trong giới hạn rất nhỏ và chẳng phải là một hành động mang tính chính sách hoặc chiến lược lâu dài. Ngay cả trong cuộc họp báo ngắn ngủi ngày 26 tháng Một năm 1974, Henry Kissinger chỉ dừng lại ở mức độ lên án Trung Quốc dùng vũ lực để giàn xếp vấn đề lãnh thổ [8].

Đối với Hoa Kỳ, từ sau khi có những xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc ở cấp độ tư tưởng và hiện tượng này càng lúc càng rõ, Trung Quốc không còn là công cụ để Liên Xô mở rộng chủ nghĩa cộng sản (như thời Mao còn gọi Stalin là "lãnh đạo duy nhất của đảng ta") cho nên không còn là đối tượng cần tách rời và kiểm soát [9]. Hoa Kỳ chỉ chú trọng những con cờ chủ và có thể tạo bất lợi đến quyền lợi của Hoa Kỳ. Sau thời điểm Nixon gặp gỡ Mao ở Trung Quốc, chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc càng rõ hơn: hai bên cùng có lợi và đừng tạo ra những gì bất lợi cho nhau, một thứ "bilateral agreement".  Rõ ràng đối với Hoa Kỳ thì việc Liên Xô nắm giữ Đông Nam Á và khu vực biển Đông là việc không nên xảy ra. Điều này dễ hiểu bởi vì Liên Xô thời ấy hùng mạnh hơn Trung Quốc rất xa, Liên Xô lại là đầu tàu của khối cộng sản và bởi thế, Liên Xô là mối đe doạ và quan tâm cao nhất. Điều có thể thấy rõ, Hoa Kỳ thà để Trung Quốc sắm vai "ông kẹ" Á Châu, không đụng chạm mấy đến quyền lợi và quyền lực của Hoa Kỳ và là lực lượng đối trọng với Liên Xô còn hơn là Hoa Kỳ phải đối chọi với cả hai.


Trung Cộng:

Xuyên qua bài viết mang tựa đề "The Japan-China-USSR Triangle" [10], Sheldon W. Simon phân tích những điểm xoay quanh bàn cờ chính trị, kinh tế và quân sự giữa Nhật, Trung Quốc và Liên Xô với sức mạnh và sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong cuộc chơi trong thời điểm những năm đầu của thập niên 70. Điểm quan trọng ở góc độ chính trị và quân sự nằm ở chỗ Liên Xô gia tăng quân sự ở khu vực biên giới Xô-Trung và sự hiện diện của hải quân Liên Xô trên cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trước đó, Trung Quốc còn phải lo đối diện với chiến tranh biên giới với Liên Xô (từ 1964 đến 1969) quanh vấn đề thử nghiệm nguyên tử. Từ 1970, sự vụ tạm yên nên Trung Quốc gia tăng việc "biểu hiện sức mạnh", đặt biệt trong vùng biển Đông để hình thành cho mình cái gọi là "vị thế chính trị".

Tác giả Jay H. Long viết một bài tiêu đề "Paracel Incidents: Implicationsfor ChinesePolicy" [11] phân tích chi tiết về động thái của Trung Quốc trong việc vội vã sử dụng biện pháp quân sự trên biển Đông để mở rộng sự ảnh hưởng của mình ở Châu Á và tạo sự cản trở đến Hoa Kỳ và Liên Xô trên các tuyến hải hành giữa Thái BÌnh Dương và Ấn Độ Dương. Đây là một nước cờ "kịp thời" của Trung Quốc vừa đánh vào trọng tâm dầu khí (có thể có) ở Paracels và Spratlys vừa thiết lập nền tảng của sự ảnh hưởng và mở rộng của Trung Quốc. Điều này được xác nhận sau này, khi Đô đốc Trung Quốc, Zhang Liangzhong phát biểu rằng thiếu sức mạnh trên biển, Trung Quốc không thể thực hiện những ý định quân sự và ngoại giao [12]. Trước thời điểm tháng Một năm 1974, thế giới hoàn toàn không hề biết sự tồn tại của PLAN (People's Liberation Army Navy - Hải Quân Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân) mà chỉ biết đến PLA (People's Liberation Army). Bởi thế, động thái quân sự ở Hoàng Sa 1974 chính là bước đầu để vượt qua cái gọi là "thiếu sức mạnh". Có lẽ ý định này quá rõ cho nên sau trận chiến Hoàng Sa 1974, Việt Nam Cộng Hoà gia tăng phòng thủ ở Spratlys (Trường Sa) mặc dù lúc ấy trong tình trạng chống đỡ với lực lượng mặt trận giải phóng miền Nam và quân đội Bắc Việt.

Cho đến cuối 1973, Trung Quốc đã nắm rõ tình hình Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không còn can dự đến Việt Nam và sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đến VNCH chỉ là những hỗ trợ mang tính tạm thời: điều này có nghĩa Bắc Việt sẽ thắng với Liên Xô và Trung Quốc hậu thuẫn sau lưng. Song song vào đó, xu hướng Cộng Sản Việt Nam ngả về phía Liên Xô càng ngày càng rõ trong giai đoạn sau 1974: điều này có nghĩa khả năng Liên Xô sẽ hiện diện trên vùng biển đảo Việt Nam trong tương lai gần chắc chắn sẽ không tránh khỏi. Bởi vậy, việc chiếm giữ Hoàng Sa ngay thời điểm 1974 là hành động kịp thời để xác định vị trí của Trung Quốc trên biển Đông [13].

Trong suốt cuộc chiến Việt Nam, cả Trung Quốc lẫn Liên Xô đều dùng việc viện trợ cho Việt Nam để "đấu" với nhau. Trung Quốc thấy rõ dù gì Liên Xô vẫn xa xôi và cách trở với Việt Nam và dù gì, Trung Quốc vẫn ở vị thế "láng giềng môi hở, răng lạnh". Việc đánh chiếm Hoàng Sa nếu xét xuyên suốt các động thái của Trung Quốc trước đó, điển hình không dự hội nghị San Francisco 1951, liên tục "khẳng định" chủ quyền của Paracel và Spratlys từ thời Hán mà không cần đưa ra bất cứ một bằng chứng lịch sử nào [14]...v...v...  nhưng Bắc Việt vẫn không hề tỏ thái độ một cách cụ thể và rõ ràng thì đó là một phần của sự tính toán rất kỹ và rất lâu của Trung Quốc trên bàn cờ này rồi.


Liên Xô:

Nhắc lại ở San Francisco Treaty 1951, Liên Xô đã từng ra mặt phản đối những thoả thuận về biển đảo ở Đông Nam Á là bất lợi cho Trung Quốc [15], đó là thời còn Stalin, thời Mao chính thức giương cờ cộng sản và gọi Stalin là "lãnh tụ duy nhất của đảng ta". Đó còn là thời những khác biệt về chính sách, những xung đột về biên giới và ý thức hệ chưa lộ rõ. Tuy nhiên, những khác biệt dẫn đến rạn nứt giữa Liên Xô và Trung Quốc càng về sau càng trầm trọng và bởi thế, quan hệ Liên Xô - Trung Quốc không còn là quan hệ "hữu nghị bền vững" nữa mà trở thành đối thủ từ suốt thập niên 60 cho đến ngay thời điểm 1974 và sau đó. Trên căn bản này, Liên Xô tất nhiên đã không những không kèn trống ca ngợi hành động Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa mà trái lại, Liên Xô đã lên tiếng phản đối Trung Quốc sử dụng vũ lực sai quấy. Đây là động thái dễ hiểu, nhất là ngay thời gian gần đó Bắc Kinh đã trục xuất các nhân viên toà đại sứ Liên Xô với lý do "gián điệp" [16]. Thật ra ở thời điểm nửa đầu 1974, theo nhiều sử gia nhận định thì sự vụ Paracel Hoàng Sa mà Trung Quốc gây ra là 1 trong 3 lý do chính kéo mối quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc đến điểm thấp nhất.

Vào lúc này, cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô và khối cộng sản vẫn tiếp diễn nhưng Trung Quốc đã nắm được sợi dây "ngoại giao song phương" với Hoa Kỳ, điều mà Liên Xô và chính quyền Hà Nội gọi là "phản bội để cấu kết với bọn đế quốc". Thực tế, Trung Quốc chưa phải là đồng minh và chưa bao giờ là đồng minh của Hoa Kỳ mà chỉ dừng lại ở một số các thoả thuận song phương. Hành động ngồi xuống và thoả thuận với Mỹ là hành động cụ thể nhất chứng minh sự tách rời của Trung Quốc khỏi khối cộng sản "chính thống", khỏi trướng lãnh đạo của Moscow. Đối với Liên Xô, hành động ấy được xem là "phản bội" qua góc nhìn "trung kiên cộng sản" quả là không ngoa. Ngay sau sự kiện Hoàng Sa 1974, Liên Xô gia tăng hơn một triệu binh lính sát biên giới Liên Xô - Trung Quốc với vô số xe tăng T54 và cả những vũ khí nguyên tử, đồng thời Liên Xô cho hiện diện ở khu vực Thái Bình Dương đến 70 chiến thuyền và 70 tàu ngầm. [17]

Đối với Liên Xô, vấn đề không phải là Hoàng Sa hay bất cứ lợi lộc nào từ Hoàng Sa mà vấn đề nằm ở chỗ phản ứng với "thằng em" Trung Quốc đi đến chỗ bất tuân một cách công khai và mạnh mẽ. Tất nhiên, những hành động như vậy của Trung Quốc dẫn đến hàng loạt những thay đổi về chính trị giữa Trung Quốc, Liên Xô và Việt Nam trong suốt hậu bán thập niên 70' và sau đó. Hoàng Sa đối với Liên Xô ở thời điểm ấy chỉ là con cờ để níu kéo đàn em Việt Nam khỏi "nanh vuốt" của bọn "phản bội lý tưởng cộng sản" mà thôi. Đồng thời, Hoàng Sa cũng được Trung Quốc dùng để níu kéo Bắc Việt về phía mình. Về sau này, khi Liên Xô đã đóng giữ ở vịnh Cam Ranh và tàu chiến của Liên Xô tràn ngập biển Đông, khi Trung Cộng và Việt Nam đụng độ ở Spratlys vào năm 1988, Liên Xô vẫn "hằm hè" nhưng không hề động binh. Điều này cho thấy, từ đầu đến cuối, Liên Xô không hề quan trọng Hoàng Sa, Trường Sa hay bất cứ thứ gì trong cuộc tranh chấp ở biển Đông.


Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng miền Nam:

Trong suốt nhiều tháng trước và sau trận chiến Hoàng Sa xảy ra, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà không có phản ứng rõ rệch, thậm chí rất khỏ hiểu. Trên tờ Akahata bản Nhật văn đăng ngày 25 tháng Một năm 1974 chỉ có đăng một đoạn rất ngắn nói về "quan điểm" của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà:

"Dựa trên tinh thần công bằng, tôn trọng lẫn nhau và hữu nghị láng giềng, những quốc gia có quan ngại nên nghiên cứu kỹ và giải quyết vấn đề bằng ngoại giao." [18]. Đây là một câu phát biểu cực kỳ mơ hồ. "Những quốc gia có quan ngại" ở đây là những quốc gia nào? Câu phát biểu như trên của nhà cầm quyền Hà Nội như thể họ không đứng ở vị trí quan ngại mà chỉ ở vị trí quan sát những kẻ nào đó quan ngại. Hoá ra Hà Nội không hề quan ngại vì Việt Nam (nói chung) đã mất Hoàng Sa?

Tuy nhiên, gần đây trong tài liệu "Asia-Pacific Defence Reporter" số tháng Mười năm 1992, Michael Richardson đề cập đến chi tiết nhà cầm quyền Hà Nội "xét lại" các mối quan hệ và xét lại như thế nào thì mãi sau 1975, khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, mới rõ hình. Trong giai đoạn 1970 - 1974, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đã nhận những khoảng viện trợ rất lớn từ cả Liên Xô lẫn Trung Quốc. Theo thông tin của tài liệu "Communist military and economics AID to North Vietnam 1970 - 1974" được giải mật năm 2005 thì tổng số viện trợ kinh tế lên đến 3,6 tỉ USD và xấp xỉ 2 tỉ USD cho quân sự dành cho Bắc Việt trong giai đoạn 4 năm 1970-1974. Điều này có nghĩa Bắc Việt nằm trong vị thế rất kẹt để có phản ứng trực tiếp và công khai đến hành động Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa.

Cũng trong giai đoạn này, trên tờ Le Monde của Pháp ngày 28 tháng Một năm 1974 đăng tải thông tin ở hội nghị La Celle St.Cloud, chính quyền cách mạng lâm thời của mặt trận giải phóng miền Nam bác bỏ đề nghị của Việt Nam Cộng Hoà lên án Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và chỉ kêu gọi giải pháp "ngoại giao và thương lượng".

Sử gia thiên tả Gareth Porter có viết một bài với tiêu đề "The U.S. and Vietnam: Between War and Friendship" [19]. Trong đó, ông có đề cập đến chi tiết một nhà báo người Thái đã phỏng vấn Hoàng Tùng, phát ngôn viên của trung ương đảng Lao Động Việt Nam vào khoảng cuối năm 1974, và Hoàng Tùng phát biểu rằng Việt Nam phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc trên căn bản Việt Nam không xem Trung Quốc là một nước Đông Nam Á và bởi thế Trung Quốc không nên có lãnh hải rộng lớn như thế [20]. Xét ở mặt logic, câu tuyên bố trên phi logic ở chỗ, nếu Trung Quốc không phải là một nước Đông Nam Á thì Trung Quốc không thể có lãnh hải ở Đông Nam Á thay vì "không nên có lãnh hải rộng lớn như thế" theo cách nói của Hoàng Tùng. Cách nói như thế ngầm chấp nhận rằng "cho dù Trung Quốc không phải là một nước Đông Nam Á nên vẫn có thể có lãnh hải (nhỏ) thuộc Đông Nam Á". Hơn nữa, Việt Nam dùng vị thế gì mà "không xem Trung Quốc là một nước Đông Nam Á? Từ đó đến nay "quan điểm" của nhà cầm quyền Hà Nội có gì thay đổi và cách "phát biểu" có gì thay đổi?


Việt Nam Cộng Hoà:

Động thái của Việt Nam Cộng Hoà quá rõ và dễ hiểu.
- Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực.
- VNCH đánh trả, lính VNCH hy sinh, tàu chiến bị đánh chìm, VNCH thất trận, mất Hoàng Sa.
- VNCH trông chờ vào sự hỗ trợ của đồng minh một cách vô vọng.
- VNCH công khai và rộng rãi lên án Trung Quốc, thỉnh nguyện UN giải quyết và từ đó đến nay, vẫn luôn luôn khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam và Trung Quốc có hành động đánh chiếm một cách phi pháp.



Chú thích:

[1] Nguyên văn:
Q: Just how strong is the U. S. stake in the Pacific and the Indian Ocean region now that Vietnam is over?
A: I happen to be one of those who believe that the Pacific is the area of the future. It's the area where the rate of change is greatest. It's a very large area of the world, and it contains two thirds of the human race. It is the area where the potential for confict is certainly as sharp as anywhere, because the gap between the rich and the poor is increasing, both within countries and between countries, and it's an area where the military might of Russia impinges very heavily. The Russians have twice formally offered to organize the area under their tent. They haven't gotten very much political support. But it's quite dear that if Russia were seen to be the dominant military power out there, the political situation would change a great deal.

[2] Nguyên văn:
You can't help but notice the enormous Russian military build-up in all forces-strategic, nuclear, air, naval, ground forces. They have over 40 divisions opposite the Chinese border, supported by a powerful, illtegrated Air Force. They have a very capable Navy component supported by naval aircraft, and they have guided·missile ships and submarines specifically designed to dispute our control of the great historic sea lanes of the area. Altogether, they keep some 300 ships in the Indian and Pacific Oceans.
Even more importantly, the Russians have a philosophy behind their military build·up. In the case of the Soviet Navy, it's been enunciated by Adm. Sergei Gorshkov, who has heen their Chief of Naval Operations for some 18 years now. He's one of the most remarkable naval figures of this century. He's brought the Russian Navy from a coastal defense force to a blue-water force. The Russian shipbuilding program has been very well conceived and well sustained. We began to see the first of these good ships a dozen years ago, and the Russians are not slowing down. If anything, they are expanding their ship construction.

[3] Nguyên văn:
Q: Are we likely to be drawn into any fghting by our treaty arrangements?
A: We certainly kept hands off in the Paracel battle, and that's been noticed.

[4] Nguyên văn:
Oil is at the heart of the problem. Nobody cared much about those islands in the past because they never thought they were valuable. Then everybody noticed that they were sitting on interesting-looking geological formations in shallow water, and that under the new international-law proposals, sovereignty ran miles out from those little bits of land. Some of the islands have been disputed by as many as four different powers for a couple hundred years or more. And each can produce a pretty good story to establish a claim.
I think the important thing for the U. S. is to do everything possible to encourage peaceful solutions.

[5]
Cuộc tranh luận giữa Kenedy và Nixon trong cuộc tranh cử ngày 7, ngày 13 và ngày 21 tháng 10 năm 1960:
http://www.youtube.com/watch?v=30kDGU2vmx8
http://www.youtube.com/watch?v=okG1Zo23BmE
http://www.youtube.com/watch?v=jznAJySwkmM

http://www.debates.org/index.php?page=october-7-1960-debate-transcript
http://www.debates.org/index.php?page=october-13-1960-debate-transcript
http://www.debates.org/index.php?page=october-21-1960-debate-transcript

[6] Nguyên văn:
Secretary of Defense James R. Schlesinger has hinted in interviews that if South Vietnam should be beset with a major military threat, the Nixon Administration might consider offering direct air support.

[7] Nguyên văn:
South Vietnam has twice asked the U.S 7th Fleet for helps in search for survivors of the gunboat sunk in the battle for the Paracels but was turned down, official source said yesterday in Saigon. The source said, however, that U.S. flew reconnaissance missions over the islands yesterday at the request of the South Vietnamese government.

[8] Saigon Domestic Service in Vietnamese 0502 26 Jan 1974.

[9] Theo "The Delicate Dance of the Three Big Powers" - New York Times số 10 tháng Hai 1974.

[10] Tạp chí Pacific Affairs, Vol. 47, No. 2 (Summer, 1974).

[11] Tạp chí Asian Affairs, Vol. 1, No. 4 (Mar. - Apr., 1974), trang 229-239.

[12] "The Armed Forces of China", trang 183, của You Ji có ghi nhận lời phát biểu của đô đốc Zhang Liangzhong: "As a weak sea power, China suffers from lack of credibility in carrying out its political and diplomatic objectives."

[13] Theo "Vietnam and the Sino-Soviet Rivalry" trong tạp chí Asian Affairs, Vol. 6, No. 1 (Sep. - Oct., 1978), tr. 1-31.

[14] Trang 122 cuốn Sovereignty Over the Paracel and Spratly Islands của Monique Chemillier-Gendreau ghi nhận 15 tháng Tám 1951, Chu Ân Lai khẳng định Paracels hoàn toàn là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời Hán mà không cần bất cứ một bằng chứng lịch sử nào.

[15] Tại San Francisco Peace Treaty (1951), Phó bộ trưởng thứ nhất bộ ngoại giao Cộng Hoà Liên Bang Xô Viết A.A. Gromyko nhận định: 

These agreements recognize the absolutely indisputable rights of China, now the Chinese People's Republic, to territories severed from it. It is an indisputable fact that original Chinese territories which were severed from it, such as Taiwan (Formosa), the Pescadores, the Paracel Islands and other Chinese territories, should be returned to the Chinese People's Republic.

http://www.mofa.go.jp/region/europe/russia/territory/edition92/period4.html

[16] Theo "The Delicate Dance of the Three Big Powers" - New York Times số 10 tháng Hai 1974. "The Cambridge History of China: Volume 15", phần "Sino-Soviet negotiations", tr. 287. 

[17] Theo "Naval Power and expedition warfare", Bruce A. Elleman, T & F Books UK (February 18, 2011), tr. 146. 

[18] Nguyên văn:
(Hanoi-based correspondent Yasue Iwana. 25 January) On 25 January, in response to my question on the territorial question of the Hsisha islands [Paracel lslancts] group which recently caused an armed clash between China and the Saigon regime, an authoritative diplomatic source in Hanoi stated, "Based on the spirit of equality, mutual respect, and good neighborly friendship, the countries concerned should fully study it and settle it by negotiations."

Thông tin tương tự trong "Current Scene", số tháng Hai năm 1977, "The PRC and the South China Sea" - Lee Lai To.

[19] Tạp chí Southeast Asian Affairs, (1977), tr. 325-338.

[20] Nguyên văn:
Later in 1974, Central Committee spokesman Hoang Tung made it clear in an interview with a Thai journalist that Vietnam rejected the Chinese claim. "Our point of view is that China is not a Southeast Asian country," he said "so China should not have such big terntorial waters as she claims."

Theo: FB Hoàng Ngọc Diêu





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét