Bóng tối mỗi lúc một như thêm đặc lại. Hoàng hôn đã tàn. Biển càng lúc càng âm u hơn. Tôi muốn cử động, nhưng chân tay sao cứ rã rời tê dại. Súng thôi nổ, trận hải chiến đã kết thúc tự bao giờ. Giặc Tàu đền tội xâm lăng, xác chìm dưới biển, thây phơi như rơm rạ trên boong. Tiếng quân ta reo hò tựa hồ như còn âm hưởng đâu đây… Tôi cố nhớ lại loạt đạn thù nào đã hủy hoại một phần thân thể cho tôi đau xót hờn căm, nhưng sao mỏi mê cứ đầm đầm trên da thịt, trên đầu tôi băng cứng.
Thời gian đã không còn là một ý niệm nơi đây. Tôi không còn nhận thức được ngày nào đêm mấy nữa. Những ngày lênh đênh trên biển là những ngày dài thê thảm và đêm ở biển là đêm của hư vô, dật dờ, lạnh lẽo. Đêm như im sửng lạ lùng. Tôi tưởng nhớ đến chiến hạm già nua cũ kỹ, nhưng đã mang tôi lênh đênh mười bốn tháng thân yêu, giờ này tàu tôi đang ở đâu? Đang trơ vơ với vết đạn thù hoang lở, đang nằm sâu dưới lòng biển lạnh muôn trùng? Hộ tống hạm mang tên giòng sông lịch sử ghi dấu chiến thắng lẫy lừng của tiền nhân đó, đã xa tôi thật rồi sao? Bạn bè mấy kẻ ra đi, mấy người ở lại?……
Trên chiếc bè cấp cứu, chiếc bè đào thoát mà tôi tưởng chẳng bao giờ dùng tới, tôi đã cảm thấy đuối sức thật sự, hơi thở tôi hụt hẳn, lạnh băng vì xác thân tôi phải đẫm ướt luôn luôn và hai tay phải hoài giữ chặt giây lưới trong bè để khỏi rơi xuống biển. Bây giờ tôi không còn trực nhật, không còn đi ‘quart’ hải hành giữa vùng biển nước thêng thang xa vắng này nữa rồi. Sáu người chúng tôi chỉ còn biết bấu víu hy vọng mong manh vào chiếc bè thôi. Trước đó, 4 bè cấp cứu được buộc vào nhau với 23 người hợp đoàn, nhưng không biết bao lâu trôi dạt, các mối giây tự nhiên tuột đứt trong lúc chúng tôi không còn hơi sức để nối lại nữa.
Tôi nghĩ rằng giữa hai phần sinh tử, thì phần tử đã chiếm 90%, chỉ còn 10% là niềm hy vọng con tàu nào đó, trên thủy trình từ Bắc vào Nam hay từ Nam ra Bắc, thấy và vớt chúng tôi … Hy vọng vươn lên khi mặt trời rạng rỗ ban ngày, nhưng cũng lụn tàn khi màn đêm rũ xuống! Kinh nghiệm hải hành ban đêm cho tôi biết rất khó phát hiện vật trôi trên vùng biển sương mù, nhất là vật nhỏ và thấp như ‘bè cấp cứu’ của chúng tôi. Trên Rada thường hiện lên những ‘ Echo giả’, người ta sẽ lầm chúng tôi với những ‘ echo giả , đó chăng? Các bạn tôi cũng dõi mắt tuyệt vọng mong tìm một ánh đèn hải hành ‘ hữu xanh tả đỏ’ trên bất cứ chiếc tàu nào, nhưng có thấy gì ngoài những đợt sóng nhấp nhô ma quái thấp thoáng trên mặt nước mênh mang…
Hạm Phó HQ10
Một Hạ sĩ chợt kêu thảng thốt vào tai tôi: “Trung úy ơi! Hạm phó chết…rồi!”
Một thoáng xót xa cho tim tôi quặn thắt, một nỗi buồn vời vợi xâm chiếm trong tôi! Đành vậy, biết sao bây giờ! Người đã bị thương nhiều nhưng quyết ở lại cùng Hạm trưởng, cùng chiến hạm dấu yêu đang ngụt sôi lửa hận trong vùng biển quê hương! Hạm trưởng thật là một MAGISTER POST DEUM, là quyền uy thứ hai sau trời! Hạm trưởng đã ở lại, còn Người sao không nghĩ đến ngày mai rửa hận? Một nhân viên đã phải vực Người nhẩy xuống cùng bè với tôi, bè cấp cứu sau cùng rời chiến hạm. Khắp thân Người nhầy nhụa máu. Máu truyền thống, máu bất khuất muôn đời.
“Một giọt máu đào, hơn một rừng châu báu”. Người đã đổ hết những giọt châu báu của mình để bảo vệ gấm vóc quê hương, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ. Anh hùng cao cả thay cho chí khí của Người đã chọn Đại Dương làm Mẹ lúc vừa khoát lên mình mầu áo xanh quân chủng. Giờ thì Người đã về với Mẹ, về với Tổ Quốc Đại Dương. Chỉ còn chờ lễ thủy táng theo tục lệ mà thôi! ……
Ý nghĩ chết chóc mãi lẩn quất trong đầu óc tôi. Rồi chừng nào đến lượt mình đây?… Khuôn mặt của Mẹ Cha khắc khổ, của em thơ ngây dại, của người yêu bé bỏng lần lượt hiện ra … Không, không thể được. Tôi phải sống. Tôi còn nhiều bổn phận. Tôi không thể chết khi ngựa hồng tôi chưa mỏi vó! Hy vọng duy nhất của tôi là được gặp một chiếc tàu. Bất cứ tàu nào!
Ngước trông bầu trời đầy sao lấp lánh, tôi vẫn mòn hơi chờ nhìn thấy một vì sao đổi ngôi để cầu xin điều ước vọng đó. Chòm sao ORION với dãy LES MAGES làm tôi quất quay nhung nhớ người yêu. Sao SIRIUS, vì sao sáng nhất trên trời mà tôi vẫn thường ví màu xanh đẹp như màu xanh mắt nàng. Tôi cũng thường kể nàng nghe chuyện thần thoại La Hy với 7 nàng công chúa kiều diễn con thần JUPITER, hiện thân của chòm “sao mão” PLEIADES, đi chơi trong rừng lạc lối, gặp thợ săn ORION vì quá ngưỡng mộ đuổi theo hoài mà không bắp kịp … Bây giờ tất cả đã chia xa. Những vì sao muôn đời vẫn còn đó nhưng có giúp tôi được những gì, ngoài sự nhận ra phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc từ chòm ORION kia. Nhưng nào có ích chi, khi chúng tôi không còn khả năng vận chuyển nữa, dù rằng vận chuyển chiếc bè nhỏ bé này. Thôi thì phó mặc cho giòng nước đẩy đưa. Đêm ở biển lạnh tái tê, gió rít từng hơi trên mặt sóng, chúng tôi ngồi sát gần nhau, san sẻ với nhau những nỗi kinh hoàng, những niềm bất hạnh lo âu.
“Đêm nay là đêm Giao Thừa!”. Anh Hạ sĩ ngồi gần nói với tôi như thế.
Đêm xuân hẳn rộn ràng trên vùng phố thị có người em yêu tuyệt vời của tôi. Còn nơi đây có gì ngoài một vùng biển nước không bờ không bến ngút mù sương. Ba đêm ngày không miếng ăn thức uống, sống thoi thóp lo sợ những đàn cá mập rập rình theo dõi, toàn thân luôn ướt đẫm. Nước biển mặn xót đau trên từng vết thương đã khô rồi giòng máu thắm. Những giòng máu đã chảy ra cho quê hương nước Việt mến yêu.
Bổng, “Có tàu Trung úy ơi!”. Tiếng reo vui của anh Hạ sĩ làm tất cả chúng tôi chợt tỉnh táo tinh thân lên với niềm hy vọng ở chiếc tàu cứu tinh kia. Hẳn suốt đời không bao giờ quên những ân nhân đó. Tuy khác màu da, không cùng ngôn ngữ Mẹ, nhưng sao tình thân thiết lạ lùng! Một vệt sáng đèn pha lướt qua phía trên đầu chúng tôi. Sức mạnh thiêng liêng nào đã làm tất cả như chồm lên vẫy tay ra dấu. Chúng tôi lại có thêm nỗi lo âu mới là những người trên tàu đó không thấy được chúng tôi và bỏ đi. Trên vùng biển mờ sương, tất cả những lạnh lẽo, đau đớn, mòn hơi, kiệt sức đã nhường chỗ cho sự háo hức, rạo rực trong chúng tôi. Nỗi vui mừng bao xiết khi chiếc xuồng cấp cứu (youyou) với đèn pha chiếu thật sáng tiến gần chúng tôi. Thế là thoát chết! Đa tạ ơn trên! Từng người từng người được xốc lên, xuồng cấp cứu quay về chiếc tàu buôn to cở tàu SEALAND mà tôi thường gặp trong sông Sàigòn. Chiếc tàu không một chút bồng bềnh vì to quá và vì biển êm nữa. Cả xuồng cấp cứu và chúng tôi trên đó, được trục vớt của tàu móc lên một cách nhẹ nhàng êm ái … Tôi dần dần tỉnh hơn, nhãn lực và tinh thần đã có nhưng chưa hoạt động gì được …
Thuyền trưởng bảo rằng: “… you’re very lucky” và cho biết chúng tôi là nhóm cuối cùng thật may mắn được vớt lúc 23 giờ 30 và chiếc xuồng cấp cứu đó là của tàu thả xuống, với vị Thuyền phó đích thân đi tìm trên biển lạnh lùng từng chiếc bè cho đến nhóm cuối cùng là đến bè chúng tôi. Nghĩa là các bạn tôi đều được cứu vớt. Còn nỗi mừng nào hơn? Còn lòng thán phục nào bằng cho nghĩa cử cao đẹp, tình đồng loại của những người trên tàu đều tận tâm lo phục hồi sinh lực chúng tôi sau khi biết chúng tôi bị nạn vì trận hải chiến với quân Trung-Cộng xâm lăng. Tôi hỏi tên chiếc tàu cứu nạn và nhờ họ viết lên tờ giấy bạc 20 đồng của tôi để ghi nhớ, kỷ niệm. Được biết đây là tàu chở dầu thuộc công ty SHELL, tên SKOPIONELLA, quốc tịch Hòa Lan, vừa đại kỳ xong và đang trên đường đi SINGAPORE. Họ đã biết sơ về trận hải chiến lịch sử của Hải quân Việt Nam anh hùng nhờ theo dõi tin tức của hệ thống truyền thanh, truyền hình ở Hồng-Kông. Chúng tôi dùng tiếng Anh để cảm thông với họ …
Suốt đêm Giao Thừa, họ phải ngưng máy, thả trôi, để lo săn sóc 22 người chúng tôi. Xúc động nhất trong đêm đó và có lẽ một đời tôi không quên được lòng tận tụy của hai phu nhân vị Thuyền trưởng và Thuyền phó tàu dầu SKOPIONELLA này. Với robes trắng, gương mặt thật đẹp, thật tươi của tuổi ngoài hai mươi, màu mắt xanh thật quý phái, phu nhân Thuyền trưởng và Thuyền phó đã như hai bà tiên phúc hậu săn sóc tôi và các bạn một cách tận tâm chưa từng thấy. Những thắp sáng có một chưa hai nơi con người, nơi tình tự dân tộc Hòa Lan và Việt Nam. Như những bà Sơ thật hiền lành, chỉ biết cười và nói những lời ngọt như trái chín, hai phu nhân đã lột trần chúng tôi rửa bằng nước ấm, lau bằng khăn lông, làm ấm dần cơ thể tưởng như hóa đá lâu ngày. Họ tự nhiên, thân thiện như một hiền phụ chăm sóc cho chồng đi chinh chiến chốn sa trường chẳng may “ngựa hồng ngã vó”. Như Mẹ Việt Nam hiền hòa muôn thuở, họ đã rửa từng vết thương, cho uống từng ngụm sữa, và ngồi trông chừng chúng tôi suốt đêm không mảy may tiếc nuối giấc nồng. Tác động tâm lý đó làm chúng tôi chóng bình phục hơn mọi thứ thuốc men nào! …
Rồi cũng qua đi thời gian hạnh phúc ngắn ngủi trên tàu Hòa Lan với những ưu ái của Thuyền trưởng cùng tất cả thủy thủ đoàn, nhất là hai vị phu nhân Thuyền trưởng Thuyền phó! Tôi ngùi ngùi nuối tiếc những giây phút huyền dịu đó, khi được chuyển sang một chiến đĩnh của Hải Đôi I Duyên Phòng. Tôi cảm thấy như đánh mất một cái gì quý giá mà mãi mãi không làm sao tìm được. Họ gởi cho chúng tôi những thùng khăn lông, xà bông; tôi nghĩ đó là kỷ niệm gói ghém tấm lòng bác ái, cảm thông giữa những người cùng yêu nghiệp biển nói chung và giữa thủy thủ đoàn thương thuyền SKOPIONELLA với chúng tôi, những người chiến sĩ HQVN lâm nạn, nói riêng.
Thế rồi chúng tôi đã được chuyển từ chiến đĩnh sang Tuần Dương Hạm TRẦN-QUỐC-TOẢN đưa về điều trị tại Bệnh viện Hải Quân Đà Nẵng. Nơi đây, chúng tôi lại được những an ủi vô cùng trong đời hải nghiệp, đó là những cuộc thăm viếng ủy lạo của vị Anh cả Hải Quân Việt Nam cùng các Sĩ quan cao cấp Hải Quân, các đoàn thể, tôn giáo …v.v…
Khung cảnh ấm êm hạnh phúc nơi này dành cho 21 người chúng tôi đã khiến cho tôi bùi ngùi nhớ thương những bạn bè đã ở lại chiến hạm quyết tử chiến với địch thù xâm lược, những bạn đã phải hy sinh trên đường trôi dạt dai dẳng mấy ngày qua. Những người đó mới chính là những liệt sĩ anh hùng làm rạng danh quân chủng Hải Quân Việt Nam vậy.
Đã qua rồi đêm xuân hãi hùng trên vùng biển chết đó, mà sao tiềm thức tôi cứ mãi vật vờ những ý tưởng mông lung… Tôi được sống lại đây bởi phép nhiệm mầu hay bởi bàn tay hiền dịu của phu nhân thuyền trưởng khả ái trên thương thuyền Hòa Lan gặp gỡ giữa đêm Giao Thừa Xuân Giáp Dần 1974.
Thanh Chương (07-02-1974)
Ghi chú: Hồi ký này đã được đăng trong đặc san Lướt Sóng số đặc biệt “Chiến Thắng Hoàng-Sa” do BTL/HQ/VNCH phát hành vào khoảng tháng 2 năm 1974.
Nguồn: Hqvnch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét