Không
chỉ có tàu chiến, trận Hải Chiến Hoàng Sa còn có sự tham gia của lực lượng Người
Nhái và Biệt Hải. Những phát súng đầu tiên khai màn cho cuộc hải chiến Hoàng Sa
không phát xuất từ các tàu Hải Quân mà bắt đầu từ lực lượng Người Nhái đổ bộ
lên đảo Quang Hòa. Họ chỉ trang bị vũ khí cá nhân và vừa bước lên bãi biển đã bị
quân Trung Quốc dùng súng phòng không 12 ly 7 từ trên bờ bắn xuống. Một sĩ quan
trưởng toán và một hạ sĩ đã hy sinh và phải rút lui về lại HQ- 5. Hai Người
Nhái khác đã hy sinh trên HQ- 5 khi xảy ra hải chiến. Trên HQ-4, Biệt Hải Nguyễn
Văn Vượng trở thành người hùng khi xông pha trong bom đạn, để dập lửa, chuyển đạn
khi HQ 4 đang bốc cháy. Nhóm Người Nhái từ HQ 16 đổ bộ lên đảo Vỉnh Lạc vẫn còn
bám lại đảo sau hải chiến và là những quân nhân cuối cùng rời khỏi đảo. Họ lênh
đênh đói khát 10 ngày trên biển mới gặp được ngư dân cứu sống. Câu chuyện bi
tráng của lực lượng Người Nhái, Biệt Hải trong Hải Chiến Hoàng Sa là câu chuyện
của lòng dũng cảm hy sinh và đầy nước mắt đau thương.
Lực lương Người Nhái trong quân đội VNCH tương tự
như Đặc Công Thủy của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Họ được tuyển lựa bằng những
tiêu chuẩn thể lực rất khắt khe và được huấn luyện theo một chương trình đặc biệt
về thể lực, kỹ thuật, khả năng bơi lội, cận chiến dưới nước, trên bờ. Bằng từng
toán nhỏ tiếp cận tấn công các mục tiêu quan trọng. Lực lượng Biệt Hải là những
đơn vị đặc biệt của Hải Quân chuyên xâm nhập và hóa trang luồn sâu vào Miền Bắc
để phá hoại hoặc giải thoát tù nhân, cứu phi công Mỹ bị nạn ….
Vì một lý do nào đó, lực lượng Người Nhái và Biệt Hải
đã được huy động bất ngờ tham gia chiến dịch Hoàng Sa với nhiệm vụ bất khả thi
là đổ bộ chiếm lại các đảo đã bị quân Trung Quốc chiếm giữ. Đặng Đình Hiền, nguyên
Biệt Đội Trưởng Người Nhái còn nhớ, ngày 24 Tết, lực lượng Người Nhái đang nôn
nao chờ đón Tết sắp đến, những tưởng năm này sẽ được sum họp với gia
đình đón Xuân, nhưng lệnh từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân yêu cầu Biệt Đội Hải Kích
trong vòng 24 giờ phải lên đường trực chỉ Hoàng Sa. Ông Hiền đã gom góp tất cả
anh em hiện diện tại Biệt Đội, và những anh em khác sống gần đơn vị phải thu xếp
để hôm sau lên đường.
Người
Nhái trên HQ-16 chiếm đảo Vĩnh Lạc, nhổ cờ, thu chứng cứ giả
Người Nhái tham chiến Hoàng Sa trên ba chiến hạm:
HQ- 5, H-16 và HQ-11 (HQ- 11 đến chậm nên không tham chiến) -. Trung úy hải
quân Lâm Trí Liêm, trưởng toán Người Nhái trên HQ- 16 là nhóm đầu tiên đổ bộ lên
đảo đã kể: Lúc 8h sáng ngày 17/01/1974 họ nhận lệnh đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc
(Money) từ chiến hạm HQ-16. Đảo Vĩnh Lạc chỉ là đảo nhỏ trong quần đảo Hoàng
Sa, đảo có chiều dài khoảng 1km, chiều ngang 0,5km, trên đảo có rừng cây cao.
Toán đổ bộ gồm 15 người. Họ mang theo vũ khí, đạn dược, máy truyền tin, thực phẩm
nước uống và dùng xuồng cao su để đổ bộ. Đây là loại xuồng được chế tạo rất đặc
biệt, võ rất dầy, được cấu trúc rất nhiều ngăn và có thể bơm không khí riêng rẽ
vào các ngăn, dài khoảng 5m, ngang 2m, ở hai đầu trước sau có trang bị sẵn các
lỗ hổng bằng sắt để dùng gắn súng đại liên, phía trước mũi có đính sẵn một la
bàn từ loại nhỏ, và 2 bên hông gắn những tay cầm để người sử dụng dễ dàng bám
vào khi ở mực nước sâu, cũng như xách di chuyển trên cạn. Họ được chỉ thị nếu gặp
địch quân hoặc ngư dân Trung Quốc, cố gắng hòa hoãn đến mức tối đa, chỉ nổ súng
khi thật cần thiết để tự vệ, ngoài ra phải triệt hạ các chứng cớ ngụy tạo nếu
tìm thấy.
Sau khi đặt chân lên đảo Vĩnh Lạc họ lập tức nhổ các
lá cờ Trung Quốc rải rác khắp đảo và dựng lại cờ VNCH ngay tại vị trí các cờ
Trung Quốc bị nhổ bỏ, sau đó toán đổ bộ thám sát toàn đảo. Trên đảo không có
người, giữa đảo trong rừng cây có một miếu thờ nhỏ rất xưa cũ có khắc chữ Việt
tên họ cùng ngày tháng năm, ông Liêm nghĩ là của các ngư phủ Việt Nam trước đây
đã lên đảo lập miếu thờ. Về phía Nam đảo, họ phát hiện trong rừng cây bốn nấm mộ,
hai có gắn bia đá, hai bia gỗ, khắc chữ Tàu, tất cả trông có vẻ xưa cũ, nhưng vết
tích thì mới. Họ dùng xẻng đào các nấm mộ nhưng không tỉm thấy xương cốt gì cả.
Điều thắc mắc là tại sao lính Trung Quốc đã cố tình
ngụy tạo các nấm mộ, bỏ công cắm nhiều cờ ở bãi biển, mà lại không phá hủy cái
miếu nhỏ xưa cũ của Việt Nam ta, điều đó chứng tỏ là họ rất vội vã, vừa thực hiện
xong lập tức đi ngay không có thì giờ thám sát đảo.
Tất cả sự việc này được báo cáo về chỉ huy chiến hạm
HQ-16, sau đó họ được lệnh triệt hạ các chứng cớ ngụy tạo, đem các tang vật này
giao cho xuồng máy đem về HQ- 16 để làm bằng chứng sau này. Tiếp theo, họ nhận
thêm lương thực và nước ngọt, đồng thời tổ chức phòng thủ trên đảo, đào các hố
cá nhân trong rừng cây, gài lựu đạn ở các hốc đá và dùng rong biển đắp lên, đặt
nhiều mìn định hướng Claymore và dùng cát phủ lên ở bãi biển mà họ nghĩ là địch
quân sẽ đổ bộ, tất cả các vị trí này đều được họ đánh dấu cẩn thận trên hải đồ.
Biệt
Hải trên HQ- 4 đổ bộ lên Cam Tuyền, Quang Hòa đấu võ mồm với Trung Quốc
Nguyễn Châu thành viên của nhóm Biệt Hải đi trên HQ-
4 đã kể lại, nhóm Biệt Hải này tổng cộng có 24 nhân viên, trong số đó có Chỉ
Huy Trưởng Biệt Hải Thiếu Tá Hồ Xuân T., Trưởng Toán Nguyễn N. và Nguyễn Châu,
toán phó kiêm tiền sát viên toán, tất cả đều trang bị toàn súng AK- 47. Ngoài
ra, mỗi người còn được phép mang thêm mấy khẩu M-72. Ðược biết chiếc HQ-4 Trần
Khánh Dư sẽ phụ trách chở toán Biệt Hải của họ tới địa điểm công tác.
Ngày 18-1-74 lúc xế
trưa, toán Biệt Hải gồm 24 người, có cả Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải đi
theo, tất cả súng đạn đầy đủ nhận lệnh xuống 3 chiếc hobo thẳng hướng chạy vào
đổ bộ lên đảo Cam Tuyền (Robert). Sau khi đi lục soát một vòng không thấy có
quân Trung Quốc trú đóng, toán Biệt Hải đã khám phá và tịch thu được một lá cờ
của Trung Quốc hơi cũ, cùng một tấm bảng chủ quyền viết bằng chữ Hán, nét mực
còn mới cắm trên đảo trước khi toán Biệt Hải đổ bộ vào. Chiếc HQ-4 được lệnh tiếp
tục chạy sang hải phận của đảo Quang Hòa (Duncan). Suốt đêm đó, trên tàu đã cho
mở nhiều bản nhạc hùng ca, toàn lời hay ý đẹp như để nhắc nhở bổn phận của người
lính phải hết sức giữ gìn lãnh hải và hải đảo Hoàng Sa do tiền nhân để lại, dù
có phải hy sinh tánh mạng đã làm nức lòng người nghe, trong đó có toán Biệt Hải
họ .
Sáng sớm ngày 19 Tháng
Giêng năm 1974, lúc 5 giờ 40 sáng, toán Biệt Hải tiếp tục nhận lệnh đổ bộ lên đảo
Quang Hòa (Duncan) , họ được cấp trên cho biết trên đảo hiện đang có quân Trung
Quốc trú đóng. Toán Biệt Hải đã vào được đến bờ nhưng trời còn tối nên tất cả
được lệnh nằm trên bờ biển chờ trời sáng. Thừa lúc trời còn tối, Nguyễn Châu đã
đi một vòng lục soát. Lúc 7 giờ 30 sáng, trong nhiệm vụ tiền sát đi đầu Nguyễn
Châu đã phát giác ra một giao thông hào do quân Trung Quốc đào sẵn. Nguyễn Châu
tiếp tục dẫn toán đi lên, nhưng vừa đi được khoảng 60 hoặc 70 thước thì gặp
quân Trung Quốc đang đứng chận đầu. Nguyễn Châu nhận diện được quân số của Trung
Quốc khá đông, tất cả đều nằm dưới các hầm phòng thủ trong tư thế sẵn sàng tác
chiến, chăm chú nhìn họ ra vẻ nghi ngờ, không biết họ là phe nào? Lý do là vì
cách trang phục của toán Biệt Hải hao hao giống bộ đội Việt Nam, kể cả vũ khí
trang bị.
Khi khoảng cách hai bên
cách nhau không tới bốn mét thì các chỉ huy và lính Trung Quốc rời hầm phòng thủ
vừa đi ra, vừa nói bằng tiếng Hoa và đồng thời lấy tay ra dấu đuổi toán Biệt Hải
rời khỏi đảo. Ý chúng muốn nói đảo Quang Hòa thuộc chủ quyền của Trung Quốc!
Ngược lại, toán Biệt Hải cũng ra dấu đáp trả, ý nói đảo nầy thuộc chủ quyền của
VNCH, quân Trung Quốc phải rời khỏi đảo. Trong toán Biệt Hải có một người Việt
gốc Hoa tên Trần A Lộc, nói và hiểu được tiếng Hoa sành sõi đứng ra thông dịch.
Cuộc khẩu chiến gần một tiếng đồng hồ hết sức căng thẳng. Một số lính Trung Quốc
liền có thái độ rất hung hăng. Trưởng toán đã hội ý với vị Chỉ huy trưởng Biệt
Hải và ông đã gọi ra tàu, báo cáo cho Hạm trưởng để trình bày sự
việc. HQ- 4 lệnh cho toán Biệt Hải rút lui. Trước khi đi, ông Nguyễn Châu đã
tìm một nhánh cây khô buộc lá cờ VNCH vào rồi cắm xuống trước mặt bọn chúng.
Người
Nhái trên HQ-5: cuộc đổ bộ giửa ban ngày đẫm máu
Cuộc đổ bộ của nhóm Người Nhái trên HQ-5 không suôn
sẻ như các nhóm kia. Lần đầu tiên, nhóm được thả xuống ở vị trí ngược sóng, ngược
gió nên không thể tiếp cận vào đảo được. Mãi đến khi nhóm Biệt Hải trên đường
rút ra HQ 4 thì nhóm Người Nhái mới tiến vào. Nhóm Biệt Hải đã thông báo tình
hình quân Trung Quốc phòng thủ khá đông trên đảo nhưng nhóm Người Nhái vẫn tiến
hành đổ bộ. Chỉ huy nhóm Người Nhái là Trung úy Lê Văn Đơn, xuất thân từ Trường
Bộ Binh Thủ Đức, từng là thủ khoa khóa Seal Team Leader từ Norfolk, Virginia Mỹ.
Họ chia làm hai toán mỗi toán chín người trang bị đầy đủ, gồm súng tiểu liên
M16, súng phóng lựu M79 và đại liên M60. Vị tri các lực lượng như sau: tàu số
271 và 274 ở phía trái của chiến hạm ta, đảo Quang Hòa ở hướng 2 giờ của chiến
hạm ta và (trên lý thuyết) toán đổ bộ được yểm trợ từ chiến hạm ta.
Xuồng chở toán đổ bộ nhấp nhô trên sóng, tiến vào đảo.
Khi họ sắp sửa đến bãi đá ngầm, một lính Trung Quốc trên đảo xuất hiện với cờ
trên tay phất qua phất lại ra hiệu cho toán đổ bộ rút lui. Lệnh từ chiến hạm, họ
phải tiến vào đảo và tất cả súng phải để ở thế chờ, không được bắn trước. Xuồng
không vào được trên bãi đá ngầm, họ phải đi bộ vào. Mực nước biển sâu ngang thắt
lưng, có chỗ sâu ngang ngực. Toán giăng hàng ngang đi vào.
Khoảng cách từ riềm san hô ( nơi họ rời xuồng
để đổ bộ) vào trong bãi cát khoảng 700 m. Một người bình thường phải mất 15-20
phút mới có thể đến nơi. Trưởng toán đổ bộ, Trung úy Đơn báo cáo là họ đã tiến
vào được khoảng 200 m và quân Trung Quốc trên bờ xuất hiện, khoát tay ra hiệu
cho họ đi ra. Lệnh từ Đại tá Ngạc: cứ tiến vào và không được nổ súng. Vài phút
sau, tiếng súng liên thanh nổ dòn như pháo tết. Toán đổ bộ báo cáo họ bị tấn
công bằng 12 ly7. Họ phản công nhưng M79 thì thiếu tầm, còn M16 thì không ăn
thua gì. Họ không có chỗ núp và trở thành những mục tiêu tác xạ tự do cho phía
TQ. Tổn thất đầu tiên được ghi nhận: Trung úy Đơn đã bỏ mình, Hạ sĩ nhứt Long
còn có biệt hiệu là Long Sandwich đã tử thương.
Cựu Trung úy Người Nhái
Phan Đinh Linh đã đặc tả cảnh bi thương này như sau: Bổng nghe Long Sandwich thốt
lên tiếng "ối" rồi lảo đảo như người say rượu bị đụng vào một vật quá
rắn. Cảm giác đau nhức chạy rần rật khắp thân hình, Long Sandwich lẩm bẩm vài lời
gì đó rồi gục xuống mặt nước cao hơn thắt lưng.
Diệp Lầu ở cách Long
khoảng năm mét nhào tới, cố nâng đầu của Long lên khỏi mặt nước và nói :
-
Long, ráng chịu đựng....Tao đưa mày ra
tàu...
Trể rồi, 2 viên đạn vào
đầu và bao nhiêu viên đạn nữa ghim vào ngục và hông đã đưa Long về bên kia thế
giới. Cùng lúc đó , bên phải Diệp Lầu, cách đó khoảng 10 mét, Trung Úy Đơn, Trưởng
toán, cũng la lên:
-
Tao bị rồi.
Đơn cũng quặp mình xuống
mặt nước. Diệp Lầu phải lựa chọn thật nhanh : Lấy xác Long hay cứu Đơn. Sự lựa
chọn đến thật nhanh: Phải cứu người bị thương trước rồi lấy xác Long sau. Diệp
Lầu nhào tới Đơn vừa hỏi khẽ :
- Ông thầy có sao
không?
- Tao bị nhiều vào ngực
và đầu...
- Ông thầy yên tâm, thằng
em sẽ đưa ông thầy ra tàu.... Và chẳng cần đợi lệnh của ai, Diệp Lầu ráng kéo
Đơn ra xa bờ, bỏ lại xác Long, một hành động đau lòng, vi phạm lời nguyền của
người nhái: "Thà chết không bỏ đồng đội" mà trong trường hợp khẩn cấp
này, Diệp Lầu không còn cách lựa chọn nào khác.
Khi đă đặt Trung úy Đơn
vào lòng xuồng cao su đổ bộ của Người Nhái, mới biết là Đơn đă chết. Long
Sandwich tức Đỗ Văn Long, to con và ăn rất khỏe. Lúc huấn luyện tại Market Time
ở Cam Ranh, một ngày Long tiêu thụ tới vài chục cái sandwich, bởi vậy bạn bè mới
gắn cho anh cái biệt danh Sandwich.. Vợ Long vừa mới sinh con hơn hai tháng mà
chưa kịp làm đám cưới vì trước đây gia đình Long chưa đồng ý, họ dự trù dự trù
làm đám cưới muộn sau chuyến công tác này. Cuối cùng thì vợ và con của anh đành
phải làm đám tang khô, trên bàn thờ chỉ duy nhất một tấm bia nhỏ với sáu chữ
“Hoàng Sa Hải Đảo Chi Mộ”. Thật đúng là “xe hoa chưa có mà xe tang cũng không”.
Không bạn bè, không tiễn đưa, không mộ chí!
Với Lê Văn Đơn, Trung úy Linh đã hướng dẫn vợ con
anh từ Sài Gòn ra Nha Trang để đón xác anh, nhưng chỉ dám nói là anh bị thương
thôi, sợ chị quá xúc động có thể liều mình! Cho đến khi nhìn thấy sự thật phũ
phàng, thì chị ấy đã quì trước quan tài của anh, lâm râm khấn nguyện để xin
phép anh từ nay được đổi tên con thành Lê Hoàng Sa.
Nhưng mất mát không dừng lại ở đó, trong cuộc hải
chiến lực lượng Người Nhái trên HQ-5 lại hy sinh thêm hai người nữa là Đinh Hữu
Từ và anh Nguyễn Văn Tiến. Còn Lê văn Tâm và Thành Râu, Bali và Hoàng Kỳ bị
thương nặng.
Biệt
Hải Nguyễn Văn Vượng thành người hùng của HQ 4
Sau khi toán Biệt Hải lên tàu HQ-4, Nguyễn Châu đề
nghị Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải lên đài chỉ huy trình với Hạm Trưởng: Khi nào sẵn
sàng khai hỏa thì cho HQ-4 chạy sát gần tàu của Trung Quốc, khoảng cách từ 50m
đến 100m để toán Biệt Hải dùng M-72 triệt hạ các tàu của chúng. Theo ý Nguyễn
Châu, đây là cơ hội bằng vàng để tiêu diệt bọn lính Trung Cộng, nhưng ý kiến này
đã không được Hạm trưởng chấp thuận vì khi nào có hải chiến thì sẽ dùng súng lớn
và chạy cách xa tàu Trung Quốc khoảng 300m.
Ðến khoảng hơn 10 giờ sáng thì lệnh khai hỏa bắt đầu.
Khẩu đại bác 125 ly của HQ-4 ở giữa boong, gần đầu mũi tàu chỉ bắn được 9, 10
quả đạn thì bị trở ngại tác xạ! Ngay lúc đó, tôi bị một mảnh đạn văng trúng vào
đầu, máu chẩy xuống che đầy hai mí mắt. Nguyễn đứng nấp sau khẩu súng lớn đã bị
hư hại, lấy khăn lau sạch vết thương rồi tìm y tá nhờ băng bó, và sau đó trở lại
vị trí các ổ súng lớn trợ giúp các pháo thủ. Trong lúc 2 bên đang giao tranh dữ
dội, quay mặt lại, Nguyễn Châu thoáng thấy Biệt Hải Nguyễn Văn Vượng bị thương
khá nặng, đang được anh em dìu vào phía trong. Được biết, trong lúc cuộc chiến
diễn ra dữ dội, HQ- 4 trúng đạn bốc cháy thì Vượng đã tả xông hửu đột dập lửa,
tiếp đạn cho các khẩu pháo của HQ- 4. Hình ảnh này đã được phía Trung Quốc chụp
ảnh, vẽ thành tranh với ghi chú rất nể phục.
Khi HQ-4 đang trên đường xuôi Nam thì Biệt Hải Nguyễn
Văn Vượng từ trần. Một phần vì vết thương anh quá nặng, phần nữa vì trên tàu thiếu
phương tiện và thuốc men cấp cứu nên anh đã vĩnh viễn ra đi, để lại người vợ và
đứa con chưa tròn năm tuổi.
10
ngày lênh đênh trên biển
Với nhóm Người Nhái đi trên HQ- 16 đổ bộ lên đảo
Vĩnh Lạc đã ở lại đảo này sau khi các chiến hạm rút lui và đến ngày hôm sau, phải
đào thoát trong cuộc hành trình gian nan bằng ca nô nhỏ nhoi lênh đênh 10 ngày
trên biển.
Sáng ngày hôm sau, 20-01-1974, 7 chiến hạm Trung Quốc
xuất hiện trong vùng và chuẩn bị đổ bộ. các chiến hạm Trung Quốc đồng loạt bắn
vào các bãi biển ở các đảo do VNCH trấn đóng để dọn bãi chuẩn bị lính cho của họ
đổ bộ, trên đảo Vĩnh Lạc (Money), ẩn núp ở các hố cá nhân đã đào trước đây dưới
các gốc cây lớn trong rừng phía Nam đảo. .
Ngay lúc này họ quyết định rời đảo từ hướng Nam, nơi
đây bờ biển lài đầy san hô và đá ngầm, họ có 10 người mang xuồng cao su và các
vật dụng kể cả vũ khí cá nhân và máy truyền tin, ra xa đến 2, 3km mà mực nước chỉ
ngang đến bụng, sau đó họ lên xuồng, cố gắng bơi thật nhanh, rời xa đảo càng sớm
càng tốt, khi thấy đảo chỉ còn vệt nhỏ, lúc ấy họ mới dựng cột dùng Poncho (một
tấm vải nhựa đa năng có thể làm áo mưa cá nhân, kết với nhau thành lều, cánh buồm)
căng làm buồm hướng về phía Đông Nam. Họ lênh đênh trên biển hai ngày lương thực
và nước ngọt cạn dần, Trung úy Liêm quyết định giới hạn khẩu phần lương thực và
nước ngọt.
Đến chiều ngày 22-01-1974, khi mặt trời chưa lặn, từ
phía sau lưng phía xa ở đường chân trời, bất chợt có pháo sáng bắn lên, họ cũng
đáp ứng lại bằng pháo sáng, cả hai bên đều làm tin cho nhau vài lần rồi sau đó
im bặt. Họ không biết nguồn pháo sáng này từ đâu, sau này mới biết đó là nhóm
23 người HQ10 đào thoát trên bè cấp cứu. Khoảng vài giờ sau, nhóm này may mắn
được tàu dầu Hòa Lan cứu vớt.
Nhóm Người Nhái tiếp trục trôi trên biển đến ngày thứ
sáu thì lương thực và nước ngọt hoàn toàn hết sạch, từ đó trở đi, nếu trời mưa,
họ dùng Poncho hứng nước, trời nắng thì họ dùng ca sắt (đây là loại mà quân đội
thường dùng khi hành quân) múc ít nước biển, sau đó lấy bao nhựa gói gạo sấy
bít lên, một thời gian sau, nước bay hơi đọng ở phía dưới bao nhựa cẩn thận mở
bao nhựa dùng lưỡi mà liếm, đó là cách họ giải khát từ ngày thứ sáu trở đi.
Sang đến ngày thứ mười, họ đã hoàn toàn kiệt sức,
trưa ngày hôm ấy, anh Nguyễn văn Duyên (quản kho) đã hấp hối, trong tình trạng
mê sảng, anh lầm bầm trong miệng những câu nghe không được rõ. Khoảng hai giờ
sau, anh Nguyễn văn Cảnh (y tá) là người khỏe nhất trong nhóm, đã lay mọi người
dậy cho hay là anh Duyên đã từ trần. Chiều ngày hôm ấy khoảng 15.00h, có một
tàu đánh cá chạy về hướng họ , đó là những vị cứu tinh, từng người một, được ẵm
lên tàu và thay phiên nhau đút từng muỗng cháo. Tàu đánh cá cập bến quân cảng
Qui Nhơn lúc xế chiều, và họ được chở vào Quân Y viện Qui Nhơn cấp cứu, đây là
ngày không bao giờ quên của nhóm họ , ngày 30-01-1974, ngày họ được cứu sống
sau mười ngày lênh đênh trên biển.
Sử
dụng lực lượng không phù hợp và đem con bỏ chợ.
Bình luận về cuộc chiến của lực lượng Người Nhái và
Biệt Hải trong trận đánh này, Trung Úy Phan Đình Linh đã đặt vấn đề: “Trận đánh
chẳng cân sức tí nào? 20 Người nhái dàn hàng ngang đổ bộ giữa ban ngày làm sao
chống trả lại cả một tiểu đoàn địch bố trí sẵn sàng với công sự vững chắc? Nhiệm
vụ Người Nhái là dọn thủy trình và dọn bãi đổ bộ, không đánh trận địa chiến, bởi
vì người nhái không được tổ chức, huấn luyện để đánh trận địa chiến. Tại sao tại
chiến trận Hoàng Sa, không dùng người nhái để thám sát, thu thập tin tức tình
báo hay đột kích ban đêm mà dùng 20 người nhái dàn hàng ngang đổ bộ giữa ban
ngày không khác nào làm bia cho địch thực tập tác xạ !
Cùng đồng tình với việc sử dụng lực lượng sai, gây
ra tổn thất đáng tiếc và vô lý, Hạm Trưởng HQ16- Trung tá Lê Văn Thự đã phân tích
“Muốn thanh toán quân Trung Quốc trên đảo (tôi nghĩ không nhiều, chừng một tiểu
đội) mà dự định đổ bộ một toán người nhái chín, mười người thì khó mà thành
công. Phải có một, hai tiểu đội Thủy Quân Lục Chiến tăng cường yểm trợ mới được.
Cần thêm xuồng cao su để đổ bộ quân, tiếp tế lương
thực, nước uống và vật dụng. Ra lệnh đưa quân lên giữ đảo mà không cung cấp
lương thực, nước uống đầy đủ. Thủy thủ đoàn không có kinh nghiệm tác chiến trên
bộ, chỉ có súng cá nhân và một ít đạn bắn chừng nửa tiếng là hết, làm sao giữ
được đảo. Nếu chiến hạm bận tác chiến hay bị thiệt hại thì số quân nhân đưa lên
đảo phải bị bỏ rơi như trường hợp HQ-16. Đúng là lệnh lạc kiểu mang con bỏ chợ.
Phải có kế hoạch đưa Bộ binh hay Thủy Quân Lục Chiến giữ đảo và phải có kế hoạch
tiếp tế”
Rỏ ràng về chỉ đạo hành quân tác chiến, cuộc chiến
Hoàng Sa có nhiều khiếm khuyết chết người. Ai phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết này?
(còn tiếp)
Chú thích ảnh:
Tử sĩ Người Nhái Lê Văn Đơn hy sinh khi đổ bộ lên đảo
Quang Hòa
Tử sĩ Biệt Hải Nguyễn Văn Vượng hy sinh trên HQ- 4
Bia mộ giả của Trung Quốc do Biệt Hải HQ-4 tịch thu
Một đơn vị Người Nhái đang huấn luyện.
Nguồn: Nguoidongbang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét