Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Về Hạm Trưởng HQ-5 Phạm Trọng Quỳnh

Kỷ niệm trong đời HQ của Hạm Trưởng HQ-5 Phạm Trọng Quỳnh
Số quân: 56A 700.773
Cấp bậc cuối cùng: HQ Trung-Tá
Ngày sinh:
Ngày 05 tháng 1 năm 1936.
Sinh quán:
Hà-Đông, Bắc Phần, Việt-Nam

Địa chỉ hiện tại:
Sunnyvale, Northern California, U.S.A.
Gia cảnh:
Vợ: Nguyễn Thị Bạch-Mai.
Con: 2 gái và 2 trai. 3 cháu lớn đã lập gia-đình, còn cháu trai út năm nay nữa là xong.
Cháu ngọai: 2 trai và 1 gái.

Hoạt-động trước khi gia-nhập HQ:
Học Lycée Albert Sarraut Hà Nội và Lycée Yersin Đà-Lạt.

Chức-vụ trong HQ/VNCH:

1963-1964: SQ Đệ Tam HQ-451 (Hạm Trưởng là HQ Đại-Úy Nguyễn Hữu Tố). Sau đó làm Hạm Phó cho HQ Đại-Uùy Hà Văn Ngạc.

Cùng tầu có ông 'Nước Mém' và 'Mệ'.

1964-1966: SQ Đệ Tứ HQ-406. Cùng tầu có BB Nguyễn Tấn Đơn là SQ Đệ Tam.

Hạm Trưởng HQ Đại-Úy Trần Bình Phú.


Thăng cấp Trung Úy tháng 04/65 và trở thành Hạm-Phó qua 3 nhiệm kỳ các

Hạm Trưởng Nguyễn Ngọc Rắc,

Trần Văn Lâm và Quản An.

1966-1967: Chỉ Huy Phó TTHL/HQ Cam Ranh. Cùng đơn vị còn có ‘Trâu Nẫm’.

1967-1968: Hạm Trưởng HQ-611.

1968-1969: Hạm Trưởng HQ-471.

1969-1971: Hạm Trưởng HQ-230.

1971-1972: Hạm Trưởng HQ-406.

1972-1973: Hạm Trưởng HQ-12.

1973-1974: Hạm Trưởng HQ-800.

1974-1975: Hạm Trưởng HQ-5.


Bài Viết:

Kỷ niệm trong đời HQ

Trong cuộc đời Hải Quân tôi có nhiều kỷ niệm vui buồn. Năm 1968 đáng lẽ tôi không còn đi tầu được nữa vì suýt làm mất chiếc HQ-611đụng đá ngầm tại Đông Nam đảo Phú Quốc, nhưng sau đó vẫn được liên tục làm Hạm Trưởng lần lượt 7 chiến hạm, từ nhỏ nhất tới lớn nhất của HQVN. Đây có lẽ là một thành tích hiếm có vì lúc bấy giờ các Sĩ Quan đàn anh thì chưa có tàu lớn để đi tiếp trong khi các Sĩ Quan đàn em thì chưa đủ thâm niên để lên chiến hạm lớn, chỉ có Đệ Nhất Bảo-Bình là đúng thời điểm. Nói về thời gian hải vụ thì tôi còn kém xa nhiều người, ngay như đi tàu lớn thì tôi cũng chẳng hơn ai, nhưng làm Hạm Trưởng liên tục 7 chiến hạm thì lại là chuyện khác. Không những thế, khi làm Hạm Trưởng HQ-406, tàu về nghỉ bến sửa chữa, tôi lại được chỉ định làm Hạm Trưởng tạp dịch lần lượt trên hai Hộ Tống Hạm HQ-13 và HQ-09 vì hai chiến hạm này không có Hạm Trưởng để đưa tầu đi công tác. Đây cũng là một sự kiện hiếm có vì một SQ đang làm Hạm Trưởng tàu nhỏ lại phải giữ chức vụ Hạm Trưởng tạp dịch tàu lớn hơn.

Một kỷ niệm vui: Cuối năm 1974, dưới Tuần Dương Hạm HQ-5 có 3 Bảo-Bình: Tôi, ông 'Nước Mém' Hạm-Phó và ông Fernandel Đệ Tam. Có lần tôi đang vô cặp cầu BTL/HQ/V1ZH, Đà Nẵng, ông 'Nước Mém' ghé tai bảo: "Tao cặp nghe mày". Nói xong, ông tự động lấy quyền chỉ huy của tôi để đưa tàu vào 'cặp như để', xong nhìn tôi mặt vênh lên kiêu hãnh. Còn ông Fernandel, nhiều khi đi phiên xuống, đói quá, mở phòng Hạm Trưởng, kêu Maitre d'hotel của tôi nấu mì cho ông ấy ăn. Thế là mấy chú lính dưới tầu kháo nhau là "chiến hạm này có 3 Hạm Trưởng", và lẽ dỉ nhiên là các chú ấy sợ ông ‘Nước Mém’ và ông Fernandel hơn tôi. Sau khi ông 'Nước Mém' thuyên chuyển, ông Fernandel lên thay, rồi cũng thuyên chuyển luôn để đi làm Hạm Trưởng PGM. Cái gì của Cesar thì trả lại cho Cesar, các Bình trên ra đi để trả lại quyền độc diễn Hạm Trưởng cho tôi.

Chuyến công tác cuối cùng với định mệnh đất nước cùng với các 'vì sao': Cuối tháng 3/1975, Tuần Dương Hạm HQ-5 được lệnh khẩn đến vùng I công tác hành quân. Ngay khi trình diện Đô Đốc Tư Lệnh VIZH để nhận lệnh, chiến hạm được chỉ thị ra ngay cửa Thuận An để đón Trung Tướng Lâm Quang Thi và được đặt dưới quyền điều động của Trung Tướng để chỉ huy cuộc triệt thoái các binh sĩ hiện diện nơi đây. Huế và Thuận An mất, chiến hạm về cặp cầu BTL/HQ/VIZH để đổ bộ các binh sĩ trên chiến hạm, rồi theo kế hoạch lui quân của Tổng Thống Thiệu, quân Cộng Sản Bắc Việt tiến chiến Đà Nẵng bỏ ngỏ, bắt đầu pháo kích sang BTL/HQ Tiên Sa, chiến hạm phải tách bến tránh pháo địch. Nếu tôi nhớ không lầm thì lúc đó nhằm ngày 29 tháng 3 năm 1975. Đêm đến, Hành Quân Biển chỉ thị cho các chiến hạm tại vùng I phải tập trung tại Mỹ-Khê để chuẩn bị triệt thoái Sư Đoàn TQLC về Sài-Gòn. Tôi im lặng vô tuyến và ở lại ngoài cửa Đà Nẵng vì lo lắng cho sự an nguy của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, vị Tư Lệnh Vùng mà tôi hằng kính nể vì sự hăng say trong công vụ và lòng dũng cảm tột đỉnh. Tôi cho chiến hạm trong tư thế sẵn sàng nghênh chiến với tàu địch một khi nếu chúng tràn xuống. Đúng như sự tiên đoán của tôi, vào khoảng 1, hoặc 2 giờ sáng Đô Đốc Thoại thoát ra trên một chiếc ghe duyên đoàn. Cùng đi với Đô-Đốc có ông Al Francis, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Đà Nẵng, và vài người ngoại quốc khác. Sau khi tất cả lên chiến hạm, tôi báo cáo sự việc về Hành Quân Biển và từ đó chiến hạm kéo hiệu kỳ 1 sao. Các chiến hạm khác tại vùng Mỹ Khê được thông báo về sự hiện diện của vị Sĩ Quan thâm niên trên HQ-5 để chỉ huy cuộc triệt thoái của Sư Đoàn TQLC. Trong cuốn Decent Interval của Frank Snepp, Trưởng Phòng Phân Tích Chiến Luợc của CIA tại VN (Chief Strategy Analyst in Vietnam) , ông ta có viết "mọi người chỉ được biết là còn sống an toàn khi lên được HQ-5". Nếu như không có sự hiện diện của HQ-5 thì Đô Đốc Thoại và ông Tổng Lãnh Sự Mỹ Al Francis đã phải xuôi Nam trên ghe, không biết họ sẽ gập những bất trắc gì, và ông Frank Snepp có thể sẽ viết những lời miệt thị HQVN như đã chê bai nhiều chuyện trong cuốn sách của ông. Kể từ đó chiến hạm trực tiếp liên lạc với Sài-Gòn qua âm thoại. Các lệnh của Tổng Thống Thiệu, của TL/HQVN, của Tòa Đại Sứ Hoa-Kỳ đều qua HQ-5. Khi Vùng I lọt vào tay Cộng Sản Bắc Việt, chiến hạm cùng với HQ-2 trở về Cam Ranh. Đổ bộ TQLC xong, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh xuống chiến hạm, chỉ thị tách bến, trực chỉ Qui Nhơn. Lại hiệu-kỳ một sao kéo lên đỉnh chiến hạm. Qui Nhơn thất thủ, Đô Đốc Minh chỉ huy các tàu HQ tiếp cứu các binh sĩ Sư Đoàn 22 Bộ Binh còn kẹt trên bờ biển Qui Nhơn. Hoàn tất nhiệm vụ, chiến hạm trở về Cam Ranh, đổ bộ binh sĩ, và Đô Đốc Minh rời chiến hạm. HQ-5 được lệnh rời Cam Ranh, trực chỉ Vũng Tàu để đón Phó Đề Đốc Vũ Đình Đào lên chiến hạm chỉ huy cuộc tiếp cứu Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đang bị quân Cộng Sản vây hãm tại Phan Thiết. Khi Đô Đốc Đào lên chiến hạm, hiệu kỳ một sao lại một lần nữa được kéo lên đỉnh cột cờ HQ-5. Chiến hạm trực chỉ Phan Thiết, nhưng khi tới nơi thì Phan Thiết đã lọt vào tay quân CSBV và Trung Tướng Nghi đã bị bắt. Chiến hạm trợ về Vũng Tàu, Đô Đốc Đào rời tàu, và sau cùng thì Vũng Tàu cũng lọt vào tay CS, để rồi sáng ngày 30 tháng 4 khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì Tư Lệnh Hạm Đội, HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê, thoát ra trên một PGM, chỉ thị cho HQ-5 chờ đón ngoài cửa Vũng Tàu. Khi Tư Lệnh Hạm Đội lên chiến hạm, hiệu kỳ Tư Lệnh lại được kéo lên đỉnh cột cờ. Tuần Dưong Hạm HQ-5 trở về với Mẹ Hạm Đội cho đến khi được trao trả cho Đệ Thất Hạm Đội Hoa-Kỳ tại Subic bay. Và sau cùng thì cũng chính tôi rời chiến hạm để thực sự bắt đầu cuộc sống lưu vong với những ray rứt khôn nguôi dù đã qua bao nhiêu năm tháng.

Một chút riêng tư

Năm 1987, với những bất đồng không thể hàn gắn được (nói theo kiểu Mỹ), tôi và bà vợ trước đi đến quyết định xa nhau. Tôi tiếp tục sống nuôi hai đứa con trai nhỏ ăn học. Đến năm 1991, trong buổi tiệc mừng đoàn tụ của Bình Thợ Mộc, tôi được giới thiệu với Bạch-Mai, cũng cùng hoàn cảnh. Chúng tôi thường lui tới gặp nhau, để rồi cảm thông và thương nhau. Trong dịp phó hội Bảo-Bình họp mặt tại nhà Bình Tiếp ở San Diego vào ngày 4 tháng 7 năm 1992, chúng tôi có ghé Las Vegas và đã nguyện sống bên nhau cho đến cuối đời. Dịp đó tôi có chọc Bạch Mai, nhắc lại câu nói của anh bà ấy (cũng là một Thiếu Tá Hải Quân) : "Em mà ra ngoài thì có cả triệu thằng xếp hàng đứng chờ". Nàng trả lời bằng một câu thật dễ thương: "Nhưng trong cả triệu thằng đứng chờ, em chỉ chọn được có một mình anh". Bạch Mai còn hứa sau này về già, nếu tôi phải ngồi xe lăn thì Bạch Mai sẽ thỉnh thoảng đẩy xe đưa tôi đi ăn steak, uống rượu vang, cùng đi xem ciné (Tây mà) theo như sở thích của tôi. Tôi kể chuyện này cho mấy Bình ở gần. Có Bình phán: "Tao sợ em lại lái xe đưa mày lên đỉnh đồi, cho mày ngồi lên xe lăn rồi để cho mày hành nghề Hạm Trưởng lần chót: Tự do vận chuyển xuống đồi!"

Chúng tôi đả sống bên nhau được 10 năm và mong rằng sẽ mãi mãi, để bớt đi phần nào nỗi khổ đau của kiếp sống tha phương.

Phạm Trọng Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét