Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Nhân chứng kể chuyện sống ở đảo Hoàng Sa (Trần Thế Đức)

Hình ảnh Vẻ đẹp quần đảo Hoàng Sa số 3

Hoàng Sa Qua Những Nhân Chứng
Trần Thế Đức

--------------------------------------------------------------------------------

(Trích tập san Sử Địa số 29, xuất bản tại Saigon năm 1975)

Biến cố Hoàng Sa xảy ra đầu năm 1974 ở cách xa đất liền nên chỉ những người có mặt trong cuộc mới biết rõ sự việc xảy ra. Về phía Việt Nam, những quân nhân trên các chiến hạm là những người mục kích trận hải chiến; những quân nhân mới đổ bộ lên các đảo cũng biết được một vài sự kiện; những quân nhân đồn trú từ lâu trên đảo, cũng như các nhân viên khí tượng cũng thấy được phần nào biến cố tại quần đảo này.


Với tai nghe, mắt thấy, da thịt xương chịu đựng, và con tim rung động, những nhân vật kể trên ghi nhận được không nhiều thì ít những sự việc xảy ra. Tuy vậy, không ai giống ai. Có ngườic có giác quan bén nhạy. Có người có giác quan lờ đờ. Trí thức của mỗi người được đào luyện cũng khác nhau. Vì thế sự ghi nhận sự việc do mỗi người cũng không hoàn toàn giống nhau.



Ngoài ra, những lời thuật sự của các nhân chứng cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, vì có người muốn trình bày sự thật, có người muốn giấu kỹ tất cả hay một vài chi tiết.

Chúng tôi muốn ghi lại một vài sự kiện của biến cố Hoàng Sa qua lời tường thuật của một số người trong cuộc.

Làm chứng trước quan tòa là một điều phiền toái cho người chứng. Làm chứng trước lịch sử, trước dân tộc lại càng phiền toái hơn, nhất là trong một khung cảnh đặc biệt của đất nước, trong hoàn cảnh mà hiện tại còn nhiều liên hệ.

Tuy vậy, gạn lọc hết những dè dặt nêu trên, chúng ta vẫn ghi nhận được giá trị của các lời thuật lại: khung cảnh địa lý, tình trạng của quần đảo, cũng như một số sự kiện xảy ra.

Một Chuyến Tầu
Cách đây trên một năm, lúc 7 giờ tối ngày 30-11-1973, chiến hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 rời hải cảng Đà Nẵng, ra khơi trực chỉ hướng đông để tới mục tiêu là đảo Hoàng Sa (Pattle), một đảo trong quần đảo Hoàng Sa cách Đà Nẵng 200 hải lý.

Chiến hạm có tốc độ khá mau (chừng 20 hải lý mỗi giờ) nên khởi hành vào lúc tối. Trước kia, trong những sứ mạng tương tự, các chiến hạm khác phải khởi hành sớm hơn (lúc 4-5 giờ chiều), để cùng tới mục tiêu vào lúc 9 giờ sáng hôm sau. Bây giờ đi mất 14 tiếng đồng đồ, trước kia mất 16-17 tiếng. Những người ra Hoàng Sa nhiều lần nói rằng tàu bây giờ chạy nhanh hơn thời Pháp nhiều lắm. Xưa kia, chiếc La Mothe Piquer khởi hành lúc 4 giờ chiều, mà tới 12 giờ trưa hôm sau mới tới đảo.

Chiến hạm HQ 16 có sứ mạng vận chuyển một số quân nhân (một trung đội) và bốn nhân viên dân chính thuộc nha khí tượng ra thay thế các quân nhân và công chức đã trấn giữ tại đảo này từ ba tháng trước. Đây là những công tác bình thường của hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Trước đây, hải quân Pháp đồn trú ở Đông Dương cũng có những sứ mạng tương tự như tuần dương hạm này. Cùng với các nhân viên khí tượng người Việt, các quân nhân Pháp và Việt xưa kia được liên lạc với đất liền mỗi tháng một lần, có khi ba tháng, không nhất định.

Thời Pháp, tàu từ Đà Nẵng ra, thường đi tuần quanh tất cả các đảo trong quần đảo ngay cả đảo xa xôi như đảo Phú Lâm (Ile Boisée), đảo Tây ... (Ile Ouest, hay đảo Cây, Tree Island). Từ xa nhìn vào, đảo Phú Lâm trông thật thơ mộng như Hạ Uy Di: bãi cát vàng, hàng cây dừa xanh, cao.

Trong những người đi trên chuyến tàu này có người ra đảo vài lần, có người đếm được tới lần thứ 16 nhưng cũng có người ra đi lần đầu. Có người đã từng quen với sóng biển, nhưng cũng có người lần đầu tiên bước xuống tàu.

Trong tâm can của mọi người đều mang những xúc động lớn lao. Người đi lần đầu mang đầy những lo lắng: đằng sau họ là vợ, con, gia đình, những khuôn mặt và khung cảnh quen thuộc; trước mặt họ là biên ải ở đầu sóng ngọn gió. Không biết rồi đây những khó khăn sẽ đến với họ? Bão táp? Gian khổ? Quạnh hiu? Người trở lại với biên cương hẻo lánh này cũng không khỏi xúc động khi phải rời bỏ những người thân, tuy đã biết chắc cuộc đời họ sẽ được an bài ra sao trong những ngày sắp tới.

Nhóm người trên tàu ấy gồm một trung đội địa phương quân thuộc tiểu khu Quảng Nam, dưới quyền chỉ huy của một trung úy trung đội trưởng. Phần lớn họ là những người bị trừng phạt, gom góp lại trong tiểu khu, không phải là một đơn vị thuần nhất. Cuộc sống quạnh hiu giữa trời, mây, nước sẽ làm họ nghĩ về nội tâm mà ăn năn, sửa đổi? Sự cô đơn là một hình phạt nặng nề. Với trời, mây, nước, dù sao cũng chẳng phải là điều tuyệt vọng đối với họ. Tại vùng hải đảo xa xôi đó, đâu có bao giờ nghe tiếng súng. Trong đất nước chiến tranh hàng mấy chục năm nay, vùng hải đảo chưa hề hứng lấy một vết đạn, chưa hề hứng chịu pháo kích, mưa bom. Họ phải tạm thời xa lánh vùng đất chết chóc, đau thương trong một thời gian. Ôi! Thật là lạ lùng! Một vùng đất thanh bình! Những gắp đạn M16 trên thắt lưng thật là nặng nề. Thật! Gửi lại vùng đất chiến tranh, chỉ đem tượng trưng vài gắp mà thôi. Còn khẩu súng nữa. Có lẽ còn lâu lắm, khi trở về đất liền nó mới được dùng tới. Trên biển cả mênh mông này chỉ quí nhất là chất nổ: nào lựu đạn, béta, plastic. Họ đem theo càng nhiều càng tốt. Đó là nguồn cung cấp thực phẩm trong những ngày sống lênh đênh trên hải đảo.

Một nhóm khác gồm bốn người thuộc ngành khí tượng, đó là:
1). Ông Nguyễn Kim Nhường: Trưởng ty
2). Ông Đặng Hiền Võ: Chiêm sát viên
3). Ông Võ Vĩnh Hiệp: Chiêm sát viên
4). Ông Nguyễn Văn Tấn: Lao công

Sự phân biệt chức vụ chỉ có giá trị trên giấy tờ mà thôi. - ngoài đảo, trưởng ty cũng phải làm việc như các nhân viên khác, sống cùng với các đồng nghiệp mà không có gì cách biệt.

Các ông Nhường, Võ, Hiệp làm ở Nha khí tượng Saigon. Ông Tấn làm ở trung tâm khí tượng Đà Nẵng. Ông Hiệp ra Hoàng Sa lần này là lần thứ 16. Ông Nhường ra lần thứ 10. Ông Tấn ra lần thứ 3. Còn ông Võ ra lần đầu.

Ngoài những hành khách trên, chiến hạm HQ 16 còn có thêm một nhóm hành khách khác gồm bốn quân nhân thuộc tiểu khu Quảng Nam, có nhiệm vụ lo việc chuyên chở. Khi tới đảo, bốn người này sẽ phụ trách việc đưa các quân nhân từ tàu vào đảo, và từ đảo ra tàu. Bốn người này không ở lại đảo, theo tàu về Đà Nẵng. Hành trang của họ chỉ có hai chiếc tàu cao su, tới đảo, họ sẽ bơm lên, thả xuống biển để di chuyển.

Còn các binh sĩ khác, cũng như các nhân viên khí tượng, ngoài quần áo đem theo, phải đem theo đồ ăn đủ trong ba tháng. Từ đây tới ba tháng sau, không hề có chuyện tàu nào từ đất liền chạy ra, trừ phi có chuyện khẩn cấp. Gạo chiếm phần chính trong số thực phẩm họ đem theo, nặng nề nhất. Ngoài gạo, họ phải đem theo thức ăn có thể để lâu được (đồ hộp ...), hột cải, và rau để trồng, nhất là không thể thiếu được gia vị (tiêu, ớt). Gia vị làm giảm mùi tanh của cá biển.

Mấy năm về trước (1964-1968), đồ hộp rẻ, những hộp thịt, cá, bia, nước ngọt, ... chiếm một trọng lượng đáng kể trong hành trang. Xa hơn về trước nữa, họ còn đem theo cả gà, vịt, heo ... thật là cồng kềnh. Bây giờ họ cũng đerm theo một ít gia súc để thỉnh thoảng có được bữa ăn với thực phẩm tươi, nhưng đơn giản, ít cồng kềnh hơn. Khi xưa, người Pháp trấn đóng trên đảo, khối lượng thực phẩm mà hồi đó tàu phải chở còn nặng nề hơn nhiều. Thay vì gạo như người Việt Nam, toán lính Pháp mang theo nhiều bao bột mì.

Hải Đảo Xa Xôi
Tàu đi vào lúc gần cuối năm, sóng biển tương đối thấp. Tuy nhiên, với những người quen sống ở núi rừng, với đôi chân làm phương tiện di chuyển chính yếu, thì biển cả thực là độc ác.

Sau một đêm dài vật lộn với sóng gió, con tàu vẫn trực chỉ hướng mặt trời mọc. Khi mặt trời đã sáng rõ, mặt trời lên chênh chếch, một vùng trắng xóa hiện ra rõ dần trên vùng biển xanh. Đó mới tới đảo Hoàng Sa (Pattle). Đảo Quang Ảnh hiện rõ dần, rồi lại mờ dần đằng sau tàu.

Một đảo khác lại hiện ra ở mé bên phải của tàu. Đó là đảo Hữu Nhật (Cam Tuyền, Robert). Đây là một đĩa sôi hiện ra trên mặt biển: Viền quanh đảo là một bãi cát vàng, ở giữa đảo cao trội hẳn lên.

Xa hơn Hữu Nhật một chút là đảo Hoàng Sa (Pattle). Đảo này cũng được bao quanh bằng một bãi cát vàng. Trên đảo, cây cối xanh tươi. Ngay góc đảo, một căn nhà trắng nằm mé trên bờ biển. "Đó là miễu bà. Bà linh thiêng lắm", người thành thạo giải thích.

Nhưng sao lạ! Tàu không ghé vào đảo! Đảo Hữu Nhật (Cam Tuyền Robert) đang bị bỏ xa dần. Con đi tới tận đâu? Tàu phải đi về phía đông để tránh đá ngầm ven đảo, rôi mới kiếm chỗ đậu gần cầu tàu.

Trên bờ, người hiện ra nhỏ li ti trên bai cát trắng. Tàu chạy chậm dần, rồi ngừng hẳn lại, còn cách xa bờ nên không thấy rõ người trên đảo, chỉ thấy chiếc cầu tàu chạy dài ra biển một quãng. Theo những người có kinh nghiệm. Cầu tàu đó được làm từ lâu lắm rồi, từ thời Pháp thuộc lận. Thời ông Ngô Đình Diệm, hãng phân bón (1) cho sửa chữa lại để chở phân. Gió to, bão dữ, nên cầu bị hư hại nhiều, chưa được sửa chữa lại. - ngoài này chẳng có gì tồn tại được với bão táp, gió biển. Đồ sắt chỉ một vài năm là muối biển ăn sét hết. - cuối đảo, trước kia có ngọn hải đăng cao lớn. Nay chỉ còn là đống sắt vụn. Người tò mò thì hỏi cho biết vậy thôi, chứ lên đảo rồi thì ai mà ngó tới mấy thứ đó. Giữa đảo, đằng sau nhà của khí tượng, bên trong mấy cây dương và cỏ dại, người tò mò còn ngó thấy một đống gạch và xi măng vụn nát, cùng với một khối vuông vuông cũng đang "tàn phai nhan sắc". Nghe nói đó là bia chủ quyền gì đó. Người trên đảo chẳng ai chú ý tới nó làm gì. Nghe đâu có mấy chữ "Empereur d'Annam ..." (2)

Hai chiếc xuồng cao su được bơm lên từ khúc do các anh lính lo việc chuyển vận. Hai chiếc thay phiên nhau chở người và đồ đạc từ tàu vào cầu tàu, rồi lại chở người từ đảo ra tàu.

Người tới thì cồng kềnh, khó nhọc, đăm chiêu. Người đi thì sao nhẹ nhàng, hớn hở. Ngoài những túi quần áo, người đi chỉ cầm theo một vài vật nhẹ, kỷ niệm của đảo: bông đá, những con ốc sò thật to, lóng lánh, hình dáng kì dị. Cách đây vài năm, những người về đâu có nhẹ nhàng thế này, người nào cũng cực nhọc vì những bao rau câu. Một người có thể mang vài ba bao. Những bao gạo 50kg sau khi ăn hết gạo, được dùng vào việc chứa rau câu. Ngoài này đầy dãy rau câu, còn trong đất liền thì hiếm lắm. Nhưng từ sau năm 1970 trở lại đây, rau câu không còn nhiều như trước kia nữa. Vớt hoài thì cũng phải hết chứ. Đâu có phải riêng mình vớt đâu. Biển thì ai tới vớt chẳng được. Thứ quí, nên các tàu tới vớt luôn luôn, riết thì phải hết.

Cứ năm bao rau câu tươi mới vô được một bao khô. Một đám vài chục người phải vớt hàng trăm bao tươi. người ta vớt hằng bao nhiêu năm trời ròng rã, thì biển nào mà sanh ra cho kịp.

Lên Đảo
Đảo trông tựa như hạt đậu, nằm ngang theo hướng đông - tây. Phần nở ra của "hạt đậu" quay về hướng bắc. Như thế, đảo có thể chia làm hai phần: nửa phía đông và nửa phía tây. Cầu tầu ở đầu phía đông. Đi bộ vòng quanh đảo mất 20 phút.

Đi qua cầu tàu dài 180m là tới đất. Chân cầu tàu có nhiều tảng bê tông bể nằm ngổn ngang. Đây là nơi cá rúc vào lúc mưa to, biển động, và anh em ra đó kiếm cá. Trên cầu tàu trước kia có đường rầy để những toa goòng chở phân từ trong đảo ra. Giờ thì đường rầy bị phá hư hết, chỉ còn vài ba khúc đường lỏng chóng bên cạnh cầu tàu, còn di tích của một cái bệ đặt cần câu xúc phân trên xe rùa đổ xuống xà lan. Xe rùa giờ đây cũng tan nát cả rồi.

Đám gạo thực hành hạ quá quắt. Mọi người đã say sóng, nhọc mệt, đi không vững còn hơi, sức đâu mà khuân mấy thứ nặng nề đó nữa. Thôi đành để chúng ở bờ biển. Mai mốt khỏe người rồi rinh vào. Đường đi còn xa chứ nào phải dăm ba bước thì cũng rán được. Từ bờ vào tới giữa đảo cũng cả gần nửa cây số. - đây nào phải như đất liền. Còn ai tới mà ăn cắp nữa. Thế nhưng khốn thay, ông trời nào có thương cho. Một trận mưa bất ngờ xảy tới, thế là gạo hư hết trọi.

Trước khi ra đi, nghe nói đảo có phân chim, tưởng chừng nhiều chim. Ra tới nơi thì mới ngỡ ngàng: chẳng thấy một con chim nào cả, chỉ có vết tích của phân phốt phát mà thôi: trên con đường nối dài theo cầu tàu, hai bên có hàng đống phân cao lút đầu người đã được gom lại. Gọi là phân, chứ chất dơ dáy đó đâu còn hôi thối nữa, cũng chẳng còn hình thù như nguyên thủy nữa, lâu ngày biến thành đất rồi. Đất này tốt dễ sợ. Trước kia có người đem hột củ cải ra trồng, ra củ lớn gấp đôi, gấp ba trồng trong đất liền. Nhân công xắn đất thành từng tảng cạnh chừng 30cm, trông tựa như hòn đá. Nhìn kỹ thì thấy màu vàng nâu (phốt phát) lẫn với cát và cỏ sò nhỏ lấm tấm.

Ông Nguyễn Văn Nghề, một nhân viên khí tượng từng ra đảo 9 lần kể rằng lúc công ty khai thác phân chim hoạt động (vào khoảng 1961-1962), xem các lao công đào xới phân, ông đã thấy nhiều vật lạ dưới lớp đất trên mặt đảo:

1). Nhiều đồng điếu bằng thau, gõ kêu keng keng, giữa có một lỗ vuông, có chữ nho. Ông không đọc được. Một nhân công người Việt gốc Hoa (3) nói rằng mấy chữ trên đó nói tiền làm từ thời vua Gia Long, (Gia Long Thông Bảo).

2). Nhiều ché và chén cổ rất đẹp, chỉ cao chừng 60-70cm. 3). Một bộ xương người tầm vóc như người thường bị xiềng hai chân ở chỗ gần mắt cá và hai tay ở gần cổ tay. Hai chân duỗi thẳng. Hai tay úp vào nhau, trói ở phía trước mặt. Xiềng có khoen thật to, bề ngang cỡ 3-4cm. Hai đầu xiềng được khóa chặt với nhau bằng một cái khóa kỳ lạ gồm có hai phần:

- Một thanh sắt dài chừng 6cm, một đầu là ổ khóa, một đầu có gờ để giữ thanh sắt cong.

- Một thanh sắt cong, bán kính đường cong chừng 3-4cm, một đầu do cái gờ giữ lại, một đầu do ổ khóa.

Anh em khí tượng bèn cải táng cho người chết, đúc một tấm bia đề "vô danh, cải táng ngày ..."

Gần bên bộ xương người là rất nhiều đồng điếu và một con dao ngắn. Lưỡi dao sáng loáng, con dao tuyệt đẹp: lưỡi dài chừng 30cm đầu nhọn, hơi cong về phía sống dao; cán bằng ngà, trạm một con rồng. Dao này do thiếu úy Trực (địa phương quân Quảng Nam) cất giữ.

Các nhân viên khí tượng năm đó còn gặp một tấm bia bằng đá cẩm thạch (?) cao chừng gần 1m, bề ngang chừng 0,5m. Phía trên của bia hình vòng cung có trang trí mặt thăng. Dưới mặt trăng (hay mặt trời gì đó) là một con dơi ngậm hai cái sợi vải. Giữa bia là nhiều hàng chữ nho. Dưới hàng chữ nho là một hộp ấn. Dưới hộp ấn là hai thanh gươm bắt chéo nhau. Dưới cùng là một cái bàn.

Ông Nghề đem tấm bia này vào Viện Khảo Cổ Sàigòn khi ông trở về đất liền (4).

Đoàn người tiếp tục di chuyển vào đảo trên con đường độc nhất từ cầu tầu dẫn vào giữa đảo. Đây là xương sống của đảo.

Con đường này rộng chừng hai mét, đá cục lăn lóc trên mặt đường. Người ra đảo từ thời Pháp, lúc Nhật vào Việt Nam, nói rằng hồi đó đường lót đá xanh, trải nhựa tốt lắm. Gió bão đã phá hư hết, ở bên phải con đường có hai ngôi nhà nằm dọc theo đường, cách đường hai mươi thước. Người đã từng sống ở đây cho biết ngôi nhà gần mình nhất là nhà chứa phân, bây giờ bỏ hoang. Còn ngôi kia là nhà nguyện (nhà thờ), kiêm nhà xác. Gọi là nhà xác vì lúc đầu người ta xây để làm nơi chứa xác một viên đội (sergent) người Pháp. Sau này, người có đạo vẫn thường vào làm lễ, biến thành một nhà nguyện (nhà thờ). Cái chết của người Pháp này ly kỳ lắm. Có dịp sẽ nhắc tới.

Khắp đảo, chỗ nào cũng thấy những cây lá lớn bằng bàn tay, màu xanh lá chuối non, mọc thành rừng thưa. Thân cây cứng, cao bằng đầu người hay hơn. Ngoài loại cây này, phía giữa đảo còn có vài cây dương liễu (phi lao) có lẽ đem từ đất liền ra.

Đi mút con đường là một giếng nước, đây là giữa đảo. Giếng nước không ngọt như trong đất liền, mà vị lợ. Về bên trái, cách giếng và chục thước là hai ngôi nhà lớn, thật đồ sộ và kiên cố: một là đồn binh, một là ty khí tượng. Thật là khác thường: mái nhà bằng phẳng làm bằng xi măng - giống như nhà thờ và nhà chứa phân - để gió bão không hủy hoại. Đây là nơi đầu sóng, ngọn gió nên chịu đựng những trận bão khủng khiếp. Mái ngói hay tôn sẽ bay như chiếc lá trong cơn mưa gió tàn khốc. Nhà cửa lơ mơ thì chỉ còn là đống gạch vụn. Cửa cứ phải làm lại hoài, mà cũng không chịu đựng nổi sức mạnh của gió bão. Trận bão lớn thổi qua đảo vào tháng 11 năm trước (1972) là một trong những trận bão lớn nhất.

Hai ngôi nhà lớn nhất trên đảo (đồn binh và nhà cửa của khí tượng) cùng ngó về hướng bắc, nằm gần giữa đảo hơn là mé bờ biển phía nam. Trước mặt đồn binh là một sân bóng chuyền và cột cờ. Tại cột cờ này có một bia bằng xi măng của Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa. Trên cùng của bia là dấu hiệu của binh chủng. Phía dưới có ghi "Tiểu đoàn I Thủy Quân Lục Chiến ..." Bia có ghi ngày lập nữa, nhưng người trên đảo, ai để ý tới chi tiết nhỏ nhặt đó.

Kế bên sân bóng chuyền nằm bên phải đồn binh là dãy nhà của binh sĩ. Trên nóc đồn binh, góc trông ra mé biển (phía nam) là một tháp canh, một góc khác có đèn pha thế cho đèn pha đã gãy đổ.

Nhà của khí tượng ở mé trái (phía tây) của đồn binh, cách đồn binh chừng 3.cm. Chếch về bên trái của nhà, là một dãy nhà phụ của khí tượng, gồm bốn gian: một nhà kho, kế bên là lò bánh mì, kế đó là nhà chứa hơi hydro, gian còn lại là nhà bếp. Tòa nhà rộng mênh mông dài 24m, rộng 4 m, chỉ chứa có bốn người.

Một ngôi nhà nữa trên đảo là nhà bếp của đồn binh, nằm ở hướng tây của giếng, cách giếng chừng vài chục mét, cách đồn binh chừng 150m.

Ngoài con đường chính từ dưới cầu tàu đi lên, theo hướng đông - tây, trên đảo còn hai con đường chính nữa:

- Đường thứ nhất song song với đường trên, chạy từ đằng sau nhà của khí tượng tới cuối đảo.

Bên phải con đường là ruộng muối cũ (5).

Gần cuối đảo, ở bên trái con đường là đèn pha cũ, nay đổ nát. Gần tới cuối đảo, đường mòn quẹo trái dẫn tới miễu Bà nằm trên bờ biển.

- Đường thứ hai đi từ giữa giếng về bờ biển phía bắc. Đường này hơi hẹp hơn con đường từ cầu tàu vào. Đây là con đường có nhiều người đi lại nên cây cối không thể mọc lên được. Bên trái con đường có hai cây dừa, nhiều cây thông. Bờ biển phía bắc là vùng nhiều cá. Còn nửa phía tây của đảo là vùng ít người lui tới vì góc tây bắc của đảo là vùng sóng lớn, biển động, ít cá và góc tây nam là "vùng của Bà".

Từ nhà của khí tượng và đồn binh có những đường mòn đi về phía giếng, đi ra bờ biển phía nam và đi ra giếng nước. Đây là những đường được tạo thành do bàn chân người dẫm nát cây cỏ, do sự tiện lợi, chứ không theo một kế hoạch sắp xếp. Đó đây là những đường gần nhất đi ra biển của những người sống trên đảo. Người ngoại quốc từ các tàu đánh cá đậu ngoài khơi, phía nam của đảo lên bờ, vào đảo đổi nước ngọt lấy đồ ăn tươi, rau, trái cây do những con đường mòn hướng nam bắc này.

Như vậy, hệ thống đường xá trên đảo thuận lợi cho việc di chuyển từ nơi cư trú (gần như đảo) về bốn phía trên đảo.

Để bảo vệ đảo, người Nhật (thời thế chiến thứ hai) đã đem đá từ Quảng Nam ra xây năm lô cốt trên bờ biển:

- Một ở phía nam: ở cuối các con đường mòn từ ty khí tượng và đồn binh đi ra bờ biển phía nam.
- Một ở góc đông nam bảo vệ cầu tàu và
- Một ở góc đông bắc mạn phía đông của đảo
- Một ở phía bắc: - cuối con đường mòn từ giếng ra bờ biển phía bắc.
- Một ở góc đông bắc.

Các lô cốt này bảo vệ đảo chống lại các cuộc tấn công nếu có từ vùng biển xung quanh.

Tại sao người Nhật không xây lô cốt gần miễu Bà? Có lẽ họ cũng xây, nhưng nay đã đổ nát cũng như các lô cốt kia (nay chỉ còn vết tích là các đống bê tông cốt sắt).

Miếu Bà
Trong cảnh cô đơn, sóng, gió, miễu Bà là nguồn an ủi lớn lao cho những người trên đảo cũng như những người thường lui tới nơi này. Nhang, đèn được những người trú đóng trên đảo đem từ đất liền ra. Dân Việt, Tàu, Nhật, Tân Gia Ba đánh cá quanh vùng khi ghé ngang đảo cũng đem nhang vào khấn vái. Miếu đặt ở góc tây nam của đảo, nơi mà từ đất liền ra là gặp ngay. Bà quay mặt ra hướng này để che chở cho ghe, tàu từ đất liền ra.

Miễu mới được xây sau khi người Nhật thất trận, nhưng trước năm 1948. Cũng giống các lối kiến trúc khác trên đảo, miễu cũng chỉ là một "cái hộp" nóc bằng dài 6m, cao 3m, có một cửa duy nhất trông ra biển.

Trước mặt miễu là một bức tranh bình phong. Dưới chân bức bình phong là một đám san hô được sắp xếp lên như một mâm xôi. Bên ngoài đám san hô này là những đường trang trí bằng các lon đồ hộp cắm xuống cát, do anh em binh sĩ bỏ công ra làm. "Cây nhà, lá vườn", ngoài đảo này không có hoa, có gì làm nấy vậy, miễn là lòng thành. Gần đó có một bia do người Pháp lập, có người còn nhớ có chữ "Le President ..."

Qua cửa, bước vào trong là gặp một hành binh khí cổ truyền chắn ngang. Gió, bão phá hư nên đến năm 1973, chỉ còn một thanh đao, treo ở bên trái của bà.

Tượng Bà đứng trên một bệ xi măng. Đầu và mình được choàng bằng chiếc khăn và mảnh vải màu hồng, do một nhân viên khí tượng trước kia làm việc ở đây gửi ra thay cái cũ. Người từng sống ở đây về, vẫn thường gửi nhang ra cúng Bà.

Vào miếu lạy và khấn, ít ai dám ngó bà lâu. Một vài kẻ bạo dạn kể rằng tượng bà cao chừng 1,50m tương tự các tượng Phật vùng Non - nước gần Đà Nẵng. Có kẻ thành thạo hơn nói rằng Bà giống Bà ở Phú Quốc.

Mặt bà phúc hậu, đôi mắt hiền từ, tai dài. Người tạc tượng để Bà mặt một chiếc áo the dài quá đầu gối.

Hai tay bà cầm một cái chén hình 6 cạnh, bề ngang chừng 4-5cm. Người ta bảo rằng đó là bát nhang.

Đằng trước Bà, là tượng Phật Thích Ca. Trong miễu còn có đèn dầu, bát nhang, hai chân đèn, chuông, mõ, để trên kệ. Ngoài ra, trong miễu còn có thẻ và ba đồng điếu để xin xâm. Xâm linh lắm. Nghe kể chuyện một người lính xin Bà cho ở lại đảo. Bà không cho (qua xâm). Anh ta không tin. Thường thường, ai xin ở lại đảo cũng đều được chấp thuận, vì đỡ phải chọn lựa người khác thay thế, tốn kém lắm. Gần đến ngày mãn hạn, anh ta xin cấp chỉ huy từ đất liền ở lại nữa. Vị chỉ huy chấp thuận. Sau vài ngày, chị vợ nhớ chồng quá, giả bộ đau, van lạy cấp chỉ huy ở đất liền cho chồng về. Thế là anh chồng phải rời đảo, như ý muốn của Bà.

Vùng biển trước mặt miễu gọi là vùng riêng của Bà, không được ai lai vãng tới. Tới đó kiếm cá là Bà quở phạt ngay. Cái chết của một viên đội (sergent) Pháp đưa đến việc thành lập nhà xác được truyền kể như sau:

Anh chàng "sergent" này thuộc về công binh, nên chất nổ rành rẽ lắm. Một hôm anh tới "Vùng biển của Bà" châm ngòi cho cháy một bánh thuốc nổ để bắt ca. Anh ta ngó hoài không thấy lửa cháy ngòi. Không ngờ lửa không cháy cả cái ngòi, mà chỉ cháy phần giữa của ngòi, ăn lan vào trong và chất nổ làm anh ta chết.

Một chuyện khác kể rằng có hai người lính đem chất nổ ra trước miếu Bà, không tin chuyện dị đoan. Cả hai người thấy một cặp cá thật to đang lờn vờn gần bên các tảng đá. Một người châm ngòi bánh thuốc nổ, nhưng tay cầm chặt, đứng trân trân ra ngó lửa cháy, mà không chịu ném. Anh kia thấy thế, sợ quá, co giò chạy. Một tiếng nổ lớn làm người căm thuốc nổ chết ngay, còn người bỏ chạy bị thương.

Bà linh thiêng như vậy, nên là nguồn an ủi, là niềm tin cho những người cô đơn trên hải đảo.

Thời Nhật chiếm đảo, Bà chưa có miếu che mưa nắng. Ba đứng giữa các cọc bằng tre do dân chài dựng lên. - bờ biển gỗ, tre, táp vào luôn luôn, đủ để dân trên đảo dùng làm củi chụm, ít khi phải đốn cây rừng. Gỗ, trê từ các ghe, tàu đắm trôi giạt vào, nhiều nhất ở góc đảo bên đối diện với miếu bà, cũng ở phần phía tây của đảo. Tại đây, bờ biển hơi cao hơn các phần khác của đảo vì sóng biển đầy cát, san hô vào bờ thành từng đám cao. - vùng này, sóng gió mạnh hơn cả, nhất là lúc biển động. Ngoài những thanh gỗ, tre, đôi khi người ta còn gặp cả sọ người, xương người.

Người lạ tới đảo vào cúng Bà, thường đem theo nhang đèn, chân nhỏ như sợi tăm, hương rất thơm.

Mé bên trái của Bà là nghĩa địa, nơi chôn người chết chứ không phải nơi có nhiều vỏ sò, ốc như "nghĩa địa ốc" ở góc đông nam của đảo. Nơi đây có hai hàng gò mả song song với nhau, đầu quay ra biển, hướng về phía tây nam, nghĩa là hướng về phía đất liền. Mả có từ lâu lắm rồi. Những người ra đây từ thời lính khố xanh đã thấy. Mả có nhiều bia, bằng đá có, cây có. Mả cũ có, mới có. Mả có bia bằng gỗ, đá, hay xi măng. Mả mới nhất là của Thủy Quân Lục Chiến VNCH. Cuối năm, gần tết, anh em sống trên đảo cũng dọn dẹp, sửa sang lại các gò mả không bà con chăm sóc.

Rằm, mồng một, tết hay lúc có người đau yếu, anh em thắp nhang cầu khẩn.

Công Tác
Những người được đưa ra đây đều lãnh nhiệm vụ riêng: người thì bảo vệ lãnh thổ, kẻ thì ghi nhận tình trạng thời tiết.

Sứ mạng của các anh lính nghe thì to lắm, nhưng đối với họ chỉ là chuyện bình thường. Họ đã từng làm công chuyện đó từ bao lâu nay ở đất liền. Bây giờ họ chỉ tiếp tục công việc thường xuyên đó.

Ngoài ra từ hồi nào tới giờ có đánh nhau đâu, nên có chia phiên gác, nhưng cũng thảnh thơi lắm. Gác thì tới phiên mới gác. Còn thì chẳng có chuyện gì làm, buồn lắm. Ngoài chuyện đánh bóng chuyền, bắt cá, bắt ốc, còn gì nữa đâu. Súng trở thành vô nghĩa, phải cất kỹ vào kho.

Các nhân viên khí tượng thì cũng rảnh rỗi như vậy. Mỗi ngày chỉ làm tám lần quan trắc gọi về Saigon qua hệ thống vô tuyến điện thoại siêu tần số (motorolar): lúc 8 giờ sáng, 11 giờ trưa, 2 giờ chiều, 5 giờ chiều, 11 giờ khuya, 2 giờ khuya, 5 giờ sáng. Khi có bão, quan trắc phải làm và báo cáo hàng giờ. Nhờ đó, sức mạnh và hướng đi của trận bão được biết rõ và thông báo cho dân chúng, tàu bè, máy bay. Từ Sàigon qua hệ thống viễn thông, vùng Đông Nam Á và Đông Á biết đến Hoàng Sa qua ám số 48860.48 là vùng Đông Nam Á. 860 là ty khí tượng Hoàng Sa.

Ty khí tượng Hoàng Sa còn kiêm luôn cả ty bưu điện, đóng dấu trên thư từ gửi về đảo. Thư từ thì trước kia chỉ có nhân công hãng phân mà thôi.

Cuộc Sống Trên Đảo
Sống ở ngoài này hoàn toàn lệ thuộc vào sự tiếp tế từ đất liền. Lúc đi, phải chuẩn bị thức ăn đầy đủ trong ba tháng. Trước khi Nhật đảo chánh, các nhân viên khí tượng cũng như toán lính khố xanh toàn là người Việt, trừ viên đồn trưởng người Pháp, tàu ra đảo cứ ba tháng một lần. Đôi khi mỗi tháng một lần. Sau khi người Pháp trở lại Đông Dương, toán lính canh phòng hoàn toàn là Pháp, nên tàu ra tiếp tế mỗi tháng một lần. Có thể có những viên chức chánh quyền ra nữa. Người thành thạo kể hình như có lần ông Phan Văn Giáo đã ra đây. Khi trao trả cho Việt Nam, tàu cứ ba tháng ra một lần, trước đảo chính Nhật. Khi Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ quần đảo (trước năm 1959), có lần máy bay từ đất liền ra thả dù tiếp tế, nhưng phi công lại thả xuống đảo Phú Lâm (Ile Boisée), nơi Trung Cộng chiếm đóng. Hồi đó, Trung Cộng chỉ mới chiếm các đảo trong nhóm đảo Tuyên Đức (Groupe de l'Amphitrite) mà thôi. Như đã kể, thời Pháp anh em ra đảo đã từng được tàu Pháp chở đi kiểm soát các đảo, kể các đảo nhỏ và nhóm Tuyên Đức xa xôi.

- đây chất tươi (rau, thịt) hoàn toàn thiếu thốn. Xưa kia đời sống dễ dàng, gà, vịt, heo có thể mua đem theo dễ dàng.

Biển cả đầy dẫy cá, tôm, ốc nhưng cũng phải bỏ công lao khó nhọc ra chứ, đâu có dễ dàng, đâu phải lúc nào muốn ăn cá là xuống biển vớt, có ngay. Việc bắt cá dễ dàng chỉ có 7 ngày trong tháng theo tuần trăng: từ mồng một tới mồng bốn và từ rằm tới mươi tám. Lúc đó, nước ròng thật sát (6), để trơ phần san hô ra, cá, tôm, vào các hang, hốc đá, hõm kiếm mồi, ra không kịp, anh em mặc sức mà bắt cá, tôm, ốc. Đó là những ngày vui nhất trên đảo. Buổi sáng, anh em dậy thật sớm (4-5 giờ), cơm nước xong xuôi là kéo nhau đi bắt cá cạn. Từ 5 giờ sáng, nước bắt đầu rút xuống, tới 7, 8 giờ thì nước ròng thật sát. - bờ phía nam, nước biển rút ra cách chân bờ biển cát vàng tới chừng gần 200m. - phía bắc đảo, vùng san hô bao quanh còn xa hơn nhiều, lại chạy vòng về phía đông bắc nữa.

Khi nước ròng thật sát, vòng đai san hô bao quanh đảo Hoàng Sa (Pattle) nối với các mỏm san hô mới nhô lên (mỏm Quan Sát: Banc des observations, Réeif Antilope) ở phía đông bắc đảo. Người ta có thể dừng chân để ra Mỏm Quan Sát, nhưng phải chạy cho lẹ thì mới tránh được nước thủy triều dâng.

Người bạo dạn dám ra tới bìa san hô nói rằng hết san hô là vùng biển thẳm, còn gọi là mé sóng. Mé sóng ở đông bắc của đảo là nơi có nhiều người đã lượm các mảnh chén sứ rất đẹp.

Ít người dám ra tới mé sóng, vì khi nước thủy triều dâng lên, đường xa, chạy vô không kịp.

Đi bắt cá cạn, không ai dám đi một mình, phần vì nguy hiểm phần vì ở nhà không có chuyện gì làm, buồn.

Phải đi đông vì lỡ bước vào hõm (7), hụt chận thì còn có người kéo lên.

Biển lúc đó thật là nhộn nhịp. Từng toán dăm ba người đi giày nhà binh, tay xách giỏ, dở từng khối đá (san hô và vỏ sò ốc dính cứng lại với nhau) ra bắt cá. Phải đi giày nhà binh vì đi chân đất thì san hô cứa chảy máu chân. Cá biển có ngạnh bén. người không rành phải đem cả vớ nhà binh theo lót tay cho khỏi đau. Người kinh nghiệm, trước khi ra đảo đã sắm những cái nĩa (đinh ba) có cán dài chừng 1,50m đầu có đinh nhọn dài vài phân. Đây là thứ kiếm cá rất tốt. Cá ở đây bạo lắm, thấy mình cứ nằm yên, mà có chạy cũng hết nổi, vì xung quanh hang hốc, nước đâu còn nữa. Cái nĩa phóng vào mình cá là ăn chắc.

Không có nĩa, nhiều anh em ra cầu tàu đập bê tông bể lấy sắt 8-10 ly đập nhọn đầu để làm dụng cụ đâm cá. Cá có đủ loại: cá mú, cá bò, cá mó, cá hồng, mực ..., nghĩa là đủ loại gống như trong đất liền. Nhưng cũng có nhiều con kỳ dị như cá "khăn bàn" lớn bằng khăn bàn. Người nào bạo gan ra xa câu được nhiều loại cá ngon như cá thu. Nghe nói đảo này có chân nên cá rúc vào chân đảo kiếm mồi.

Ngoài cá ra, anh em còn bắt những con tôm hùm thiệt to, càng to bằng ngón tay út, trong toàn thịt.

Ngoài cá ra, bắt ốc cũng là việc làm vui nhộn. Ốc có nhiều loại kỳ lạ, vỏ ốc đủ màu, lóng lánh rất đẹp. Không biết tên của chúng là gì, nghe nói ốc "porcelaine". Có người bắt phơi khô, bỏ vào hàng bao bố đem về. Bởi vậy, tới cuối năm 1973, ốc bắt đầu ít đi.

Có những con sò khổng lồ. Lỡ để tay vào miệng, nó kẹp lại là hết rút ra. Gân của nó ăn rất ngon.

Tới 9-10 giờ, nước thủy triều bắt đầu lên. Vì vậy, từ trước lúc nước lên 1 giờ, phải chạy vào bờ cho lẹ, nếu không là nước dâng ngập đầu.

Nước dâng từ 9-10 giờ, tới 4-5 giờ chiều thì lên cao nhất, rồi lại xuống từ từ.

Trong những ngày đầu và giữa tháng, mỗi ngày nước ròng chậm chừng nửa giờ. Thí dụ ngày 15 ròng lúc 7 giờ, ngày 16 ròng lúc 7 giờ 30, ngày 18 ròng lúc 8 giờ. Tới ngày 19, nước lại ròng lúc 6 giờ. Nước ròng trễ thì lên cũng trễ, mỗi ngày một giờ. *8)

Có người nhận thấy lúc nước ở Hoàng Sa ròng sát thì ngược lại, nước ở sông Sàigon dâng lên cao nhất, tràn ngập vùng đất hai bên bờ.

Những ngày nước ròng sát nhớ như in vào tâm trí mọi người sống trên đảo, vì là những ngày vui nhất trên hòn đảo quạnh hiu.

Những ngày khác, nước chỉ rút xuống một khoảng ở chân bờ biển, chưa tới vùng san hô, rồi lại dâng lên.

Trong những ngày đi bắt cá cạn, anh em ăn uống đầy đủ nhất. Còn những ngày khác, cá, tôm đau có dễ dàng để mình bắt. Muốn có cá phải câu. Đâu phải bất cứ ai câu cũng có cá cả đâu, phải tùy tay. Phần lớn, anh em không quen nghề biển, nên câu thật khó khăn. người bạo dạn lội ra xa, đứng dưới nước câu thì có cá, cá lại to mà ngon nữa, nhưng việc đi vào bờ thật khó khăn. Trên bãi san hô, có những chỗ thình lình sâu hẳn xuống (hõm) khi nước dâng cao đi qua chỗ đó có thể bị ngập đầu. Qua khỏi, đáy biển lại cạn như những chỗ khác. Khi đi qua đó, phải cẩn thận.

Cầu tàu có nhiều tảng xi măng lớn, rong, rêu bám đầy, cũng là nơi lắm cá nhưng dính được chúng lên cũng là cả một vấn đề. Chúng cắn mồi, nhưng rúc vào các kẹt đá thì lôi hết ra, lại mất cả lưỡi câu nữa. Những tay câu lão luyện dùng nhợ cỡ lớn vẫn kiếm được cá ở đây.

Không ai dùng lưới vì san hô cứa rách lưới. Có ca nô ra ngoài xa, mé sóng thì cá nhiều lắm. Đến mùa cá, tàu ngoại quốc tới đánh đầy mặt biển, nhiều như "những chiếc lá tre" (9) nổi trên biển. Lúc đó, cá đi hàng đàn, tràn ngập cả biển. Đuôi chúng chổng lên trời như những chiếc tàu đang chìm. Thế mà trong bờ quanh đảo kiếm đâu có dễ dàng.

Người sống trên đảo phải biết nghĩ đến ngày mai. Lúc có nhiều cá thì phải phơi khô, để dành cho lúc không kiếm được. Những ngày mưa, bão, biển động, thường chỉ ăn cơm với nước mắm.

Lính địa phương quân chia làm 3 tổ. Một tổ 10 người thay phiên nhau kiếm cá nên tương đối dễ chịu. Còn 4 nhân viên khí tượng thật là vất vả.

Biển còn có rau câu. Trước năm 1970, ít ai chịu vớt rau câu đem về. Sau đó hình như có người đặt trước, anh em binh sĩ vớt thật nhiều. Tới năm 1973, rau câu không còn để cho vô bao nữa.

Một nguồn thực phẩm khác là con vít. Cũng như cá, bắt nó phải có công phu và có mùa. Tháng 5, 6, 7, vào những đêm sáng trăng, những con rùa biển đó từ biển bò lên bãi cát đào lỗ đẻ trứng rồi lấp đi đánh dấu chỗ chôn trứng. Trứng vít lớn bằng cái hộp quẹt Zippo. Nấu chín thì lòng đỏ đặc lại như trứng gà nhưng lòng trắng thì lầy nhầy.

Vít lên bờ thì thân mình to lớn và những đôi chân thô kệch để lại dấu vết quá rõ ràng trên mặt cát. Anh em phải canh tới khuya, đi kiếm những dấu vết đó, đuổi theo là bắt gặp. Vít to bằng một cái bàn nhỏ (1 x 1,5m), nặng nề, chậm chạp trên đất liền. Anh em chỉ việc lấy hai tay lật ngược lại, là bốn chân nó chới với trên không khí. Móng vít có thể chữa cho trẻ con khỏi sài, đẹn.

Thịt vít tương tự thịt bò: sớ to.

Đồi mồi thì họa hoằn lắm mới gặp.

Trước khi xảy ra vụ Trung Cộng chiếm đảo, anh em bắt được hai con đồi mồi. Trước ngày bị Trung Cộng bắt, anh em thả đi một con, còn một con vẫn nuôi trong bể nước.

Một nguồn lợi khác trên đảo là muối.

Nước biển thì mênh mông xung quanh đảo, nhưng trên đảo thì lại thiếu muối ăn, phải chở từ đất liền ra. Vì vậy, thời Pháp, một viên đồn trưởng đã ra lệnh cho đám lính khố xanh dưới quyền làm một ruộng muối nho nhỏ ở phía tây của đảo. Cây rừng bị bốn, đào gốc và rễ. Cỏ được nhổ cho hết. Vì đất trên đảo thường là cát lẫn lộn với vỏ sò, ốc, nước dễ bị hút hết nên mặt bể muối được đồ nền tráng xi mắng, xung quanh có bờ cao để nước khởi chảy ra ngoài. Bể muối gần như tròn, bên trong chia thành từng ô vuông, mỗi cạnh chừng 1,5. Tổng cộng kể có 6 ô vuông.

Sau đó, hàng ngày, anh em khố xanh phải gánh nước đổ vào ruộng. Bao nhiêu sức lực, mồ hôi đổ ra, nhưng cuối cùng cũng chẳng có một hột muối. Mặt ruộng muối cứ nứt nẻ hoài. Nước rút đi thật mau. Có người giải thích: đất trên đảo toàn cát và đá vôi, không giữ nước như đất sét, lại không làm nền chắc, nên không thể làm ruộng muối được.

Những ngày cuối cùng khi đảo còn thuộc về người Việt, vết tích của một công trình vẫn còn trên đảo, tuy mưa bão và cây cối đang xóa nhòa dần.

Phân Phốt Phát
Phân phốt phát trên mặt các đảo trong quần đảo Hoàng Sa (Paracels) là một nguồn lợi đáng chú ý. Nhiều cuộc khảo sát của các nhà địa chất học cho biết lượng phân đủ để khai thác có lợi (10).

Năm 1956, ông Lê Văn Cang được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho phép khai thác phân tại quần đảo Hoàng Sa, nhưng đến năm 1961 mới khởi công. Công ty Hữu Phước (Hyew-Huat) (11) được ông Cang giao cho các công tác lấy phân và chuyên chở về Sàigòn.

Số lượng phân do công ty này đã khai thác được trong những năm đầu tiên (1957-1958-1959) là 8.000 tấn.

Từ năm 1960, một công ty khác (Công ty Phân bón Việt Nam) của ông Bùi Kiến Thành giữ vai trò khai thác phân tại quần đảo Hoàng Sa (Paracels) còn Hyedw-Huat chỉ chuyển vận. Số lượng phân khai thác được của cả hai công ty nói trên trong năm 1960 là 1.570 tấn, năm 1961 là 2.654 tấn, 1963 là 3.000 tấn. Số lượng phân đã được lấy lên, chuẩn bị đem về trong năm 1962 là 12.000 tấn.

Sau đó, gặp nhiều trở ngại về mọi phương diện: phương pháp và kỹ thuật khai thác, biến chế, chuyên chở, tổ chức, thị trường, chính trị (12), các công ty trên đã ngưng hoạt động (năm 1962).

Sau năm 1970, thị trường phân bón của Việt Nam Cộng Hòa ngày càng rộng lớn, giá phân lên cao, nên nhiều tư nhân cũng như công ty (13) lại chú ý tới việc khai thác phân ở quần đảo Hoàng San.

Công ty Kỹ nghệ phân bón Đại Nam (KYPHADACO) (14) do ông Đào Nhật Tiến thành lập, cho biết thành phần phốt phát trong phân sản xuất từ lớp san hô lấy ở các đảo trong quần đảo Hoàng Sa có phẩm chất tốt. Ông Tiến mua lại san hô có chứa phốt phát còn lại trong các kho, nghiền cho thật mịn rồi nung lên, đem bón thử cho cây thì kết quả thật mỹ mãn: cây phát triển mạnh sau nửa tháng được bón loại phân này. Phòng thí nghiệm của Việt khảo cứu (Bộ cải cách điền địa và phát triển Nông Ngư Nghiệp) (15) cho biết kết quả phân tích 5 mẫu của phân Hoàng Sa của ông Tiến như sau:

- N: 0%
- P2O5: 20,51%
- K2O: 15,25%

Thành phần phốt phát chứa 16% trọng lượng phân thì phân mới lợi cho giới tiêu thụ. tong các mẫu phân đưa thí nghiệm, thành phần trên ở mức độ tốt (20,51%), lại có thêm một lượng pô-tát tốt nữa.

Theo ông Tiến, giá phân Hoàng Sa rất rẻ, chỉ bằng 1/4 giá phân nhập cảng:

Giá thành phân Hoàng Sa (vốn sản xuất, chuyên chở, lời ...) là 25$kg. Trong lúc đó (1972) giá phân nhập cảng là 100$/kg.

Ông Tiến còn khám phá ra một loại tài nguyên khác ở Hoàng Sa: "cát" (16) và vỏ sò, ốc ở đây rất tốt (chứa 40% chất vôi theo sự phân tích của Viện khảo cứu, BCCĐĐ và PTNNN). Cát, vỏ sò và ốc ở đây xay thành bột, rồi đem nung lên được ông đặt tên là "cát trắng Hoàng Sa" có thể trị phèn trong ruộng và trộn với đồ ăn cho gia súc, cần thiết cho ruộng phèn và kỹ nghệ thực phẩm gia súc.

Giá sản xuất tại Hoàng Sa cho loại này là 3$/kg.

Công ty KYPHADACO dự định thành lập một nhà máy sản xuất phân và "cát trắng Hoàng Sa" ngay trên đảo Hoàng Sa (Pattle), trước khi Hoàng Sa bị mất vào tay Trung Cộng.

Theo ông Tiến, "cát trắng Hoàng Sa" mới đáng giá hơn phân, vì phân mau hết, còn cát trắng thì dồi dào hơn. Đảo Hoàng Sa (Pattle) diện tích 3,6Ha, chỉ đào sâu được 1m, vì đất ở sâu hơn thì nước biển thấm vào, không dùng được. Như thế, đảo này có 36.000m3 đất dùng được. Mỗi chuyến tàu chở 1.000m3 thì chỉ chở 36 chuyến, hay hơn một tháng là hết sạch (17).

Theo một số doanh nhân Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa có thể thuận lợi cho du lịch.

Những Người Khách Lạ
Vùng biển quanh hải đảo này là nơi lui tới của nhiều tàu lạ. Từ đảo nhìn ra bằng mắt thường thấy các tàu đó bằng điêu thuốc lá, hay neo đánh cá, đánh tôm, bắt ốc. Từ bờ nhìn ra, nhìn cờ thì mới biết. Ngoài ghe tàu Việt Nam, còn thì Nhật Bản, Trung Hoa Quốc Gia, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba không phải là hiếm, nhưng thường tới nhất là Nhật Bản. Có khi chẳng biết chúng là tàu quốc gia nào nữa.

Người Việt vốn quí khách. Khách tới, đi ca nô hay xuồng nhỏ vào đảo là được tiếp niềm nở. Nhất là những lúc khách gặp cơn hoạn nạn (cần nước ngọt, gặp bão) lại cần phải sốt sắng cứu giúp. Chủ và khách đều vui vẻ. Khách chân thật, không có gì đáng e ngại, vì khách thường từ các tàu cá tới (18), lại không có khí giới gì cả. Chủ lại được tự do xuống tàu xem nữa. Nhưng ôi thôi! Mấy chiếc tàu cá đó thối lắm! Xuống làm chi!

Quen với những kẻ lạ thường xuyên tới, anh em chẳng bận tâm đến họ. Họ có thể lên đảo nghỉ ngơi hoặc chạy nhảy cho khỏi chồn chân tắm nước ngọt ở giếng. Họ có thể đem lưới và cá lên đảo phơi nữa, nhất là trên đảo Hữu Nhật (Cam Tuyền, Robert). Nghỉ ngơi xong, họ lại xuống tàu, nhổ neo đi.

Sống quạnh hiu trên đảo, bỗng dưng có người tới thì cũng vui. Chủ và khách không cùng ngôn ngữ, nhưng rồi cũng hiểu nhau. Khách lạ tới là những lúc vui vẻ. Mà chủ cũng mong khách tới nữa. Khách thường rất rộng rãi: đổi vài thùng nước lấy thuốc lá, đồ ăn tươi, rau, trái cây lạ, quả là hời giá.

Khách không tỏ ra có vẻ nguy hiểm, nhưng đôi khi anh em cũng thấy những triệu chứng khác thường:

- Năm 1960, một nhóm người Phi Luầt Tân lên bờ, đem theo dụng cụ đo đạc, ngắm nghía. Anh em trên đảo ra xem xét. Họ có vẻ vội vàng, lăng xăng trên đảo, rồi lại xuống ca nô ra tàu.

- Một lần trước năm 1970, một bọn người không rõ quốc tịch lên bờ, xin nghỉ ngơi. Họ nói tàu đánh cá của họ bị bão. Khách lạ thì ...... có từ chối bao giờ đâu. Các anh lính bỗng chú ý tới bọn này, vì họ đem theo một tấm giấy lớn, mở ra thì biết là một tấm bản đồ của đảo. Một anh lính thấy tên cầm bản đồ ngược, liền kêu lên: Cầm bản đồ ngược". Anh ở trên đảo lâu ngày, hang hốc nào chẳng biết, nên thoáng nhìn thấy dáng quần đảo Hoàng Sa (Paracels) trên bản đồ là anh nhận ra ngay từng vị trí các đảo. Tên nọ giật mình, quay bản đồ lại. Thế là anh biết ngay tên kia biết tiếng Việt. Nếu không biết tiếng Việt, tên kia phải vụng về lắm chứ, đâu có quay ngay bản đồ lại, ngay sau khi nghe anh nói.

Thế rồi cũng chẳng có gì xảy ra cho tới giữa tháng 1-1974.

Việc Bảo Vệ Quần Đảo
Những người ra đây nhiều lần chẳng cần suy tư về những người lạ dưới tàu lên, vì mọi chuyện đề êm đềm, đâu có gì đáng lo. Tuy vậy, vài người lớn tuổi đã bắt đầu suy nghĩ. Năm 1944, khi Nhật đóng ở Đông Dương, các vị đó đã từng ngắm nhìn hòn đảo Phú Lâm (Ile Boisée) thơ mộng, nhìn bãi cát vàng trên đảo Tây (Ile Ouest) hoặc đảo Tây (Tree Island) khi tàu đi vòng quanh các đảo đó, trước khi ngừng ở Hoàng Sa (Pattle). Tàu Pháp có thói quen đi tuần qua tất cả các đảo trong quần đảo Hoàng Sa (Paracels), trước khi cho các nhân viên khí tượng và lính khố xanh xuống đảo thay thế đám cũ trên đảo Hoàng Sa (Pattle).

Người Pháp chỉ lập căn cứ ở đảo Hoàng Sa (Pattle), một đảo gần đất liền để tàu ra cho gần. Đảo Hoàng Sa (Pattle) lớn, tuy không bằng Phú Lâm (Ile Boisée), nhưng ở gần trung tâm quần đảo, gần nhiều đảo, việc kiểm soát dễ dàng hơn Phú Lâm (Ile Boisée). Các toán lính khố xanh và lính Pháp đồn trú trên đảo có xà lúp thường xuyên đi kiểm soát các đảo.

Thời Pháp thuộc, số lính khố xanh trấn đóng chừng vài chục người dưới quyền chỉ huy của một viên sĩ quan Pháp.

Khi Nhật đảo chính Pháp, anh em trên đảo bị bỏ rơi, bèn kiếm gỗ làm bè thả về đất liền. Sau mấy ngày nhịn đói, họ táp vào bờ biển Qui Nhơn.

Người Nhật chiếm đảo, rồi xây các lô cốt xung quanh đảo để phòng thủ.

Sau khi Nhật đầu hàng, Pháp trở lại Đông Dương họ lại ra trấn giữ đảo. Toán khí tượng đầu tiên (sau khi Pháp trở lại Đông Dương) ra làm việc vào tháng 9/1947). Toán quân nhân Pháp gồm 1 trung đội, toàn người Pháp. Lúc này tình thế đã biến chuyển. Tàu không đi vòng ra nhóm Tuyên Đức (Groupe de l'Amphitrite) nữa. Nghe nói nơi đó người Tàu đã chiếm rồi. (19) Ôi! Một hòn đảo thơ mộng đã lọt vào tay kẻ tham lam! Mỗi buổi sáng trời tối, anh em nhìn về phía đông bắc thấy hòn đảo Phú Lâm (Ile Boisée) qua kính "thiên văn" (20) (théoldoite) mà thấy xót xa.

Người Pháp canh phòng các đảo rất kỹ. Họ dùng xà lúp đi tuần quanh các đảo luôn luôn. Chân cầu tàu bây giờ còn vết tích căn nhà để xà lúp. Họ xua đuổi các tàu bè lại gần đảo. Đuổi mà không đi là họ bắn ngay.

Về sau, một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa có nhiệm vụ bảo vệ các đảo còn lại. Sau đó số quân đóng trên đảo Hoàng Sa (Pattle), Hữu Nhật (Cam Tuyền, Robert), Quang Ảnh (Vĩnh Lạc, Money) Quang Hòa (Duncan), Duy Mộng (Drummond) và các đảo khác rút xuống còn một đại đội thuộc tiểu đoàn 42/162. Ngày 8-5-1957, hải vận hạm Hàn Giang chở một đại đội Thủy Quân Lục Chiến khác từ Nha Trang ra thay thế. Thủy Quân Chiến có đầy đủ phương tiện (ca-nô, xăng nhớt ...) nên họ cũng đi tuần, canh phòng thường xuyên.

Ngày 5-10-1959, tỉnh đoàn Bảo An thuộc tỉnh Quảng Nam có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quần đảo. Tỉnh đoàn cử 43 Bảo An ra thay đại đội Thủy Quân Lục Chiến giữ các đảo trên. Tuy vậy, trên đảo Hoàng Sa (Pattle) vẫn còn một trung đội Thủy Quân Lục Chiến gồm 30 người.

Binh sĩ Bảo an sau này đổi tên thành địa phương quân, thuộc tiểu khu Qủang Nam. Địa phương quân phương tiện eo hẹp, không có ca nô đi kiểm soát các đảo, nên coi như chỉ trấn đóng trên đảo Hoàng Sa (Pattle) mà thôi.

Về sau, số quân giảm xuống, chỉ còn một trung đội, do một trung úy hoặc thiếu úy chỉ huy.

Người mới ra đảo Hoàng Sa (Pattle) nhìn vào tình trạng quân sự đó thật là lo ngại. Không có phương tiện kiểm soát các đảo khác nên không biết kẻ lạ làm những chuyện gì trên đó. Đảo lại không có phương tiện truyền tin với các tàu (cờ, đèn hiệu ... ) nên muốn ra lệnh cho các tàu cũng không được. Thời buổi này khó khăn, anh em binh sĩ đâu dám bắn bậy, bắn bạ như người Pháp có lệnh mới được nổ súng. Viên sĩ quan địa phương quân không rành về mặt biển, không biết các loại tàu.

Lo thì lo, chứ có sao đâu. Từ trước tới giờ (đần năm 1974) có chuyện gì xảy ra đâu.

Những Dấu Hiệu Khác Thường
Ra đảo được hai tháng, nghĩa là còn một tháng nữa thì hết kỳ hạn đóng trên đảo, một vài anh em nhận thấy ở các mỏm san hô phía đông bắc của đảo Hoàng Sa (Pattle), cũng trong nhóm đảo Nguyệt Thiềm (Groupe de Croissant), có nhiều tàu xuất hiện, và neo tại đây. Anh em tưởng chỉ là các tàu đánh cá như mọi khi. Có người cảm thấy không phải chuyện bình thường.

Đồng thời, có một tàu Trung Hoa Quốc Gia ghé đảo, đổi thuốc hút lấy nước ngọt.

Giữa tháng 1/1974, còn nửa tháng nữa là có tàu ra rước anh em về, để cho người khác ra thay thế, lúc 4-5 giờ chiều bỗng dưng anh em thấy hai tàu cá (21) chạy khá nhanh, gần gờ. Nó xuất hiện từ hướng tây nam vòng lên phía bắc rồi vòng ra phía đông, lại gần cầu tàu, hình như muốn ghé vào. Lúc đó anh em mới nhận ra nó sơn màu ô-liu, màu của quân đội! Trong số những người trên đảo có người đã từng đi biển, nên nhận thấy tàu này không phải là loại tàu thường, vì tàu đánh cá đâu có sơn màu ô-liu. Tàu lại mang cờ đỏ, góc có mấy ngôi sao vàng nữa. Trung úy trưởng đồn chưa biết triệu chứng bất thường. Anh em họ, bèn bảo trung úy lấy cờ quốc gia treo lên cho nó thấy để nó biết đảo này của mình. Muốn đuổi nó đi thì đâu có cách nào khác. Có là cờ đẹp, phải cất kỹ, vì gió biển ào ào, chỉ ba bữa là rách tan. Nhìn thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ bay trên đảo, hai tàu nọ bèn bỏ đi về phía nam đảo Hữu Nhật (Cam Tuyền, Robert), nấp đằng sau đảo đó. Có người biết được lá cờ đỏ đó là cờ Trung Cộng. Nhiều người không biết đó là cờ nước nào.

Trung úy trưởng đồn báo cáo vụ trên về đất liền.

Vài anh em mở ra đi ô nghe nói Trung Cộng đang tính chuyện khiêu khích ở Hoàng Sa. Ai cũng tưởng chuyện chỉ xảy ra thường thường thôi, đâu ngờ sau này trở nên lớn lao quá vậy.

Khói Lửa Trên Biển Khơi
Sau đó, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 ra Hoàng Sa, (Pattle), thả xuống đảo Hoàng Sa (Pattle), 7 người gồm: thiếu tá Hồng, 1 đại úy hải quân, 1 trung úy công binh kiến tạo, 1 trung úy công binh chiến đấu, hai binh sĩ và một người Mỹ. (22) Sau đó chiến hạm này đi thám sát các đảo và mỏm đá ở phía đông của nhóm Nguyệt Thiềm (Groupe de Croissant).

Lúc ấy, hai "tàu cá" của Trung Cộng còn ẩn phía sau đảo Hữu Nhật (Cam Tuyên, Robert). Đuôi tàu nhô ra nên từ đảo Hoàng Sa (Pattle) còn nhận ra được. Vì đảo cao như đĩa xôi, nên không rõ Trung Cộng làm gì ở phần đảo gần chỗ hai tàu của họ đang đậu. Sau này, các nhân chứng đổ bộ lên đảo Trung Cộng mới đem vật liệu và hài cốt từ nơi khác lại xây bốn ngôi mộ. Anh em thường đào vứt xuống biển vì họ vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Tuần Dương hạm Lý Thường Kiệt tiến về phía hai "tàu cá" đuổi chúng ra khỏi đảo. Hai "tàu cá" lì ra không chịu đi. Tàu ta và tàu địch tiến gần nhau đến nỗi trông thấy cả bàn ghế trên tàu địch. Bọn lính Trung Cộng trên tàu cá chửi sang ta bằng tiếng Tàu. Sau cùng, các tàu Trung Cộng đành rút đi, lui về phía các đảo nhỏ mà Trung Cộng mới chiếm.

Sau đó, hình như nhiều tàu Trung Công tiến xuống phía nam của các đảo nhỏ, tụ tập xung quanh các đảo Quang Hòa (Duncan) và duy mộng (Drummond).

Phía ta, chiếc khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 tăng cường, thả một số lính xuống đảo Hữu Nhật (Cam Tuyền, Robert).

Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 bốc toán 7 người ở Hoàng Sa (Pattle) lên, hình như định quay về đề sửa tàu, vì đã tới kỳ hạn nằm ụ.

Lúc đó, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5 ra để tăng cường thêm, hình như thả một số lính xuống đảo Quang Ảnh (Vĩnh Lạc Money). Toán 7 người được chuyển sang tuần dương hạm Trần Khánh Dư HQ5. Sau đó HQ5 lại trả toán này về đảo Hoàng Sa và nhiều tàu loại đổ bộ, chạy tới chạy lui ở vùng hai đảo Duy Mộng (Drummond) và Quang Hòa (Duncan). Các tàu Việt Nam đều tiến về hai đảo này.

Không rõ súng bắt đầu nổ từ lúc nào (23), nhưng chiều ngày 18-1-1974 thì nổ lớn dữ dội. Anh em trên đảo đứng xem như trên màn ảnh. Những tàu nhỏ của Trung Cộng rất nhanh tiến về phía các tàu Việt Nam. "Tàu cá" lộ nguyên hình tàu chiến ở đài chỉ huy có hai cây đại liên. Sườn tàu để hở các ô vuông chĩa súng ra. Tàu Trung Cộng bắn. Tàu Việt Nam bắn trả, có những đốm lửa nổ trên tàu địch và khói bay lên.

Tuy nhiên, về phía Việt Nam, chiếc HQ 16 cũng bị một phát đạn vào chỗ bánh lái và một phát vào lườn tàu. HQ 16 nghiêng một bên rút về qua eo biển giữa Hoàng Sa (Pattle) và Hữu Nhật (Cam Tuyền, Robert). HQ 16 được chiến hạm HQ11 dìu về Đà Nẵng. Đồng thời, hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 mới ra, nhảy ngay vào vòng chiến. Sau một hồi khai hỏa, HQ10 bị bắn vào giữa tàu và lửa bốc lên.

Hôm sau, 27 tết, tức ngày 19-1-1974, chuyện dữ đến với anh em trên đảo Hoàng Sa (Pattle). Hai tàu lớn của Trung Cộng và hai "tàu cá" tiến lại đảo Hữu Nhật (Cam Tuyền Robert). Các tàu đổ bộ chạy quanh đảo này để kiếm chỗ vô. Trên đảo bắn ra, nhưng chỉ có súng nhỏ. Các tàu lớn bắn vào đảo này. Sau đó, anh em ở đảo Hoàng Sa (Pattle) mất liên lạc với đảo Hữu Nhật. Rồi tàu Trung Cộng bắn vào Hoàng Sa (Pattle). Anh em ra rừng và các đống phân nằm bố trí. Có cả tiếng máy bay phản lực rít lên nữa. Họ đổ bộ từ các tàu nhỏ lên đảo đông như kiến, nhưng không dám tiến vào đảo, mà chỉ nằm ổ các bãi cát và 30 phút sau, họ tiến vào trong đảo. Anh em địa phương quân bắn tới hết đạn, thì họ chiếm được đảo. Khi tiến vào mỗi phòng trong nhà, họ ném chất nổ, nên mọi thứ bên trong đều bị hủy diệt.

Tù Binh
Mọi người trên đảo bị tập trung lại ngồi thành hàng, kể từ bây giờ anh em trên đảo trở thành tù binh của Trung Cộng. Lính Trung Cộng lấy cung và chụp hình mọi người từ lúc họ chiếm đảo cho tới tối. Bọn họ nói tiếng Việt thật rành rẽ đến nỗi anh em không biết họ là người Việt hay người Tàu nữa. Hầu hết, chúng nói giọng Bắc. Chỉ có một tên nói giọng Nam. Họ ăn nói văn hoa, dùng nhiều chữ mà ngay người Việt không rành. Việt ít học cũng ít dùng tới. Mấy anh Tàu Chợ Lớn nói tiếng Việt không rành. Chứ mấy tên Tàu Trung Cộng này thả về Việt Nam thì mình không thể nhận ra họ được.

Như vậy, cuộc xâm lăng này được họ chuẩn bị kỹ quá rồi còn gì.

Trong lúc họ bắt anh em ngồi chờ tên đảo thì có những tên trông dữ dằn đi lảng vảng xung quanh. Đến tối, chúng nhốt tất cả 42 người gom được trên đảo (gồm toán 7 người do chiến hạm HQ 16 thả lên đảo, 4 nhân viên khí tượng và trung đội địa phương quân) vào trong nhà chứa phân và canh phòng nghiêm ngặt. Quá nửa đêm, họ dánh thức cả đám dậy, bắt xếp hàng đi ra biển, xuống ghe nhỏ, chèo ra tàu lớn. Họ bảo anh em rằng sẽ "được đưa đến nơi an toàn hơn". Anh em đoán rằng chúng đưa mình vào đất Trung Cộng.

Tàu chạy được một quãng, chúng lại đưa tất cả sang một tàu lớn hơn. Chúng đưa các sĩ quan Việt Nam và người Mỹ đi nơi khác. Lúc nào trên tàu cũng có những tên rành tiếng Việt nhòm ngó, ra lệnh.

Tới Hải Nam (chúng gọi là Hải Nàm), họ chuẩn bị một đoàn phóng viên bu lấy anh em khi anh em bước lên bờ.

Rồi họ lại di chuyển anh em tới một nơi khác cũng bằng tàu. Hỏi thăm thì họ bảo đây là Quảng Châu. Anh em từ sông Châu Giang lên bờ vào lúc 8 giờ mồng một tết Giáp Dần.

Đất Khách Quê Người
Mọi người bị bắt trên đảo Hoàng Sa (Pattle) và các đảo khác bị giam chung ở một nơi gọi là "Trại thu dung tù binh, Bộ đội Quảng Đông, tỉnh Quảng Châu", cách Qảng Châu 20km.

Suốt trong một tuần, họ chỉ biện hộ cho hành động xâm lăng mảnh đất bé nhỏ, nhưng từ lâu, tiếp nối từ người này sang người khác vẫn trấn giữ.

Dường như họ mang một mặc cảm tội lỗi, nên họ thường xuyên nói rằng "chúng tôi không xâm lăng". Họ thường nói rằng: "Ai có thắc mắc thì cứ việc phát biểu ý kiến". Tưởng bở, có anh đã dám đứng lên hỏi: "Đất của chúng tôi, chúng tôi đang trấn giữ, các ông đánh chiếm mà lại bảo rằng không xâm lăng?". Họ trả lời rằng:

"Hoàng Sa là đất của chúng tôi. Từ lâu chúng tôi biết phía nam đảo Hải Nàm có một quần đảo. Người chúng tôi đã tới đó vào khoảng năm 1.200".

Rồi chúng đưa nào sách, nào vở, nào bản đồ ra. Nhưng anh em mù tịt chẳng biết thứ chữ ngoằn ngoèo đó.

Anh em, nhấ là những anh hải quân, những người có học một chút cãi lại hăng hái:

Nếu các anh bảo rằng các anh biết Hoàng Sa từ lâu, người của các anh tới đó từ lâu, thì cả đất Chợ Lớn, cả miền Đông Nam Á hiện nay là của các anh cả hay sao?".

Có người vặn lại bọn Trung Cộng:

"Các anh bảo các anh không phải đế quốc xâm lăng, thế thì ở Tây Tạng, Ấn Độ, các anh đã làm gì?

Khi bị hỏi ngược lại, bọn Trung Cộng thường nổi quạu, la lên: "Các anh khiêu khích chúng tôi".

Thật luận thì hai bên đều phải được trao đổi ý kiến. Đằng này, vị thế của hai bên hoàn toàn chênh lệch: một đằng bắt đằng kia nghe và chấp nhận tư tưởng của mình, thì đâu còn thảo luận được nữa. Biết họ bắt mình nghe, chứ không muốn mình phát biểu ý kiến trung thực của mình, anh em đành ậm ừ cho qua chuyện. Hơn nữa, người nào trình bày ý kiến trái ngược đều bị gán cho là "khiêu khích", cần phải đả thông tư tưởng, bị gọi vào gặp cấp cao là thủ trưởng, hay là tư lệnh quân đội Quảng Đông gì đó.

Dần dần, anh em chẳng muốn cãi nhiều nữa, vì cứ cãi là bị ngồi nghe lâu hơn, ngủ gục hết trọi.

Người Việt Tinh Khôn
Họ chia anh em thành từng tổ 10 người, dưới sự kiểm soát của hai cán bộ thông thạo tiếng Việt, thường xuyên túc trực bên cạnh.

Hàng ngày cứ bị tuyên truyền bằng miệng và bằng xi-nê chán ngắt. Có bấy nhiêu đề tài mà cứ xào đi xào lại hoài. Truyện phim quanh đi quẩn lại cũng bấy nhiêu khuôn mẫu. Phim cũng có tình tiết, nhưng bao giờ cũng lồng vào khung cảnh tuyên truyền.

Quá ngấy với ba thứ đó, anh em bên nói khích, để chúng cho ra ngoài trại, cho bớt tù túng. Chúng vẫn thường đề cao tiến bộ kinh tế. Anh em bèn đưa chúng vào tròng:

Các anh nói nhiều, chúng tôi đâu có thấy gì đâu. Chúng tôi đâu có thấy các anh tiến bộ gì đâu".

Phần vì bị mắc lừa, phần vì muốn tuyên truyền cho những khu trang trí, xếp đặt sẵn, họ cho anh em ra khỏi trại, đi thăm viếng vài nơi. Anh em chỉ cần ra khỏi trại cho khỏi tù túng mà thôi.

Những màn gài bẫy khác vẫn diễn ra, mà họ vẫn tự dẫn vào tròng.

Lo lắng không biết họ giam đến bao giờ. Hỏi thẳng thì họ đâu có dại gì trả lời. Anh em đã làm cho họ bật mí mà họ không hề biết. Có người hỏi:

"Các anh đào luyện một người như chúng tôi thành cán bộ cộng sản phải mất bao nhiêu lâu?"

"Mất chừng 10 năm", họ trả lời.

Anh em lắc đầu, tỏ vẻ ngao ngán. Họ bèn bảo:

"Chúng tôi không có ý định đào tạo các anh thành cán bộ, mà chỉ giác ngộ các anh trong ít lâu thôi."

Thế là đủ rồi, họ không có ý định giam mình lâu dài, thế nào cũng có ngày về.

Ngày xưa, nghe kể lại có những ông quan đi sứ sang Tàu, làm cho người Tàu nể sợ vì trí thông minh, tinh khôn của dân Việt ...

Cuối cùng, họ cũng phải trả anh em về Việt Nam qua ngả Hương Cảng. Cùng một sự kiện xảy ra, những người chứng có thể tường thuật khác nhau. Tuy nhiên, sự khác nhau chỉ ở những chi tiết nhỏ, những nét lớn vẫn không có gì thay đổi.

Vụ xâm lăng quần đảo Hoàng Sa (Paracels) đầu năm 1974 nhắc nhở mọi con dân Việt nam ở nơi này hay bất cứ nơi nào khác rằng hiểm họa từ phương Bắc đối với dân tộc Việt Nam vẫn còn tiếp tục đe dọa sự tồn vong của dòng giống Việt.


--------------------------------------------------------------------------------

Trần Thế Đức

Chú thích:

(1) Đây là công ty phân bón Hữu Phước (Hye-Huat) được ông Lê Vân Cang trao quyền khai thác.
(2) Hiện nay chỉ còn như vậy.
(3) Nhân công của hãng phân Hữu Phước toàn là người Việt gốc Hoa, trừ một ông tài xế lái tàu người Việt. Sau ông nghĩ việc, thì hoàn toàn người Việt gốc Hoa.
(4) Hiện bia này còn để ở Viện Khảo Cổ.
(5) Sẽ được trình bày.
(6) Lúc thủy triều xuống thấp nhất trong tháng.
(7) Hõm là chỗ sâu bất thường trên vùng san hô.
(8) Các nhân chứng chỉ ghi nhận theo kinh nghiệm. Về thủy triều, các hải học viện Nha Trang và Hoa Kỳ đã có nhiều cuộc nghiên cứu.
(9) Đây chỉ là lời nói quá.
(10) Xem phán Thư tịch chú giải các tài liệu về Hoàng Sa, Tập san Sử Địa số này.
(11) Trụ sở của công ty đặt ở Tân Gia Ba.
(12) Tỉ lệ phốt phát có trong phân không đều, các công ty lại không khai thác phân theo như các chuyên viên đã hoạch định, không lựa chỗ có nhiều phốt phát nên thành phần phốt phát thuật biến chế cẩu thả: khi đất lấy về xay ra hột lớn, nên cay không hấp thụ được. Tác dụng của phân còn bị giới hạn vì chất vôi trong phân không được nung lên, để vôi dễ hòa tan trong nước cho cây hấp thụ. Việc khai thác giới hạn vì thời tiết (bão thì ngưng hoạt động). Việc chuyên chở lại tốn kém và khó khăn vì bờ biển quanh các đảo quá cạn. Vốn đầu tư lại quá khiêm tốn. Sự cộng tác giữa các đương sự đổ vỡ. Giá phân trên thị trường lúc đó (1962) lại quá thấp. Thị trường phân Hoàng Sa lại rất giới hạn vì chỉ thu hẹp trong các nhà trồng mía ở Lái Thiêu. Nguyên do chính là cuộc đảo chánh 1963 khiến việc khai thác phải ngừng hẳn.
(13) Trong các công ty dự định khai thác, có Công Ty Kỹ Nhgệ Phân bón Việt Nam, do sự điều hành của các chuyên viên Việt Nam, có sự hỗ trợ của một số chuyên viên Nhật Bản trong công ty MARUBENI. Các chuyên viên Nhật Bản đã ra khảo sát quần đảo này trong năm 1973.
(14) Công tay được phép hoạt động do nghị định số 308/BKT/CKN/TNTN/KQ/NĐ, ký ngày 30-5-1972, do tổng trưởng kinh tế Phạm Kim Ngọc.
(15) Bảng kết quả phân chất ngày 29-4-1971, số 030 KO/ĐH1, do ông chủ sự phòng lý hóa đất đai Châu Văn Hạnh, kỹ sư canh nông, ký tên.
(16) Thực ra, đây không phải là cát, mà chỉ là san hô bị sóng biển gió, mưa, nước, làm vỡ ra thành hạt nhỏ.
(17) Sự ước lượng này cần phải xét lại.
(18) Sau vụ xung đột ở Hoàng Sa (giữa tháng 1/1974). anh em mới vỡ ra là các tàu đánh cá có thể là tàu do thám ngụy trạng, vì lúc dự trận, lên đài chỉ huy của tàu Trung Cộng kéo ra hai cây đại liên, hai bên mạn tàu, có những ô vuông có thể mở ra để họng súng lớn chĩa ra.
(19) Ngày 29-10-1946, Trung Hoa 


Theo: Tailieu-haiquan-qlvnch 


Những ngày thường giữa khơi xa
18/09/2014 06:05 GMT+7


TT - Sáng 30-11, Sang chơi bên đồn hỏi chuyện anh em đội viên: "Giũa gì đấy? Ra biển chơi đi!".

Đào giếng lấy nước ngọt trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1938) - Ảnh tư liệu
Đào giếng lấy nước ngọt trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1938) - Ảnh tư liệu
- Cảm ơn, để bận khác! Bận giũa lưỡi câu!
À hay! Ông này ở tiểu ban bắt cá. Có chuyện viết rồi đây!
- Ông câu chơi đấy chứ?
- Không, cách tiếp tế khó khăn, anh em tôi tự túc. Trong đất liền đời sống đã đắt đỏ, giá hàng đột ngột cao vọt lên với đồng bạc hạ giá, nếu thức gì cũng mua thì lương binh sĩ chả còn bao để giúp gia đình. Ở hoang đảo này giải quyết bằng cách nào nếu không chịu câu cá mà ăn!
- Đất này trồng tỉa được không?
- Cát san hô còn có gì màu mỡ? Ta ra vụ này là mùa rét còn nóng thế này. Ra ngoài giêng hai nóng nữa, tháng ba, tháng tư đã thấy thời tiết mùa hè, cát nóng như rang, cây nào lên được?
- Nuôi gia súc được không hở ông?
- Bò, dê thì tốt lắm. Thầy xem cây cối thế kia, thả chúng tự do thì chóng sinh sản, nhưng ở tháng ba đã về, chưa gây xong cơ sở thì ai muốn trông nom.
Cũng có cỏ đấy, ngày xưa nuôi bò phải giữ cỏ cho bò ăn. Thầy có thấy giếng nước (abreuvoir) xây trên cỏ đấy chứ? Nhưng nuôi gia súc phải có vốn, anh em tôi ai đưa ra được?
- Các ông chia công tác thế nào?
- Chia từng tiểu ban: tiểu ban bắt cá được miễn công tác vặt, tiểu ban bếp nước luân chuyển 10 ngày một lần, tiểu ban này ba người. Bắt cá thì chừng 6-7 người, không thay đổi, phần đông có nghề chài lưới, hoặc không thì cũng là người biết lội (bơi).
Ngoài ra còn phải trông nom vệ sinh, nhặt cỏ, rẫy đường, quét lối đi, lấy củi, không kể công tác chính của quân nhân: gác trên chòi canh hoặc đi tuần đêm quanh đảo.
- Gác trên chòi làm gì?
- Để đánh kẻng báo hiệu khi thấy bóng tàu, thuyền. Thuyền, tàu thấy từ xa, gõ hai tiếng kẻng, khi thấy tiến vào đảo thì gõ một hồi cấp báo.
Tàu bay đánh ba tiếng. Tàu bay nhìn thấy rõ hay khi khi mây u ám, chỉ nghe tiếng động cơ cũng đánh ba tiếng.
- Từ trên chòi có thấy rõ quốc tịch tàu thuyền qua lại không?
- Ít khi nhận rõ vì xa quá. Với lại họ có kéo quốc kỳ mới phân biệt được. Máy bay thì xem cờ vẽ đằng lái, cao ba nghìn thước thì cũng chịu, có khi không nhận rõ kiểu máy bay là Dakota hay Box-car, chứ đừng nói đọc số máy. Qua Hoàng Sa là máy bay đi Hương Cảng, Philippines.
- Tàu gì qua lại miền này?
- Tàu buôn và tàu tuần tiễu hải phận. Cũng có tàu đánh cá của một công ty ở Hong Kong, hình như của người Anh, thủy thủ phần đông là Nhật. Cũng có hôm thấy thuyền mành giương đến ba buồm.
Đây là giấy chứng sinh của bà Mai Kim Quy, sinh ngày 7-12-1939 tại đảo Hoàng Sa. Cha bà Kim Quy là ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng đảo Hoàng Sa - Ảnh tư liệu
Đây là giấy chứng sinh của bà Mai Kim Quy, sinh ngày 7-12-1939 tại đảo Hoàng Sa. Cha bà Kim Quy là ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng đảo Hoàng Sa - Ảnh tư liệu
Trưa 30-11, trời êm biển lặng. Mặt trời chói lòa, biển như một cái bể dầu loang loáng, chân trời xa mờ mờ sương. Vắng lặng mênh mông, vài đợt sóng xô lên bãi bị cát khô hút hết.
Xa tắp, vài bóng cô quạnh đứng dưới nước, mực nước đến ngang hông, lặng lẽ buông cần. Chẳng ai nói với ai nửa lời, chăm chú nhìn phao và chăm chú nhìn đàn cá lượn lờ.
Thỉnh thoảng một người giật cần, một con cá cong mình vùng vẫy đầu dây cước. Ông ta gỡ cá buộc vào xâu. Kiên nhẫn như thế hàng 2-3 giờ cho đến khi nào xâu cá đã dài mới bì bõm lội lên, hút - để tự thưởng - một điếu và nghêu ngao trên đường về.
Ở một góc biển khác, trên những tảng đá mấp mô, sóng vỗ tung tóe, những chàng trai khỏa thân đứng rình đàn cá. Trước mặt họ chỉ có nước với trời.
Nước dồn dập đến, bọt trắng rào rào trên mặt biển xanh ngắt màu bích ngọc, gió trùng dương thổi lộng mớ tóc đen mun.
Sức vóc vạm vỡ của họ, dáng điệu tự nhiên của họ nổi lên như cắt trên một khung cảnh hùng vĩ, trông đẹp và khỏe làm sao!
Tản bộ trên cầu thấy luôn những con còng (cua) màu xanh, mình dẹt, to bằng cua đồng ở trung châu. Còng đi rất nhanh, thấy bóng người là chạy vụt xuống nấp dưới khe đá.
Yên lặng một lúc các chú lại bò lên đi nghênh ngang, mặc những con sóng ào đến. Trên những tảng đá rêu xanh còng càng nhiều. “Ốc mượn hồn” bò chậm chạp trên cát.
Những hôm đầu tháng trăng non, những hôm giữa tháng trăng tròn, nước triều rút. Biển cạn, nhấp nhô trên mặt nước nông những tảng đá san hô.
Cả phía đông nam đập nổi một vùng, lởm chởm những cành san hô gãy, những vỏ ốc vỡ. Xa ra hàng 3 cây số làn sóng xanh lượn lờ.
Biển nhiều san hô sắc nên ra biển phải đi giày, thứ giày đế cao su có cổ như kiểu pantaugas, để cả giày mà lội nước bì bõm.
Từ tinh sương, cả đảo - trừ những người bận - gọi nhau dậy ăn sáng để còn ra biển. Có những người đi sớm từ 5g, lội nước ngang bụng, ra xa đến 4 cây số, đến nơi nước xuống ngang ống chân để có nhiều thì giờ.
Đi như thế người nào cũng mang theo dụng cụ: một thanh sắt để bẩy đá, một con dao để cắt gân ốc, một túi rết (muselière) để nhặt nhạnh.
Ra muộn, 6g -7g, lúc nước cạn sát bờ, cạn đến cổ chân, nghe vang vang từ xa dội lại tiếng “cách cách” đập vỏ ốc mà tuyệt nhiên không thấy bóng người.
Dưới những tảng đá san hô xâm xấp nước thường luẩn quẩn mấy con cá, mấy con cua, đôi khi mấy con mực nhỏ và nhiều thứ ốc.
Ra biển ai không đi biển? Hoạt động cho đỡ buồn, cho quên thời gian, cho đỡ ốm, cho biết. Trời mênh mang, biển mênh mang, không khí trong lành, cảnh vật tưng bừng với ánh bình minh rực rỡ.
Biển thêm xanh, rong thêm biếc, mây biến sắc lúc mặt trời trườn khỏi mặt biển mờ sương lam. Gió phần phật tà áo, thổi tung mớ tóc, gợn mặt biển những con sóng nhấp nhô.
Những người khách lạ
Dưới đây là đoạn trích trong Hoàng Sa qua những nhân chứng, Tập san Sử Địa số 29, phát hành tại Sài Gòn tháng 1-1975:
Người Việt vốn quý khách. Khách tới, đi canô hay xuồng nhỏ vào đảo là được tiếp đón niềm nở. Nhất là khi khách gặp cơn hoạn nạn cần phải cứu giúp.
Khách lạ tới là những lúc vui vẻ. Nhưng đôi khi anh em cũng thấy những triệu chứng khác thường.
Một lần, trước năm 1970, một bọn người không rõ quốc tịch lên bờ xin nghỉ ngơi. Họ nói tàu đánh cá của họ bị bão.
Khách lạ thì ta có từ chối bao giờ đâu. Rồi các anh lính Việt Nam bỗng chú ý đến bọn này vì họ đem theo một tấm giấy lớn, mở ra thì biết là tấm bản đồ của quần đảo Hoàng Sa.
Thế rồi chẳng có gì xảy ra cho tới giữa tháng 1-1974.
Sau vụ xung đột ở Hoàng Sa lúc đó (tức trận hải chiến Hoàng Sa), anh em mới vỡ lẽ các tàu đánh cá là tàu do thám ngụy trang. Vì lúc dự trận, trên đài chỉ huy của tàu cá Trung Quốc kéo ra hai cây đại liên, còn hai bên mạn tàu có những ô vuông chĩa ra những họng súng...
TRẦN THẾ ĐỨC
MẠNH THƯ (Lại Nguyên Ân sưu tầm và giới thiệu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét