Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

I - Tổng quan


Quẩn đảo Hoàng Sa trên bản đồ Hành chính Việt Nam

Tổng quan
Quần đảo Hoàng Sa (tên quốc tế: Paracel Islands, Trung Quốc gọi là Xisha - Tây Sa)
Hoàng Sa có nghĩa là Cát vàng hay bãi cát vàng, Paracel là đến từ chữ Pracel (tiếng Bồ-Đào-Nha - Portugal) có nghĩa là đá ngầm. Trong bản đồ do Thornton vẽ vào năm 1703 có tên là I Pracell. Ngoài ra, có thuyết cho Paracel là tên một thương thuyền Hòa-Lan bị đắm chìm tại vùng này hồi thế kỷ thứ 16.

Quần đảo Hoàng-Sa ở phía Đông bờ biển Trung phần Việt Nam trong vùng Biển Đông (South China Sea), nằm ngang các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và một phần tỉnh Quảng Ngãi, cách quần đảo Trường Sa độ 500 hải lý. Chiếm một diện tích khoảng 15.000 km2, vị trí nằm trong khoảng từ kinh độ 111 độ E (Đông) đến 113 độ E (từ đảo Tri-Tôn đến đảo Linh Côn) và từ vĩ độ 15o45' N (Bắc) đến 17o 00' N (từ đảo Tri Tôn đến bãi Đá Bắc). Nếu lấy đảo Hoàng Sa làm tiêu chuẩn thì khoảng cách từ đảo Hoàng-Sa đến:
- Đà-Nẵng là 200 hải lý - Cù Lao Ré là hải lý.
- Đảo Hải Nam (Trung Quốc) là 150 hải lý.
Từ đảo Tri Tôn (cực Tây) đến mũi Ba Làng An (Quảng Ngãi) là 135 hải lý.

Quần đảo là một tập hợp nhiều đảo, đá, bãi san hô, bãi cát trải rộng Tây Bắc biển Đông nên từ xưa quần đảo này đã mang tên là Bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng. Vì có vô số hòn đảo, hòn đá, cồn đụn, bãi cạn lúc nổi lúc chìm theo với mực nước thủy triền lên xuống nên số lượng đảo tùy theo cách đếm mà kể là nhiều hay ít. Sách cổ Việt Nam trong những thế kỷ trước đây cho biết có 130 "đảo". Hiện nay tùy theo nguồn, được ghi nhận và đặt tên 30 hoặc 37 đảo, đá, bãi cạn, theo tài liệu TQ có 22 đảo nhỏ, 7 bãi cát, 5 ám tiêu (rạn đá ngầm), 6 ám than (cát ngầm).

Hình thái địa hình
Quần đảo thường có cấu tạo 3 phần khác nhau đó là phần đảo nổi, hành lang bãi triều (thềm san hô) bao quanh đảo và sườn bờ ngầm dốc đứng.

- Đảo nổi được cấu tạo từ các vật liệu mảnh vụn san hô và sò ốc, có kích thước khác nhau. Độ cao trung bình của đảo thường không vượt quá 10m so với mực nước triều thấp nhất, nơi cao nhất 15 m đứng đầu quần đảo Hoàng Sa là đảo Đá gần sát với đảo Phú Lâm (nhóm phía Tây). Đa phần các đảo nổi hiện là những phần nhô cao của các bờ san hô bao quanh hồ nước, như: Bông Bay, Đá lồi, Duy Mộng.
- Các bãi triều (thềm san hô) là hành lang bao quanh đảo có chiều rộng khác nhau từ vài chục đến vài trăm mét thậm chí hàng ngàn mét. Khi triều cao bề mặt bãi thường ngập sâu dưới nước từ 1.0-1.9 m và chúng chỉ lộ ra khi triều kiệt. Bề mặt bãi tương đối thoải, có độ dốc nghiêng từ chân đảo ra phía biển. Hệ thống lạch triều ít phát triển vì thành phần vật chất cấu tạo bề mặt chủ yếu là các vật liệu thô cuội, sỏi, tảng, nhiều nơi xuất hiện các bề mặt mài mòn. Bãi triều đóng vai trò là một hành lang chắn sóng, làm giảm năng lượng của sóng khi truyền từ biển khơi vào chân đảo.
- Sườn bờ ngầm của các đảo thể hiện rất khác nhau, những đảo riêng biệt như Tri Tôn, Đá Bắc, Đá Tây, Đá Nam, ngoài diện tích bãi triều hẹp là chuyển tiếp đột ngột xuống biển sâu 1000-1500m bằng một vách dốc 20-45o hoặc hơn. Đối với các đảo là các rạn san hô điển hình như Đá Lồi, Bông Bay, sườn bờ ngầm phía trong của rạn san hô bao giờ cũng thoải hơn sườn phía biển khơi. Các hồ nước nông bên trong rạn san hô là nơi tích tụ các vật chất phân huỷ của đảo và do đó sườn bờ ngầm có xu hướng giảm dần độ dốc xuống đáy hồ.
- Hồ nước nông hay là vụng nước nông được hình thành do các đảo san hô tạo thàmh các ám tiêu san hô vòng ngăn cách với biển, hoặc chúng chỉ thông với biển bằng các cửa hẹp. Ở quần đảo Hoàng Sa, hồ nước nông thường có độ sâu từ 5-50 m, diện tích các hồ lớn gấp từ 3-5 lần đảo nổi. Do tính chất cô lập với biển khơi nên các hồ và vụng thường lặng sóng, sự trao đổi nước giữa hồ, vụng với biển khơi thông qua cửa thoát triều.           


Những hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa nằm trên thềm lục, mang đậm bản sắc của địa hình ám tiêu san hô vùng nhiệt đới (thuật ngữ chỉ một bãi đá ngầm hoặc một vùng cát ngầm dưới mặt nước), đáy biển không sâu lắm, trung bình khoảng 200 m. Đa số các đảo có độ cao dưới 10m, và có diện tích nhỏ hẹp dưới 1 km2, lớn nhất là đảo Linh Côn, kế là Phú Lâm (nhóm phía Đông), thứ ba là Tri Tôn (nhóm phía Tây), Đá Lồi (phía Tây) là rạn san hô vòng lớn nhất quần đảo. Tổng diện tích phần nổi của tất cả các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 10 km2.

Ngoài các đảo, còn có các cồn san hô, vành đai san hô bao bọc một vùng nước tạo thành một đầm nước giữa biển khơi, có cồn dài tới 30 km, rộng 10 km như cồn Cát Vàng.
 

Diện tích đảo lớn nhỏ ước tính tùy theo thủy triều lên xuống. Độ cao theo lý thuyết lấy điểm cao nhất, trên thực tế mặt bằng chung của các đảo trung bình hơn cao mực nước biển chừng dăm ba mét.
Thường có hai dạng: Đảo - được gọi cho những nơi có độ cao nổi hẳn trên mặt biển, thoải dần là những rạn san hô xung quang. Còn bãi là những rạn san hô vòng như gờ nổi lên trên biển, phia trong thấp tạo thành vụng nước nhìn giống như lòng chảo, bãi còn gọi là đá... vì có là điểm nhô lên, bãi đá ngầm lập lờ trên mặt nước theo thủy triều lên xuống.

Môi trường cảnh quan
Thảm thực vật của quần đảo Hoàng Sa rất đa dạng, hầu hết trên các đảo trơ trọi đá san hô, vỏ sò, cát, lùm cây và cỏ dại, chỉ có vài đảo như Hoàng Sa, Phú Lâm và Linh Côn... có nhiều cây cối nên dễ nhận diện, nhiều cây um tùm là Phú Lâm. Các thực vật phần lớn thuộc các loài có nguồn gốc ở miền duyên hải Việt Nam.

Quần đảo Hoàng Sa là một thế giới san hô với hơn 100 loài đã tạo thành một phần của vòng cung san hô ngầm dọc bờ biển Đông Nam của lục địa châu Á.

Hải sản ở quần đảo Hoàng Sa có nhiều loài quý như: tôm hùm, hải sâm, đồi mồi, vích, ốc tai voi, chim... và loại rau câu quý hiếm, rất có giá trị trên thị trường quốc tế.
Không có thông tin về động vật khác trên đảo ngoài chim chóc, con vích.
Trên một số đảo có nguồn nước ngọt nhưng không uống trực tiếp được.
Bao quanh đảo là đá và san hô nằm dưới đáy biển tạo nên sự khó khăn cho tàu thuyền khi vô gần đảo, khi neo, cũng như hải hành ngang qua vùng biển này; nước biển quanh đảo trong suốt có thể nhìn sâu đến 40m.

Thời tiết khí hậu
Nhờ nằm giữa biển Đông nên quần đảo Hoàng Sa có khí hậu điều hòa, không quá lạnh về mùa đông, không quá nóng về mùa hè nếu so với những vùng đất cùng vĩ độ trong lục địa.
Thời gian nắng ở quần đảo Hoàng Sa dao động trong khoảng 2.400-2.600 giờ/năm, trong các tháng mùa hè thời gian chiếu sáng ở quần đảo Hoàng Sa luôn lớn hơn ở quần đảo Trường Sa.
Mưa ngoài biển qua nhanh, ở Hoàng Sa không có mùa nào ảm đạm kéo dài, buổi sáng cũng ít khi có sương mù. Lượng mưa trung bình trong năm là 1.170 mm, thấp hơn nhiều so với mưa ở vùng đảo Trường Sa và các vùng khác trên đất liền. Tháng 10 có 17 ngày mưa / 228 mm và là tháng mưa nhiều nhất.
Nhiệt độ không khí ở vùng biển Hoàng Sa có giá trị thấp nhất 22o-24oC trong tháng 1, tăng dần đạt cực đại 28.5o -29oC trong tháng 6, 7 và giảm từ từ tới 25oC vào tháng 12.

Không khí Biển Đông tương đối ẩm thấp hơn những vùng biển khác trên thế giới. Độ ẩm ở Hoàng Sa cao, ít khi nào xuống dưới 80%. Trung bình vào tháng 6, độ ẩm ở Hoàng Sa suýt soát 85%.


Bão Biển Đông là bão nhiệt đới theo mùa, thường xảy ra những lúc giao mùa, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8. Gió mạnh đến 90 gút. Bão giảm đi từ tháng 9 nhưng cũng vẫn còn đến tháng 1. Tuy vậy, vào giữa mùa gió Đông-Bắc, bão làm biển trở nên động dữ dội hơn và kéo dài trong nhiều ngày.
Khi bão phát xuất từ đảo Luzon đi ngang Hoàng Sa thì binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đóng trên đảo thấy các triệu chứng như sau: Trời oi, khí áp tụt xuống rất nhanh. Trên bầu trời xuất hiện những mây cao tầng bay nhanh như bó lông (cirrus panachés). Vài giờ sau bầu trời bị che phủ bởi một lớp sương mù mây rất mỏng (cirro status), mặt trời chung quanh có quầng, rồi dần dần bầu trời trắng nhạt. Sau đó đến lượt những mây "quyển tầng" thấp có hình vẩy cá (cirro cumulus). Rồi đến một lớp mây "quyển tích" đen hình như tảng đe phát triển rất nhanh hình đe dày lên cao lối 3.000m (altostatus), "tằng tích" [Cumulus N...], tất cả trở nên đen, u ám; mưa bắt đầu rơi, gió thổi, khí áp xuống nhanh. Trần mây thấp dần xuống (100m hay 50m), mây bay nhanh, gió thổi mạnh từng cơn, bão đã tới...Cường độ gió bão có thể lối 50 gút đến 90 gút. Khi sấm sét đã xuất hiện thì có thể coi như cơn bão đã qua...

Tài liệu nghiên cứu về Hoàng Sa của Bộ Lục Quân Hoa Kỳ vào năm 1945 ghi nhận “ Trong thời tiết tốt và bầu không khí quang đảng các chiến hạm và thương thuyền với sự quan sát từ trên cao sẽ không gặp trở ngại khi hải hành giữa các bãi đá ngầm trong hai nhóm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Trong sương mù hay thời tiết xấu nên tránh xa khu vực này trừ khi tìm chổ để neo. Có nhiều xác tàu chìm nơi đây”.

Kết luận
- Khí hậu quần đảo Hoàng Sa là khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang tính chất hải dương điển hình. Đó là một vùng khí hậu nóng ẩm, mưa ít, nắng nhiều, gió lớn, có nhiều tiềm năng khai thác năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
- Điều kiện thời tiết ở đây rất thuận lợi cho hoạt động trên biển như ít sương mù, trời quang, mây tạnh tầm nhìn xa lớn.
- Điều kiện bất lợi là lượng mưa ít, có khả năng thiếu nước trong 5 tháng từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Hàng năm phải đương đầu với 7-8 cơn bão. Có thời kỳ khí hậu oi bức do nhiệt độ cao độ ẩm thấp.
- Địa hình thấp, bị ảnh hưởng bởi thủy triều, sóng lớn và mực nước biển dâng.

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm còn gọi là cụm:
Nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa gọi là nhóm Lưỡi Liềm do Việt Nam Cộng hòa chiếm đóng và kiểm soát. Nhóm đảo phía Đông là nhóm An Vĩnh do Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát, bấy giờ quen gọi là Tuyên Đức.
Do hình thể trải rộng nên có tài liệu chia quần đảo làm ba phần, trong đó ngoài hai nhóm trên thì còn có một nhóm nữa gọi là nhóm Linh Côn.



Nhóm đảo An Vĩnh còn gọi là Tuyên Đức (Amphitrite Group - Xuande Qundao, Hsuante Chuntao).

Tên Amphitrite xuất phát từ tên chiến hạm Amphitrite của Pháp vào năm 1701 chở một nhóm người truyền giáo lần đầu tiên hải hành ngang qua đảo Hoàng-Sa trên đường đến Trung-Hoa. Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, An Vĩnh là tên một xã vào thời chúa Nguyễn (Đàng Trong), thuộc huyện Bình Dương (tức huyện Bình Sơn) phủ Tư Nghĩa trấn Quảng Nam.
Nhóm đảo có hình dạng nửa vầng trăng mở rộng về hướng Tây. Vùng đá ngầm ở về hướng cực Bắc đang khô cạn dần.
Nhóm An Vĩnh bao gồm: đảo Bắc, đảo Cây (đảo Cù Mộc), đảo Trung (đảo Giữa), đảo Đá, đảo Linh Côn, Đảo Nam, đảo Phú Lâm, đá Bông Bay, cồn cát Bắc, cồn cát Nam, cồn cát Tây, cồn cát Trung, hòn Tháp, đá Trương Nghĩa, bãi Bình Sơn, bãi Châu Nhai, bãi Gò Nổi, bãi Quảng Nghĩa, bãi Thủy Tề,... Trong đó đáng kể có 3 đảo, bãi:

Đảo Phú Lâm (112o20'00 E - 16o50'00 N) (Woody Island - Yongxing Dao, Yunghsing Tao).



Đảo có nhiều cây cối tươi tốt nên mang tên Phú Lâm. Đây là đảo chính yếu của Trung Quốc trong quần đảo Hoàng Sa trước và sau trận hải chiến ngày 19/01/1974, là đảo duy nhất từ xa có thể nhìn thấy được. Đảo Phú Lâm nằm về hướng Đông Nam đảo Hải Nam, cách khoảng 162 miles (300km)
Đảo Phú-Lâm có hình dáng như con sò, được cấu tạo bởi san hô và cát nằm trên bãi đá ngầm thật rộng là đảo lớn thứ nhì trong quần đảo HS (phần lớn các tài liệu đều cho Phú Lâm là đảo lớn nhất trong quần đảo HS). Diện tích đảo khoảng 2,1 km², dài 1,7 km, rộng 1,2 km, Không tìm thấy tài liệu viết về chiều cao cuả đảo Phú Lâm, nhưng dựa trên World Aero Data thì chiều cao phi trường trên đảo Phú Lâm là 14m (45ft).
Đảo có nhiều bụi rậm và cây cối nhất là cây dừa, có nhiều chim biển cư trú nên có một lớp phân chim khá dày, đã từng có một công ty Nhật Bản đến khai thác phân chim tại đây.
Trước thế chiến thứ hai, Pháp đã đặt một trạm khí tượng trên đảo này mang số hiệu 48859. Trên đảo còn có Hoàng Sa Tự được cho rằng xây từ thời vua Minh Mạng và một số công trình quân sự khác.
Tháng 2/1956, Trung quốc chiếm đóng đảo Phú Lâm, từ năm 1974.
TQ đã phát triển đảo này trên các phương diện du lịch, kinh tế và nhất là về quân sự như hải cảng, sân bay, trạm rada...
Hiện nay, Trung Quốc đặt Bộ chỉ huy toàn thể lực lượng quân trú phòng quần đảo Hoàng Sa trên đảo Phú Lâm. Căn cứ quân sự này kiên cố nhất trên Biển Đông.

Đảo Linh Côn (112o44'00 E - 16o40'00 N) (Lincoln Island - Dong Dao, Howu Tao)

Tên gọi Linh Côn theo tiếng Anh: Lincoln Island. Là đảo lớn thứ hai trong quần đảo Hoàng Sa (sau Phú Lâm), có diện tích khoảng 1,6 km², dài 2 km, rộng khoảng 0,8 km và cao khoảng 4,5 m.
Đảo dạng hơi giống hình chữ nhật, lồi ra ở khoảng giữa của mặt đông bắc và được bao quanh bởi một bãi cát hẹp. Vành san hô bao quanh đảo kéo dài về phía nam như một con lươn có đầu ở Linh Côn với thân dài tới gần 15 hải lý. Trên đảo có giếng nước ngọt, nhà và tháp canh, nhiều cây xanh tươi tốt, một số động vật ngoại lai như dê, bò được ngư dân Trung Quốc đưa đến đảo.
Có vài xác tàu chìm trong khu vực này.
Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1956. Trung Quốc đã cho xây dựng một ngọn đèn biển tại đây.

Bãi đá Bông Bay (112o32'00 E - 16o02'00 N) (Bombay Reef - Langhua Jiao, Pengpo Chiao)


Tên Bông Bay theo tiếng Anh: Bombay Reef.. Là một rạn san hô vòng, có dáng thon dài, đa phần chìm dưới nước. Chiều dài khoảng 18 km, rộng 5,5 km)
Trên hải đồ năm 1984 cho thấy có một lối cho tàu thuyền vào bên trong ở về hướng Tây Nam, ngay trước lối vào có ngọn hải đăng. Bao phủ bởi bụi rậm và những cây trơ trọi, có vài tòa nhà và một ngôi chùa xưa đã bị sụp đổ. Tàu thuyền được lưu ý cần phải thận trọng khi hải hành trong khu vực này.

.....

Nhóm đảo Lưỡi Liềm còn gọi là Nguyệt Thiềm (Crescent Group,Yongle Qundao, Vĩnh Lạc).
Là nơi xảy ra trận hải chiến:
https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/9/96/Crescent_Group,_Paracel_Islands,_2007-08-11_retouched.jpg

Nhóm đảo có hình cánh cung hay lưỡi liềm, nhìn nhóm này trong bản đồ còn giống như lòng chảo với các đảo san hô, các bãi đá ngầm, bãi cát bao quanh bên ngoài. Nằm về phía Tây quần đảo, gần đất liền Việt Nam.
Nhóm này xưa kia là miệng ngọn núi lửa, trên mặt đảo thường là đá tảng, một số bãi cát vàng và những bụi cây nhỏ.
Nhóm Lưỡi Liềm bao gồm đảo Ba Ba, đảo Bạch Quy, đảo Duy Mộng, đảo Hoàng Sa, đảo Hữu Nhật, đảo Lưỡi Liềm, đảo Ốc Hoa, đảo Quang Ảnh, đảo Quang Hòa, đảo Tri Tôn, đá Bắc, đá Chim Én (Yến), đá Hải Sâm, đá Lồi, đá Sơn Kỳ, đá Trà Tây, bãi Đèn Pha, bãi Ngự Bình, bãi Ốc Tai Voi, bãi Xà Cừ,...
Trong nhóm lòng chảo này ba đảo Hoàng Sa, Duy Mộng và Quang Hòa có diện tích gần tương đương và hầu hết đều có nước ngọt (không uống được) ngoại trừ đảo Vĩnh Lạc.
Có 2 lối cho tàu thuyền lớn ra vào trong lòng chảo này, đó là lối giữa đảo Hữu Nhật và đảo Hoàng Sa rộng khoảng 0,5mile. Lối thứ nhì rộng hơn, khoảng 5miles giữa bãi đá ngầm Hải Sâm và đảo Quang Hòa nhưng ở giữa có bãi cạn ngầm.
Các đảo này có đặc tính chung là gần bờ có đá ngầm, san hô, hết đá ngầm , san hô thì biển rất sâu, đáy biển cũng có đá nên neo tàu không an toàn, trong hải đồ cũng khuyến cáo là tàu thuyền nên cẩn thận khi hải hành trong đêm giữa các hòn đảo nhỏ trong nhóm Nguyệt Thiềm.
Muốn vào bên trong lòng chảo đó phải theo hai lộ trình thường gọi là cái “pass”. Một cái ở giữa đảo Hoàng Sa và đảo Cam Tuyền. Cái kia ở giữa bãi đá ngầm Hải Sâm và đảo Quang Hòa.


Khoảng cách ước tính giữa các đảo trong nhóm Lưỡi Liềm:
Từ đảo Hoàng Sa đến đảo Hữu Nhật khoảng = 2 hải lý
Từ đảo Hữu Nhật đến đảo Quang Ảnh khoảng = 6 hải lý
Từ đảo Quang Ảnh đến đảo Quang Hoà khoảng = 13 hải lý
Từ đảo Quang Hoà đến đảo Duy Mộng khoảng = 1,7 hải lý
Từ đảo Hoàng Sa đến đảo Quang Hoà khoảng = 8 hải lý

Đảo Hoàng Sa (111o36'00 E - 16o32'00 N) (Pattle Island, Shanhu dao, San Hô đảo)


Tên đảo Hoàng Sa cùng tên quần đảo, được đặt từ đời nhà Nguyễn vì những bãi cát vàng quanh đảo. Là một đảo san hô có hình bầu dục, giống hạt đậu, dài khoảng 950 m, rộng khoảng 650 m, chu vi khoảng 2.100 m, diện tích khoảng 0,32 km2, cao 9 m (thực tế độ cao trung bình vài mét), có vòng san hô bao quanh. Môi trường: trên đảo có bụi cây, rau sam và chim chóc. Trên mặt đảo không phải như đất liền mà chỉ có loại cát do võ sò, ốc vở vụn cấu thành, dưới lớp cát vài tấc là lớp phốt phát óng ánh. Có những lùm bụi hoang chỗ thưa chỗ rậm, bãi cát rộng từ 20 đến 30m, bao quanh đảo là bãi đá ngầm chiều sâu từ 2m đến 4m và chiều rộng cách bờ từ 300m đến 900m... "
Thời còn đô hộ Việt Nam, Pháp chọn đảo Hoàng Sa làm nơi đóng quân chính, viện lí do đảo gần đất liền, gần trung tâm của quần đảo và ở gần nhiều đảo khác nên kiểm soát dễ dàng hơn đảo Phú Lâm. Trên đảo Pháp xây một bia chủ quyền Việt Nam ở gần giữa đảo vào năm 1938 với dòng chữ khắc trên bia: Ripublique Francise- Empire d' Annam- Archipel des Paracel (Cộng hoà Pháp - Vương triều An Nam- Quần đảo Hoàng Sa).
Trong thời gian đảo Hoàng Sa nằm dưới sự quản lí trực tiếp của Pháp, nhiều công trình dân sự lẫn quân sự đã được xây dựng tại đây.
- Cầu tàu được xây dựng ở phía nam của đảo. Có một rạch nước khá sâu dẫn từ ngoài biển vào cầu tàu. Cầu tàu là điểm cuối của một đường goòng bằng sắt dài 180 m nhằm phục vụ hoạt động khai thác phân chim. Từ năm 1956 đến năm 1964, Công ty Phân bón Việt Nam của ông Bùi Kiến Thành đã chở vào đất liền khoảng 100.000 tấn.
- Hải đăng được xây dựng ở phía bắc của đảo, đèn hiệu thấy xa chừng 12 hải lí.
- Trạm khí tượng trên đảo bắt đầu hoạt động khoảng từ năm 1938 với số hiệu 48.860.
- Miếu Bà được xây ở góc tây nam của đảo trước năm 1948, với chiều dài 6m, chiều rộng 4m và chiều cao khoảng 3m. Trong miếu có tượng Bà cao 1,50 m và tượng đức Phật Thích Ca. Bên trái của miếu có một nghĩa trang gồm một số ngôi mộ của binh lính triều Nguyễn ra canh giữ đảo bị chết tại đây. Nhà thờ Kitô giáo được xây dựng vào thập niên 1950 dành cho các binh sĩ theo tôn giáo này.
- Có ba con đường chủ chốt nhiều lối đi mòn trên đảo, một giếng nước, ở gần giữa đảo còn có sân bóng chuyền, cột cờ.
- Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quân Nhật xây nhiều lô cốt với tường rất dày ở cả bốn góc đảo, ở chính giữa đảo là lô cốt chỉ huy.
Muốn lên đảo, tàu lớn phải bỏ neo cách bờ 100 thước rồi dùng thuyền nhỏ đi vào cầu cảng.

Từ đầu thập niên 1930, các nhà cửa quân sự như đồn binh, nhà ở của binh lính được thiết lập. Lính Pháp và lính khố xanh thường dùng xà lúp (sloop) loại thuyền buồm nhỏ đi tuần cả đảo này và các đảo khác.
Đến thời Việt Nam Cộng hoà, lúc đầu có đại đội Thuỷ quân Lục chiến nhận nhiệm vụ bảo vệ các đảo, từ ngày 5 tháng 10 năm 1959 chỉ còn một trung đội 30 người và các Bảo an viên thuộc Tỉnh đoàn Bảo an Quảng Nam (sau này là Địa phương quân tiểu khu Quảng Nam) đóng trên đảo; vì thiếu phương tiện nên họ chỉ đồn trú trên đảo Hoàng Sa khiến các đảo khác bị bỏ không.
Tuy là không phải là đảo lớn nhất nhưng là đảo chính có vai trò bảo vệ chủ quyền nhóm Lưỡi Liềm và là vị trí quân sự quan trọng nhất cho việc phòng thủ bờ biển Việt Nam.
Vào cuối năm 1973, bia chủ quyền chỉ còn là một đống gạch và xi-măng vụn nát cùng với một khối vuông vuông cũng đang 'tàn phai nhan sắc'; còn ngọn hải đăng nằm về hướng Bắc thì chỉ còn là đóng sắt vụn.
Năm 1974, hai dãy nhà do người Pháp xây đã sụp hết một dãy, dãy còn lại dùng làm nơi làm việc và ở cho 4 nhân viên khí Tượng và đội quân trấn đảo .
Trên đảo có một giếng nước, nhưng nước lờ lợ không dùng nấu ăn được, nước uống phải hứng từ nước mưa và chứa trong 1 hồ xi-măng hoặc được tiếp tế từ đất liền do tàu HQ chở ra.
Thuyền ca nô vào đảo rất khó khăn, vận chuyển thật khéo mới cập bến an toàn, vì vùng biển HS tuy rất sâu , nhưng các đảo đều bao bọc bởi vòng đai san hô và lối vào đảo Hoàng Sa thật hẹp, nếu chạm phải san hô vỏ tàu sẽ bị thủng.

Đảo Hữu Nhật (111o34'00 E - 16o31'00 N) (Robert Island, Canquan dao, Cam Tuyền đảo)


Việt Nam đặt tên là Hữu-Nhật để ghi nhớ Suất Đội (có tài liệu viết là Cai Đội) Thủy quân Phạm-Hữu-Nhật đã được vua Minh-Mạng phái ra Hoàng-Sa đo đạc, xem xét và vẽ bản đồ vào năm 1836. Chuyến đi của ông có mang theo mười tấm bài gỗ (mỗi tấm dài 4,5m, rộng 0,5m, dày 0,1m) để cắm cột mốc. Nhiệm vụ của Ông là:” cặp vào đảo nào, họ cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở đảo đó và đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật…” Ông cũng là người ở Cù Lao Ré và đã bỏ mình ngoài biển khơi trong chuyến công tác sau cùng.
Đảo có hình dáng khá tròn giống như dĩa xôi hiện ra trên mặt biển, viền quanh đảo là một bãi cát vàng, ở giữa cao trội hẵn lên, chiều cao khoảng 8m, diện tích 0,22 km2 (805m x 274m) (theo Gerald E.Kosh, đảo có kích thước 700m x 500m), có những lùm bụi hoang mọc vừa phải, vòng quanh đảo là bãi cát rộng từ 20m đến 50m, bãi đá ngầm từ hướng Tây Bắc có độ sâu khoảng 4m kéo dài đến hướng Đông có độ sâu khoảng 2m. Trên đảo có một miếu nhỏ, một tấm bia ngang 3m, cao 0,4m có ghi hàng chữ Đệ I Tiểu Đoàn Đổ Bộ Thủy Quân Lục Chiến (TQLC); một tấm bia khác ghi TĐ3/TQLC ngày 05 tháng 12 năm 1963, 2 bể nước bằng xi-măng (TTHS). Theo tài liệu Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị thì trên đảo có nhiều bụi rậm nhỏ và đá tảng, có một cầu sắt và một con đường đất xe đi được, giữa có một vũng lầy. Theo tài liệu của Tòa Đại Sứ Việt-Nam tại Mỹ (Embassy) thì cây cầu sắt này dài khoàng 300m (327 yards) do người Nhật xây để việc chuyển vận phosphate được dễ dàng.
Trước tháng 6-1956, ở cuối hướng Đông Nam đảo có 5 túp lều.
Theo tài liệu của Hải Quân Hoa Kỳ thì trong ngày 9 tháng 6 năm 1956, phi cơ không thám Hoa Kỳ xác nhận sự có mặt của khoảng 75 dân TC trên đảo Cam Tuyền có vẽ như đang khai thác phân chim. Ngày 10-6, họ được báo cáo từ phía Việt Nam là lính TC đã đổ bộ lên đảo. Ngay sau đó khu trục hạm Hoa Kỳ đã được gởi đến tận nơi và đã đưa một toán lính đổ bộ lên đảo mở cuộc tuần tiểu để điều tra nhưng kết quả cho thấy là toán người TC đã rời bỏ đảo.Đảo Hữu Nhật mang tên Đội trưởng của một suất đội thủy quân triều Nguyễn được vua Minh Mạng phái ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, dựng bia chủ quyền của Việt Nam.
Là một đảo san hô, nằm cách đảo Hoàng Sa khoảng 2 hải lí (3,7 km) về hướng tây nam và cách đá Hải Sâm khoảng 0,5 hải lí (0,9 km) về hướng bắc, đảo hình quả trứng, cao khoảng 8 m, diện tích khoảng 0,32 km².
Môi trường: mặt biển bao xung quanh đảo được phủ kín bởi rất nhiều rong. Viền quanh đảo có những cây nhàu cao từ 2 đến 3 m, tạo thành lớp dày khoảng 30 m; ở giữa đảo là khu lòng chảo không sâu. Trên lớp đất đá, ngoài một ít bụi cây nhỏ thì cỏ tranh mọc khắp nơi. Nơi đảo này vì không có người ở nên con Vích (rùa biển) thường lên bờ đẻ trứng từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch.
Trên đảo còn có giếng nước và một vài ngôi mộ từ thời Nguyễn.
Trên đảo có cầu sắt và một đường đất xe đi được.

Đảo Quang Ảnh (111o30'00 E - 16o27'00 N) (Money Island, Jinyin dao, Vĩnh Lạc, Kim Ngân)





Tên đảo được đặt theo tên của vị cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh dưới triều nhà Nguyễn. Năm 1815, vua Gia Long ra lệnh cho Phạm Quang Ảnh và đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét đo đạc thuỷ trình.
Money Island (Đảo Quang Ảnh) - không phải được đặt tên theo tiền và bạc - mà theo tên tổng giám sát William Taylor Money của Bombay Marine - đoàn tàu của Công Ti Đông Ấn.
Đảo hình bầu dục, chu vi khoảng 2.500 m, diện tích khoảng 0,5 km² và cao 6 m. Rạn san hô trải rộng về phía đông và lớn gấp nhiều lần diện tích của đảo. Đá ngầm xung quanh đảo rất sắc nhọn khiến tàu lớn không thể đến sát trừ khi dùng thuyền nhỏ để chèo vào.
Phía ngoài đảo là các cây mọc trên đất giàu phốt phát và một loài cây giống cây mít nhưng không có quả. Trong khu vực giữa đảo, ngoài một số cây cao tới 5 m còn có một bãi cỏ dại được bao bọc bởi một vành đai cây gai cao khoảng 1,5 m và dày khoảng 30 m. Có rất nhiều chim biển cư ngụ trên đảo. Đảo không có nước ngọt ngoài trừ nước mưa lại thêm địa hình hiểm trở nên không mấy người lên đảo..


Bãi đá Hải Sâm (111o34'00 E - 16o28'00 N) (Antelope Reef, Linh Dương tiêu)
File:AntelopeReef.jpg
Đá Hải Sâm (bãi Sơn Dương)
Bãi được đặt tên theo một tàu khảo sát Antelope của Anh. Là một rạn san hô vòng, dài khoảng 5,6 km, rộng khoảng 3,7 km và chìm xuống nước khi thuỷ triều lên. Bãi đá đang cạn dần, ở góc đông nam nổi lên một cồn cát cao 1-2 m so với mực nước biển và rộng 1 ha được bao phủ bởi những lùm bụi thấp.Khu vực gần bãi Hải Sâm là nơi chiếc tàu HQ-10 của Hải quân VNCH bị hải quân Trung Quốc bắn cháy và chìm.

Đảo Quang Hòa (111o42'00 E - 16o27'00 N) (Duncan Island, Chenhang dao, Sâm Hàng đảo)


Là đảo san hô lớn nhất trong nhóm Nguyệt Thiềm, được bao quanh bởi bãi cát vàng và rạn san hô viền bờ rất rộng. Thực chất đảo Quang Hoà gồm một đảo lớn nối với một đảo nhỏ bằng một dải cát:
- Đảo lớn: Quang Hoà Đông hay Quang Hoà (Sâm Hàng đảo). Chu vi 2.700 m, diện tích khoảng 0,48 km². Phía tây có rừng cây nhàu và "cây phosphorite" mọc trên đất giàu phốt phát; nhiều cây cao tới 4 m. Phía đông là những mảnh vụn san hô với đá rồi tới một khu đất chỉ có dây leo bò sát mặt đất.
- Đảo nhỏ: Quang Hoà Tây (tiếng Anh: Palm Island, Quảng Kim đảo). Chu vi 1.000 m, diện tích khoảng 0,09 km². Gồm chủ yếu là cây mọc trên đất giàu phốt phát cùng một số ít cây nhàu cao khoảng 3 m.
Hai đảo Đông và Tây chỉ cách nhau một lạch nước rộng khoảng 800 m khi triều lên và khoảng 500 m khi triều xuống.
Theo VNCH, sự quan trọng của Quang Hòa trên nhóm Nguyệt Thiềm cũng không kém Hoàng Sa bao nhiêu. Đây là nơi xảy ra nổ súng đầu tiên, khi Biệt Hải VNCH đổ bộ lên đảo bị lực lượng Trung Quốc bắn và Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã diễn ra trong vòng 3 đến 7 hải lí (5,6–13 km) quanh đảo này.

Đảo Duy Mộng (111o44'00 E - 16o28'00 N) (Drummond Island, Jinquing dao, Tấn Khanh đảo)


Là một đảo san hô, nằm ở điểm cuối của một vòng cung san hô, ngay phía đông bắc của đảo Quang Hoà. Đảo hình bầu dục, chu vi khoảng 2.300 m, diện tích khoảng 0,41 km² và cao khoảng 4 m.
Do có một lạch nước nhỏ nên ghe đi theo cửa lạch đó có thể vào được sát bờ. Tàu có thể thả neo cách đảo khoảng 200 m.
Môi trường: cây mọc trên đất giàu phốt phát và một số ít cây nhàu bao phủ phần lớn hòn đảo. Đi sâu thêm vào phía trong, về hướng nam tây nam là một khu đất trống chỉ có cỏ ngắn và vài bụi cây. Lớp cát trên đảo có chứa photphat tìm thấy trên mặt đất ở độ sâu trung bình 20 cm. Số lượng photphat dự trữ ở đảo này khoảng 25.000 m³.
Có nhiều chim biển và con Vích sống trên đảo.

Bãi Xà Cừ (111o42'00 E - 16o35'00 N) (Observation Bank - Senping Tan)
Đảo Xà Cừ (cồn Quan Sát) ngày 1/6/2011
Bãi Xà Cừ nằm phía Đông Bắc cách đảo Hoàng Sa 6,3 hải lí (11,6 km). Là bãi cát ngầm, quanh bìa là san hô, nơi dài nhất vào khoảng 4,8 km, nơi rộng nhất vào khoảng 2,3 km. Trên đó có một cồn cát nhỏ nổi lên còn được gọi là Cồn Quan Sát.

Bãi đá Bắc (111o30'00 E - 17o06'00 N) (North Reef - Bei Jiao, Pei Chiao)



Nằm chơ vơ ở hướng cực Bắc của quần đảo Hoàng-Sa, cách đảo Hoàng Sa thuộc khu trung tâm nhóm Lưỡi Liềm khoảng 34 hải lí (62,5 km). Dài khoảng 7 hải lí (13 km) khi tính từ tây sang đông và rộng tối đa là 2,5 hải lí (4,6 km). Trên vành san hô của rạn san hô vòng này còn có nhiều hòn đá nổi lên, có một đảo cát nhỏ rất thấp.
Bãi này rất nguy hiểm cho tàu thuyền, có 3 chiến hạm của Pháp và vài chiếc tàu khác đã chìm ở đây.

Bãi Đá Lồi (vị trí trung bình 111o41'00 E - 16o14'00 N) (Discovery Reef - Kuanghua Chiao)


Nằm về hướng Nam lòng chảo cách đảo Quang-Hòa 11miles, bãi đá ngầm này lớn nhất trong quần đảo Hoàng-Sa, chiều dài khoảng 17 hải lí (31,5 km) và chiều ngang khoảng 4 hải lí (7,4 km).
Đặc điểm: thon dài, khá dốc và có nhiều vùng nước xoáy xung quanh. Chiều dài tính từ đông sang tây , tính từ bắc xuống nam khoảng . Hầu hết đá Lồi chìm dưới 3,7 m nước biển và chỉ có vài hòn đá nổi lên. Tàu thuyền có thể theo các lạch nước ở mặt bắc và nam để vào vụng biển ở giữa. Giáo sư Sơn Hồng Đức miêu tả "đầm nước lặng" (vụng biển) của đá Lồi như sau:
"... nước màu xanh lá cây nhạt, khác hẳn với màu xanh cobalt bên ngoài. Tất cả những thuỷ tộc đã chọn nơi đây làm nơi sinh sống.(...) Cá ở đây, phần lớn sống lâu năm nên to lớn dị thường. Có những con cá đuối bằng hai chiếc chiếu, lấp lơ dưới nước. Có những ốc tai tượng to bằng cái bàn nặng cả 700 kí, nằm dưới đáy san hô, hai mảnh vỏ màu vàng san hô bám víu".
Ở phía nam của đá Lồi, người ta đã tìm thấy một xác tàu đổ bộ tầm trung bị đắm của Pháp.



Bãi đá Chim Én (vị trí trung bình 112o01'00 E - 16o20'00 N) (Vuladdore Reef - Yuzhuoi, Yucho Chiao)

Đá Chim Yến (Én)
Còn gọi là đá Chim Yến nằm hướng Đông Bắc bãi Đá-Lồi (cách khoảng 10miles). Dài khoảng 7 hải lí (13 km) và chiều rộng hơn 2 hải lí (3,7 km), rạn san hô vòng này chìm dưới nước phần lớn thời gian trong ngày; khi thuỷ triều xuống thì cũng chỉ có vài hòn đá nhô lên.

Đảo Bạch Quy (111o47'00 E - 16o03'00 N) (Passu Keah Island - Panchi Yu, Panshih Hsu)


Đá Rùa Trắng
Tên đảo có nghĩa là rùa trắng. Cách bãi Đá Lồi 10miles về hướng Nam, diện tích 0,2 km2 (1200m x 200m).

Đặc điểm: thực chất đảo Bạch Quy chỉ là một cồn cát trắng nhỏ nổi trên góc tây bắc của vành san hô lớn thuộc một rạn san hô vòng vốn chỉ thật sự nổi hẳn lên khỏi mặt nước khi thuỷ triều xuống. Rạn vòng chứa đảo Bạch Quy có chiều dài tính từ tây sang đông khoảng 5 hải lí (9,2 km)

Đảo Tri Tôn (111o12'00 E - 15o47'00 N) (Triton Island - Zhongjian Dao, Chungchien Tao)

Đảo Tri Tôn
Tên tiếng Anh được đặt theo tên chiếc tàu Triton của Anh Quốc... Đảo nằm gần bờ biển Việt Nam nhất, cách Cù Lao Ré khoảng 130 miles. Có diện tích xếp thứ ba về diện tích ở quần đảo Hoàng Sa sau đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn.
Là một cồn cát hình thành, có dáng hơi tròn, ở giữa lõm xuống và thường đọng 0,5 m nước Chiều dài tính từ bắc xuống nam là 1.850 m, chiều rộng khoảng 800 m, độ cao bình quân chỉ 2 m. Khi thủy triều xuống, diện tích đảo có thể đạt đến 1,5 km²  song khi thủy triều lên thì thu hẹp chỉ còn 0,85 km². Xung quanh đảo là dải san hô khá rộng, từ 500 đến 1.000 m. Đảo thường bị ngập - đặc biệt là khi bão đi qua - nên cây cối khó phát triển.
Từ xa rất khó nhận dạng, có báo cáo từ các nhà hàng hải cho biết là tàu thuyền không phát giác được đối tượng của đảo trên màn ảnh radar cho đến khi gần khoảng 1mile.
Tháng 9 năm 1973, chiến hạm Hoa Kỳ mang tên Pendleton bị mắc cạn tại rạn san hô quanh đảo Tri Tôn khi trên đường từ VNCH về nước, Mỹ không cứu được tàu và đành bỏ.

Bãi Ốc Tai Voi (112o15'00 E - 15o44'00 N) (Herald Bank, Tung Đảo than)
Bãi Ốc Tai Voi là một núi ngầm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nằm cách đá Bông Bay 23 hải lí (42,6 km) về phía tây nam. Đây được xem là điểm cực nam của cả quần đảo.

Đảo Ốc Hoa


Ngoài ra còn nhiều bãi ngầm, mỏm đá khác... 


Vai trò của quần đảo Hoàng Sa


Nằm phía Đông của Việt Nam, Hoàng Sa án ngự đường hàng hải quốc tế huyết mạch từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Vùng biển này có tiềm năng lớn về khoáng sản và nguồn hải sản, thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, quan trọng hơn đây là vị trí quân sự chiến lược, khống chếđường giao thông trên biển và trên không trong khu vực phía Bắc Biển Đông.


Hiện nay, Biển Đông có vai trò quan trọng về phương diện kinh tế và quân sự đối với Trung Quốc, các nước Bắc Á và các quốc gia trong vùng Đông Nam Á, bao gồm Brunei, Campuchia, Đông Timor, Indonesia, Lào (không có lãnh hải), Malaysia, Myanma, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Biển Đông còn là thủy đạo nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua Eo biển Malacca. Mọi di chuyển bằng hàng hải giữa các quốc gia thuộc Vòng đai Thái Bình Dương với vùng Đông Nam Á, Ấn Độ, Tây Á, Địa Trung Hải và xuống châu Úc đều thường xuyên đi qua vùng biển này.[51] Hoàng Sa là một quần đảo nằm trên thủy lộ đó. Những tranh chấp căng thẳng đã và đang xảy ra tại Hoàng Sa cho thấy việc kiểm soát Hoàng Sa vô cùng quan trọng trong việc nắm quyền kiểm soát thuỷ đạo quan trọng của Đông Nam Á và của thế giới. Điều này ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải của tất cả các quốc gia trên thế giới chứ không chỉ liên quan đến lợi ích riêng của các nước tham gia tranh chấp quần đảo Hoàng Sa.[52][53] Ngoài ra, Biển Đông còn là nguồn cung cấp hải sản, dầu thô, và khí đốt rất đáng kể. Theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), ở Biển Đông chỉ có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên. Các mỏ dầu và khí đốt tại đây thường nằm trong các vùng lãnh thổ không có tranh chấp, gần bờ biển của các quốc gia xung quanh biển Đông nhưng Biển Đông đóng góp tới 10% sản lượng cá đánh bắt được trên toàn cầu tạo ra giá trị hàng tỷ USD.[54] Việc kiểm soát Hoàng Sa là lợi thế đối với việc giành quyền kiểm soát biển Đông[55] và các nguồn tài nguyên tại đây.

Nhà nghiên cứu Thềm Sơn Hà viết:
SƠ LƯỢC VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA QUẦN ĐẢO HOÀNG SA.
    Với những hòn đảo san hô trơ trọi không người sinh sống, đất đai thì không thích hợp cho việc trồng trọt, nước nôi thiếu thốn, điều kiện thời tiết thật là khắc nghiệt. Cho đến Thế chiến thứ II những hòn đảo trong vùng biển Đông chỉ có giá trị căn cứ vào số lượng phân chim.
    Nhận định này đã trở nên lỗi thời kể từ khi Nhật Bản nhận thức được tầm quan trọng về mặt chiến lược và quân sự nên đã chiếm đóng một số đảo trong vùng biển Đông, tuy nhiên vì thua trận trong Đệ II Thế Chiến nên họ đã rút quân ra khỏi những đảo này.
    Trong cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, với sự khám phá các túi chứa dầu hỏa trong khu vực thềm lục địa tiếp cận với các quốc gia bao quanh biển Đông, với tiềm năng về hải sản và phốt phát đã có từ trước, cộng thêm vào sự giao thông tấp nập của các thương thuyền và tàu chở dầu do sự phát triển kinh tế vược bực của Trung Cộng, Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan… đã làm nâng cao giá trị và tầm mức quan trọng của Hoàng Sa về các khía cạnh chánh trị, chiến lược, kinh tế và bảo vệ môi trường.
1.- Về chánh trị: những sự tranh chấp chủ quyền trên các quần đảo trong vùng biển Đông vẫn còn tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Để xác nhận chủ quyền và để phô trương lực lượng, các quốc gia tuyên bố xác nhận chủ quyền đã phải tiếp tục duy trì sự hiện diện thường xuyên của lực lượng Hải, Lục và Không quân trong vùng. Điều này có thể dẫn đến các cuộc xung đột vũ trang và từ đấy có thể đưa đến sự xáo trộn và khủng hoảng nội bộ trong các nước bao quanh vùng biển Đông do sự phong tỏa các đường hải vận.
    Khủng hoảng về kinh tế và  quân sự có thể mang lại sự thay đổi cấp lãnh đạo và từ đó có thể làm đảo ngược thế liên minh trong vùng.
2.-Về chiến lược: tầm quan trọng về chiến lược bao gồm hai lãnh vực quân sự và giao thông hàng hải.
a.-Về quân sự : sự duy trì và xây dựng các cơ sở quân sự trên các hải đảo trong vùng là điều kiện thiết yếu để cũng cố chủ quyền và phát triển các nguồn lợi quanh vùng. Từ thập niên 1930 người Pháp đã cho xây dựng một số cơ sở quân sự, duy trì liên tục lực lượng trú phòng và biệt phái chiến hạm thường xuyên tuần tiểu trong vùng.
    Thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, người Nhật cũng đã có cái nhìn tương tự khi họ mang quân chiếm đóng Hoàng Sa. Sau khi thất trận họ đã rút lui trong năm 1946. 
    Tháng 12-1946 quân đội Trung Hoa Quốc Gia của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch đã phái chiến hạm chở quân đổ bộ lên chiếm đóng một số đảo trong nhóm Tuyên Đức.
    Năm 1956 (một số tài liệu viết là 1954), quân đội VNCH đã thay thế quân trú phòng Pháp khi họ rút khỏi đảo Hoàng Sa và hiện diện liên tục cho đến ngày 20-1-1974. Các chiến hạm thuộc HQ/VNCH đã có những chuyến công tác định kỳ để thay thế toán lính và nhân viên đài khí tượng trên đảo này..
    Trong khi đó vào đầu năm 1956, TC đã đổ bộ quân lên đảo Phú Lâm và bắt đầu thiết lập trạm quan sát, truyền tin, xây cất cầu tàu và cơ sở quân sự.
    Từ năm 1974, sau khi cưỡng chiếm Hoàng Sa, Trung Cộng đã bành trướng và xây cất thêm các cơ cở quân sự cho Hải , Lục và Không Quân xử dụng.
        - Hải Quân: hiện Trung Cộng đang có tất cả 5 căn cứ Hải Quân trên các đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Vĩnh Lạc, Quang Hòa và Tri Tôn. Trên đảo Phú Lâm, TC đã phá san hô để mở rộng  hải cảng với cầu tàu cho các chiến hạm có trọng tải khoảng 4000 tấn xử dụng ( năm 1979 cảng này chỉ có khả năng tiếp nhận chiến hạm dưới 500 tấn).
        - Lục Quân: trên hầu hết các đảo trong nhóm Nguyệt Thiềm, TC đã xây lên các doanh trại đáp ứng cho nhu cầu cả một Trung Đoàn Bộ binh, đào các đường hầm để dự trữ nhiên liệu, thiết lập các công sở phòng thủ và các đài truyền tin. Trên đảo Tri Tôn là đảo gần bờ biển Việt Nam nhất cũng được trang bị đại bác và dụng cụ truyền tin. Ngoài ra tình báo Hoa Kỳ tháng 6-2001 cho hay là trên đảo Phú Lâm TC đã thiết trí phi đạn chống chiến hạm loại  HY-2 có khả năng đánh chìm chiến hạm trọng tải lên đến 3.000 tấn.
        - Không Quân: để bành trướng lực lượng Không quân vào biển Đông, TC đã biến  đảo Phú Lâm thành căn cứ không quân tiền phương với phi trường có phi đạo  tráng nhựa dài 2,400m (5) (bài của Katsushi Okazaki viết là 2.600m, tài liệu CIA viết là từ 1,524 m đến 2,437m), ngang 52m để cho loại oanh tạc cơ hạng trung (medium bomber) H-6 và phi cơ chiến đấu F8 xử dụng và xây các bồn dự trữ nhiên liệu dùng cho phi cơ. Với phi trường này, Không quân TC có khả năng hoạt động bao trùm cả Việt Nam, Đài Loan và Phi Luật Tân. Theo nhà phân tích quân sự Hoa Kỳ Richard Fisher thì đảo Phú Lâm có thể được xem như là một hàng không mẫu hạm bí mật của TC trong biển Đông.
        - Tình báo:  đảo Đá (Rocky island) với vị trí cao nhất trong quần đảo HS đã được chọn để dựng lên đài dò tìm tín hiệu SIGINT (Signals Intelligent) trao đổi giữa phi cơ và  chiến hạm. Đài này đã bắt đầu hoạt động từ năm 1995, tầm hoạt động bao gồm cả Phi Luật Tân, quần đảo Trường Sa và eo biển Malacca. Ngoài ra để mở rộng hệ thống tình báo, TC còn xử dụng 6 chiến hạm có trang bị SIGINT. Mặt khác một số tàu dầu, tàu tiếp tế cho tàu ngầu, tàu phá băng cũng được trang bị dụng cụ ELINT (Electronic Intelligent) để theo dõi sự di chuyển của các chiến hạm hoạt động trong vùng biển Đông. Sau cùng trong bản tin của đài BBC ngày 2 tháng 3-1998 thì TC đang xây đài tiếp vận tín hiệu từ vệ tinh trong quần đảo HS.
    Tóm lại với các căn cứ Hải/Không Quân và lực lượng Bộ binh trú đóng trên hầu hết các đảo, với hệ thống thu thập tin tức tình báo trải rộng ra khắp biển Đông, với sự tối tân hóa Hạm Đội gồm các chiến hạm đủ loại trong đó có tàu ngầm nguyên tử và với nổ lực đóng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên dự trù hoạt động vào năm 2010, TC đã có khả năng phòng thủ, bành trướng, can thiệp nhanh chóng khi có biến cố xảy ra và điểm quan trọng nhất là TC có đủ khả năng mở ra các cuộc hành quân để chiếm trọn tất cả các hải đảo trong biển Đông .
    Để chế ngự TC, ngoài thế liên minh quân sự đã có sẵn với các nước Nhật, Đại Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân và Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ đã và đang cố gắng cải thiện hợp tác quân sự với Ấn Độ, Nam Dương và Việt Nam. Trong khoảng thời gian gần đây, Hoa Kỳ đã gia tăng ngân khoản để cải tiến căn cứ quân sự trên đảo Guam như là một sự thay thế cho căn cứ Subic bay mà Hoa Kỳ đã rút khỏi vào năm 1992.
b.-Giao thông hàng hải : biển Đông bao phủ một khu vực rộng đến 3,5 triệu km2, nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và là gạch nối quan trọng giữa các lục địa Á Châu, Âu Châu, Phi Châu và Úc Châu.
    Chiếm đoạt Hoàng Sa và Trường Sa sẽ kiểm soát hải trình vùng phía Bắc biển Đông  và hải trình nối liền Thái Bình Dương và Đông Nam Á với Ấn Độ Dương.
    Sự phát triển kinh tế vượt bực của các nước trong vùng biển Đông đã làm gia tăng số lượng hàng hóa, nguyên liệu và nhiên liệu xuất, nhập cảng do đó việc xử dụng thương thuyền để làm phương tiện chuyên chở cũng tăng theo.
    Điều này đã biến hải trình ngang qua biển Đông trở thành một trong những hải trình bận rộn nhất trên thế giới (đứng hàng thứ 2). Mỗi năm có hơn ½ hạm đội thương thuyền trên thế giới đi ngang qua eo Malacca vào biển Đông (khoảng 50,000 thương thuyền).
    Ngoài ra do nhu cầu gia tăng tiêu thụ nhiên liệu khoảng 80% số lượng dầu thô nhập cảng vào TC, Nhật, Đài Loan và Nam Hàn cũng đi ngang qua khu vực này.
    Những dẫn chứng kể trên cho thấy sự phát triển kinh tế của TC, các quốc gia trong vùng biển Đông và vùng Đông Bắc Á Châu lệ thuộc rất nhiều vào sự an toàn và tự do thông thương của thủy trình huyết mạch này.
    Đây cũng là lý do chánh yếu để TC thôn tính và dành lấy chủ quyền các hải đảo và đây cũng là lý do mà Hoa Kỳ sẽ không làm ngơ khi TC có hành động ngăn trở hoặc phong tỏa thủy trình này vì sẽ liên hệ trực tiếp đến quyền lợi của Hoa Kỳ.

3.- Về Kinh Tế:
a.-Dầu hỏa và khí đốt: tầm quan trọng về triển vọng dầu hỏa và khí đốt trong khu vực quần đảo HS nói riêng và biển Đông nói chung thực sự chỉ được chú ý đến kể từ khi các quốc gia bao quanh và lân cận vùng biển quần đảo Trường Sa như Brunei, Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Phi Luật Tân và Việt Nam khám phá các mỏ dầu trong thềm lục địa của họ vào đầu thập niên 70.
    Những cuộc thăm dò tiếp theo với kết quả thật khả quan về triển vọng dầu hỏa và khí đốt trong biển Đông nhất là trong khu vực quần đảo Trường Sa tiếp cận với thềm lục địa của các quốc gia nêu trên càng làm gia tăng sự chú ý về tiềm năng dầu hỏa trong vùng này.
    Cho đến nay tiềm năng dầu hỏa và khí đốt thực sự chỉ là trên lý thuyết căn cứ vào các cuộc thăm dò. Kết quả đã cho thấy sự khác biệt về con số ước lượng tùy thuộc vào cơ quan và quốc gia tổ chức cuộc thăm dò.
    Dựa trên kinh nghiệm, những mỏ hydrocarbon được khám phá có thể chứa dầu và khí đốt lẫn lộn, hoặc chỉ chứa dầu hay chỉ chứa khí đốt mà thôi
    Theo sự ước lượng của Sở Khảo Sát Địa Chất Hoa Kỳ thì khoảng 60% đến 70% các túi dụ trữ trong các nước vùng biển Đông như Brunei, Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Phi Luật Tân và Việt Nam chứa khí đốt. 
    Mức độ phát triển kinh tế và gia tăng dân số được xem là cao nhất trên thế giới của các quốc gia Á Châu đã làm gia tăng vượt bực nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu và khí đốt.
    TC đang từ nước xuất cảng dầu (chế biến từ than đá) trước thập niên 80 nhưng từ năm 2003, TC đã qua mặt Nhật Bản để trở thành nước nhập cảng dầu hỏa thứ nhì trên thế giới và cũng là nước đứng hàng thứ nhì về kinh tế trên thế giới sau Hoa Kỳ (theo tài liệu CIA, nhưng theo World Bank thì TC đứng hàng thứ tư).
    Việc đi tìm những nguồn cung cấp nhiên liệu là điều kiện thiết yếu của TC. Tháng 9-1993, Phó Đô Đốc Zhang Xusan thuộc Hải quân TC tuyên bố : "đã đến lúc Trung Hoa cần thay đổi chiến lược biển và cố gắng nhiều hơn để tìm nguồn lợi dầu hỏa và khí đốt trong biển Đông." Đây là một trong những yếu tố chánh yếu đã đưa TC đến quyết định dùng vũ lực cưỡng chiếm HS.
    Vì thế sau khi chiếm đoạt HS, vào tháng 6-1974, TC đã bắt đầu khoan thăm dò trong khu vực này, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy công bố kết quả.
b.-Hải sản: vùng biển Đông rất phong phú về hải sản và nguồn lợi này đã nuôi sống người dân trong vùng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ngư dân nước ta vẫn thường xuyên ra tận vùng này để hành nghề từ bao năm trước và vì Hải Quân VNCH không đủ khả năng để kiểm soát vùng biển quá rộng lớn nên ngư dân TC cứ tiếp tục vi phạm lãnh hải VNCH để khai thác hải sản. Đầu năm 1959 Hải quân VNCH đã bắt giữ 80 ngư phủ TC trong khu vực lòng chảo nhóm Nguyệt Thiềm.
    Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế kèm theo sự gia tăng dân số của TC (dự trù tăng gia khoảng 250 triệu người từ 1980 đến 2020, theo CIA dân số TC trong năm 2007 là 1,322 tỉ)) đã làm giảm đi diện tích canh tác và đã đưa đến việc sản xuất nông nghiệp bị sút giảm. Điều này đã làm cho các nhà lãnh đạo TC phải chú tâm đến những nguồn dinh dưỡng khác trong đó có hải sản. Năm 1984, viên chức cao cấp trong chánh quyền TC đã khẳng định là việc cung cấp thực phẩm hàng ngày cho số lượng dân quá lớn lao sẽ  phải cần đến sự cung cấp chất protein lấy từ hải sản. Báo chí TC năm 1989 đã đưa ra lập luận là 80% tài nguyên trên quả địa cầu nằm trong lòng đáy biển và hải sản sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng chính yếu có chứa chất protein.
    Tổng số lượng hải sản trong biển Đông được ước lượng có thể khai thác đến 30 triệu tấn mỗi năm, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 13% là được khai thác.
    Ngoài ra việc khai thác hải sản còn mang lại lợi tức cho gần 80 triệu người sinh sống dọc theo vùng duyên hải tiếp cận biển Đông và nguồn lợi thiên nhiên này đã có tự ngàn đời trước và sẽ còn mãi trong tương lai.
c.-Phốt phát: vốn là các đảo hoang từ ngàn năm trước nên chim chóc (chính yếu là chim Hải âu) đã tụ tập về đây trú ngụ và sinh đẻ, nhiều nhất là trên đảo Vĩnh Lạc và bãi Xa Cừ (cồn Quan Sát-Observation bank). Một đoạn trong bài “quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền VNCH” có viết:”…Trứng chim đầy dẫy trên đảo, phải tìm chỗ đặt chân trước khi bước đi. Trứng chim nhỏ hơn trứng gà một chút, có thể lượm được từ 3.000 đến 5.000 trứng mỗi lần, ăn ngon như trứng gà. Chim bị đuổi bay lên như một đám mây nâu che rợp một góc trời, lấy đá chọi cũng rớt.”
    Phốt phát do phân chim tác dụng trên chất vôi của san hô trải qua bao năm tháng dưới những cơn mưa, bảo miền nhiệt đới tạo nên. Những lớp phốt phát chiếm khoảng từ 23% đến 25% trên một số đảo, khoảng 42% trên các đảo khác và chiều dày thường trên 1m.
    Năm 1915, người Nhật đã khám phá sự hiện diện của phốt phát trong quần đảo HS. Tiếp theo vào năm 1921 hảng Nhật đã toan tính khai thác phân chim trên các đảo nhưng họ không định cư thường trực ở đây, từ 1925 đến 1933 người Nhật đã xin phép chánh quyền Pháp ở Đông Dương để được khai thác phốt phát ( theo Chemillier Gendreau thì trong khoảng 1924-1926 các công ty Nhật đã dùng mìn để khai thác phân phốt phát và việc làm này đã làm hư hại rất nhiều cây cỏ trên đảo Cam Tuyền)
    Trong Đệ Nhị Thế Chiến, người Nhật đã chiếm cứ HS và tiếp tục khai thác phốt phát cho đến khi họ hoàn toàn rút khỏi HS vào tháng 2 năm 1946.
    Phần người Pháp, thì họ đã khám phá phốt phát vào năm 1925 khi chiếc tàu De Lanessan thuộc Hải Học Viện Đông Dương ra HS thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên.
    Theo E. Saorain trong cuốn “Archives Geologique du Vietnam” thì số lượng phốt phát có thể khai thác được trên quần đảo HS lên tớI 10 triệu tấn.
    Căn cứ theo tài liệu của Tổng Nha Khoáng Chất và Công Kỹ Nghệ, số lượng phosphate trên các đảo trong nhóm Nguyệt Thiềm thuộc quyền kiểm soát của VNCH như sau:
        - Đảo Hoàng Sa : từ 562.000 đến 960.000 tấn, trên đảo có hệ thống đường rầy và cây cầu nhỏ để mang phốt phát xuống tàu.
        - Đảo Cam Tuyền : từ 675.000 đến 1.400.000 tấn. Để cho việc chuyển vận phốt phát được dễ dàng, nguời Nhật đã dựng lên những khối phốt phát để cản sóng và cây cầu sắt dài khoảng 300m. Những cơ sở này đã bị bỏ phế vì việc khai thác không mang lại lợi nhuận.
        -Đảo Vĩnh Lạc : từ 787.000 tấn đến 1.200.000 tấn
        - Đảo Duy Mộng : từ 675.000 tấn trở lên.
    Tài liệu của TC/CTCT viết :”…Hồi năm 1959, công ty phân bón Việt Nam cũng tới khai thác được khoảng 20 ngàn tấn phosphate nhưng tới năm 1960 công việc bị bỏ dở.”, nhưng theo Trần Thế Đức thì có 2 công ty Việt Nam khai thác phân vào năm 1960 nhưng đến năm 1962 ngưng hoạt động.
d.-Du lịch: với những vẽ đẹp thiên nhiên của các đảo san hô miền nhiệt đới, các bãi đá ngầm sóng vỗ bên ngoài bên trong là cả hồ nước lặng im, các đảo cát dài bao quanh bởi san hô, rong biển, đủ loài hải sản, nước biển trong suốt nhìn rõ tận đáy, rất nhiều  loại chim hiếm qúy…  đã là những yếu tố để quyến rũ khách du lịch.
    Trong tờ China Daily ngày 10-8-2002 có đăng tin về kế hoạch khai thác du lịch HS của chánh quyền địa phương tỉnh Hải Nam.
4.- Bảo vệ môi trường: Biển Đông nằm giữa ranh giới của các quốc gia đang có mức độ tăng trưởng kỹ nghệ hóa rất cao và cũng là đường hàng hải bận rộn thứ nhì trên thế giới. Những yếu tố này đã làm phương hại đến môi trường nuôi dưỡng sinh thực vật trên các hải đảo và dưới mặt biển.
    Quan tâm đến việc tranh chấp chủ quyền, gia tăng tối đa việc phát triển kinh tế, bảo đảm việc cung cấp nhiên liệu được đầy đủ là những yếu tố đã được đặt ưu tiên trên công tác bảo vệ môi trường của các quốc gia liên hệ đến biển Đông.
    Do sự lơ là trong việc bảo vệ môi trường, các đảo san hô đã và đang trải qua giai đoạn biến dạng bởi sự thay đổi cơ cấu của các loài sinh, thực vật, bởi sự khai thác quá mức các tài nguyên thiên nhiên như phân phốt phát, các loại rùa và sinh vật dưới biển và sau cùng bởi sự ô nhiểm môi trường.
    Những loại sinh , thực vật bị ảnh hưởng: 
        - Chim: lính đồn trú trên các đảo dùng súng để săn chim và lấy trứng từ các tổ chim, tổ yến đã khiến chúng sợ hãi phải di chuyển từ các đảo lớn sang các đảo nhỏ.
        - Rùa: số lượng rùa (trong số này có vài loại hiếm muộn như green turtle và hawksbill turtle) và trứng sinh ra trên đảo cũng giảm đi do việc lính trên đảo dùng vũ khí giết rùa cho mục đích thương mại và việc mang gia súc lên đảo cũng đã ảnh hưởng đến lối sống thiên nhiên của loài rùa.
        - các loài thủy sản: việc xử dụng quá nhiều tàu thuyền với cách thức đánh cá bừa bãi như dùng loại lưới với dây xích cuốn tròn kéo sát dưới đáy biển (loại dụng cụ này đã bị cấm tuy nhiên một số ngư phủ vẫn còn dùng), cũng như việc xử dụng chất độc Cyanide và dùng chất nổ để giết cá đã làm tổn hại đến môi trường sinh trưởng và đã làm tuyệt giống một số loại cá hiếm qúy.
        - San hô: cũng bị ảnh hưởng lây qua việc dùng chất nổ, chất độc và quá nhiều tàu thuyền khai thác thủy sản. Các loại thương thuyền, tàu dầu và các tàu đánh cá khi hoạt động cũng như khi hải hành ngang qua biển Đông đã phế thải các chất dơ bẩn có hại cho san hô.
    Ngoài ra sự gia tăng nhiệt độ trên quả địa cầu ( Global warming) đã làm gia tăng nhiệt độ nước biển tạo nên độc tố làm hại tế bào tăng trưởng san hô.
        - Thực vật: do nhu cầu lên đảo tìm hái lá những loài dược thảo và việc đốn bừa bãi những loài cây qúy đã gây nên khó khăn trong việc bảo tồn, tìm hiểu nguồn gốc và công dụng của chúng.

____________


Phụ lục: Một số hình ảnh trên quần đảo Hoàng Sa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét