Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

AK: Tổng trưởng Ngoại giao Vương Văn Bắc nhớ lại và suy ngẫm

Nhớ lại và suy ngẫm về vụ Hải Chiến Hoàng Sa (1974)

Vương Văn Bắc

Giới Thiệu: Ông Vương Văn Bắc (1927-2011) là một luật sư và Tổng trưởng Ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa vào những năm cuối cùng của quốc gia này. Vào đầu năm 1974 khi Trung Cộng mở cuộc gây hấn ở Quần đảo Hoàng Sa, tấn công lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa ngày 11 tháng 1 đóng ở nhóm Nguyệt Thiềm; căn cứ trên đảo Hoàng Sa (Pattle) thất thủ. Ông xúc tiến soạn văn kiện Tuyên cáo chủ quyền VNCH năm 1974 trên hải đảo Trường Sa và Hoàng Sa”, “Tuyên cáo của Bộ Ngoại Giao VNCH về việc Trung Cộng xâm lược đảo Hoàng Sa năm 1974”, và “Bạch thư của VNCH” đầu năm 1975 lên án vụ chiếm đoạt trước công đàn quốc tế...

Đây là bài Cựu Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc viết xong tại Paris ngày 2-4-2007. Một bản được thông báo ông Vũ Hữu San để tác giả này đăng tiếp nối theo một bài trước của Ông viết bằng Anh Ngữ (trong cuốn sách "Tài liệu Hải Chiến Hoàng Sa, 2004"}

Tuy biến cố lịch sử này xảy ra cách đây đã trên ba mươi năm, trận hải chiến Hoàng Sa (19.01.1974) vẫn còn để lại trong đầu óc tôi một ấn tượng đậm nét. Điều này dễ hiểu vì ai còn tha thiết đến vận mệnh của tổ quốc quê hương mà không đau buồn, chừng nào còn một mảnh đất của ông cha để lại, dù nhỏ bé hay xa xôi đến đâu, vẫn bị ngoại bang chiếm cứ trái phép mà mình chưa giành lại được. Riêng đối với tôi, cảm xúc ấy càng sâu đậm hơn vì vụ Trung Cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa xẩy ra ngay sau khi tôi được giao phó trách nhiệm điều khiển Bộ Ngoại Giao chưa đầy ba tháng (ngày 08.11.1973), nên vụ ấy đã là thử thách đầu tiên mà tôi phải đối phó trong chức vụ ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Sau đây tôi sẽ ghi lại sơ lược những chuyện tôi còn nhớ và những điều tôi suy ngẫm về biến cố Hoàng Sa. Làm công việc ấy, tôi sẽ cố gắng hoàn toàn tôn trọng sự thật. Thảng hoặc có điều gì thiếu sót hoặc sai lạc ít nhiều về chi tiết thì cũng chỉ là vì thiếu tài liệu tra cứu (tôi không đem theo mình bản chính hay bản sao các văn kiện lưu trữ tại Bộ về vấn đề này), hoặc vì trí nhớ đã suy giảm theo thời gian (tôi đã đến tuổi tám mươi).

1/ Phần đóng góp của Bộ Ngoại Giao
Trong thời kỳ sôi động đã chứng kiến vụ hải chiến Hoàng Sa, Bộ Ngoại Giao VNCH có đóng góp vào nỗ lực bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của toàn quân toàn dân miền Nam hay không, và nếu có thì dưới hình thức nào?
Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết tôi cần minh xác là Bộ Ngoại Giao cũng như cá nhân tôi không hề được Tổng Thống hay quý vị Tổng Trưởng Quốc Phòng, Tổng Tham Mưu Trưởng, Tư Lệnh binh chủng hoặc Tư Lệnh vùng tham khảo ý kiến hay thông báo diễn tiến về các vấn đề quân sự, các cuộc hành quân… Đây cũng là một điều tự nhiên và hợp lý vì các nhân viên Bộ Ngoại Giao cũng như cá nhân tôi không có thẩm quyền pháp định hay kiến thức chuyên môn trong lãnh vực này. Ngược lại, dĩ nhiên chúng tôi được tham khảo ý kiến và trình bày đề nghị của mình về khía cạnh quốc tế mà các vấn đề hay các hành động ấy có thể đặt ra. Chẳng hạn, trong vụ Hoàng Sa, Bộ Ngoại Giao đã đề nghị và dự thảo bản Tuyên Cáo ngày 14.02.1974 của Chính Phủ VNCH nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau vụ xâm lược của Trung Quốc.
Tôi không nhớ có một phiên họp của Nội Các VNCH vào ngày 17.01.1974 hay không, nếu có thì phiên họp ấy đã đề cập tới những vấn đề gì và đưa ra những quyết định nào liên quan đến vụ Hoàng Sa. Trái lại, tôi còn nhớ có tham dự một cuộc họp cấp cao ở miền duyên hải Trung Phần để thảo luận về vụ Hoàng Sa, sau khi quần đảo này đã bị Trung Cộng cưỡng đoạt. Tôi nhớ trong buổi họp này có mặt Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đại tướng Cao Văn Viên và mấy vị khác mà ngày nay tôi không còn nhớ rõ tính danh và chức vụ. Tôi còn nhớ một chi tiết qua phần trình bầy của đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng: vì khoảng cách quá xa giữa Đà Nẵng và quần đảo Hoàng Sa, máy bay của ta dù có trang bị thêm những bầu chứa nhiên liệu cũng chỉ có thể tác chiến trên vùng trời Hoàng Sa khoảng mười lăm phút mà thôi, do đó ta không thể cung cấp cho quân đổ bộ hay quân đồn trú của ta trên đảo một sự yểm trợ không lực hữu hiệu. Tuy không có sự hiểu biết chuyên môn về vấn đề, tôi cũng ý thức được là trong một cuộc chiến hiện đại, nếu không đem lại cho các lực lượng đổ bộ không-yểm đầy đủ thì toan tính cho quân đổ bộ chiếm lại quần đảo Hoàng Sa sẽ chỉ là một hành động phiêu lưu vô vọng.
Trong phạm vi nhiệm vụ của mình, Bộ Ngoại Giao đã góp phần vào cuộc tranh đấu của toàn dân Miền Nam Việt Nam để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Sự đóng góp ấy đã thể hiện dưới nhiều hình thức, trước cũng như sau ngày Trung Cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa.

(a) Trước ngày 19.01.1974
- Ngày 11.01.1974, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đột nhiên tuyên bố rằng quần đảo Tây Sa (chỉ quần đảo Hoàng Sa của ta) và quần đảo Nam Sa (chỉ quần đạo Trường Sa của ta) thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Lời tuyên bố ngang ngược này không phải chỉ là một lời phát biểu bừa bãi trong lúc bốc đồng mà chính là khởi điểm của mưu đồ thôn tính bằng vũ lực một phần lãnh thổ của Việt Nam. Quả vậy, sau đó Trung Cộng đã cho một số tầu đánh cá có vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa và đổ bộ lên những hòn đảo không có quân lực VNCH đồn trú.
- Ngay ngày hôm sau, 12.01.1974, với tư cách Ngoại Trưởng VNCH, tôi đã chính thức và cương quyết lên tiếng bác bỏ lời tuyên bố vô căn cứ của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc và lên án hành động gây hấn của nước này.
- Ngày 16.01.1974, cũng với tư cách Ngoại Trưởng VNCH, tôi đã gửi công điệp cho ông Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để lưu ý Hội Đồng Bảo An tới tình hình căng thẳng nghiêm trọng gây ra bởi lời tuyên bố ngang ngược và những hành vi trái phép của Trung Cộng trong vùng Hoàng Sa, có khả năng đe dọa hòa bình và an ninh tại vùng này. Chính phủ VNCH yêu cầu Hội Đồng Bảo An LHQ ban bố mọi biện pháp thích nghi để cải thiện tình hình.

(b) Sau ngày 19.01.1974
- Ngày 19.01.1974, khi trận hải chiến Hoàng Sa khởi diễn, dựa trên những tin tức đầu tiên nhận được, Bộ Ngoại Giao đã đưa ra tuyên cáo lên án ‘chánh sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi, đã được biểu lộ qua cuộc thôn tính Tây Tạng, cuộc xâm lăng Đại Hàn và Ấn Độ trước kia’ và ‘kêu gọi toàn thể các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình hãy cương quyết lên án các hành vi chiến tranh thô bạo… buộc Trung Cộng phải tức khắc chấm dứt các hành động nguy hiểm đó’. Bản tuyên cáo kết luận: “Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh tổ quốc gia”(1).

---------------------

(1) Toàn văn bản Tuyên Cáo 015 / BNG / TTBC / TT có được đăng trong sách của Ô. Vũ Hữu San – Trần Đỗ Cẩm, ‘Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa’, tr. 160, 161.

-----------------------
- Ngày 20.01.1974, khi chiến sự còn tiếp diễn trong vùng Hoàng Sa, tôi đã gửi công hàm cho ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc để yêu cầu vị này, chiếu điều 99 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, lưu ý Hội Đồng Bảo An về tình hình nghiêm trọng gây ra bởi hành động xâm lược của Trung Cộng.
- Ngày 21.01.1974, Bộ Ngoại Giao VNCH đã gửi văn thư cho các quốc gia thành viên của Hội Nghị Quốc Tế Paris về Việt Nam, trong đó có Trung Cộng (Hội Nghị này được dự liệu ở điều 19 của hiệp định Paris ngày 27.01.1974 về Chấm Dứt Chiến Tranh và Tái Lập Hòa Bình ở Việt Nam), để cảnh báo về hiểm họa gây ra bởi việc Trung Cộng dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
- Cũng ngày 21.01.1974, tôi đã triệu tập một buổi họp các trưởng nhiệm sở của tất cả các sứ quán nước bạn ở Sài Gòn tại trụ sở Bộ Ngoại Giao, để tố cáo hành động xâm lược của Trung Cộng và yêu cầu các nước bạn của VNCH lên tiếng bầy tỏ thái độ và ban hành những biện pháp thích hợp trước biến cố này.(2)

---------------------------------

(2) Xin xem Vũ Hữu San – Trần Đỗ Cẩm, sách đã viện dẫn, tr. 214-216.
------------------------------
- Ngày 14.02.1974, Chính Phủ VNCH công bố một bản Tuyên Cáo, long trọng xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định Việt Nam Cộng Hòa sẽ tiếp tục đấu tranh để tái lập và bảo vệ chủ quyền của mình trên những hải đảo ấy. Tuy vẫn sẵn sàng giải quyết mọi tranh chấp quốc tế bằng đường lối ôn hòa, điều này không có nghĩa là Việt Nam chấp nhận từ bỏ chủ quyền của mình trên một phần nào của lãnh thổ quốc gia. Bản tuyên cáo này do Bộ Ngoại Giao đề xướng và dự thảo.
- Ngày 22.03.1974, với tư cách Ngoại Trưởng VNCH, tôi đã đến New York hội kiến với Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kurt Waldheim tại trụ sở Liên Hiệp Quốc để tái xác định lập trường của VNCH về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.
- Tháng 6.1974, nhân dịp Liên Hiệp Quốc triệu tập Hội Nghị Quốc Tế về Luật Biển tại Caracas, thủ đô Venezuela (Nam Mỹ), tôi đã đích thân hướng dẫn phái đoàn VNCH đến tham dự hội nghị này, với chủ đích là xác định, trước một hội nghị quốc tế quan trọng, rằng Hoàng Sa và Trường Sa là phần bất khả phân ly của lãnh thổ Việt Nam. Có lẽ họ cũng dự đoán được ý định của ta nên phái đoàn Trung Cộng đã rời bỏ phòng hội nghị ra ngoài khi tôi bước lên diễn đàn để phát biểu, nhưng sự cố này cũng không ngăn cản được phái đoàn VNCH chính thức trình bầy lập trường của mình trước hội nghị luật biển Caracas.
- Giữa năm 1974, tôi đã cho lập tại Bộ Ngoại Giao một nhóm đặc trách soạn thảo Bạch Thư về Hoàng Sa – Trường Sa (White Paper on the Hoang Sa and Truong Sa islands) với nhiệm vụ thu thập và trình bầy những chứng liệu chắc chắn để chứng minh chủ quyền không thể chối cãi được của Việt Nam trên hai quần đảo này. Ấn bản Việt ngữ và Anh ngữ của công trình này đã được Bộ Ngoại Giao phổ biến rộng rãi để giúp các quốc gia và công luận trong thế giới biết rõ hơn những cơ sở chính đáng và đầy đủ tín lực chứng tỏ chủ quyền của ta trên các quần đảo này. Cuốn Bạch Thư này cũng sẽ là một tài liệu hữu ích và tiện dụng nhằm bênh vực lập trường của Việt Nam trong mọi thủ tục tố tụng hay trọng tài quốc tế mai hậu, về vấn đề chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Trong cấp thời, ngay sau khi trận hải chiến Hoàng Sa chấm dứt, Bộ Ngoại Giao VNCH đã tiến hành một cuộc vận động ngoại giao rộng rãi trên trường quốc tế để gây áp lực buộc Trung Cộng trả lại tự do cho những binh sĩ hải quân, địa phương quân và những nhân viên dân chính của ta bị địch bắt giữ trái phép trong cuộc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Cuộc vận động này đã đem lại kết quả mau chóng: ngày 17.02.1974, chưa đầy một tháng sau ngày bị chiếm cứ, Trung Cộng đã phải trao trả toàn thể bốn mươi tám tù binh VNCH cho Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế để trả về Việt Nam Cộng Hòa. Vụ bàn giao này đã diễn ra trên cầu biên giới giữa nhượng địa Hồng Kông và Hoa Lục. Vị trưởng nhiệm sở ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa ở Hồng Kông đã có mặt để chào đón các chiến sĩ anh dũng khi họ vừa được trả tự do và sắp hồi hương.
Cũng nên nhận xét là những bản tuyên cáo, những văn thư, công hàm, những bài phát biểu để tố cáo xâm lược, xác định chủ quyền, nêu rõ quyết tâm giành lại phần lãnh thổ quốc gia bị cưỡng đoạt phi pháp... không phải chỉ là những cử chỉ trống rỗng, những lời nói suông nhằm che đậy thất bại thực sự. Đó là những hành vi cần thiết, có giá trị và có hiệu lực bảo lưu chủ quyền của nước ta trên các hải đảo tranh chấp. Đó là những chứng tích không thể phủ nhận được, cho thấy rõ là khi Trung Cộng kéo quân đến chiếm Hoàng Sa, họ đã không phát hiện được một mảnh đất vô chủ, hoặc đã được Việt Nam ưng thuận nhượng dữ chủ quyền. Nếu các chiến sĩ của ta đã không chiến đấu can trường chống những kẻ đã ngang ngược xâm phạm bờ cõi của nước ta, nếu chính phủ ta đã lẳng lặng cam chịu thì sau này chúng ta dựa vào đâu để chống lại lời biện bác của địch là chính Nhà Nước và nhân dân Việt Nam cũng không tin chắc mình có chủ quyền thực sự trên quần đảo tranh chấp, và dẫu sao thì cũng đã mặc nhiên chấp nhận sự kiện Trung Quốc tự nhận là chủ phần đất này.
Suy ngẫm về sự đóng góp của Bộ Ngoại Giao VNCH, tôi cũng đã có những nỗi băn khoăn, những cảm xúc trái ngược mà một vài vị sĩ quan Hải Quân VNCH đã biểu lộ khi bàn về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Một mặt các vị ấy tỏ ra tự hào (phản ứng này thực chính đáng) về cuộc chiến đấu dũng cảm và tinh thần phục vụ cao của đồng đội trong trận này, chứng tỏ họ xứng đáng là thừa kế của những bậc anh hùng đã từng ‘đoạt sáo Chương Dương độ, cầm hồ Hàm Tử quan’. Nhưng mặt khác, các vị ấy cũng cảm thấy bùi ngùi vì nhận xét là rốt cuộc, quần đảo Hoàng Sa đã mất, nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa đã không chu toàn.
Cũng như vậy, một mặt tôi cảm thấy phấn khởi và tự hào vì thấy rằng, trong thời kỳ sôi động ấy, các anh chị em nhân viên Bộ Ngoại Giao, từ cấp chỉ huy đến cấp thừa hành, đã tận tụy phục vụ để hỗ trợ đắc lực và kịp thời cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhưng mặt khác, tôi không khỏi đau buồn khi nhận thấy là mục đích tối hậu của cuộc vận động ngoại giao lớn rộng của ta đã không đạt được, mục đích ấy là dấy lên được trên chính trường và trong dư luận quốc tế một làn sóng chống đối và lên án Trung Cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa, khiến cho họ phải chùn bước rút quân, trả lại quần đảo ấy cho chân chính sở hữu chủ là Việt Nam. Có thể cuộc vận động ngoại giao của chúng ta đã gặt được một vài kết quả cục bộ, như là làm cho Trung Cộng phải sớm trả lại tự do cho những người Việt bị họ giữ trái phép, đồng thời phải tạm ngưng bước chân xâm lăng trên Biển Đông. Nhưng sự thật chua chát vẫn là Hoàng Sa bị cướp mất năm 1974 và chưa được trả lại.
Sự trạng này gợi lên một câu hỏi: thất bại ấy vì đâu? vì thời thế quá bất lợi cho ta đến nỗi sức người không vượt nổi trợ lực, hay chỉ vì chúng ta thua tài kém trí?

2/ Thời thế bất lợi
Bàn về những khó khăn gặp phải trong công cuộc bảo vệ và khôi phục chủ quyền của nước ta trên quần đảo Hoàng Sa, hầu hết mọi người đều đồng ý là bối cảnh quốc tế đã trở nên bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa, chủ yếu là do sự xích lại gần nhau giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ sau chuyến viếng thăm Trung Hoa của Tổng Thống Nixon năm 1972. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Ta cần phân tích sâu xa hơn tình hình thế giới và Việt Nam vào thời kỳ đầu thập kỷ 1970, nhiên hậu mới có được một ý niệm chính xác hơn về mức độ của những trở lực mà VNCH gặp phải trên đường đi đòi công lý về vụ Hoàng Sa.

(a) Bối cảnh quốc tế
Một sự kiện đáng để ý là, ba tháng trước khi cuộc tranh chấp Hoàng Sa bùng nổ (19.01.1974), một cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhưng ác liệt đã xẩy ra ở vùng Trung Đông. Đó là cuộc chiến tranh Yom Kippour, khởi đầu với vụ quân đội Ai Cập (Egypte) bất thần tấn công quân đội Israel ở vùng kênh đào Suez, ngày 06.10.1973, trong lúc Do Thái đang cử hành lễ Yom Kippour. Ba ngày sau đó, liên quân Syrie, Irak và Jordanie tấn công Israel trên mặt trận đồi Golan. Tình hình trở nên cực kỳ nghiêm trọng sau khi Liên Xô tiếp tế nhiều vũ khí hiện đại cho các nước Ả Rập tham chiến và Hoa Kỳ hỏa tốc tiếp tế võ khí cho Israel. Như đổ dầu vào lửa, các quốc gia Ả Rập có chân trong tổ chức các quốc gia xuất cảng dầu lửa (O.P.E.C hay O.P.E.P) nhóm họp tại Koweit ngày 17.10.1973 quyết định giảm đáng kể mức khai thác dầu hỏa, đồng thời giảm số lượng dầu xuất khẩu sang các nước Tây Âu và Hoa Kỳ. Cuộc khủng hoảng gây ra bởi cuộc chiến tranh Yom Kippour trầm trọng đến mức tổng thống Hoa Kỳ Nixon đã phải đặt các lực lượng vũ trang nguyên tử của Mỹ vào tình trạng báo động. Nhờ có thương thuyết trực tiếp giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, một quyết nghị hưu chiến đã được biểu quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 10.1974, rồi một lực lượng mũ xanh do Liên Hiệp Quốc tập hợp đã được gửi tới chiến địa để kiểm soát tình hình vẫn căng thẳng và chiến sự có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Hơn nữa, quyết định của các nước Ả Rập trong O.P.E.C hạn chế sản xuất và xuất khẩu dầu lửa đã đẩy thế giới đi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng ấy, thử hỏi làm sao có thể thuyết phục các nước Tây Phương và các nước trong thế giới đệ tam chú mục đến một cuộc tranh chấp về một quần đảo nhỏ ở Biển Đông và kiên quyến đòi kẻ xâm lăng phải rút khỏi nơi đó, nhất là khi kẻ xâm lăng này lại là một nước lớn mạnh?

(b) Bối cảnh quốc nội
Theo thiển ý của tôi, một trở lực còn to tát hơn cả trở lực gây ra bởi tình trạng thế giới bất ổn định sau cuộc chiến tranh Yom Kippour ở Trung Đông, đó là tình trạng chia rẽ ở Việt Nam vào thời kỳ hải chiến Hoàng Sa.
Thực vậy, lịch sử nước ta cho thấy rằng tuy luôn luôn có xu thế bành trướng lãnh thổ và ảnh hưởng về phía Nam, Trung Quốc vẫn phải ngưng chân hay lui bước khi dân tộc ta đoàn kết chặt chẽ. Trong quá khứ, sau khi Thoát Hoan trốn chạy về Tàu hay sau khi Tôn Sĩ Nghị lội sông tháo lui, khởi thủy triều đình Trung Hoa cũng dự tính xua quân sang xâm lược Việt Nam lần nữa, nhưng sau lại bỏ ý định đó và nhận lời cầu hòa vì ngại phải đụng độ một lần nữa với khí thế Diên Hồng, với khối đoàn kết keo sơn của toàn dân Việt Nam. Từ những kinh nghiệm ấy, ta có thể suy ra rằng muốn làm nản lòng hay đánh bại một cuộc xâm lăng lãnh thổ Việt Nam phát xuất từ phương Bắc, điều kiện cần thiết đầu tiên là dân tộc Việt Nam phải tạo thành một khối rắn chắc, phát huy một ý chí chung là đồng lòng chống ngoại xâm.
Điều kiện thiết yếu này đã vắng bóng một cách tuyệt vọng khi xẩy ra vụ Hoàng Sa. Chính quyền cộng sản Hà Nội đã hoàn toàn giữ im lặng và bất động khi Trung Cộng tung ra huyền thoại về chủ quyền của họ trên quần đảo Hoàng Sa cũng như khi Trung Cộng ngang nhiên dùng vũ lực cướp đoạt quần đảo. Hà Nội đã không nói một lời ủng hộ nào, hay phác họa một cử chỉ nào để yểm trợ Việt Nam Cộng Hòa trong nỗ lực phải đối, chống trả bọn xâm lăng nước ngoài và yêu sách chúng phải hoàn trả Hoàng Sa cho Việt Nam. Thái độ bàng quan tiêu cực ấy dĩ nhiên đã làm cho bọn xâm lược vững lòng hơn để tiếp tục hành động trái phép, cũng như đã triệt tiêu phần lớn tín lực và hiệu quả của những điều khẳng quyết của Việt Nam Cộng Hòa, theo đó quần đảo Hoàng Sa chính thức thuộc chủ quyền của mình và toàn dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền này.
Không phải chúng ta không ý thức được nhược điểm ấy, hay không hiểu rằng tiếng nói của chúng ta trên trường quốc tế sẽ được để ý nhiều hơn nếu ta chứng minh được là, bất luận những trục trặc khó khăn còn gặp phải trong quá trình thi hành Hiệp Định Paris 27.01.1973 về Chấm Dứt Chiến Tranh và Tái Lập Hòa Bình ở Việt Nam, hai miền Nam Bắc vẫn có thể ngồi với nhau thương nghị để cùng lo liệu về những quyền lợi cơ bản của đất nước Việt Nam. Quả vậy, đã ba lần trong năm 1974, với tư cách Ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa, tôi đã đề nghị đến gặp Bộ Trưởng Ngoại Giao của chính quyền Hà Nội để cùng thảo luận về những vấn đề đất nước, trong cuộc họp báo ngày 26.02.1974 tại Trụ sở Bộ Ngoại Giao ở Sài Gòn, trong một cuộc họp báo ngày 16.05.1974 cũng ở Sài Gòn, và sau hết vào ngày 20.07.1974, nhân dịp đưa ra bản tuyên cáo kỷ niệm ngày chia đôi đất nước. Cả ba lần đó, Hà Nội đều làm ngơ không đáp ứng tích cực, chắc vì họ tin vào đường lối chinh phục miền Nam bằng bạo lực, không kể gì đến Hiệp Định Paris. Trong hoàn cảnh ấy, Trung Cộng không có cớ gì để e ngại và thế giới không có lý do gì để tin chắc là nhân dân Việt Nam, muôn người như một, cương quyết đứng lên chống lại những kẻ dòm ngó các quần đảo trong Biển Đông thuộc lãnh thổ của Việt Nam.

(c) Cơ chế quốc tế bất lợi cho ta
Môt trở lực đáng kể khác cho sự thỏa mãn nguyện vọng chính đáng của Việt Nam về vấn đề Hoàng Sa là, trong hiện trạng của các cơ quan quốc tế có thẩm quyền và nhiệm vụ giải quyết những vụ tranh chấp lãnh thổ, đơn khiếu nại của Việt Nam Cộng Hòa chống Trung Quốc về vụ Hoàng Sa rất ít hy vọng thụ lý và phán xét.
Cơ quan đầu tiên được mọi người nghĩ đến là Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Thực vậy Hội Đồng Bảo An là cơ quan Liên Hiệp Quốc có trách nhiệm duy trì an ninh và hòa bình quốc tế, mà vụ Trung Cộng xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa có thể được xem như một hành động đe dọa an ninh và hòa bình trên thế giới. Do đó, Hội Đồng Bảo An có thẩm quyền biểu quyết những biện pháp chế tài (sanctions) và đòi các quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc thi hành những biện pháp ấy chống với quốc gia bị xác định là đe dọa hòa bình hoặc đã có hành vi xâm lược (điều 39 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc). Tuy nhiên, vì Trung Quốc là một trong năm quốc gia hội viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An nên không có triển vọng là cơ quan này biểu quyết như vậy chống Trung Quốc.
Cũng không có triển vọng là Tòa Án Quốc Tế (International Court of Justice) sẽ thụ lý đơn kiện của Việt Nam Cộng Hòa chống Trung Cộng. Điều này không liên quan gì đến sự kiện VNCH chỉ là “quan sát viên” chứ không phải “thành viên thực thụ” của Liên Hiệp Quốc, mà chỉ vì thủ tục được áp dụng trước Tòa Án Quốc Tế, theo đó Tòa này chỉ thụ lý vụ tranh chấp nếu quốc gia bị cáo minh thị chấp thuận sự xét xử ấy.(3)
Ngay cả trong trường hợp vạn nhất hồ sơ vụ tranh chấp Hoàng Sa được chuyển sang Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc để biểu quyết, ta cũng rất ít có hy vọng tìm thấy ở đó một đa số áp đảo để lên án Trung Cộng xâm lăng, căn cứ trên những thực tại ghi trong phần ‘Bối Cảnh Quốc Tế’ ở trên, căn cứ trên sự kiện là theo kết quả cuộc biểu quyết tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp nhận cho Trung Cộng gia nhập Liên Hiệp Quốc thay thế cho Trung Hoa Quốc Gia với 76 phiếu thuận, 36 phiếu chống và 17 phiếu trắng ngày 26.10.1971, mới khoảng hơn hai năm trước ngày hải chiến Hoàng Sa. Với vị thế thuận lợi ấy, Trung Cộng không có lý do lo sợ là họ sẽ bị Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết, với đa số cần thiết, lên án và trừng phạt họ về vụ Hoàng Sa.

3/ Thái độ của Hoa Kỳ về vụ Hoàng Sa
Như đã trình bày trên đây, trong phần viết về sự đóng góp của Bộ Ngoại Giao, sau khi Trung Cộng xâm nhập hải phận Hoàng Sa và có hành động gây hấn để xâm phạm chủ quyền của ta trong vùng này, chúng ta đã tố cáo những hành vi phi pháp ấy và kêu gọi sự hỗ trợ để chống lại cuộc xâm lược ấy với Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thân hữu, trong đó có Hoa Kỳ nhưng không phải chỉ có Hoa Kỳ.
Phản ứng của Hoa Kỳ đã rõ ràng. Trước hết qua đường lối liên lạc ngoại giao, sau đó qua những lời tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại Giao Mỹ, Hoa Kỳ cho hay rằng họ không muốn dính dáng vào một vụ tranh chấp có nguồn gốc khá phức tạp trong lịch sử; họ cầu mong giữa đôi bên có được sự dàn xếp hòa bình. Nói rõ hơn, Hoa Kỳ không muốn can thiệp vào vụ này, không muốn đứng hẳn vào một bên để chống lại bên kia.
Những lý do đã thúc đẩy Hoa Kỳ chọn lựa thái độ ấy, theo ý tôi, là những lý do sau đây:
- Khi ký kết Hiệp Định Paris ngày 27.01.1973 về Chấm Dứt Chiến Tranh và Tái Lập Hòa Bình ở Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ đã dứt khoát lựa chọn đường lối giải kết ở Việt Nam nên không muốn vì vụ Hoàng Sa mà lại phải can thiệp trở lại ở đây. Một vụ đảo ngược chính sách bất thần như vậy có khả năng làm cho chính quyền gặp nhiều khó khăn tại Quốc Hội, trong dư luận quần chúng và với các nước đồng minh.
- Sau chuyến công du của Tổng Thống Nixon sang Trung Quốc năm 1972, Trung Quốc đã trở thành ‘đồng minh khách quan’ của Hoa Kỳ để kìm chân và chống lại Liên Xô. Hoa Kỳ không muốn mối quan hệ chiến lược hệ trọng này bị rạn nứt hay bị đứt đoạn vì vụ Hoàng Sa.
- Như đã trình bày trong phần ‘Bối Cảnh Quốc Tế’, cuộc chiến tranh Yom Kippour hồi tháng 10 năm 1973 đã gây ra một tình trạng căng thẳng rất nguy hiểm tại Trung Đông và một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng trên thế giới. Chúng ta đều biết tầm quan trọng hàng đầu của vùng Trung Đông đối với Hoa Kỳ, về các mặt kinh tế, chính trị, chiến lược. Bởi vậy, trong thời kỳ hậu Yom Kippour, Hoa Kỳ không thể tự cho phép mình phân tán mỏng lực lượng quân sự của mình trên nhiều điểm nóng trên thế giới. Do đó, họ muốn tránh một cuộc đương đầu với Trung Quốc trong vùng Thái Bình Dương về vụ Hoàng Sa.
Tôi thấy mấy lý do quan trọng ấy cũng đủ làm ta hiểu tại sao Hoa Kỳ đã lựa chọn thái độ bàng quan trước vụ tranh chấp Hoàng Sa giữa Trung Quốc và ta, khỏi cần phải đề cập đến giả thuyết là đã có một thỏa ước ngầm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để nước này mặc sức làm mưa làm gió trong vùng Biển Đông. Cũng cần xác minh rằng trên đây là một cố gắng phân tích khách quan để hiểu tại sao Hoa Kỳ có thái độ ‘người dưng’ trong vụ Hoàng Sa, chứ không hàm ý bênh vực hoặc chê bai. Nếu có nghĩ ngợi thì cũng chỉ là nhớ đến một câu nói bất hủ của một chính khách Pháp: “Một nước lớn không có bạn thân mà chỉ có những quyền lợi”.

4/ Về câu chuyện nổ súng mà mất đảo
Có dư luận cho rằng, mặc dù bị Trung Cộng khiêu khích, nếu chùng ta không đánh thì tình hình Hoàng Sa vẫn chưa ngã ngũ và Trung Cộng vẫn không chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa.
Bản tính tôi ưa bàn về những chuyện có thực, những lý luận có căn cứ trên những sự kiện có thực, chứ không muốn luận bàn về những giả thuyết và những phỏng đoán vô bằng. Tôi có bị ảnh hưởng của câu châm biếm phổ thông của dân Pháp: “Với những chữ ‘nếu’ người ta có thể bỏ thủ đô Paris vào trong một cái lọ”.
Tuy nhiên, tôi thiển nghĩ giả thuyết nhắc lại trên đây không đứng vững nếu ta để ý đến mấy nhận xét theo lương tri thông thường sau đây:
- Không phải vì con đà điểu chúi đầu xuống cát để khỏi trông thấy, nghe thấy nữa mà nguy hiểm sẽ tan biến đi. Như lời một chính khách Mỹ mà đời sống bị đe dọa đã nói: “Làm gì có an ninh trong sự lủi trốn?”. Nếu hồi tháng 1 năm 1974, Hải Quân của ta không nổ súng trước sự xâm lăng trắng trợn của đối phương mà lại lẳng lặng rút đi thì điều đó chắc sẽ có hậu quả khuyến khích Trung Cộng xúc tiến việc thôn tính các hải đảo còn lại của ta ở Biển Đông vì không gặp chống đối, hơn là thúc giục họ giữ nguyên hiện trạng.
- Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa (rồi Trường Sa về sau này) hẳn là theo một kế hoạch đã soạn thảo từ lâu và ở cấp cao nhất, nhằm biến vùng Biển Đông thành một thứ ‘biển nhà, ao nhà’ (Mare Nostrum), chứ không thể là kết quả của một phút bốc đồng, trong một cơn phẫn nộ nhất thời. Giả thuyết sau trái với những nhận xét kinh nghiệm của ta về bản tính của người Hán tộc: họ thường mưu trí, tính toán, chứ không phải là thứ người nông nổi, bốc đồng.
- Nếu quả thực Trung Cộng giận dữ vì Hải Quân ta nổ súng sáng ngày 19.01.1974 đến mức xâm chiếm ngay, không nghĩ ngợi, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thì trong cơn giận dữ ấy, họ đã hạ sát ngay những người Việt bị bắt làm tù binh, hay ít ra cũng giam cầm họ lâu ngày và mở ra những vụ án để hài tội chứ không đời nào lại phóng thích ngay sau vài ba tuần lễ.
- Không thể nói rằng chính quyền cộng sản Hà Nội đã có thái độ khiêu khích Trung Cộng hay đã luôn biểu lộ thái độ đối kháng với Trung Cộng. Không ai nói là chiến hạm của chính quyền Hà Nội đã nổ súng trước, bắn vào hạm đội Trung Cộng. Vậy mà thái độ hòa hoãn, nhường nhịn ấy không ngăn cản Trung Cộng đầu năm 1988 đưa hải quân xuống chiếm cứ một số hải đảo trong quần đảo Trường Sa.(4)
Những nhận xét trên đây cho ta nghĩ là sự kiện Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã khai hỏa ở Hoàng Sa ngày 19.01.1974 không phải là nguồn gốc của vụ Trung Cộng quyết định chiếm trọn quần đảo này.

5/ Có hy vọng khôi phục chủ quyền trên đảo Hoàng Sa không?
Bài học mà chúng ta có thể rút ra từ kinh nghiệm Hoàng Sa 1974, theo thiển ý của tôi, gồm hai mặt, như mặt phải mặt trái của một đồng tiền:
- Trong công cuộc bảo vệ những quyền lợi sống còn của đất nước, chúng ta không thể trông cậy ở người ngoài mà chỉ có thể trông chờ ở chính mình. Thế giới biến chuyển không ngừng, các cuộc liên minh quốc tế luôn đổi thay theo quyền lợi riêng ở mỗi quốc gia. Vì thế ta không thể ỷ lại vào bên ngoài mà chỉ nên trông cậy ở mình. Như lời của một vị cách mệnh lão thành đã nói: “Trông chờ ở người ngoài là chết” (vọng ngoại tắc tử).
- Nói về chuyện trông cậy ở chính mình, chúng ta nên nhớ là nước ta không có đất rộng mênh mông, không có tài nguyên vô tận, không có biên thùy hiểm trở chẳng thể vượt qua. Sức mạnh của chúng ta chỉ tìm thấy ở bàn tay và khối óc của người dân. Vì vậy chúng ta chỉ mạnh khi dân chúng ta hợp thành một khối đoàn kết vững vàng, tuy bao gồm nhiều sắc thái khác nhau nhưng tất cả cùng chung một ý chí sắt đá bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Điều này giả thiết một chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân, không để chỗ cho chuyên quyền độc đoán.
Vận nước nào cũng có khi thăng khi trầm, quốc gia nào cũng có lúc suy lúc thịnh. Khi thời cơ đã trở nên thuận lợi cho Việt Nam, chúng ta có thể đặt lại vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa với Trung Quốc và đòi họ trả lại quần đảo này cho Việt Nam, hoặc qua thương thuyết tay đôi, hoặc qua một phán quyết trọng tài hay tài phán quốc tế, hoặc do sự tranh đấu can trường và bền bỉ của quân dân Việt Nam.
Ngày 15.05.1974, trong dịp điều trần về chính sách ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa trước Ủy Ban Ngoại Giao và Thông Tin, Thượng Viện VNCH, về vấn đề Hoàng Sa, tôi đã kết luận: “Vụ Hoàng Sa nhất định chưa là chấm dứt”.
Ba mươi ba năm sau, khi viết những dòng này, tôi vẫn nghĩ như vậy.

Paris, ngày 02.04.2007

Vương Văn Bắc


Chú thích:

(1) Toàn văn bản Tuyên Cáo 015 / BNG / TTBC / TT có được đăng trong sách của Ô. Vũ Hữu San – Trần Đỗ Cẩm, ‘Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa’, tr. 160, 161.
(2) Xin xem Vũ Hữu San – Trần Đỗ Cẩm, sách đã viện dẫn, tr. 214-216.
(3) Xin xem “Encyclopedia Britannica’, ‘International Court of Justice’: States which have not accepted compulsory jurisdiction may not be sued without their consent.
(4) Xin xem sách ‘Cộng Sản Trên Đất Việt’ quyển II, tr. 356, tác giả GS Nguyễn Văn Canh, Kiến Quốc Phát Hành 2002.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét