Điều chưa từng kể về trận tử thủ trên đảo Hoàng Sa
08:10 | 18/03/2014
40 năm sau trận chiến ở Hoàng Sa, các cựu binh tham chiến ngày xưa giờ đã già yếu. Suốt bao năm qua, họ là những chứng nhân lịch sử thầm lặng. Những câu chuyện của họ giá trị hơn bất cứ cuốn sách giáo khoa nào...
PV Dân trí tại Huế đã có cuộc gặp gỡ với một trong các cựu binh hiếm hoi tham gia trận tử thủ trên đảo Hoàng Sa.
Chứng nhân lịch sử
Chúng tôi đến gặp ông Võ Hà (đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Huế) trong một chiều mưa tầm tã của xứ Huế. Người đàn ông đã ngoài 60 tuổi với mái tóc pha sương, chậm rãi nhắc về những ký ức cũ.
Tham gia trận Hải chiến Hoàng Sa khi chỉ mới 26, năm nay ông Hà đã 66 tuổi. Bốn mươi năm trước, ông là Trung úy, cấp bậc Đại đội phó thuộc Liên đoàn 8 Công binh kiến tạo, chuyên môn xây dựng cầu đường (thuộc Quân đội Việt Nam Cộng hòa).
Sau năm 68, cả miền Nam tổng động viên, lúc bấy giờ ông đang học cầu đường nên được biên chế vào công binh phụ trách kiến tạo, xây dựng.
Trước khi trận hải chiến 19/1/1974 nổ ra, phía Việt Nam Cộng hòa đã cử người ra đo đạc khảo sát tại đảo Hoàng Sa với ý định xây dựng sân bay dã chiến, lập bãi mìn xung quanh đảo đề phòng những cuộc tấn công của Trung Quốc. Do từ Đà Nẵng đi tàu ra đến Hoàng Sa cần 1 ngày đến 1 ngày rưỡi (170 hải lý), khoảng thời gian đó quá lâu nên cấp trên quyết định xây dựng sân bay dã chiến để rút ngắn thời gian đi lại và có chỗ để tiếp nhiên liệu cho máy bay, chuẩn bị cho những tình huống xấu nếu xảy ra chiến tranh. Kế hoạch chỉ mới kịp triển khai thì chiến sự đã nổ ra, cứ như phía Trung Quốc đã nắm thông tin từ trước.
Ông Võ Hà hiện ở nhà bán vật liệu xây dựng. Ông là người đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong trận Hải chiến Hoàng Sa lịch sử
Nhiệm vụ theo đoàn ra Hoàng Sa lúc đó được giao cho một người bạn của tôi là Thiếu úy Trung đội trưởng. Nhưng lúc đó nó mới cưới vợ, chỗ bạn bè với nhau nên tôi đã đi giúp bạn, trong thâm tâm vẫn chỉ nghĩ đó là một chuyến đi công tác vài ngày.
Đoàn công binh nhận nhiệm vụ đo đạc khảo sát có tất cả 6 người. Trưởng đoàn là Thiếu tá Hồng (Phạm Văn Hồng). Tôi là Phó đoàn, cùng Hạ sĩ Nguyễn Văn Cúc là phụ tá của tôi và một cố vấn Mỹ, ông Gerald Kosh. Sĩ quan liên đoàn 10 công binh chiến đấu là Trung úy Đá. Và một số người nữa hiện tôi không nhớ lắm. Đúng 5h chiều, ngày 15/1 đoàn lên tàu HQ 16 đi ra Hoàng Sa.
Khoảng lặng trước "cơn bão"
Khoảng 9h sáng hôm sau, đảo Hoàng Sa hiện ra trước mắt chúng tôi. Lúc bấy giờ xung quanh đảo là san hô ngầm, Tuần Dương Hạm phải dừng cách đảo 1 hải lý, chúng tôi xuống canô chạy đến cầu tàu Lệ Thủy (cầu được xây dựng thời Ngô Đình Diệm đặt tên con gái ông là Ngô Đình Lệ Thủy) dài 300 mét và đi bộ qua bãi cát thêm 200 mét nữa. Hành trang lúc đó chỉ có máy trắc địa, lương thực, đồ đạc quân dụng.
Đảo Hoàng Sa lớn chỉ to khoảng bằng cồn Hến của Huế với diện tích cỡ 1x1,5km. 4 góc của đảo đóng 4 lô cốt phòng thủ. Ở chính giữa đảo là lô cốt chỉ huy. Đóng trên đảo là một trung đội địa phương quân thuộc Tiểu khu Quảng Đà do Thiếu úy Diêm chỉ huy, khoảng 35 người.
Ngoài trung đội phòng thủ, trên đảo còn có một đài khí tượng thủy văn do Đà Nẵng quản lý với 2 nhân viên túc trực ngày đêm thu nhận bản tin khí tượng và gửi vô tuyến điện về. Doanh trại trên đảo Hoàng Sa rộng khoảng 500 mét vuông. Chỉ huy đảo quản lý binh lính khá chặt, trừ khi có nhiệm vụ tuần tra, bình thường binh lính không được mang theo súng.
Ngoài các công trình quân sự, trên đảo còn có 1 giếng nước ngọt, 1 ngôi chùa, 1 tượng Phật Quan âm và 1 nghĩa địa của người Việt Nam đi khai thác phân lân thời Ngô Đình Diệm. Những ngày đầu tiên trải qua khá bình yên, nhiều anh em thoải mái ở trần, mặc quần cộc đi bắt cá, họ không cần mang súng ống đạn dược, không khí chiến tranh gần như không hề xuất hiện ở đây.
Đảo Hoàng Sa nơi ông Hà đã cùng đồng đội đặt chân lên trước vài ngày cuộc giao tranh dữ dội nổ ra
Nhiệm vụ của đoàn là trong 1 tuần sẽ thực hiện khảo sát, đo đạc, thu thập số liệu để lên kế hoạch xây dựng sân bay dã chiến, công trình phòng thủ tại đảo Hoàng Sa lớn. Ngoài ra còn thực hiện cắm mốc chủ quyền Việt Nam lên một số đảo, bãi san hô xung quanh. Kế hoạch này nhằm đối phó với những động thái nhòm ngó Hoàng Sa của Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Xung quanh Hoàng Sa lớn cách 1-2 hải lý là khoảng 5 đảo nhỏ. Sau khi nghỉ ngời, khảo sát trắc địa đo vẽ xong, chúng tôi chạy canô qua chơi. Hàng đàn chim biển thi nhau bay ùa lên nhìn xa như những đám mây đen đang chuyển động. Anh em lên đảo lấy trứng chim chiên ăn, đổ ốp la và bắt trứng con vích nướng rất ngon. Tiếp theo là xách lựu đạn và bộc phá đi đánh cá. Chỉ cần thả một quả xuống mép nước sát đảo là hàng trăm con cá mú, hồng to bằng cái ghế lộ ra. Thiên nhiên hoang sơ nên chim cá nhiều vô kể. Ở Hoàng Sa thời ấy, cá khô, mực khô là những đặc sản không hề thiếu. Sau khi lính làm nhiệm vụ 3 tháng được trở về đất liền. Nhiều người xách cả mấy chục kí lô đặc sản về bán kiếm tiền.
Tàu lạ xuất hiện
Ngày thứ 3 lên đảo (18/1) có một chiếc tàu đánh cá lạ xuất hiện gần đảo. Binh lính đánh cờ báo hiệu (phất cờ Việt Nam cộng hòa lên để nhận dạng) nhưng chiếc tàu không đáp trả. Qua ống nhòm, chúng tôi nhận ra đó là tàu cá Trung Quốc với hai từ Hán “Nam Ngự”.
2 giờ sau, HQ16 đến và áp sát muốn đuổi tàu lạ đi thì bên dỡ lớp ngụy trang, cờ Trung Quốc. Thật ra đó là một chiếc thuyền hiện đại có trang bị súng đại liên. Tàu HQ 16 sử dụng các biện pháp như đánh tín hiệu đèn, vờn sau đuôi để đuổi tàu đi. Sự việc xảy ra nhiều lần, số lượng tàu tham gia bên Trung Quốc đã tăng lên gần chục chiếc lớn nhỏ. Phía chúng tôi có 4 chiếc tàu lớn là HQ 4, HQ 5, HQ 10 và HQ 16.
Một tuần công tác của nhóm công binh sắp kết thúc nhưng chúng tôi không thể quay trở về đất liền vì chiến sự có khả năng xảy ra bất cứ lúc nào. Đúng 10h sáng ngày 18/1, Hạm trưởng yêu cầu nhóm trở về đảo vì chúng tôi là bộ binh, nếu có chiến sự chúng tôi sẽ tham gia tử thủ trên đảo trong trường hợp xấu nhất.
Và điều ấy đã thật sự xảy ra...
Các tàu của Việt Nam tham gia trận hải chiến Hoàng Sa
Toàn cảnh trận hải chiến được ghi lại trên bản đồ
Ông Hà cho biết nhiều điều quan trọng trước đây chưa từng kể và cũng chưa báo nào có, ngoài Dân trí qua cuộc trò chuyện
Gerald Cosh (người đi bên trái) ngày trao trả tù binh ở trận Hoàng Sa (đăng trên báo The Times, số ra ngày 31/1/1974)
Nổ súng
Kho vũ khí trên đảo đã được mở ra để trang bị cho mọi người. Vũ khí lúc đó chỉ gồm 2 khẩu cối 60, 1 cây đại liên 50 thời cũ của Pháp và hơn mấy chục khẩu tiểu liên M-16.
Những ngày sau đó, Trung Quốc đổ bộ chiếm các đảo xung quanh. Đêm 18/1, một trung đội hải kích phía Việt Nam bất ngờ đổ bộ chiếm lại các đảo đó và cờ. Tôi còn nhớ rõ những tiếng pháo, súng đì đùng xung quanh và tiếng hò reo của quân mình khi thắng.
Tối cuối cùng trước khi trận chiến xảy ra, bọn tôi ngồi quây quần với nhau và đàn hát những bài hát của Trịnh Công Sơn... Sáng 19/1, có thêm 4 tàu Trung Quốc đến gần Hoàng Sa, số tàu của địch tăng gấp đôi. Trận chiến nổ ra, tàu HQ 16 (Lý Thường Kiệt) bị hỏng. Nhật Tảo chìm (Hạm trưởng tử vong). Tàu HQ 5 và HQ 4 chạy thoát. Ngoài ra còn có một chiếc bè cứu sinh của thủy thủ HQ 10 chạy được vào đảo. Họ cùng trung đội quân địa phương đóng trên đảo Hoàng Sa đã bị cô lập…
Các tàu của Việt Nam tham gia trận hải chiến Hoàng Sa
Cú ném bộ đàm của Gerald Kosh
Sau trận hải chiến trên biển phía Hải quân rút lui, đảo Hoàng Sa còn có 35 lính địa phương, đoàn công binh 6 người kể cả cố vấn Mỹ, 2 nhân viên khí tượng cùng một số thủy thủ QH 10 tấp vào.
Tàu Trung Quốc bắt đầu bắn pháo vào đảo để dằn mặt, sau loạt pháo đầu, họ đặt loa nói vọng vào bằng tiếng Việt đề nghị chúng tôi đầu hàng, nếu sau 3 tiếng không có câu trả lời họ sẽ tấn công.
Thiếu tá Hồng chạy lên đài khí tượng sử dụng máy của đài bên đó để liên lạc về Đà Nẵng xin chỉ thị. Bên Hải Quân cho biết cứ yên tâm sẽ có yểm trợ. Chúng tôi nhận được lệnh phải tử thủ, sau 3h sẽ có tiếp viện đến phá vây. Điều này làm mọi người yên lòng hơn và lên tinh thần.
Lúc bị vây trên đảo, cố vấn Mỹ duy nhất Gerald Kosh nói với mọi người hãy yên tâm, ông ta sẽ gọi cho Hạm đội 7 của Mỹ đang đi tuần gần đó vào giải vây. Hy vọng mới nhen nhóm nhanh chóng biến thành bầu không khí ảm đạm đi khi ông ta liên tiếp hét vào bộ đàm. Cuối cùng khi Kosh ném bộ đàm, chúng tôi hiểu là mình phải nhanh chóng chuẩn bị cho cuộc tử thủ mà chỉ còn chắc mình chúng tôi - đơn độc.
Toàn cảnh trận hải chiến được ghi lại trên bản đồ
Tử thủ trên đảo Hoàng Sa - điều chưa từng kể
Khoảng 10h sáng ngày 20/1, Trung Quốc cho canô chở lính đổ bộ vào đảo. Chiến thuật “biển người” tiếp tục được áp dụng, họ cho hàng trăm lính với nhiều súng ống, có cả lính thổi kèn xung phong dàn hàng ngang chạy vào từ cầu tàu Lệ Thủy - đường tiếp cận duy nhất. Chúng tôi cứ nhắm súng bắn vào từng hàng người, nhưng lính Trung Quốc đông quá, hết lớp này ngã xuống là lớp khác lại xông lên. Chẳng mấy chốc đã áp sát lô cốt phòng thủ của tôi.
Chúng tôi xả súng đến khi chỉ còn vài viên đạn trong băng thì nhận được lệnh rút về phía sau đánh cầm cự nhằm cố gắng kéo dài thời gian. Từng nhóm người rút về mỗi hướng trên hòn đảo nhỏ mong chờ sự tiếp viện.
Nhưng chúng tôi đã bị “thất hứa” khi không có quân tiếp viện nào cả. Lời của chỉ huy từ đất liền chỉ là lý do động viên tinh thần quân sĩ. Tàu HQ4 và 5 đã chạy về đất liền, kế hoạch chiếm lại Hoàng Sa cũng bị hủy bỏ. Sau này khi trở về, cấp trên giải thích với chúng tôi là nếu đánh thì chỉ thí quân. Khoảng 13h ngày 20/1, sự chống cự bị dập tắt, người hi sinh, người bị bắt.
Tôi không nhớ rõ lắm nhưng có thể dưới 20 người phía Việt Nam đã chết. Còn lại 45 người cùng 2 nhân viên khí tượng và 1 cố vấn Mỹ (tất cả 48, đây là số lượng tính cả một số lính biệt kích của phía Việt Nam đánh các đảo nhỏ xung quanh đảo Hoàng Sa vào ngày 19/1 sau đó bị Trung Quốc đánh quật trở lại và bắt sống trong ngày 20/1).
Ông Hà cho biết nhiều điều quan trọng trước đây chưa từng kể và cũng chưa báo nào có, ngoài Dân trí qua cuộc trò chuyện
Số lượng quân Trung Quốc ngã xuống không thể đếm hết, khoảng phải gần 100 nhưng họ không được tính vào các số liệu. Tôi xác nhận có người chết bên phía Việt Nam trên đảo nhưng không nhớ rõ số lượng lắm và một số bị thương vì tôi là người trực tiếp trên đảo cho đến khi bị bắt. Trong đó có Trung úy Đơn là người chết trên đảo mà tôi chứng kiến. Sở dĩ trên mạng chưa có số lượng người chết vì không có ai trực tiếp trên đảo. Mà trước đây chỉ nói đánh trên biển. Tôi là người tử thủ đảo từ đầu cho đến khi bị bắt. Báo Dân trí là báo đầu tiên có được thông tin này, trước đây các báo khác chưa có.
Chúng tôi tận mắt nhìn thấy họ (những binh sĩ sống phía Trung Quốc) lột áo quần của những xác người là đồng đội họ và ném xuống biển, tôi lạnh người và nghĩ rằng mình chết chắc rồi. Tôi xác nhận thông tin này một cách chính xác.
Cho đến 10h đêm hôm đó, một sĩ quan Trung Quốc nói với chúng tôi qua phiên dịch tiếng Việt “Chúng tôi coi các anh là tù binh”. Tù binh - Như vậy đồng nghĩa chúng tôi sẽ không bị giết.
Chúng tôi bị đưa đến đảo Hải Nam và giam lại. Nhóm sĩ quan tiếp tục bị đưa đến Quảng Châu giam chung với các tù binh Liên Xô, Ấn Độ,… Một tháng sau, nhóm tù binh đầu tiên trong đó có tôi được đưa về Thẩm Quyến để đến Hồng Kông và trả về nước.
Gerald Cosh (người đi bên trái) ngày trao trả tù binh ở trận Hoàng Sa (đăng trên báo The Times, số ra ngày 31/1/1974)
Tại Hồng Kông lúc đó có rất nhiều phóng viên nước ngoài của các báo danh tiếng như Times, The Times… đang túc trực để lấy tin về trận chiến Hoàng Sa. Về Việt Nam chúng tôi được thăng 1 cấp và phong danh hiệu “Anh Hùng Hoàng Sa” - Đó là sự tuyên dương vì chúng tôi đã không kéo cờ trắng đầu hàng. Nếu làm điều ngược lại, số phận chúng tôi sẽ là vành móng ngựa của tòa án binh.
Tôi nghĩ nếu thời gian đó, nếu chúng tôi xây dựng được bãi mìn xung quanh đảo ở những rặng san hô bao quanh và được máy bay hỗ trợ tiếp tế đạn dược và có lực lượng hỗ trợ thì mình chưa chắc thua nhanh đến thế. Việc giữ đảo là khó nhưng đánh đảo còn khó hơn vì chỉ có 1 đường duy nhất theo cầu tàu Lệ Thủy tiến vào. Mất đảo Hoàng Sa thật là điều đáng tiếc.
Đại Dương - Văn Danh - Anh Việt (Ghi)/ theo Dantri
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét