Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

AK: Vũ Hữu San - Còn uẩn khúc nào về Trận Hoàng-Sa?

Còn Uẩn-khúc nào về Trận Hoàng-Sa?
Vũ-Hữu-San
Cựu Hạm-Trưởng HQ.4
Lời giới-thiệu.
Tác-giả Vũ-Hữu-San là Cựu Hạm-Trưởng Khu-Trục-Hạm Trần-Khánh-Dư HQ.4. Với tư-cách là Sĩ-Quan Thâm-niên Hiện-diện trên Biển, Ông được chỉ-định làm Chỉ-Huy-Trưởng cuộc Hành-Quân Bảo-Vệ Hoàng-Sa. Quyền chỉ-huy này được HQ Đại-Tá Hà Văn-Ngạc đảm-nhận một ngày trước cuộc hải-chiến. Hạm-Trưởng San, khi được hỏi vào cuối năm 2003, đã cho rằng không còn uẩn-khúc nào về Hải-Chiến Hoàng-Sa. Theo Ông lúc này tài-liệu đã đầy-đủ và rõ-ràng, sẵn-sàng cho một quyển Sử mang đề-tựa “Hải-Chiến Hoàng-Sa” xứng-đáng với danh-xưng ra đời.

Tại sao Không viết hồi-ký Hoàng-Sa?
Trong thời-gian 30 năm qua, có nhiều bạn bè hỏi tại sao tác-giả bài này (Vũ-Hữu-San) không viết hồi-ký về trận Hải-Chiến Hoàng-Sa?
            Đại-Tá Hà-Văn-Ngạc có tới 25 năm để trần-trừ không viết về trận Hải-Chiến Hoàng-Sa, Ông viết. “Đã 25 năm kể từ ngày tôi tham-dự trận hải-chiến Hoàng-Sa, tôi chưa từng trình bày hay viết mô-tả lại về trận đánh này, ngay cả có nhiều lần tôi đã thất hứa với các bậc tiên-sinh yêu-cầu tôi thuật lại chi-tiết của cuộc đụng độ…” Nhưng trước khi qua đời ít lâu, Ông đã viết mấy bài khá dài về biến-cố đó. Đại-Tá Hà-Văn-Ngạc có nhiều điều suy-nghĩ cần được nói và Ông đã kịp viết ra. Nhờ đó mà chúng ta được nghe nhiều quan-điếm của Ông về trận chiến này

Trường-hợp cá-nhân Vũ-Hữu-San tôi có hơi khác. Tôi không phải là người viết văn, lại rất ngại thể “hồi-ký”. Một khi kể truyện mà có sự hiện-diện của mình, thì một cách rất bình-thường, người viết thường chủ-quan và cũng thường nói hay nói tốt cho mình. Với quan-niệm “không có gì lạ dưới ánh mặt trời” tôi cho rằng thời-gian không chôn vùi bí-mật. Tôi lại hy-vọng có ai đó “ngẫu-nhiên” viết ra hết để mình khỏi viết[18]… Thời-gian 30 năm qua nhanh, nhờ một số trang internet Trung-Cộng, khi viết về HQ Trung-Cộng, họ đã ngẫu-nhiên “viết hộ cho vai trò của các chiến-hạm HQVN” mà tôi có can-đảm cầm cây viết “phụ” hôm nay cung-cấp tài-liệu để cùng cây viết đa-tài Trần-Đỗ-Cẩm, cùng hy-vọng hoàn-thành tác-phẩm “Hải-chiến Hoàng-Sa”.

Không còn uẩn-khúc
30 năm sau trận Hải-chiến Hoàng-Sa, trí nhớ của từng cá-nhân tham-dự có thể lu-mờ nhưng tài-liệu chúng ta thu-góp được đã gia-tăng đáng kể. Trong giai-đoạn 5 năm sau quyết-định cầm viết của Đại-Tá Ngạc, nhiều điểm trước đây được coi là bí-mật hay uẩn-khúc, nay đã được đưa ra ánh-sáng. Cá-nhân chúng tôi lúc xưa, cũng thường thắc-mắc vài chi-tiết, thì hôm nay tất cả những điều đó đã được giải-đáp.
Người ta có thể nhìn Hải-chiến Hoàng-Sa trên các khía-cạnh khác nhau. Với kiến-thức sâu sắc hơn, nhiều người hôm nay hay ngày mai, đặc-biệt là các Sử-gia, Nhà Bình-luận, Người Nghiên-Cứu… còn đi tìm thêm nhiều yếu-tố khác nữa chăng? Tuy-nhiên trên cương-vị của một quân-nhân thi-hành thượng-lệnh trong nhiệm-vụ giới-hạn nhỏ bé, tôi may mắn hơn Đại-Tá Ngạc, vì hôm nay còn tại-thế để tìm-hiểu, yên-tâm nghĩ rằng mình đã kiếm ra đủ những gì mình cần biết.
Vậy có thể phát-biểu theo tình-huống cá-nhân là chẳng còn tí uẩn-khúc nào về trận Hải-Chiến Hoàng-Sa này nữa. Tôi cộng-tác với “Nhà Nghiên-Cứu Hải-Chiến Hoàng-Sa” Trần Đỗ Cẩm nhưng sẽ không viết hồi-ký mà chỉ đi theo với Anh trong tư-cách một người bạn truy-tìm tài-liệu và cùng Anh duyệt xét suy-đoán, cũng như đánh-giá lại những gì đã thu-thập.
            Theo cách nhìn và khả-năng giới-hạn của một quân-nhân, ngoài những tài-liêu được mọi giới công-bố trước đây (ước-lượng chừng 15 bản)[19], cá-nhân chúng tôi đã thu-góp được thêm những tài-liệu quan-trọng, hầu hết là nguyên-bản sau đây:
- Công-Điện Hành-quân: Ngày 18.0020H/01/74
- Công-Điện Hành-quân: Ngày 18.2330H/01/74
- Về Lệnh Hành Quân Bảo-Vệ Hoàng-Sa của BTL/HQ/V1ZH ngày 16/1/1974, soạn thảo bởi Khối Hành-Quân V1ZH, Phó-Đề-Đốc Hồ-Văn Kỳ-Thoại ký, chỉ-định HQ Trung-Tá Vũ-Hữu-San HQ.4 làm Chỉ-Huy-Trưởng Hành-Quân với nhiệm-vụ bảo-vệ Quần-đảo Hoàng-Sa. Bản chính tuy mất nhưng SQ và Nhân-viên soạn-thảo còn nhớ nhiều chi-tiết, quan-trọng nhất là cựu TMP/HhQ: HQ Trung-Tá Nguyễn-Mạnh-Trí - SQ trình-duyệt và một người nữa, cựu Hạm-Trưởng HQ.4: Vũ-Hữu-San – SQ thi-hành Lệnh Hành-Quân trên.
- Phúc-trình “Diễn-Tiễn Hành-Quân Hoàng-Sa” của HQ.5, số 001/HQ5/PT/K ngày 23/1/1974.
- Phúc-trình “Hành-Quân Hoàng-Sa” lên BTL/V1ZH của HQ.4, ngày 22/1/1974. Phần chính bị mất nhưng những phần phụ-bản quan-trọng còn lưu giữ lại được như: Sơ-đồ Thiệt-Hại HQ.4 với vị-trí của 912 lỗ thủng và vết đạn Trung-Cộng lớn nhỏ trên vỏ tàu, báo-cáo của Ban Kỹ-Thuật Chiến-hạm, diễn-tiến hoạt-động phòng-tai ngày 19-1-1974 chi-tiết đến từng phút.
- Báo-cáo của Toán Đổ-Bộ đảo Cam Tuyền[20], HS1 Bí-Thư (Nguyễn-Văn) Thắng HQ.4 ngày 23 tháng 5 năm 1974. Chi-tiết được viết theo thể Hồi-ký “Những Người Về Từ Hoa-Lục Đỏ”. Sinh-hoạt của toán 14 người kể từ khi HQ.4 đuổi tàu Trung-Cộng ra xa, đổ-bộ trấn-giữ đảo Cam-Tuyền đến khi bị bắt đưa về Trại Thu-Dung Tù-Binh, và được trao trả ngày 27-2-1974.
- Thơ của Đại-Tá Nguyễn-Viết-Tân CHT/ Sở Phòng-Vệ Duyên-hải nói đến những quyết-định sáng suốt và kịp thời của Hạm-Trưởng HQ.4 khi điều-động các toán đổ-bộ Biệt-hải và Hải-kích trong sáng ngày 19-1-1974, nhờ đó cứu sinh-mạng người sống, giảm-thiểu sự hy-sinh vô-ích.
- Hình từ Khu-Trục-Hạm Trần-Khánh-Dư HQ.4 chụp các chiến-hạm Trung-Cộng như tàu 402 Nam Ngư 1, 407 Nam Ngư 2, Kronstadt 271, Kronstadt 274, chiến-hạm tiếp-tế…
- Chang Yung-Mei. Battle of the Hsisha Archipelago- Reportage in Verse. Peking. March 10, 1974. tập Thơ “Hải-Chiến Tây-Sa Quần-Đảo” của Trung-Cộng.
- Hinh-ảnh trên Website của Trung-Cộng: Kronstadt tơi-tả , được tàu dòng đưa về bến.
- Chừng 20 tài-liệu phụ-thuộc như bản đề-nghị thăng-cấp, tuyên-dương công-trạng đơn-vị và cá-nhân hữu-công, thơ bày tỏ sự ngưỡng-mộ HT của TL/Hạm-đội, thơ thông-báo tin-tức của Tham-Mưu-Phó CTCT Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân...
- Đáng kể nhất là “bất-thường” về những tài-liệu chúng tôi mới tìm ra của phía Hồng-Quân Trung-Hoa. Cách viết của họ tỉ-mỉ chi-tiết như “kiếm-hiệp Kim-Dung”. Những điểm “thắc-mắc” còn lại có thể tìm thấy một phần lớn câu giải-đáp qua một tập sưu-tầm gồm nguyên-ngữ Hoa-Văn và dịch-thuật Anh-ngữ chừng 600 trang giấy khổ 5.5 X 8.5. Tình-trạng và vị-trí của Hộ-Tống-Hạm Nhật-Tảo HQ.10 cũng được họ kể lại.
- Ngoài ra Đặc-San Lướt Sóng các năm 1974, 1975 và Đặc-San hội Cựu Quân-Nhân Hải-Quân VNCH năm 1974 với các bài phỏng-vấn, đặc-biệt cung-cấp chi-tiết về các hoạt-động chiến-hạm trong hải-chiến. Chi-tiết về kỹ-thuật hải-pháo 76.2 ly bắn nhanh của HQ.4 khá minh-bạch.


HQ.10, chiếc Hộ-Tống-Hạm anh-dũng nằm lại Hoàng-Sa

Chi-tiết chính-xác
            Điển-hình cho những điều rõ-ràng[21] mà chúng tôi sẽ công bố tương-tự như vài đoạn tóm-tắt sau đây:
(a) Hệ-thống chỉ-huy
Thủy-thủ đoàn tác-xạ theo lệnh Hạm-Trưởng. Hạm-Trưởng nhận lệnh bắn từ CHT/ Hành-Quân. Chỉ-Huy-Trưởng nhận lệnh từ Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng Duyên-Hải. Vị Tư-Lệnh này thi-hành chỉ thị của Tổng Thống VNCH, vị Tư-Lệnh tối-cao của Quân-đội theo đúng Hiến-pháp của Quốc-gia. Không có uẩn-khúc gì để mà phải đặt giả-thuyết này hay nêu giả-thuyết nọ. Chính-xác là Hệ-thống quân-giai mà thôi.
Đến đây tưởng cũng nên ghi nhận một điểm son về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khi Ông đích thân thăm viếng BTL/HQ/V1DH để duyệt xét tình hình và ra lệnh cho Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, TL/HQ/V1DH toàn quyền hành động[22], kể cả việc xử dụng võ lực với Hải-Quân Trung-Cộng để bảo vệ Hoàng Sa[23].
(b) Sơ-đồ vị-trí vận-chuyển chiến-hạm được tái-tạo rõ ràng nhờ các yếu-tố chính-xác như sau:
(1) Vị-trí khởi-sự và vị-trí chấm-dứt cuộc Hải-Chiến là tọa-độ được trong ghi Nhật-ký Hải-hành và bản Phúc-trình của HQ.5
(2) Khoảng chạy tác-chiến (30 phút) của KTH hình vòng cung (quay qua phía Đông Bắc) 10 hải-lý, TDH (quay qua hướng Tây) 8.5 hải-lý, để gặp nhau lại và theo lệnh di-tản của CHT/HhQ. Vòng quay chiến-thuật của KTH và TDH rộng hẹp ra sao phải được tôn-trọng.
(3) 912 vết đạn trên vỏ tàu HQ.4 cho thấy rõ ràng sự vận-chuyển và hướng đi của HQ.4 ảnh-hưởng ra sao đến sự vận-chuyển và hướng đi của chiến-hạm Trung-Cộng.
(4) Vị-trí nào khi hỗn-chiến, trái đạn 127 ly của HQ.5 đã vô-tình trúng vào HQ.16.
(5) Những tài-liệu chi-tiết để bổ-túc cho sơ-đồ này phù-hợp thế nào với nội-dung (rất phong-phú) của các websites Trung-Cộng.
(c) Huyền-thoại Không-trợ và Phản-lực cơ F5
Nỗi khát-khao không-trợ đối với các đơn-vị ta ngoài Hoàng-Sa to-lớn đến như thế-nào? Tường-trình quân-sự các năm 1974-1975 đều nói là phi-cơ F5 chỉ có thể yểm-trợ trong vòng 5 tới 15 phút mà thôi vì khoảng-cách từ Đà-Nẵng tới Hoàng-Sa quá xa so với nhiên-liệu dự-trữ. HQ Đại-tá Hà-Văn-Ngạc viết: “Tôi vẫn tin rằng khi loan tin việc phi-cơ cất-cánh, Tham-Mưu-Phó Hành-Quân (thuộc Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân) đã cho rằng tin này có thể làm cho tôi vững-tâm chiến-đấu…”
            Chúng ta đang sống trong thế-kỷ 21, những điều tương-tự thế này không còn là huyền-thoại nữa. Duyệt lại tài-liệu, bấm vào máy tính là có ngay…


Chúng tôi sẽ công bố phương-cách phân-tích và tổng-hợp các yếu tố phức-tạp đã tạo nên Sơ-đồ Vận-chuyển chiến-hạm, cũng như trình-bày các diễn-tiến Hải-Chiến rõ-ràng khác trong cuốn sách “Hải-Chiến Hoàng-Sa”, dự-trù ra mắt trong vòng 5 năm sắp tới. [24]

Cơ hội khôi-phục lại phần đất bị chiếm
Tiêu-đề bài viết ngắn ngủi này là “Còn uẩn-khúc nào về Hoàng-Sa?” theo quan-điểm một người lính chiến, câu trả-lời khẳng-định là KHÔNG.
Kết-luận như vậy đã có. Nhân cơ-hội này, chúng tôi xin nêu lại một vấn-đề quan-trọng trong tương-lai. Đó là: Cơ hội khôi-phục lại Hoàng-Sa.
Theo di-cảo của Đại-Tá Hà-Văn-Ngạc: “Dù thắng hay bại, chỉ có một điều duy-nhứt không thể chối cãi được là các chiến-hữu các cấp của Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa trong trận hải-chiến đã anh-dũng chiến-đấu bằng phương-tiện và kinh-nghiệm có trong tay để chống lại một kẻ xâm-lăng truyền-kiếp của dân-tộc hầu bảo-vệ lãnh-thổ của Tổ-quốc. Trước một thù địch có sức mạnh gấp bội, dù cuộc chiến có hạn-chế hay kéo dài hoặc mở rộng, phần cuối là chúng ta vẫn phải tạm lùi bước trước các cuộc cường tập của đối phương để tìm kiếm một cơ hội thuận tiện khác hầu khôi-phục lại phần đất đã bị cưỡng chiếm”.
            Những người Hoàng-Sa năm 1974 ấy nay đã già, chúng tôi những mong mỏi hậu-thế tiếp-tục tìm kiếm cơ hội khôi-phục lại phần đất, phần biển đã bị cưỡng chiếm.

Vũ-Hữu-San




 

[1] Y-Khoa nói bệnh-lý đau-đớn cũng như bị hoạn chăng? (xem footnote số 2, tiếp theo).
[2] Bác-sĩ Ngô-Thế-Vinh đã mô-tả bệnh-trạng một nhân-vật tên Kham thuộc HQ.4 như: Sau trận chiến Hoàng Sa, bản thân Kham đã phải qua một chặng đường đau khổ. Trong nhiều tháng như vậy nếu không là những đêm dài mất ngủ thì là sự lặp lại của những cơn ác mộng khác nhau của tấn thảm kịch Hoàng Sa…Người bác sĩ tâm thần giải thích là Kham đang mang nỗi ám ảnh thường xuyên của người đàn ông bị hoạn – castration… (Ngô-Thế-Vinh. Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng. Westminster. Tháng 10-2000)
[3] Cũng Bác-sĩ Ngô-Thế-Vinh đã mô-tả thảm-trạng của Kham như sau: Mặc cảm phạm tội luôn luôn đeo đẳng Kham cho dù chẳng ai trách cứ anh, lại còn có người choàng hoa cho anh - một vòng hoa cho người chiến bại. Kham chỉ còn một an ủi mình là một quân nhân kỷ luật, anh chỉ biết nghe theo lệnh cho đến phút cuối!
[4] Ngoài mấy cây súng nhỏ mà chỉ trong năm ba phút giao-tranh là tàu địch đã ra ngoài tầm bắn, HQ.4 chúng ta chỉ có hai hải-pháo 76.2 ly bắn nhanh mà thôi, Chỉ với 2 cây súng “không có radar viễn-khiển” như vậy mà Trung-Cộng đã ngán! Công-lao chiến-trận Hoàng-Sa, nếu như theo truyền-thống Nhà Nguyễn  ít nhất phải được phong tới “Thiên-lôi Ðại-Tướng-Quân”!
[5] Chang Yung-Mei. Battle of the Hsisha Archipelago- Reportage in Verse. Peking. March 10, 1974.
[6] Xem tiếp các đoạn sau về việc Quân-Ủy Trung-Ương của Trung-Cộng chỉ-thị việc này.
[7] Thân-sinh tác-giả có lẽ không rõ chuyện này. Thật ra Quân-Ủy Trung-Ương có Ye Jianying, Deng Xiaoping chỉ-thị trực-tiếp việc chận đánh KTH Trần-Khánh-Dư. Xem tiếp các đoạn sau sẽ thấy rõ vai trò này !
Ye Jianying, một trong 9 vị Thống-Chế cao-cấp nhất khai-quốc của Hồng-Quân Trung-Hoa được coi là chủ-chốt, đặc-trách nghiên-cứu chiến-lược, chuyên-chú theo dõi viêc bành-trướng Hải-Quân. Sau đó ít lâu, vì không đồng-ý với Deng Xiaoping (Phó Thủ-Tướng số 2), vị Thống-Chế Phó Thủ-Tướng số 1 của Thủ-Tướng Chu-Ân-Lai rút lui dần-dần. Ngôi sao bản-mệnh của Deng Xiaoping thêm sáng, cho đến 1979, quyết-định đánh Việt-Nam để dạy Hà-Nội bài học…
[8] Thật ra HQ.10 chỉ bị cháy nhưng không chìm. Website TC cho biết đến buổi chiều, phân-đoàn khác của TC tới bắn-phá tiếp HQ.10.
[9] HQ Đại-Tá Hà-Văn-Ngạc ghi-nhận công-trạng HQ.4 trong việc chận tàu cá, thành-công trong việc chiếm-đóng đảo. (Tuyển-Tập Hải-Sử HQVN)
[10] Translated From http://www.ccjs.net/1117/171/23.HTM: According to the instruction from superiors spirit, the command hunts for the submarine rapidly closes up, monitors the enemy 4th command ship motion, takes strict precautions against the enemy warship the suddenly attack.
[11] Phần dịch Anh-ngữ dưới đây. Translated from: http://www.ccjs.net/worldnews/data/20020409111550.htmThe Central Military Committee established the leading group war for the west sand. By Zhou Enlai, Ye Jianying , in the leading group had Deng Xiaoping and at that time steals occupies wants the position Wang Hong Wen, Zhang Qunqiao.

[12] Đến thời-điểm này, Ông Trần-Đỗ-Cẩm được coi là Nhà Nghiên-Cứu hàng đầu, đáng tin-cậy nhất về vấn-đề này.
[13] Khác với tình-trạng các bạn ta, vết đạn TC trên chiến-hạm ta đủ khắp mũi lái, tả cũng như hữu-hạm (Sơ-đồ thiêt-hại ghi-nhận tới 912 lỗ thủng và vết đạn lớn nhỏ)
[14] Đặc-biệt, tình-trạng Hải-pháo 76.2 ly không có chút gì thay đổi, nghĩa là HQ.4 vẫn không nhận được cơ-phận Radar kiểm-pháo thay-thế cho đến ngày cuối cùng 30-4-1975 của VNCH.
[15] Bệnh-trạng của nhân-vật điển-hình cho nhân-viên tên Kham được Bác sĩ Ngô-Thế-Vinh diễn-tả như sau: “Người bác sĩ tâm thần giải thích là Kham đang mang nỗi ám ảnh thường xuyên của người đàn ông bị hoạn - castration: trên con tàu anh là cấp chỉ huy bị giải giới, trong gia đình anh đóng vai người đàn ông bất lực...Không chỉ bằng thuốc, anh còn được giúp cho trở lại thăm một nơi giống như chiến trường cũ, ném xuống những vòng hoa nơi vùng biển sâu nơi con kình ngư Ngụy Văn Thà và đồng đội đã chọn ở lại. Điều trị bằng catharsis – (nhờ) cách sổ ấy anh đã ra khỏi cái Hội chứng sau chấn thương - PTSD, anh tìm lại được sức mạnh tiềm tàng của bản thân, của đời sống gia đình và anh thực sự bắt đầu làm việc trở lại.
Trong suốt bấy nhiêu năm như mệnh lệnh của trái tim anh đã không ngừng thu thập những dữ kiện phong phú về biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa mà anh biết rõ là đang tuột dần ra khỏi chủ quyền của Việt Nam không biết tới bao giờ. Anh ngẫu nhiên và cũng là bất đắc dĩ trở thành một học giả - thứ danh xưng quá lớn chạm tới lòng khiêm tốn mà người ta cứ gán cho anh - và anh được coi là tiếng nói có thẩm quyền về các vấn đề liên quan tới biển Đông (Ngô-Thế-Vinh. Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng. Westminster. Tháng 10-2000)
[16] Sau 30 năm, một đồng-đội cũ HQ.4, Nguyên-Nhi vẫn ảo-giác: …Nhưng bây giờ nghĩ cũng kỳ, thỉnh thoảng anh ta lại thấy chính mình vừa độ thanh niên. Mắt sáng. Tóc bồng. Bây giờ, cũng kỳ, thỉnh thoảng anh ta lại thấy con tàu đương thời thiếu nữ. Ngực nở. Môi tươi. Anh ta thấy mình đang trụ đầu pháo tháp, vỗ mạn tàu mà ca. Anh ta lại nghe lại một hồi còi u u trầm mặc. Tiếng còi tàu mở đầu một cuộc ra khơi đồng thiếp. Anh ta viết tiếp:
Ðể khật khưỡng chiều say trên xứ lạ
Thấy mơ hồ một chiến hạm ra khơi... (Nguyên Nhi, 5.2001)
[17] Như trong bài đã nói, tài-liệu Hoa-ngữ khá dài, nhiều chi-tiết rất thích-thú. “Mạng Lưới Hoàng Trường HQ.4” sẽ tiếp-tục viết tiếp khi cơ-duyên tìm gặp được sư-phụ Hán-học.
[18] Tôi không giám chắc-chắn rằng lúc sắp qua đời có phải vội vàng viết để cuộc ra đi sang thế-giới khác được nhẹ nhõm hay không?
[19] Những tài-liệu Hoàng-Sa xuất-hiện trong Tuyển-Tập Hải-Sử (sẽ xuất-bản tại California năm 2004) gồm có:
Trận chiến Hoàng-Sa.
Hà-Văn-Ngạc. Trận chiến lịch-sử Hoàng-Sa.
Đào-Dân. Tuần dương hạm HQ 16 và trận hải-chiến Hoàng-Sa Ban Biên-Tập Hải-Sử. Một vài uẩn khúc trong trận Hoàng-Sa. Đề Đốc Trần văn Chơn, Tư Lệnh Hải Quân Tiết Lộ Về Trận Hải Chiến Hoàng Sa.
Vương-Văn-Hà. Người về từ Hoàng Sa.
Nguyễn-Đông-Mai. Lần đào thoát ở Hoàng Sa
Phạm-mạnh-Khuê. Hành-quân Trần-hưng-Đạo
Vũ-Hữu-San. Điếu văn tưởng nhớ Chiến-Sĩ Hoàng-Sa
[20] Có 14 báo-cáo của 14 cá-nhân riêng-rẽ trong toán đổ-bộ gửi Hạm-Trưởng HQ.4. Bản của Bí-Thư Thắng may-mắn còn tồn-tại trong hồ-sơ cá-nhân của Vị này.
[21] Quan-trọng hơn sự thắng-thua trong trận chiến, ý-nghĩa Hải-Chiến Hoàng-Sa về “quyền lợi của dân tộc” cũng rõ ràng như Bình luận gia Frank Ching đã nhận định: "Thuở ấy, Hà nội thường thích mô tả các viên chức của miền Nam như là những tay sai của Mỹ đã bán đứng những quyền lợi của dân tộc Việt Nam. Nhưng cũng ngay từ đó, những lời cáo buộc ấy đã không nhất thiết đứng vững. Giờ đây, 20 năm sau, thật rõ ràng là đã có những lúc chính quyền Sài gòn thực sự đại diện cho quyền lợi của Việt Nam một cách ngoan cường hơn là chính quyền Hà nội." (Far Eastern Economic Review số ra ngày 10-2-1994).
[22] Có một câu hỏi cho Phó Đề-Đốc Hồ-Văn Kỳ-Thoại, Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng 1 Duyên-Hải như sau: Lệnh Hành-Quân Bảo-Vệ Hoàng Sa có được trình trước cho Tư Lệnh Hải Quân không?
Ông Thoại trả lời: Tôi nghĩ là không, vì lý do tôi có trách nhiệm bảo vệ Hoàng Sa và với tư cách Tư Lệnh Hải Quân Vùng và Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Nhiệm, tôi không cần trình BTL/HQ.
[23] Trần Ðỗ Cẩm. Trận Hải-Chiến Hoàng-Sa theo Tài-liệu Trung-Cộng.
[24] Sách “Hải-Chiến Hoàng Sa” sắp xuất-bản có mục tiêu tối hậu như là một tập tài liệu trung thực, khách quan và khả tín được ấn hành bằng song ngữ Việt – Anh với nhiều phụ bản, hình ảnh, phóng đồ v.v... để các thế hệ mai sau cũng như các sử gia trên thế giới có thể dùng làm tài liệu tham khảo... Mục đích trên có thể đạt được hay không còn tùy thuộc vào yếu tố thời gian, hoàn cảnh cũng như phương tiện cho phép.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét